Trang:Nho giao 3.pdf/182

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

182
NHO-GIÁO


xét, chỉ nói biết cái cớ u minh, mà không nói biết cái cớ hữu vô. Cái mà đầy trong khoảng trời đất là pháp-tượng mà thôi. Xét cái vẻ, cái vết không có con mắt không rõ được. Lúc có hình, thì có thể lấy mà biết cái nguyên-nhân của sự u; lúc không có hình thì có thể lấy mà biết cái cớ của sự minh.

« Cái khí tán tụ đối với Thái-hư cũng như băng tuyết đối với nước. Biết Thái-hư là khí, thì không có cái vô. Cho nên thánh-nhân nói cái cùng-cực của tính và thiên-đạo, là cho hết cả ở cái thần của số ba và số năm[1], chỉ có biến đổi mà thôi. Chư tử (Lão, Trang và Phật) đều là thiển vọng, cho nên mới chia ra hữu vô, thế là không phải cái học cùng lý vậy.

« Thái-hư là cái khí rất thanh. Thanh thì thông, thanh cực thì thần. Do Thái-hư mà có tên gọi là Trời, do khí hóa mà có tên gọi là đạo. Hợp cái hư với cái khí mà có tên gọi là tính, hợp tính với tri-giác mà có tên gọi là tâm. »

Theo cái thuyết ấy, thì Trời và đạo, tính và tâm là phần linh-diệu ở trong vũ-trụ, cùng đồng một thể cả. Dẫu có chia ra trăm đường nghìn lối, chung qui vẫn là Thái-hư. Thái-hư có cái thần hóa, biến ra âm dương, rồi bởi hai khí ấy mà sinh ra trời đất và vạn vật.


  1. Ba là Thái-cực và lưỡng nghi; năm là ngũ hành.