Trang:Nho giao 3.pdf/283

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

283
NHO-GIÁO


bản-tâm của ta quan-hệ với nhau là thế nào, ông chỉ xướng lên điều đó rồi để cho học-giả tự lý-hội lấy mà hiểu. Dương Từ-hồ mới diễn rõ cái nghĩa vũ-trụ với lý và tâm tại làm sao mà nói là một. Từ-hồ đem hẳn cái tư-tưởng vào cõi siêu-vật, mà cho các hiện-tượng ở trong vũ-trụ không ra ngoài được cái tâm của ta. Ngoài cái tâm ra, thì không biết được có gì hay không. Ta cảm-xúc với ngoại vật là do ở các giác-quan, nếu các giác-quan chỉ cho ta biết những cái ảo-tượng mà thôi, thì ta lấy gì mà quyết chắc những ngoại vật xác-thực là có? Có một điều không thể chối là không được, là ta có cái tâm, làm cho ta có sự tư-tưởng, có sự hiểu biết. Dẫu trời đất và vạn vật mà không phải như là ta đã biết, mặc lòng, ta có cái tâm để tư-tưởng đến những điều ấy là cái thật có rồi. Cái tâm của ta đã có, thì trời đất và vạn vật phải có, mà trời đất và vạn vật cùng với cái tâm của ta là một ý vậy. Đó là cái tư-tưởng cao-siêu của phái tâm-học đời Tống, dẫu triết-học nào theo con đường ấy, đi đến đó cũng phải dừng lại vậy.

Phái lý-học của Tống-nho rút lại như ta đã xét ở trên, gồm có hai phần: Một phần là