Trang:Nho giao Phu luc.pdf/11

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

13
PHỤ-LỤC


đạo-lý. Bởi vậy cho nên chữ intuition có ba nghĩa. Một là nói về trực-giác đối với sự vật, thì gọi là intuition sensible; hai là nói về trực-giác đối với trí-tuệ, thì gọi là intuition intellectuelle; ba là nói về trực-giác đối với đạo-lý thì gọi là intuition morale. Nay ta lấy chữ trực-giác mà chỉ nghĩa chữ lương-tri cũng không là sai, vì rằng Mạnh-tử giải nghĩa chữ lương-tri là « bất lự nhi tri ». Đã không nghĩ mà biết thì muốn gọi là lương-tri hay là trực-giác cũng đồng một ý, hà-tất phải phân-biệt chữ mới chữ cũ.

Phan tiên-sinh nói rằng lương-tri nói về tánh. Trước hết phải nên hiểu chữ tánh của ta thường dùng với chữ tánh của Mạnh-tử khác nhau xa lắm. Ta thường gọi tánh là sự khuynh-hướng về thiện về ác, tức là gồm cả nết hay nết dở của người ta. Mạnh-tử gọi tánh là cái lý bản-nhiên của trời phú cho người ta, tức là cái bản-thể của tâm, nói cách khác là cái thần-minh sáng-suốt, khiến ta biết rõ những điều nhân nghĩa lễ trí. Lương-tri là cái biết tự-nhiên về những điều nhân nghĩa lễ trí ấy, mà những điều ấy gồm cả trí-tuệ và đạo-lý. Thế mà Phan quân lại nói rằng lương-tri chỉ nói về tánh, còn trực-giác là cách nhận biết của nhà triết-học, nói như thế thì thật tôi không hiểu.