Trang:Phật giáo.pdf/34

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

thụ những sự ích-lợi. Nhẫn-nhục hay là tinh-tiến cũng vậy, nếu không có những đức ấy, thì bao nhiêu công-việc khó-khăn to lớn đều không sao làm được. Người nào đối với ngoài mà không có nhẫn-nhục và đối với trong mà không có tinh-tiến, đều là người làm hỏng việc hết cả. Ấy là nói đại-lược những cái đức-tính của người thường cần phải có, thì mới thành người hay, người tốt. Còn như những người đã chân-thực tu-hành theo phép nhà Phật, tất phải là người có tính-khí rất cương-kiện và có tư-cách rất đặc-biệt thì mới có thể thấy được đạo.

Xem đạo-lý và phương-pháp thực-hành của Phật-giáo như đã bàn đó, thì đạo Phật trước sau cầu lấy cái biết mà phá cái mê. Về đường luân-lý thực-tiễn, thì lấy cái sức mạnh tự-do của mình mà giải-thoát lấy mình. Phật là bậc đại-giác đã được cái sáng chân-thực rồi, bảo đường chỉ nẻo cho chúng sinh để ra khỏi chỗ mù-mịt tối-tăm. Phật cứu-độ chúng sinh là tựa như người khỏe-mạnh thấy những kẻ già-yếu ốm-đau, đi một mình không được, thì dắt cho mà đi; hoặc như người chở chiếc thuyền thấy có đám người đang đắm-đuối ở chỗ sóng gió, ghé thuyền lại cứu-vớt để chở sang bến yên-lặng. Song tự mình có muốn đi tới nơi, thì mình phải cố-gắng mà đi, rồi người kia mới dắt được mình đi, hoặc tự mình có muốn đến chỗ yên-lặng thì mình phải cố sức bơi lên, rồi người kia mới vớt được mình lên thuyền.

Đạo Phật không phải là chỉ để ai có lễ-bái cầu-nguyện thì Phật mới độ, mà ai không lễ-bái cầu-nguyện thì Phật bỏ. Người lễ-bái cầu-nguyện suốt đời mà cứ theo tư-dục làm điều tàn-ác, thì dầu

34