Trang:Phật giáo.pdf/64

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

sự biết sáng-suốt là tự nó đủ làm cho ta giải-thoát được mà thôi.

Có Hữu, có Sinh, là có khổ; làm cho không có Hữu, không có Sinh, là giải-thoát. Song sự giải-thoát không phải là chỉ phá lấy một đoạn trong mười hai đoạn, nghĩa là không phải tự-hủy tự-hoại cái bản-thân của ta hay một phần nào trong bản-thân mà giải-thoát được. Sự tự-hủy tự-hoại thân-thể của ta lại buộc chặt ta vào trong luân-hồi khổ-não, cho nên đạo Phật lấy sự tự-hủy tự-hoại thân-thể làm tối kị. Muốn giải-thoát thì tự tâm ta phải làm cho sáng-tỏ ra, rồi phá dần cho hết các nhân-duyên, không để nó trói-buộc được ta nữa. Khi các nhân-duyên đã phá tan rồi thì lúc ấy ta không mắc vào cuộc biến-hóa nữa, ấy mới thật là giải-thoát.

Sự giải-thoát ấy cốt ở cái lòng tin có sự tự-do, khiến ta cố-gắng mà tìm cách giải-thoát. Dù rằng khi ta đã mắc vào trong cái luồng bánh xe đang quay của tạo-hóa, ta không thể làm cho cái bánh xe ấy đứng-dừng lại được, nhưng ta có thể làm cho ta ra ngoài cái luồng ấy mà không mắc vào nữa. Ấy là nhờ cái sức tự-do mà gây thành một mãnh-lực để tìm cách giải-thoát ra ngoài cuộc luân-hồi sinh-tử vậy.

Thuyết Thập-nhị nhân-duyên bao-quát cả hai phương-diện: khách-quan và chủ-quan. Khách-quan là cho ngoài cái tâm của ta còn có cái thế-gian mà ta có thể xúc-tiếp và cảm-giác được. Tuy thế-gian ấy là ảo-vọng nhưng ta vẫn cho là có, bởi vì các hiện-tượng có thể cảm đến ta mà gây ra cái tư-tưởng của ta. Chủ-quan là cho thế-gian mà có là do sự xúc-tiếp và sự cảm-giác gốc ở lục-căn. Nếu không có lục-căn thì thế-gian không thật là có nữa.

64