Trang:Phật giáo.pdf/84

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

« Hữu » là cái « có » trong thế-gian, tức là vạn vật. Cái « có » ấy tuy là vô thường vô định, cứ tiếp-tục biến-hóa luôn, hết kiếp nọ đến kiếp kia, nhưng vẫn là « có », có một cách tương-đối chứ không phải là cái « có » tuyệt-đối. Dứt được cái « hữu » tiếp-tục sinh-hóa, thì vào niết-bàn là cái « vô ».

Phật-giáo Tiểu-thặng còn phân ra hai thứ niết-bàn: một là niết-bàn trong đời sống của ta, vì có sự giác-ngộ mà bỏ hết sự ảo-vọng, hết lòng ham-muốn, yêu-thích, hết lòng sân-khuể. Hai là niết-bàn sau khi chết rồi, ngũ-uẩn lìa tan mà vào chỗ tịch-mịch.

Cái quan-niệm ấy của Phật-giáo Tiểu-thặng khác với cái quan-niệm của Phật-giáo Đại-thặng, cho thế-gian như ta tưởng-nghĩ, chỉ là cái kết-quả sự tưởng-tượng của ta mà thôi. Phật-giáo Đại-thặng nói rằng sự mê-hoặc của ta và sự mờ-tối của cái trí ta gây thành một ảo-tượng giữa ta với thực-tại. Sự thực thì thế-gian và thực-tại là một, chứ không có hai. Nói rằng trong thế-gian có « hữu » và « vô » như bên Tiểu-thặng là không đúng chân-lý.

Phật đã nói: Ai biết rõ cái hiện-thực, thì không có « hữu » và « vô », vì đã bất sinh bất diệt, thì cái ý-tưởng « hữu » và « vô » chỉ là một mộng-tưởng mà thôi. Luân-hồi là mê-hoặc, niết-bàn là giác-ngộ, hai phương-diện của một sự thực.

Khi Phật đã đắc đạo ở dưới cây bồ-đề và định đi thuyết pháp để cứu-độ chúng sinh, ngài nói rằng: « Cửa bất sinh bất diệt phải mở rộng ra! » Cửa bất sinh bất diệt mở rộng ra, làm dứt hết sự cấu-tạo hành-động (samskara), bỏ hết các thuộc-tính là nguồn-gốc, cơ-sở sự sinh-tử, trừ hết lòng ham-muốn khao-khát, tiêu-diệt hết các tình-dục, ấy là được yên-vui, tức là niết-bàn.

84