Trang:Phat giao dai quan.pdf/10

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 8 —

có một điều hiển-nhiên ai cũng công-nhận, là đạo Phật là một đạo từ-bi bác-ái, dạy người ta phải thương-yêu lẫn nhau, không những thương-yêu lẫn nhau, lại thương-xót cả đến hết-thảy các giống sinh-vật trong trời đất, từ con sâu cái kiến trở lên. Ngày nay phong-hội càng mở-mang, cạnh-tranh càng kịch-liệt; sự cạnh-tranh đó là hay, là cần, vì không cạnh-tranh thời khó sinh-tồn được; nhưng ngoài cái thì-giờ cạnh-tranh cũng nên di-dưỡng tính-tình, cho trong lòng được thư-thái, nếu lúc nào cũng chỉ trì-trục trong vòng danh-lợi, nhọc-nhằn về sự đua-chen, thời làm người có khác gì một giống vật khổ-sai, ở đời còn có phong-thú chi nữa? Cho nên trời nắng trang-trang, đi trên đường cái, trông thấy cái bóng cây mát muốn nghỉ chân, đó là thường-tình của con người ta. Cũng vì thế nên bước chân vào nơi chùa cổ, thấy bình-tĩnh mát-mẻ trong lòng; thoạt nghe thấy tiếng chuông chiều, thấy lâng-lâng sạch hết mùi tục; ấy tôn-giáo cảm-hóa lòng người như thế. Tôi thường nghe nói các ông phú-thương bên nước Mĩ, mỗi ngày cầm mấy trăm vạn quân là những đồng hoa-viên mà ra quyết-đấu trong trường thương-chiến, khí cạnh-tranh hăng-hái biết là bao; vậy mà sớm nào chiều nào cũng vào nhà thờ ngồi tâm-niệm trong một giờ hay nửa giờ đồng-hồ, gọi là tắm cho linh-hồn, để cho tinh-thần được tỉnh-tao khoan-khoái hơn. Như vậy thời giữa lúc xã-hội ta đương nồng-nàn náo-nhiệt như bây giờ, giảng-cứu về đạo Phật không hẳn đã là trái với phong-trào, với thời-thế.

Còn điều thứ ba, là giảng-thuyết về tôn-giáo không