phiên-vương tranh nhau mua-chuốc, sách cổ lúc ấy đã thành một vật rất quí. Vì vậy, mới có những kẻ chế ra sách giả.
Hồ-Thích, một nhà học-giả trứ-danh ở Tầu hiện nay, đã chia bọn này ra làm hai hạng. Một là người có tư-tưởng, muốn đem nó ra sửa lại cuộc đời, nhưng sợ không có người theo, mới phải viết sách mà mượn tiếng cổ nhân. Hai là một bọn con buôn, chỉ chuyên bán sách lấy lợi, hoặc là soạn hẳn ra cuốn sách giả, hoặc là nhân có vài thiên sách cổ mà viết thêm cho thành một cuốn sách giầy, để được nhiều tiền.
Tào-tụ-Nhân trong cuốn Quốc-cố-học-đại-cương lại thêm một hạng người nữa, là người soạn ra sách giả để đón ý-muốn của chủ. Theo ý Tào, thì khi Vương-Mãng định cướp ngôi vua nhà Hán, Lưu-Hâm là tay giúp việc cho hắn. Vì cái tâm lý muốn rằng các việc đều phải bắt trước đời xưa, Lưu mới lợi-dụng cái ngôi Hiệu-trung bí-thư của mình mà tự soạn ra sách cổ, hoặc tự chữa lại sách cổ để làm hậu-viện. Những sách ngày nay gọi là cổ-văn, như sách Chu Lễ, sách Tả truyện.... đều ở tay Lưu mà ra tất cả.