Trang:Quan tri chu nghia va Dan tri chu nghia.pdf/26

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 24 —

nước, mà nó có biết thương nước thì một ngày kia mới mong tự-do độc-lập được, chớ không thế thì cứ đời đời làm tôi mọi mãi.

Sao gọi là dân-chủ?

Câu này ở Âu-châu thì không cần phải cắt nghĩa cho nhiều, nhưng mà ở trong xứ mình thì tôi cắt nghĩa mau mau để cho người ta hiểu cái đại-lược.

Lịch-sử. — Bất cứ là dân nước nào, số người học-thức cũng là phần ít cả, thường thường nhờ cái đảng thượng-lưu trung-lưu dìu dắt nó đi, ấy là lẽ thường. Nhưng mà duy có dân Âu-châu khác với dân ta có một việc: là từ khi bắt đầu mới khởi ra thì họ cũng sùng-trọng quân chủ; nhưng không biết thế nào đến hồi nước Hy-lạp họ lại có cái hội gọi là Trưởng-giả-hội-nghị, thì do ông vua nhóm họp lại những tụi quý-tộc mà lập phép-luật ban cho dân: lại có một cái hội tên là Quốc-dân-hội-nghị, phàm những luật-lệ mà ông vua cùng mấy người quý-tộc đã đặt ra thì phải giao cho hội ấy xem-xét có bằng lòng thì mới được làm. Sau đến nước La-mã thì có hội-nghị. « Một-trăm-người », thì lấy trong quân-lính mà sắp đặt ra hội ấy, phàm xứ ấy có việc gì thì hội ấy bàn. Còn sau đến hồi dòng vua La-mã đã mất rồi, thì có một cái hội « La-mã nguyên-lão-viện » lại một hội « La-mã bình-dân-viện ». Cho nên sau khi La-mã đổi làm đế-quốc chuyên-chế mà cái phép La-mã cũng phát đạt luôn luôn. Bây giờ các nước đâu đâu cũng bắt chước La-mã cả.