Trang:Tan Da tung van.pdf/21

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 19 —

nhầm thời sẽ là tôi tớ sách vở vậy. Những nhời nói của thánh hiền mà thường là có hại, những việc làm của kẻ gian-hùng mà thường là có ích, chỗ đó phải nên xét; không xét thời sẽ nhầm, nhầm thời sẽ là tôi tớ sách vở vậy. Sách vở đã là sản-nghiệp của có, nếu ta chỉ đem hết tinh-thần mà học, không biết dùng quyền-lợi của ta mà lấy cái đó để tự nuôi tinh-thần thời chỉ như « đứa ở giữ tiền », ấy tức là tôi tớ sách vở vậy. Học sách mà tự làm tôi tớ sách, ấy chỉ bởi mình tự coi không có mình, ấy là tự-khinh, ấy là không tự-trọng. Chúng ta muốn tự-trọng, nên không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ sách vở.

Không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân lý. — Nói đến nghĩa không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân-lý, liệu có người mới thoạt nghe mà lấy làm kinh-hãi, cho là phá luân-thường, hủy đạo-lý. Một sự kinh-hãi đó, có khi cũng là phải; song ai thử tĩnh mà nghĩ lại: Luân-thường đạo-lý, đặt ra để làm gì? Chẳng cũng là trỏ cho người ta cái đường ngay nhẽ phải, cho người ta được theo đó mà ở đời, cho không thẹn với sự làm người du? Đã như thế thời luân-thường đạo-lý, nếu có lúc không nên theo mà cũng tất phải cứ theo du? Nếu tất cứ theo, chẳng là tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân-lý mà thêm làm lụy cho luân-lý du? Nghĩ luân-lý của thế-gian xưa nay, thường lấy cha con, vua tôi, anh em, thầy trò, vợ chồng, bè bạn làm trọng; vậy mà suốt bấy nhiêu cái luân-lý thực đều có lúc không thể theo. Nay thử lấy những người từng không theo luân-lý mà xem