Trang:Vi nghia quen tinh.pdf/48

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 42 —

« Trường-khanh thời ít, Sở-khanh thời nhiều » cho nên vẫn chịu trông vời cố-quận mịt-mù mắt xanh » mà thôi! Than ôi! lương-tâm chưa đến mất, nghề mới dẫu thạo nghề, song những khi đèn mờ đêm vắng, soi gương luống những lệ sa ròng-ròng. May đâu gặp được một người qua chơi thấy cũng yêu vì, xét ra là người khá-giả, đem tâm-sự giãi tỏ thời người đó vì Tuệ-Châu mà thảo hộ mấy bức thư, bức thời gửi về cho mẹ cha, bức thời gửi cho các công-sở (nào tòa Án, nào sở Cẩm) mới thoát được cái vực tối-tăm, lại được nhìn nhận mẹ cha, trong 7 năm giời xa cách đến nay, cửa nhà đã khác những ngày năm xưa! Người ấy là ai? Là một ông cử thiếu-niên đỗ khoa thi trường Nam năm.... họ là Trịnh hiệu là Bái-Tần, là chồng Tuệ-Châu sau này đó.

Than ôi! Trinh-danh dẫu mất, mà lương-tâm chưa mờ, thời dù bề ngoài có ong-bướm gió-trăng, song đóa trà-my vẫn còn chưa ngỏ, dẫu thân sa vào đám Bình-khang, mà lòng vẫn gửi ở nơi khuê-các, ông Cử thiếu-niên kia cũng không phải là lấy vợ thừa thế-gian. Thôi! người năm ba đấng, của tám vạn loài, chưa hẳn là ở chốn Bình-khang thuần-thị là những con người vô-liêm-sỉ, song-le chơi hoa phải biết mùi hoa, trăm năm tính cuộc vuông tròn, chớ nên có lấy dục-tình làm chủ-định. Thỏa một cơn thích lòng, nhưng bị âu-sầu mãi mãi. Nghĩ truyện nhà ông Tú-Nguyễn-Ngọc cũng nên đem làm gương cảnh-thế.

Năm 1920.

CÔ ĐẦU TUYẾT

(Câu chuyện của cô đầu Tuyết tự-thuật)

Từ khi em bước chân đi hát cầm vững thìa rượu thời lại đổi tên ra làm Tuyết. Đằng-đẵng mấy tháng giời ở phố Hàng Thao Nam-định, tuổi ngồi tính đốt đã đôi mươi, mà thanh-danh vang động trong làng chơi thời hơn cả chị em.