Bước tới nội dung

Trang:Viet Nam Su Luoc, Quyen 2, 1928.pdf/58

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 51 —

luật chặt tay và đổi lại như là ai phải chặt hai bàn tay và phải lưu đi viễn-châu thì cải làm tội đồ chung thân; ai phải chặt một bàn tay và phải lưu ngoại-châu thì đổi làm tội đồ 12 năm; ai phải chặt hai ngón tay trỏ và phải lưu cận-châu, thì đổi làm tội đồ 6 năm. Còn như ai phạm tội trộm cướp thì không kể vào lệ ấy.

Ông Trịnh-Tạc lại định ra hai phép xử kiện. Chia những việc kiện tụng ra làm hai thứ. Những việc mưu, sát, đạo, kiếp thì gọi là đại tụng; những việc hộ, hôn, ẩu-đả thì gọi là tiểu tụng. Quan xử kiện mà không hợp lẽ thì phải phạt tiền, còn những việc đã xử phải lẽ rồi, người đi kiện còn đi kiện nữa, thì người ấy cũng phải phạt tiền.

Những việc án mạng, trộm cướp và những việc hộ, hôn, điền thổ thì phải theo thứ tự mà xét xử. Như việc án mạng thì quan phủ huyện xét rồi, đệ lên để Thừa-ti 丞 司 và Hiến-ti 憲 司 hội đồng xét lại. Việc trộm cướp, ở Kinh-đô thì do quan Đề-lĩnh 提 領 xét lại, ở các trấn thì do quan Trấn-thủ 鎮 守 xét lại.

Phàm những việc đại-tụng tiểu-tụng mà ở huyện, phủ hay là ở Thừa-ti, Trấn-ti xử không xong thì đến Hiến-ti xét lại. Ở Hiến-ti không xong thì đến Giám-sát 監 察 xét lại. Ở Giám-sát và Đề-lĩnh không xong thì đến Ngự-sử-đài 御 史 臺 xét lại.

Những việc nhân mạng thì hạn cho 4 tháng, việc trộm cướp điền thổ thì 3 tháng, việc hôn-nhân ẩu-đả thì 2 tháng, chứ lệ không cho để lâu, làm mất công việc của dân.

6. Thuế đinh, thuế điền và sưu dịch. — Trước tệ cứ sáu năm làm sổ hộ tịch một lần, rồi cứ tùy số dân đinh nhiều ít mà đánh thuế, gọi là « quí 季 » đồng niên mỗi tên đinh cứ tùy hạng, hoặc đóng một quan hay là một quan tám tiền, tức là thuế thân. Đến năm kỷ dậu (1669) đời vua Huyền-tông, quan Tham-tụng là ông Phạm-công-Trứ 范 公 著 xin đặt ra phép bình lệ 平 例, nghĩa là làm sổ đinh nhất định một lần, rồi làng nào phải đóng bao nhiêu suất đinh, cứ theo như thế mà đóng mãi chứ có đẻ thêm ra cũng không kể, mà có chết đi cũng không trừ.