Tuyết hồng lệ sử/11
Thu 秋 tâm 心 hai chữ chắp nên chữ sầu. (愁)
Tháng chín thì quít đỏ trôn,
Tháng mười thu hết lại càng sầu hơn.
Hôn-nhân tưởng đến nguồn cơn,
Thạch-si đã sắp quan-sơn tới nhà.
Người ta hết thu thì hết buồn, mà tôi thì vẫn buồn vì Thạch-si hẹn đến tháng mười về, lo rằng việc hôn-nhân của Quân-Thiến xong quách mất. Nhân khi buồn có nghĩ một bài từ tiếc-thu như sau này:
(điệu phá-tề-trận)
Bãi cát vẽ tranh cò trắng,
Bên sông ánh dáng chiều vàng.
Sườn núi lá rơi,
Chân mây nhạn lạc.
Nghìn thu trải mấy tà-dương?
Tịnh dầu hoa nở ghen cho kiếp,
Đến kiếp phù-dung thật đoạn-trường!
Tiếc thu, thu chẳng thương!
Quyển nhật-ký này của tôi lại qua mười hôm nay bỏ chưa chép được, vì Thạch-si chuyến này về chỉ được hạn mười ngày rồi phải đi, mà cái việc hôn-sự của tôi cũng phải vội-vàng mà làm cho xong việc. Trong mấy ngày ấy, bụng rối bòng-bong, nên nhật-ký cũng không kịp chép, nay Thạch-si đi vắng rồi, tôi mới có thì giờ để chép. Giá người ta chép những công-việc trong mười ngày ấy thì đem những lời vui-vẻ, đem những sự hạnh-phúc để tô-điểm cái văn nhật-ký, nhưng trong mười ngày ấy cái việc đính-hôn của tôi thì thật một sự tôi bất-như-ý, sầu-khổ thì có, chứ còn vui mừng gì, tội-lỗi thì có, chứ còn hạnh-phúc gì! Quyển nhật-ký này tôi cũng chỉ chép qua, không muốn chép kỹ làm gì cho đau lòng.
Hôm Thạch-si mới về. Lê-Ảnh nhắn tin ngay cho tôi để giục tôi cái việc hôn-nhân ấy, nhưng mà nước lã ao bèo, tan đnhiều hợp ít; ngọn đuốc tây-song quấn quít, bài thơ hồng-iệp thẹn-thò. Nghĩ tình riêng thì thành ra mình phụ Thạch-si nhiều lắm.
Đại-phàm người ta gặp những sự được hả bụng, thì dẫu đến bước đi bước đứng, tiếng cười tiếng nói, cũng trái hết cả khí-độ ngày thường, những tình-ý ấy, tôi chắc cũng không thể che mắt Thạch si được.
Thạch-si về được ba ngày, ngày nào cũng tiếp chuyện với tôi, khi thì bàn những chuyện mây gió năm châu, khi thì kể những chuyện anh-hùng bốn bể.
Lời bàn như rót vào tai, mà tôi như nước đổ lá khoai lạ-lùng!
Có lúc Thạch-si nói đến mười câu, mà tôi chỉ đáp lại một hai câu, trong lòng rộn rịp quá. cũng có lúc muốn thừa-cơ để nói các việc ấy, nhưng lại ngọng lưỡi không nói được.
Đã mấy lần như thế, đến chiều hôm thứ ba Thạch-si mời tôi sang chơi đưa vào cái buồng vắng uống rượu.
Mới uống được một chén Thạch-si dừng đũa hỏi tôi rằng: Bác có biết cái ý tôi hôm nay mời bác sang chơi hay không?
Tôi đáp rằng: — Thật quả chưa biết.
Thạch-si nói rằng: Tôi có một sự ngờ, muốn hỏi bác. Nhưng trong nhà tràng đông người, không tiện nói chuyện. Bây-giờ tôi xin lỗi bác nhé nếu bác có thật lòng tin tôi thì có điều gì khác bác nói cho tôi nghe.
Tôi nghe nói rồi ngạc-nhiên. Ô hay! Lời nói Thạch-si lạ quá, đường-đột quá! Hay có việc gì quan-hệ đến mình chăng? Đoạn rồi tôi đáp lại rằng: — Bác ngờ tôi việc gì, nếu việc gì tôi có biết thì thật không dám giấu bác.
Thạch-si nhìn tôi tủm tỉm cười rằng: — Cái việc tôi muốn hỏi là về phần việc của bác. Tôi hỏi nhé: bác sang ở nhà ông Thôi từ bao giờ?
Tôi nghe đến câu ấy ghê mình dựng tóc gáy. Chết nỗi! Cái việc này dễ đã có ai nói chuyện với Thạch-si chăng, nên mới hỏi như thế. Nghĩ bụng Thạch-si rất là một người anh-hùng, chứ không như thằng Lý Kỷ-sinh, thì dẫu nói thật cũng không sao; và mình còn đang chực nhờ người ta, nếu không nói thật thì sao cho được việc.
Nghĩ đến đấy tôi mới định-thần mà đáp rằng: — Vâng, sau khi bác đi du-học độ ba bốn ngày thì thấy ông Thôi đón tôi về để dạy riêng thằng cháu. Từ đấy sang ngụ ở nhà ông cụ Thôi ngay. Tôi đã mấy lần gửi thư trình bác, bác quên rồi ư?
Thạch-si nói rằng: — Tôi đã biết, nếu thế thì bác ở nhà ông Thôi đã được chín tháng rồi có phải không? Tôi hỏi bác như thế thật đường-đột, bác đừng ngờ bụng tôi, xin bác thử nói thật cho tôi nghe, may mà tôi giúp được bác cũng nên.
Khi Thạch-si nói chuyện, tôi xem ý rất chân-thành, vậy tôi quyết lòng để thú thật, rồi nói lược qua những sự đầu đuôi ấy cho Thạch-si nghe. Thạch si giật mình rằng: — Ô chà! Có thế à? Tôi với bác thật là biết bụng nhau, thảo nào từ tháng tư tháng năm đến giờ những thư-từ gửi cho bác, thường thường gửi hai ba lần mới thấy trả lời một lần, mà những lời trong tờ xem có ý vẩn-vơ bối-rối, tôi vẫn có ý ngờ vì Bạch phu-nhân (Lê-Ảnh là người tài cao lại hóa chồng sớm, bác ngồi dạy cháu ở nhà trong khuê-khổn một người tài-sắc, ngoài tường hoa một khách văn-chương:
Giai-nhân tài-tử một phường,
Gợi lòng mỹ cảm vì đường văn-thơ.
nên khiến bác tính-tình điên-đảo mà sinh uất-ức. Khi tôi còn ở bên Đông, tôi đã đoán chừng như thế, đến khi về thấy Lý Kỷ-sinh mách tôi rằng bác có một sự ám-muội, nhưng tôi chắc rằng Bạch-phu-nhân là người rất tốt, tài-sắc cao hơn Đạo-Uổn. tính-tình khác hẳn Văn-Quân, mà bác thì tuyết sương sửa chí, vàng ngọc giữ mình, chắc không đến nỗi bắt chước như Tư-Mã Tương Như ngày trước, vậy lời Kỷ-sinh tôi có dám tin đâu.
Tôi đáp lại rằng: — Đa-tạ bác có cái lòng biết đến tôi, tôi bình-sinh thật không có sự gì phải giấu giếm ai cả, nhưng mối sầu dang-dở khôn dại linh-tinh.
Chót đa mang lấy chữ tình,
Một duyên hai nợ tại mình kêu ai?...
Thạch-si nói rằng: — Thế thì có phải tự bác mua lấy cái phiền-não hay không? Đã biết rõ rằng không nên mà sao lại còn dùng cái tình vô-vị như thế? Tương-tư bày một cuộc cờ bác định kết-cục thế nào cho chính-đáng?
Bấy giờ tôi mới đem cái ý của Lê-Ảnh thuật hết cả với Thạch si và nói rằng: — Cái sự này thật là Lê-Ảnh ép, tôi không thể sao tránh thoát được; vậy quan bác có thể thay tay nguyệt-lão mà xe giây cho tôi hay không?
Thạch si vỗ tay mà nói rằng: Hay lắm! Tốt lắm! Nếu thế thì cái việc này tôi không dám từ chối. Thế này thì không khác gì là một tấn kịch vậy. Trong một lát mà người đang khóc lại hóa cười, đang buồn lại hóa vui, thật là lạ quá, thú quá! Nhân-phẩm của bác, tài học của bác, kén được rể như thế còn đâu bằng; mà cô kia cũng gương trong ngọc chuốt, tài-sắc không kém gì người chị dâu. sánh với bác thật là đẹp đôi tốt lứa. Để sáng mai tôi sẽ ướm ý ông Thôi xem thế nào; mười phần cũng có lẽ được tám chín.
Chiều hôm ấy tôi với Thạch si ngồi nói chuyện lan-man đến mãi non nửa đêm mới về. Cũng còn nhiều câu chuyện khác nữa, nhưng không can-thiệp đến việc của tôi, nên tôi cũng không nhớ hết.
Đến quá trưa hôm sau, thấy Thạch-si đưa thư sang trả lời tôi, ý nói ông Thôi thì rất bằng lòng lắm chút vì Quân-Thiến tập-nhiễm lối tân-học, say lòng chữ tự-do, mà ông Thôi chỉ có một người con gái quý-hóa ấy, nên không muốn ép-uổng; ông ấy đã dặn Lê Ảnh gửi thư bảo Quân-Thiến nếu được tờ trả lời bằng lòng thì là việc xong.
Tôi nghe tin ấy hơi mừng thầm, vì nếu Quân-Thiến say lòng tự do thì chưa chắc việc đã xong, mình cũng dủ tắc-trách với Lê-Ảnh được.
Nga-hồ thuyền bến gần kề,
Hôm sau Quân-Thiến đã về đến nơi.
Sao không viết thư trả lời mà thân-hành về như thế là ý làm sao? Thật không hiểu được. Tôi chắc rằng Quân-Thiến về để phá ngang cái việc ấy thì chắc sự không xong
Ngờ đâu sáng sớm hôm sau ông Thôi cho người sang mời Thạch-si đến cười nói vui-vẻ, và nói Quân-Thiến bằng lòng, vậy nay ông Thôi xin nhận lời. Tôi lấy làm lạ quá. Thạch-si đem cái tin ấy sang trả lời tôi, xem có ý rất mừng cho tôi, mà tôi thực là đờ-đẫn cả người; nhưng anh em đã nói giúp xong việc rồi, vậy tôi cũng phải đem lời cảm tạ Thạch-si. Cất lời cám ơn mà trong ruột đau-đơn, khi ấy Thạch-si giá có ý nhằm tôi hẳn trông thấy nét mặt tôi như tro nguội vậy.
Việc hôn-ước đã định rồi, ý tôi thì sợ rằng đất khách chân nẫng, lễ-nghi sửa soạn, nhiều điều không tiện, muốn để đến ra giêng sẽ làm lễ ăn hỏi. Nhưng Lê-Ảnh nhất-định không nghe, mà Thạch-si cũng phải kêu rằng sắp đến ngày đi vắng không thể đợi được, cũng giục tôi nên làm ngay đi. Mấy hôm ấy tôi một mặt thì nhờ Thạch-si sắm-sửa công-việc, một mặt thì gửi giấy trình mẹ tôi và anh tôi, túi-bụi mất hai ngày bận quá. Công-việc xong cả rồi, thì Thạch-si cũng cất bước ra đi.
Dắt tay nhau chốn hà lương,
Mấy phen ly hợp đôi đường bắc nam,
Quãng này quyển nhật-ký của tôi, thật là một quyển sử rất thương-tâm. Đương lúc bấy giờ duy còn một việc cần phải chép; vì khi trước tôi có đưa bài từ « Tiếc thu » để trình Thạch-si, có một hôm Thạch-si lại mời tôi sang nhà uống rượu, trời lạnh ngăn-ngắt, tuyết sa mù mù, chén rượu ngà ngà, lòng thơ phơi-phới, Thạch-si thừa-hứng làm một bài từ để đáp lại bài « Tiếc thu » của tôi như sau này:
(điệu nhất-tiên-mai)
Gió bấc hây-hây tiễn gió thu,
Tuyết trắng phau-phau,
Mai trắng phau-phau;
Cố-hương phong-cảnh nhớ bấy lâu.
Liễu trụi bên cầu,
Mây phủ đầu cầu,
Hồ bể công danh chửa bạc đầu.
Thu đi không sầu,
Đông lại không sầu,
Tiếc thu nào đã biết thu đâu.
Bạn ta yêu nhau,
Bạn ta tiếc nhau!
Trong mười ngày hôm nay, thốt-nhiên mà mối vợ, thốt-nhiên mà ăn hỏi, thốt-nhiên mà Thạch-si ở Đông về, thốt-nhiên mà Quân-Thiến ở Nga-hồ về; công-việc rộn rịp như thế mà tôi thì vẫn lạnh-lẽo nhạt-nhẽo như không.
Bây giờ việc đã xong, chắc Lê-Ảnh đành lòng lắm, tôi tuy rằng chưa được đành lòng, nhưng phàm việc gì làm cho Lê-Ảnh được đành lòng, thì tôi cũng xin phải đành lòng; tôi cứ vất hẳn mình tôi đi thì thôi!
Nhân phú một bài thơ gửi cho Lê-Ảnh.
Thơ rằng:
Đã chót thương nhau phải hết lòng,
Nợ trời toan muốn gỡ cho xong;
Đổi tay loan phượng tình khôn đổi,
Chung-chạ uyên-ương phận chẳng chung;
Trách chị trăng già xe chỉ thắm,
Đố cô gió cả chắp cành hồng;
Tình duyên ấy thực tình duyên lạ.
Vui-vẻ xui nên sự não-nùng!
Chưa thấy Lê-Ảnh họa thơ, chợt đã tiếp được cái thư Tĩnh-Am gửi sang; bạn cũ tình-thâm, đường xa vắng mặt, trông bức thư như trông thấy người, mừng lắm mở ra xem: thơ như sau này:
« Đầu núi bông mai, sông Ngô hoa Đại. Thu đi đông lại, cảnh-tượng nay lại khác cảnh-tượng hôm xưa. Trước mặt bóng câu thấm-thoắt, nhớ người tri kỷ xa xa. Thấy cảnh động tình, xiết bao là nỗi trù-trướng. Bữa hôm nọ tiếp được bác gửi cái thư, lòng xưa quyến-chú, nghĩa cũ ân-cần, tôi lấy làm mừng quá, quí quá; lại được cái tin bác độ này bệnh cũ đã yên, mưa thu mát-mẻ, câu ca đang họa, bóng xuân la-đà; thật là tôi vui lòng biết chừng nào! Trộm nghĩ quan bác lâu nay: cái cảnh trái với cái lòng, chữ tài ghen chữ mệnh; Phan-nhạc tóc đà bạc sóa, Dữu-lang tuổi vẫn chưa già; khóc mình rồi lại khóc người, giọt lệ hòa cùng giọt máu!
« Đêm thơ ngày rượu, nay thảm mai sầu. không trách cất ngòi bút thì toàn là những lời tiêu-tao cả. Cái nợ chung-tình chính là cái nợ của phường anh em chúng ta, tôi có dám trách bác đâu; nhưng mà: hoa rụng nước trôi, sự đó thật là vô-nại; nhà nghèo mẹ yếu, thân này chưa được tự-do, đạo trời chưa biết thế nào, việc người cứ phải cho hết. Huống chi: nhà vàng đợi khách, Oa-hoàng kia là đá vá trời; đài ngọc thêm hoa, mảnh gương nọ là trăng tròn mãi. — Lại được: xem những bài của Thạch-si xướng-họa với bác thật là: chủ khách sớm khuya. văn thơ thù-đáp, khi ngâm gió mát, luc vịnh trăng trong; hồng-trần lại gặp tri-âm, bạch-tuyết thiếu gì người họa; nghĩ đến đây tôi lại vừa ghen với bác, mà thèm với bác nữa.
« Than ôi! Sóng xuôi bèo ngược, hương lửa ba sinh, cũng là phận mệnh cả.
« Còn về phần tôi ngâm tàn rượu hết, một đèn một bóng, ngồi trơ một mình; nhớ bác quá, mong bác qua, bác có yêu nhau xin gửi thư luôn luôn về cho nhé!