Bước tới nội dung

Tuyết hồng lệ sử/10

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tháng chín

Bước sang mùa thu này, duyệt lại quyển nhật-ký, bao nhiêu những thơ-từ đều là những khúc thương-tâm. Than ôi! nhà thơ hay mắc cùng sầu, lòng thu thì thật khốn-khổ. Trong đời được mấy nhà thơ, mà sao tôi cứ học nghề khốn-khổ, khi ngâm lá rụng, lúc vịnh cúc gầy, bụng nghĩ lao-tao, hồn thơ hì-hục, nghĩ cũng buồn cười.

Sáng hôm nay thấy Lê-Ảnh gửi cho tôi một bài từ

(điệu lâm-giang-tiên)

Một trận gió thu hồn chợt tỉnh;
Xin nhau giọt lệ chung-tình.
Con tằm móc ruột mối tơ mành,
Lòng sầu ghê chữ nghĩa,
Đừng vịnh lúc đêm thanh.

lại kèm thêm một cái tờ rằng:

« Tiếp luôn được mấy bài thơ và từ, tôi đã đang buồn mà anh lại làm cho tôi nát ruột, thế thì anh định đem bao nhiêu những giọt lệ giọt máu vẩy hết cả cho tôi mới hả hay sao? Thôi, trời thu đã tàn rồi, anh nên trân-trọng lấy mình, đừng ngâm thơ lắm mà thương-tâm. Tôi vẫn thương anh lắm, tiếc anh lắm, mấy hôm nay gió mưa phiền-não, sắp sang đến tiết trùng-dương, anh có còn hứng xem hoa cúc không? Cõi đông nọ tiết trời đã muộn, chị Hoàng-hoa chưa mượn bác làm thơ. Sao anh khốn-đốn làm vậy, tôi cũng không phải là người ít tình, năm canh một bóng, tay cầm quyển sách nhớ ai, anh cứ tự-phụ là đa-tình, nhưng xin chớ cười tôi là phá-hoẵng... »

Ngày xưa ông Khuất Nguyên gặp buổi cùng-sầu, phiền-não việc đời, xót thương thân-thế, mấy khúc Ly-tao làm tổ nhà ngâm vịnh, một ngòi bút, một thoi mực, người không mài mực mà mực lại mài người.

Văn chương làm hại hết đời,
Tay mài thoi mực mà mài đến xương.

Buổi chiều mưa gió như cắt lòng sầu, lẩn-mẩn nghĩ một bài từ viết gửi cho Lê-Ảnh như sau này:

(điệu cán-khê sa)

Bé nhỏ bây giờ chợt nghĩ ra.
Tưởng còn ngơ-ngẩn mới lên ba;
Non sông còn trẻ đã toan già.
Vịnh nguyệt ngâm hoa trời bắt tội,
Vườn thu ai vẽ được xuân-hoa;
Bán sầu khôn chuộc cái vui qua.

Hoa cúc gầy mòn, trùng-dương hẹn khách; vườn thu nhạt vẻ, đất khách đau lòng, trước tôi có bài từ gửi cho Lê-Ảnh, trong bài có câu rằng: Chén rượu mua sầu phụ với hoa, chắc Lê-Ảnh cũng biết rằng tôi hay chơi hoa, hôm nay thấy sai mang cho ôi một chậu cúc và một bài vịnh hoa cúc.

(điệu mãn-đình-phương)

Sắc nước lạ-lùng
Hương trời lạnh-lẽo;
Đem thân bạn với thu này.
Gió tây đã muộn,
Chờ đợi đến hôm nay.
Hỏi khách đông-ly tỉnh chửa?
Mộng phù sinh say độ mấy ngày?
Hoa cũng tệ,
Đau lòng ly-hợp;
Người đấy phụ hoa đây.

Lê-Ảnh đưa cho tôi mấy chậu cúc ấy rồi tôi nghĩ mà cảm-tình. sực nhớ câu Đường-thi rằng:

Yêu hoa có phải yêu riêng cúc,
Mùa cúc tàn xong thật hết hoa.

nghĩ đến sự đời mà chán quá!

Đã bận nằm sao cho ấm chỗ,
Đang sầu muốn uống cũng không say;
Cõi đời gặp những phường ma quái,
Giấc mộng ai ngờ sự rủi may.

Trận gió ạt ngang, cho thuyền quay lại, tối hôm nay tôi khêu đèn, cầm ngọn bút chép quyển Nhật-ký, trông lên trông xuống, trông ra trông vào, này cái bàn, này cái giường, này cái ấm, này cái chén, này cái điếu, này cái đèn. Ơ hay! lạ! không phải nhà ông Thôi nữa rồi!

Gió đưa người đến bắc nam.
Cái thân cơ-lữ hóa làm con chim.

Thì thành ra tôi đã ngồi ở nhà tôi rồi

Ai gọi mà tôi về thế này? Tại làm sao mà tôi phải về thế này? Ngẫm nghĩ một lúc thì ra tôi về nhà tôi đến hôm nay đã là ngày thứ ba, nhớ lại hôm trước tôi mới vực dậy, chợt có một người đến chỗ nhà học gọi tôi, nhìn ra chính là một đứa lái đò quen của tôi, tên là thằng Thuần, mấy bận trước tôi sang tràng học đây, cũng nó chở đò cả. Tôi hỏi: — Mày đi đâu? Mày hỏi gì? Mày ở đâu mà đến sớm thế?

Thuần nói rằng:

— Cụ bà sai đem đò sang đón cậu về ngay lập-tức.

Tôi hỏi: — Việc gì thế?

Thuần nói rằng:

— Cháu cũng không biết, cụ chỉ dặn cứ phải mời cậu về ngay.

Lạ quá! Tôi sợ quá! Chết! hay ở nhà có việc gì chăng? Cứ thế vùng dậy khoác áo mà ra đò.

Khi tôi ra đi thì sớm quá, cả nhà ông Thôi hãy còn ngủ chưa ai dậy, mà tôi cũng chưa kịp viết mấy hàng chữ đưa cho Lê-Ảnh.

Về đến nhà thấy mẹ tôi vẫn cười nói như thường, cả nhà đều bình-yên cả, trong bụng cũng hơi mừng, nhưng cũng không hiểu tại làm sao mà gọi mình về, một lát thấy mẹ tôi đưa cái tờ ra.

— Đây cái tờ của Lý Kỷ-sinh (là người phó-giáo-viên) gửi cho mẹ nói rằng con yếu nặng lắm, không muốn cho người nhà biết tin, vậy thầy ấy nhắn cho mẹ sai người đón con về. Con yếu lắm a? Sao không gửi tin cho mẹ biết? Đây tờ của Kỷ-sinh đây.

Tôi mở xem thì quả-nhiên nét chữ của Lý Kỷ-sinh thật, và những lời nói trong thư, cũng y như lời của mẹ tôi thuật lại. Tôi lấy làm lạ quá! Làm sao Lý Kỷ-sinh gửi bức thư này, mà không nói để cho tôi biết trước. Chết thật! Ô hay! Quái lạ! nghĩ đi nghĩ lại rồi hiểu ngay ra phải rồi.

Còn nhớ lúc tôi đang ốm, cứ chiều đến thì Kỷ-sinh sang thăm. Tôi nhớ có một bận Kỷ-sinh đang ngồi nói chuyện với tôi, Bằng-lang bỗng chậy sầm đến, tay cầm cái tờ đưa cho tôi mới nói được mấy tiếng rằng: Mẹ tôi bảo..... rồi trông thấy Kỷ-sinh mà tịt mất. Trong khi ấy tôi cũng nói suê-soa mà hỏi Bằng-lang rằng: — Giấy giây thép gửi cho thầy có phải không? Nhưng Lý Kỷ-sinh xem ý vẫn có lòng ngờ. Từ đấy thì cứ mỗi lần Lý Kỷ-sinh đến, khi thì cho quà, khi thì cho bánh, mà làm thân với Bằng-lang. Tôi thì có ngờ đâu cái bụng người gian. Than ôi! Lê-Ảnh ôi! Tôi làm khổ mình quá. Tôi không ngờ để cái quân gian nó giầy-vò mình đến thế này. Khốn-nạn! lái đò sang đón, bước chân đi chưa kịp nói với nhau một lời, chắc mình đau-đớn biết chừng nào.

Hôm nay là ngày thứ tư sau khi tôi về, đã non trưa, thấy bác Tĩnh-Am sang chơi. Ô hay! Tôi về thì có ai biết đâu? Sao Tĩnh-Am biết mà sang chơi?

Tĩnh-Am cũng hỏi rằng: Bác về bao giờ? Hôm nay tôi bắt được một việc lạ-lùng, là một cái tờ của người rất thân của bác gửi cho bác. Tôi không dám bóc ra xem, nhưng chắc có sự cần-cấp, sao bác còn ngồi thảnh-thơi làm vậy.

Tôi bóc ra xem thì thấy bao nhiêu giọt lệ giọt mực hoa cả mắt không nhìn thấy chữ gì nữa.

Thư rằng:

« Chuyến này anh về lạ quá, chả được một nhời bảo nhau, cho là có tờ mẹ gọi, nhưng sao lại vội đến thế? Hay có ai nói gì tôi chăng? Nhưng mà lo quá, giận quá, anh về thì về, nhưng cũng còn có khi lại đến nhà tôi, về thì lại sang, chứ đã hết đâu, sao lại dám đem cái tờ nhảm-nhí giao cho người khác gửi cho tôi? Sao anh không đưa tay cho tôi, mà lại gửi truyền cho ông Lý Kỷ-sinh? Anh có biết Lý Kỷ-sinh là người thế nào không? Anh đã chắc nó không bóc thơ của anh nó xem trộm à? Sao anh sơ-suất như thế? Ừ, anh không cần giữ danh-giá của anh đã vậy. Anh có nghĩ đến danh-tiết của tôi hay không? Cho rằng:

Văn thơ kết bạn trần-ai,
Dở hay bưng được miệng người ta đâu.

một cái tờ của anh, thì bằng anh giết tôi, thế anh định sử-trí tôi ra làm sao? Bây giờ việc đã quyết-liệt rồi, tôi còn mặt mũi nào trông thấy ai nữa. Thật tôi chưa có tội gì, mà anh làm hại tôi quá, nhưng tôi cũng có ý ngờ một chút rằng: Cái thư này so-sánh lúc thường của anh thì khác lắm, vậy tôi không hiểu ra làm sao cả. Bây giờ chỉ cần mong anh sang ngay lập-tức cho tôi biết rõ, rồi sẽ bàn đến chuyện khác, tấm lòng bối-rối, viết không thành chữ, chỉ cầm lại cái chết để đợi anh đây, anh ơi.

« LÊ-ẢNH thư »

Tôi xem hết cái tờ, lạ qua! tức quá! đứng giật lên rồi không biết làm thế nào.

Tĩnh-Am hỏi rằng: — Cái tờ thế nào mà đến thế?

Tôi đưa cả cho Tĩnh-Am xem. Tĩnh-Am cũng lấy làm lạ hỏi rằng:

— Thế thì vì sao mà bác về? Sao lại mượn Kỷ-sinh đưa tờ hộ?

Tôi nói rằng: — Khốn-nạn tôi có mượn nó đưa tờ bao giờ.

Tĩnh-Am nói rằng: — Thế thì lạ quá. Lối chữ của anh chắc Lê-Ảnh không còn lạ gì. Kỷ-sinh còn giả-mạo làm sao được.

Tôi thì ruột nóng như lửa, lại kể qua những duyên-cớ khi tôi sắp về và hỏi rằng: Bây giờ làm thế nào?

Tĩnh-Am nói rằng: — Đã thế thì bây giờ bác không ngồi yên mà để cho nó làm hại người ta thế được, phải kíp sang ngay xem làm sao, để liệu bài cứu gỡ.

Tôi nói: — Đã đành thế, nhưng mẹ tôi không cho đi thì làm thế nào?

Tĩnh-Am nghĩ một lúc rồi nói thế này: — Bác nên giả-mạo một cái tờ của người quản-lý trường học gửi cho bác, nói rằng có quan Học-chính sắp đến khám trường học, dẫu yếu cũng phải gượng mà đi, vân-vân, như thế thì được.

Tôi nói rằng: — Phải đấy.

Rồi Tĩnh-Am cũng đứng dậy trở về. Đến chiều tôi dùng cái kế ấy mà bẩm với mẹ tôi. Mẹ tôi cũng bằng lòng cho đi.

Sang đến nơi, lập-tức gọi Bằng-lang đến hỏi, thì thấy nó nhơ-nhác sợ-hãi mà đáp rằng: Thầy về khỏi. mẹ tôi cũng không biết vì sao mà thầy về. Đến chiều hôm sau thấy Kỷ sinh sang chơi trao cho tôi một cái giấy, bảo rằng: Đây là bài thơ của thầy gửi cho mẹ tôi, còn một cái thơ nữa thì thầy dặn thầy ấy phải đưa tận tay cho mẹ tôi. Tôi xin cả cái tờ ấy mang về, thì thầy cứ không nghe, nói rằng: cái tờ này quan-hệ lắm, không thể giao cho mày được. Tôi mang cái tờ ấy vào cũng thuật lại những lời ấy với mẹ tôi. Mẹ tôi xem qua rồi trừng mắt lên hình như giận, và hình như sợ, rồi sai tôi ra mời thầy Kỷ-sinh cứ về mà cũng không đòi xem cái tờ kia nữa.

Tôi thét lên hỏi rằng:

— Làm sao? Sao Lý Kỷ-sinh biết cái việc tờ-bồi đi lại, tất là mày nói hở ra có phải không? Duyên-cớ làm sao? Nói mau.

Bằng-lang biết rằng không thể chối được, rồi rơm-rớm nước mắt mà thú nhận, và xin rằng: Thầy đừng nói cho mẹ con biết. Tôi thở dài mà nói rằng: — Thế bây giờ mẹ mày làm sao?

Bằng-lang nói rằng: — Thầy Kỷ-sinh về khỏi, mẹ tôi đánh giấy ngay cho thầy, rồi thì ốm nằm liệt từ đấy.

Nói dứt lời thì thấy Thu-nhi gọi Bằng-lang, rồi Bằng-lang cũng theo Thu-nhi cùng vào.

Cơm chiều ăn xong, thấy Thu nhi sang hỏi tôi rằng:

Thầy đột-nhiên mà về, mợ tôi sốt ruột quá. Khi thầy về có gửi cái giấy nào cho Kỷ-sinh không? Trong giấy nói những gì? Mợ tôi dặn sang hỏi thầy, thế nào xin trả lời ngay để tôi về nói cho mợ tôi biết.

Tôi mới nói những sự tại làm sao tôi vội về, và thật quả không đưa giấy gì cho Kỷ-sinh cả.

Thu-nhi nói:

— Không, không, mợ tôi bảo rõ-ràng chữ thầy thật.

Tôi giật mình. Quái, lạ quá! Rồi bảo Thu-nhi rằng:

— Mày về xin mợ cái giấy ấy ra cho tao xem.

Mãi đến canh hai, thấy Thu-nhi lẻn đến nhà học sẽ bảo rằng:

— Mợ tôi bảo mời thầy vào chơi ngay để giáp mặt mà hỏi cái việc ấy. Tôi cần-kíp quá, quên cả sự tị-hiềm, cũng đứng lên đi ngay với Thu-nhi.

Đi qua hai ba lần cửa mới đến nơi, rồi Thu-nhi vào buồng mời Lê-Ảnh ra.

Tôi trông thấy Lê-Ảnh vội-vàng đứng dậy chắp tay mà chào, Lê-Ảnh cũng đáp lễ lại, rồi liếc mắt bảo con Thu-nhi kéo ghế mời tôi ngồi, Lê-Ảnh cũng cúi đầu ngồi mà chửa nói chuyện gì cả.

Mảnh trăng hôm nọ bóng hoa lê,
Gặp khách thuyền-quyên luống mẩn-mê;
Đang sướng làm sao mà khổ-não,
Bâng-khuâng ai gọi được hồn về.

Rồi xem có ý lạnh-lẽo nhạt-nhẽo lắm, tôi muốn hỏi lại chưa dám hỏi, nhưng Lê-Ảnh đã không nói, không lẽ mình im, rồi cất lời nói mà ngọng nhịu mấy câu thế này:

— Lúc nãy tôi có tiếp được Thu-nhi sang gọi, đã được nghe qua sự tình như thế, nhưng cái giấy nó đưa sang mợ đã nhận đích là nét chữ tôi, xin mợ cho phép được xem qua

Lê-Ảnh nghe nói rồi móc túi lấy cái giấy đưa Thu-nhi giao cho tôi, rồi cứ chống nẹ ngồi im không nói gì nữa.

Trời ơi! hay chữ là một sự rất hại, hay đề thơ là một sự hại, mua sầu chuốc giận, chén rượu câu thơ, viết buông tay thì thôi, còn ai nhớ làm gì nữa. Ai ngơ đến nỗi lỡ việc như thế này. Tôi mở giấy xem thì chính là bài thơ tôi viết đùa hôm nọ, xin chép lại như sau này:

Đêm nay còn được gập nhau đây
Ai biết yêu nhau đến thế này!
Bóng ngọc mùi hương tình đã mặn,
Gió thu ai buộc cái sầu này!

Tôi xem qua rồi tủm-tỉm mà nói rằng:

— Bài thơ này là khi trước tôi có họa bài thơ của ông Tùy-Viên, rồi viết đùa như thế, nhưng viết xong rồi vứt bỏ vào thùng giấy đã lâu rồi; ai ngờ bây giờ nó lại đem ra để đánh lừa mợ, xin mợ thử nghĩ xem, những lời nhảm-nhí như thế, khi nào tôi dám đưa cho mợ, mà đưa cho mợ để làm gì, thế thì tự-khắc xét ra, xin mợ lượng tấm lòng cho tôi thì tôi đa-tạ.

Lê-Ảnh ngẫm nghĩ một lúc rồi nói rằng:

— Anh nói cũng phải, nhưng sao Kỷ sinh biết cái việc của mình, xin anh nói cho tôi nghe.

Rồi tôi phải giấu cả việc Bằng lang đi mà đáp lại rằng:

— Từ hôm đưa giấy sang, bắt gặp Kỷ sinh ngồi đấy nên nó biết.

Nói xong, Lê-Ảnh giơm giớm nước mắt mà khóc, một lát cất tiếng nói rằng:

— Tôi đã là thân không ra gì, không biết giữ-gìn cái tình, vì thông minh mà uổng cái đời, thế là tôi làm hại anh, chứ không phải anh phụ tôi. Từ rầy trở đi mới biết rằng bể ái là nơi sóng gió, chả còn vui thú gì nữa.

Tôi đáp rằng:

— Mợ nói bao nhiêu tôi lại đau lòng bấy-nhiêu, cái oan này thì trời nào biết cho.

— Đoạn rồi, Lê-Ảnh gạt nước mắt ngồi im, lâu lâu một lúc rồi sẽ thở dài mà đáp rằng:

— Khuya lắm rồi, mời anh về nghỉ. Tôi cũng nhọc lắm.

Tôi cũng đáp lại rằng:

— Xin mợ đi nghỉ, đừng nghĩ ngợi gì nữa.

Rồi con Thu-nhi tiễn tôi ra về.

Hôm sau tôi ra nhà trường gặp Kỷ-sinh, Kỷ-sinh vội hỏi rằng:

— Ông sang bao-giờ?

Tôi đáp rằng: — Hôm qua.

Thế rồi thôi, không hỏi chuyện gì nữa; nghĩ mà buồn cười, Kỷ-sinh định làm hại tôi, mà hóa ra làm ơn cho tôi. Hôm nọ tôi ốm, Lê-Ảnh xin phép tôi sang thăm mà tôi không bằng lòng. Hôm nay tự-nhiên mà gặp nhau là tại ai, cũng là cái ơn của Kỷ-sinh.

Mặt trời sắp lặn, bóng chim thoi-thót về rừng. Đột thấy Lê-Ảnh gửi một bức thư như sau này:

« Gặp nhau thảng-thốt chưa kịp nói được câu gì, nên chỉ nhìn nhau mà khóc. Vì ai mà khổ? lại thẹn-thò cùng ai? Hôm qua anh về, tôi nghĩ mãi mới biết rằng tôi làm hại anh nhiều lắm. Giá không có cái biến-cục như thế này, thì cái việc của đôi ta cũng vẫn không thể lâu dài được, nhưng mà thôi, cái lầm đã chót, cái dại đã qua, ta sẽ tính cái khôn vậy. Cái việc nhân duyên của cô Quân-Thiến, anh nên kíp liệu đi. Tôi bây giờ sống ở đời chả được mấy ngày nữa, chỉ còn áy-náy một khối thịt bỏ ra mà thôi. Nếu anh làm xong việc ấy, thì Bằng lang cũng có phận nhờ, cho tôi giữ được cái mình trong sạch, xuống suối vàng để lại gặp được người bạn cũ, thì tôi cảm tạ anh lắm.

« Vả tôi nghe nói Tần Thạch-Si đi du-học cũng sắp về, thì anh nên cố nói để bác ấy giúp việc cho.

« Hoa mai sắp nở, xin chúc bình an ».

Cái việc Quân-Thiến tôi không thú một chút nào cả, nhưng không thể làm sao từ chối được nữa. Mà Lê-Ảnh cứ nói khốn-khổ mãi như thế, tôi cũng đành phải chịu vậy.

Gió tây một giấc mơ-hồ,
Chót rằng đã chót hẹn-hò cùng ai.
Chữ sầu đem cắt làm đôi,
Chữ thu ai viết lên ngồi chữ tâm.