Tuyết hồng lệ sử/12

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tháng mười-một

Cái việc Quân-Thiến về, tôi vẫn lấy làm lạ, nghĩa là bằng lòng hay không, chỉ gửi một mảnh giấy cũng đủ, việc gì phải thân-hành về? Tôi cứ tưởng rằng chắc là tại Lê-Ảnh bách-bức quá, nên phải kíp về, để mà phản-đối cái việc ấy; ngờ đâu đến lúc về mà lại bằng lòng ngay. Than ôi! biết đâu rằng lại có một sự lạ quá nữa; từ hôm Quân-Thiến về đến nay, đã hơn hai tuần-lễ, quá hẹn xin phép rồi mà vẫn không thấy vào trường học, thế là làm sao? Hỏi Bằng-lang thì nó nói rằng: « Cô tôi không muốn học nữa, hôm nọ đã làm tờ trình với quan đốc để xin thôi học, mẹ tôi ngăn mãi thì cô tôi cứ khóc mà không ăn cơm. » Tôi nghe câu ấy càng quái-lạ quá; một người con gái, đang trai-trẻ, đang sửa chí lập thân, cớ làm sao mà bỏ học? Lại cớ làm sao phải khóc-lóc, tất là có sự bất-đắc dĩ lắm. Sự bất-đắc dĩ ấy, chắc chỉ vì một sự kết-hôn, nên nguội cả cái lòng đi học, mà cảm-xúc đến cái thân-thế một đời. Nhưng cái sự ấy chỉ tại Lê-Ảnh cả. Quân-Thiến đã không thiết, mà tôi cũng không có lòng nào, cái lầm đã đúc nên khuôn, thì còn làm thế nào được nữa? Thành ra tôi và Quân-Thiến như pho tượng gỗ, hình như thằng bù-dìn.

Chắc rằng Quân Thiến oán tôi, mà tôi thì biết oán ai bây giờ?

Hôm chủ-nhật ước độ lúc quá trưa, tôi ngồi buồn quá, đi tản-bộ ra vườn sau, nghe bên nhà trong thấy văng-vẳng có tiếng đàn. Lúc bấy giờ vắng-vẻ, tôi sẽ lẻn đến gần mà nghe trộm. thì thấy vừa đàn vừa ca, nghe những lời ca thì mới biết chính là Quân-Thiến.

Ca rằng:

I

Em từ tấm bé không quen sầu,
Đánh bạn gió xuân cùng trăng thâu;
Không ham thêu dệt, ham nghiên bút,
Bên hoa ngâm-vịnh quen phong-lưu,
Than ôi! Than ôi!
Vui nào vui hơn cái tự-do!

II

Thầy em đầu đã bạc phơ-phơ,
Nâng giấc ai người buổi sớm trưa?
Trên thềm vắng-vẻ ngồi vò võ,
Ngoài sáu mươi còn đứa cháu thơ,
Thầy ơi! Thầy ơi!
Bạch-đầu ngâm đến lệ như mưa!

III

Mẹ em chẳng may khuất suối vàng,
Sinh tử biết bao lòng nhớ thương!
Trong bảy năm trời dài dằng dặc,
Những mong gặp mẹ trong mộng trường.
Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Xan-xát gió lay cây bạch dương!

IV

Anh em quyết-biệt mấy năm trời,
Tuổi mới hai-mươi cũng một đời!
Em muốn tìm anh tìm chẳng thấy,
Chim xanh đưa lối biết nhờ ai?

Anh ơi! Anh ơi!
Chân trời chiếc nhạn tiếng bi-ai!

V

Chị em yểu-điệu chạc xuân-xanh,
Giận gió đông-phong dứt mối tình!
Chim yểng ngập-ngừng nói không rõ,
Mảnh gương bụi lấp bóng rành rành.

Chị ơi! Chị ơi!

Hoa lê rụng hết chỉ còn cành!

VI

Em toan thương người hóa thương mình,
Vì ai dắt díu cái giây tình?
Trăng kia cũng chả nên tròn nữa,
Hoa nọ không người cũng vẫn xinh;
Đời người đã bỏ quyền thân-thế,
Bao nhiêu hạnh-phúc thôi cũng đành;
Bi-ca mấy khúc kìa trời đất,
Mặt trời mặt trăng đứng chênh-vênh!

Tôi nghe dứt lời ca, thôi chết rồi! thảo nào mà bỏ học, cái việc này thật là Lê-Ảnh khéo quá hóa vụng!

Trống đánh ngược kèn thổi xuôi, cái sự nhân-duyên ép uổng; trỏ một đường đi một nẻo, trách người thu-xếp loanh-quanh.

Cái tâm-sự của Quân-Thiến, tôi nghe lời ca mà cũng đủ biết. Huống-chi Lê-Ảnh với Quân-Thiến ăn ở một nhà, đêm ngày đôi bóng, há lại không biết hay sao... mà làm sao không thấy Lê-Ảnh đưa tin cho tôi biết. Mà lạ quá, đưa cho Lê-Ảnh bài thơ đã sáu bảy hôm nay cũng không thấy họa thì chắc là cũng khốn-đốn lắm, muốn viết giấy sang hỏi, nhưng lại sợ động lòng Lê-Ảnh. Đến hôm nay đã tiếp được thư Lê-Ảnh như sau này:

« Tiếp được bài thơ của anh non 10 ngày nay chưa làm được chữ nào họa trả anh, chắc anh cũng lấy làm quái lạ. Nhưng tôi muốn từ nay trở đi tôi với anh thôi không chơi cái nghề văn-thơ ấy làm gì nữa. Than ôi! Hà lang ôi! Anh có biết mấy ngày hôm nay tôi tan gan nát ruột, lại hãm thân vào cõi lo sầu phiền não này không?

« Cái việc tôi bàn với anh vẫn tưởng để đền cái hạnh-phúc cho anh, mà cũng vì Quân-cô kén rể; bây giờ mới biết là cái sự lầm quá. Khi Quân-cô mới về thì xem ý cũng còn nửa xong nửa ngại. Sau tôi tán-thành mãi mới bằng lòng. Ai ngờ đến lúc việc xong thì thấy Quân-cô đối với tôi biến hẳn ra cách khác. Đến bây giờ cũng chưa thấy tươi cười; vả lại tự-nhiên vô-cố mà bỏ học, tôi khuyên mãi thì gay-gắt mà đáp rằng: — Làm thân con gái mà đi học thì chỉ học lấy chữ tự do để sửa lấy cái phẩm-giá hoàn-toàn trong một đời, bây giờ chữ tự do mất rồi thì học làm gì nữa? Tôi nghe câu ấy sợ quá, không dám đáp lại nữa. Cái lòng tôi yêu Quân cô mà thành ra bây giờ để cho cô ấy mất cái tự-do, thực là tôi làm lỡ cô ấy quá:

Cái lầm lầm quách mất rồi,
Bây giờ muốn chữa ai người chữa cho?

« Cái phận sự ấy bây giờ cốt ở anh, chứ tôi không thể sao được nữa. Bây giờ tôi xin đem bao những ái tình mà xưa nay anh đã cho tôi, xin mang trả lại đủ cho anh, để anh đem cái ái-tình ấy mà đền lại cho Quân-cô, đừng có để cho chút nào oán-vọng mà giảm bớt mất cái hạnh-phúc. Còn đến thân tôi thì không dám lụy anh nữa, tuy chưa chết ngay được để tạ anh, nhưng cũng không bao lâu nữa đâu! Xin anh đừng nghĩ đến tôi nữa, hễ anh tuyệt được tôi, thì tôi lấy làm cám ơn anh nhiều lắm ».

Tôi xem hết cái tờ ấy rồi phẫn quá.

Thế ra Lê-Ảnh chỉ biết yêu Quân-Thiến mà không biết thương tôi, chỉ biết yêu Quân Thiến mà không biết yêu tôi; nào tôi có muốn như thế đâu. Lê-Ảnh đã làm lỡ người ta mà lại muốn đứng ra vòng ngoài, để bắt tôi phải đền cái lỡ ấy, mà làm sao không biết lượng cho tôi như thế? Tức quá, cầm bút viết một cái tờ trả lời như sau này:

« Tiếp được tờ đã xin biết cả rồi; cái việc Quân-Thiến không bằng lòng, tôi cũng biết rồi, tại mợ chứ còn đổ cho ai? Than ôi! Lê-Ảnh ôi! thật bây giờ tôi oán mợ quá! Quân-Thiến là người yêu của mợ, sao mợ chắp vào duyên tôi, là một người vô-tình của người ta, để cho người ta mất cái hạnh phúc, mợ làm cho người ta mất cái hạnh phúc thì mợ phải đền người ta, chứ sao lại còn nhờ tôi đền hộ? Tờ mợ nói như thế này mợ chực thoát thân mà hãm-hại người ta vào cái khổ-cảnh hay sao? Cái việc ấy tại mợ gây nên, tôi biết cứu thế nào được nữa? Tôi yêu mợ thật, nhưng tôi quyết không để cho mợ thoát thân, quyết không để cho mợ đùa bỡn. Thôi mợ ơi! yêu tôi hay là tuyệt tôi, tôi không hỏi đến nữa, muốn gỡ khỏi sự khó khăn, chỉ trừ đến tận lúc chết.....

« MỘNG-HÀ thư phục »

Cái tờ ấy phẫn quá, thành ra nhiều câu nói đường-đột. phát đi rồi lại hối. Ba ngày không thấy tin-tức gì.

Chập tối hôm nay thấy Bằng-lang chạy tót đến vất một cái gói trên bàn, rồi chạy mất. Mở xem thì thấy một cái khăn tay bọc một tập thơ, một nắm tóc, và một cái tờ. Tập thơ ấy tức là tập thơ Thạch-đầu ký mà Lê-Ảnh mượn của tôi ngày trước. Mở thư xem; thư rằng:

« Anh là người đa-tình, tôi vẫn muốn vì anh mà chết vì tình, nhưng tự nghĩ thân mình:

Cành hoa có chúa xuân rồi,
Gió đông khôn lẽ bán đào mua mai.

nên phải tính một cách như thế, thật là một sự rất phải. Ai ngờ mà lại thành ra sự lầm. Vì anh thật đã biết bụng tôi, nên dù bao nhiêu sự khó nhọc, bao nhiêu sự trách-oán, tôi cũng không dám từ. Bây giờ xem cái tờ của anh thì thật là anh chưa biết bụng tôi. Than ôi! Hà-lang ôi! tôi với anh cũng lầm vì tình. tôi chưa từng để lầm cho anh, anh cũng chưa đến nỗi để lầm cho tôi. Bây giờ anh bảo tôi làm lầm anh, thì tôi còn nói làm sao được nữa? Thôi anh ơi! tôi đã làm lầm anh rồi, tôi không dám lại làm lầm anh lần nữa. Anh thì oán tôi mà tôi thì vẫn không dám oán anh. Nửa năm trời một cuộc tương-tư, rút lại cũng là một giấc mộng. Hà-lang ôi! thôi từ nay ta tuyệt nhau nhé? Tập thơ này xin lại trả anh để cắt cái mối tình của nhau; nắm tóc này xin biếu anh để tỏ lòng đau-đớn và lưu lại một vật kỷ-niệm cái tình của nhau. Tôi bây giờ phụ người nhiều lắm, phụ người sống, phụ người chết, phụ anh, phụ Quân-Thiến, phụ người đã vậy, lại phụ mình biết chừng nào! Từ nay trở đi, một quyển kinh, một cái mõ, xin sám-hối cái tình duyên xưa. Trong cuộc đời bao nhiêu những sự vui, sự buồn không dám hỏi đến nữa. Xin anh liệu đấy. Thằng Bằng-lang cũng không dám nhờ anh nữa: đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, cứ mặc kệ nó cũng được.

« Xưa nay sắc tức là không, chắc gì trước mắt; thảng-hoặc tình còn chưa hết, xin hẹn kiếp sau!

« LÊ-ẢNH kính thư ».

Tôi xem hết cái tờ ấy gục đầu xuống cái gối xếp, nước mắt chứa-chan không thể nào nhịn được. Cố ngóc dậy, vớ lấy tờ giấy trắng, rồi cắn đầu ngón tay lấy máu viết một cái tờ đáp lại như sau này:

« Than ôi! mợ tuyệt tôi thật ư? Thế mà mợ nỡ tuyệt tôi thật ư? Thì tôi còn biết nói thế nào? Nhưng sao tôi lại không nói? Mợ nhận lầm rằng tôi muốn tuyệt mợ, vậy nên tôi phải nói cho tỏ cái bụng của tôi. Cái tờ của tôi vừa rồi thật cũng nhiều câu quá khích, nhưng cái sự cảm-tình của tôi như thế, không nói với mợ thì nói với ai? Tôi cũng chắc mợ không nỡ tuyệt tôi. Thôi, nhưng mà tôi có lỗi thật, có tội thật, tôi tuyệt mợ trước, không trách rằng mợ muốn tuyệt tôi. Tôi không phải là cây gỗ. không phải là hòn đá, há chẳng biết mợ vì một người tri-kỷ mà đến nỗi nát ruột tan gan, hết lòng hết sức đến thế là cùng. Mợ không yêu tôi thì còn ai yêu tôi nữa? Mợ không thương tôi thì còn ai thương tôi nữa? Mợ muốn tuyệt tôi, thế là mợ định giết chết tôi; mợ nỡ giết chết tôi ư? Mợ ơi! Ừ, mợ muốn giết chết tôi thì tôi phải chết, nhưng tôi chỉ muốn mợ giết tôi mà tôi chết, chứ tôi không muốn tuyệt mợ mà tôi chết. Cho dù tôi có chết, tôi cũng còn hòng mợ thương đến tôi.

« Thôi, thôi! nói có thế thôi, tấm lòng oán-hận còn dài nghìn thu.

« Năm kỷ-dậu tháng 11 ngày 11 trống canh tư MỘNG HÀ cắn máu tay viết bức thư này. »

Hôm sau là ngày chủ-nhật giao bức thư cho Bằng-lang rồi cứ nằm như chết; đến non trưa thấy Thu-nhi đến đánh thức tôi mà hỏi rằng:

— Tôi dọn cơm thầy xơi nhé!

Tôi nói rằng: — Không, bây giờ không thể sao nuốt được.

Thu-nhi vạch ngón tay tôi mà hỏi rằng: — Có đau không?

Tôi nói rằng: — Không đau, ta đau ruột chứ không đau tay.

Thu-nhi thở dài nói rằng: — Thầy kêu đau ruột, nhưng mợ tôi lại đau ruột hơn thầy.

Tôi kíp hỏi rằng: — Mợ làm sao?

Thu-nhi nói rằng: — Mợ tôi cũng như thầy: từ hôm qua đến nay cũng không ăn uống được, cũng không cất mình được nữa, dặn tôi sang thăm thầy xem làm sao.

Tôi nói rằng: — Thôi, tao thật không thể sao ăn được, nếu mợ có hỏi, cứ nói tao đã ăn rồi.

Đoạn rồi Thu nhi bưng mâm trở vào nhà trong.