Tuyết hồng lệ sử/13
Từ khi tôi trọ dạy học riêng ở nhà ông Thôi, cung-đãi tử-tế lắm.
Canh rau gạo đỏ, không dám thết thầy; ngọn bút câu thơ, lại thêm người bạn.
Nghĩ mình nào phải bậc gió xuân mưa ngọt; nhưng vẫn chỉ sợ tiếng ău không ngồi rồi.
Bây giờ sắp hết năm, khảo sự học của Bằng-lang thì cũng có ý tấn-tới, may ra cũng không đến nỗi phụ lòng của nhà chủ, trong bụng cũng hơi lấy làm đành.
Có một đêm mưa gió ầm-ầm, Bằng-lang học xong về đi ngủ, tôi khêu đèn đem quyển « Tràng-sinh-điệu thuyền-kỳ » ngồi xem một mình, mỏi quá vừa toan nằm ngủ, đang chập-chờn nghe thấy có tiếng người gọi; mở màn thì thấy một con gái 14, 15 tuổi bảo tôi rằng: « Thầy có muốn gặp người yêu của thầy thì đi với tôi. » Tôi vội-vàng theo nó, mở cửa sau đi ra. Chốn bãi cỏ vườn cây hôm nọ, bỗng lầu hồng gác tía là đây. Có người con gái rất đẹp, vẫy tay bảo tôi lên lầu; lên đến nơi lại bảo tôi rằng: « Cái người yêu của anh sắp đến, cứ ngồi đợi ít lân nữa ». Rồi cứ nói vẩn-vơ lôi-thôi mãi, tôi chán tai quá, rồi lẻn xuống lầu trốn đi; nghe đàng sau có tiếng gọi giật lại, tôi vội-vàng cố chạy, hai chân mỏi quá, cất lên không nổi, trông cách xa độ mươi bưới có người con gái giống hình như Lê-Ảnh, tôi cố chạy theo kịp, thì quả-nhiên thật. Lê-Ảnh hỏi rằng: « Anh đi đâu mà đến đây? » Tôi mới kể lại những chuyện vừa rồi cho Lê-Ảnh nghe: Lê-Ảnh nói rằng: « Tôi với anh hôm nay là thoát khỏi miệng hùm đây. » Tôi nhìn lại Lê-Ảnh thì thấy khăn áo lôi-thôi lếch thếch, ra dáng vội-vàng lật-đật lắm. Chợt trông thấy có một hòn đá trắng, to bằng nửa cái chiếu, hai người bèn dắt tay nhau ngồi nghỉ, vừa đặt ngồi thì thấy lao-đao chòng-chành, trông ra thì không phải là hòn đá, là một cái thuyền ở dưới bể sóng gió vỗ ngang vỗ ngược, thuyền đã sắp đắm, Lê-Ảnh sợ-hãi quá túm lấy tôi mà sám mặt lại. Tôi cố kêu to để cầu cứu, cũng không thấy ai thưa, chợt tay vớ được một cái sào, đứng lên đầu thuyền, định cố đẩy vào bờ, phút trượt chân ngã tùm xuống bể, kêu oái lên. Rồi tỉnh, thì thành ra một giấc mộng. Mồ-hôi ra ướt hết cả chăn áo, ngồi nhổm dậy, chỉ thấy ngọn đèn tù-mù, tiếng gió ồ-ồ, giọt mưa tí-tách. Than ôi! Làm sao mà giấc mộng thế này? Đắm đuối bể khơi, cái điềm ấy thì còn tốt gì nữa: Con hồn lao-đao, tấm lòng thổn thức, không sao ngủ được nữa. Nghĩ được bài thơ, sáng ra đưa cho Lê-Ảnh. Cái lòng thơ tôi chưa hết, chắc cái giọt lệ Lê-Ảnh chưa khô.
Kiếp này đuểnh-đoảng, chót vướng cái nợ ngâm thơ;
Kiếp nữa khôn thiêng, xin chớ làm người biết chữ.
Giấc mộng thân đà đắm bể khơi,
Trải qua sóng gió vẫn còn người;
Người si mộng cũng thành si cả,
Nước mắt đầy hơn nước bể vơi!
Năm đã sắp hết, mẹ tôi gửi giấy sang giục về, rồi tôi theo lệ nhà trường sát-hạch học-trò, bận mất mấy ngày. Hôm nay công-việc đã xong cả, định đến sáng mai thì về. Mà Thạch-Si thì chắc đến áp tết mới về, tôi không thể đợi được, mà Lê-Ảnh cũng không dám lưu-luyến.
Đồng-hồ báo sáng, tôi lên thuyền về ngay. Con thuyền ngọn sóng lênh-đênh hết ngày, đến chiều thì đã tới nhà, thì thấy chị gái tôi cũng về rồi. Trong nhà chỉ có mẹ tôi và chị dâu tôi, đang sắm sửa dọn dẹp những các công-việc ăn tết bận-bịu quá. Vậy tôi cũng phải thu xếp giấy bút cất đi, để mà trông nom đỡ-đần việc nhà, nên quyển nhật-ký của tôi cũng không có việc gì quan-thiết đáng chép cả. Hôm tôi về là 13 tháng chạp thì không thấy nói rằng Lê-Ảnh ốm, hôm nay đã sắp đến tết ông Táo, đột-nhiên tiếp được cái giấy thì là tin Lê-Ảnh ốm nặng. Tôi giật mình mở tờ rằng:
« Tôi lại ốm rồi, ốm đã vài hôm nay rồi, nhân vì mới phải cảm, chứ cũng không lấy gì làm nặng Anh tiếp tin này vì tôi mà thương thì được, chứ vì tôi mà sầu thì không được. Đã cái tình nó làm khổ, lại cái bệnh nó làm khổ, nên hễ hơi cảm một chút, đã lấy làm lo ngại. Nghĩ bụng dễ thường không chết không xong, chết thì cũng không làm gì. Nghĩa là mắc vào lưới tình mà không biết tìm đường thoát ra, ngã xuống bể ái mà không biết miết sức mà bơi lên, thì khác gì chui vào áo quan mà cầu sống sao được? Tôi lúc thường vẫn biết thân rằng tất chết, hơi ốm một chút tưởng hình như suối vàng cũng không xa. Nếu chết thật thì khổ lắm nhỉ? Huống-chi cũng lại còn có việc chết cũng không yên: ông cụ già bảy-mươi, thằng bé con sáu thước, biết trông cậy vào đâu? Nếu tôi có chết thì anh phải nghĩ lại cho tôi cái việc ấy. Nhưng tôi vẫn mong chậm lại ít rồi sẽ chết, chứ cũng chưa muốn đem cái việc ấy để lụy anh vội. Nửa mê nửa tỉnh, không dám quên nhau, viết cái tờ này vừa lệ vừa mực. Hà-lang ôi! Dễ thường mà ta biệt nhau thật đây! Ví chăng tôi có về âm-phủ, anh còn ở nhân-gian, một cây tân-di cũng là đủ, đừng nên thương tiếc đến hoa-lê, nghiệt-duyên dẫu hết, diễm-phúc còn nhiều, xin anh trân-trọng. »
Ôi! Lê-Ảnh làm sao mà bị ốm chóng thế? Ốm làm sao mà nguy chóng thế? Bây giờ mình đã về nhà rồi, thì biết làm thế nào? Chỉ xin khấn trời phù-hộ cho người tri-kỷ rất cao-nhã, rất trong sạch, rất kính trọng của tôi, chóng khỏi mà thôi. Rồi tôi nghĩ một bài thơ đáp lại cho Lê-Ảnh như sau này:
Ý-khí trong lòng dễ biết chưa?
Bệnh này nào phải bệnh tương-tư?
Tả bao huyết lệ khôn thành mộng,
Thổ hết mề gan vẫn chửa chừa;
Năm hết thảm thương đời chẳng bạc,
Hơi tàn vất-vả phận tương dưa;
Vóc xương người ngọc không đầy chét,
Còn gượng khêu đèn dạy trẻ thơ.
Cái bệnh Lê-Ảnh chưa biết thế nào, nhưng ngay trước mặt bây giờ, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, dầu có muốn thư đi từ lại, cũng không còn thì giờ nào nữa. Cái bài thơ này chính là bài thơ kết-cục nghề văn-tự trong một năm nay.
Tình duyên lầm hết, rủi may nào tình chuyện trăm năm; tâm-huyết cạn rồi. sự-nghiệp chỉ dồn vào một tập.
Soát qua nhật ký một lượt, bắt-chước người xưa đem hạt lệ hòa cùng chén rượu, gọi hồn thơ mà tế một tuần, rồi quyển vô-vị này cũng theo cái năm cũ mà xếp cất đi!