Tuyết hồng lệ sử/14

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tuyết hồng lệ sử của Từ Chẩm Á, do Đoàn Tư Thuật dịch
Từ tháng giêng cho đến tháng sáu năm canh tuất

Từ tháng giêng cho đến tháng sáu năm canh tuất.

Bước sang năm nay, tôi chưa chép nhật-ký, đến bây giờ đã là tháng bảy rồi.

Gió thu hiu hắt lại về,
Đôi cành hoa đã sương lìa cả đôi.
Chưa thu hoa đã hết đời,
Qua năm bỗng đã ra người xâm thương
Dung-hồ từ lúc ly-hương,
Chôn hoa nên giận, tiếc hương thêm sầu.
Không hoa là kiếp chiêm bao,
Mực rây nên nghĩa lệ trao nên tình.

Trong cuộc đoạn tràng ấy, rút lại chỉ có một năm rưỡi mà trong hồi nửa năm sau, những việc mắt trông thấy lại càng như gió cuốn mây bay, phút chốc đã tan-tành hết cả. Cái người yêu mình cũng đã ngọc vỡ gương tan, cái người không yêu mình cũng lại lan tan huệ gẫy! Nợ trần mấy kiếp người còn kẻ khuất chưa xong: bóng ngọc một đôi, chị trước em sau cùng mất! Chỉ còn một mình tôi, vẫn trơ-trơ sống ở trên đời, tuy rằng bây giờ tôi chưa chết, nhưng cách cái ngày chết không bao lâu. Hôm nay tôi lại đem cái quyển nhật-ký năm ngoái, chép nối thêm một đoạn lịch-sử rất đau lòng, lúc thì gác bút, lúc thì ngẫm nghĩ, mà trong cái ruột nát của tôi, không khác gì lại đem mà mổ sẻo một lần nữa. Cái khổ thật không thể nói sao hết được. Từ nay trở đi. hễ tôi còn sống ngày nào nữa, chỉ nên tạ nghiên bút, nghỉ việc thơ-từ, tâm huyết ráo rồi, không còn gì mà thổ ra được nữa.

Lê-Ảnh chết về hôm 25 tháng tư năm canh-tuất mà Quân-Thiến chết thì là ngày 17 tháng sáu, cách nhau không đầy hai tháng, mà bây giờ đã hạt ngọc chôn sâu, bạch-dương hai nấm lù-lù! Than ôi! hai người ấy chết khi khâm liệm, khi hạ huyệt. tôi đều không có ở đấy cả, chỉ còn có mấy cái tờ tuyệt-mệnh để lại cho tôi mà thôi. Nay tôi bổ thêm vào cái nhật ký này, là một sự rất đau lòng đứt ruột, vậy tôi chỉ chép lược qua mà thôi.

Bước sang năm mới tôi đã tiếp ngay được tin Lê Ảnh khỏi bệnh rồi, vậy đến 18 tháng giêng tôi mới ở nhà thu xếp sang trường học. Đến nơi thì Thạch-si đã đi vắng trước mất hai ngày rồi.

Khi đến làng Loa-thôn, tôi lại vẫn ngụ ở nhà ông Thôi, hôm sau thì bắt đầu khai trường. Lý Kỷ-sinh thì Thạch-si đã khước đi rồi, không dùng nữa, mới đón người họ Tào để thay vào chân ấy.

Bằng-lang năm nay đã lớn, cứ sáng ngày theo tôi ra tràng học, chiều tan học thì tôi lại đưa nó về, từ đấy trở đi tôi cùng Lê-Ảnh thường thường chỉ làm thơ xướng họa với nhau mà thôi, không có việc gì đáng chép cả.

Hôm mồng ba tháng ba, là tết Thanh-minh tôi vẫn định về nhà thăm mộ, nhưng việc nhà thường bấn-bít quá, không thể sao về được, tôi vẫn lấy làm áy-náy không đành lòng. Lại quá độ hơn 10 ngày nữa, Lê-Ảnh lại phát cái bệnh khạc ra máu, dữ kịch lắm, từ đấy là không thể sao khỏi nữa.

Cái việc cưới của tôi, vẫn định để đến tháng bảy, vì độ ấy Thạch-si nghỉ thì mới tiện, bấm ngày cũng chẳng bao lâu nữa, ngờ đâu Lê-Ảnh ốm nặng thế này, tôi còn bụng nào nghĩ đến việc ấy nữa.

Lê Ảnh ốm đã hơn 20 hôm, uống thuốc tuyệt nhiên không thấy bớt một chút nào. Đến chiều hôm mùng tám tháng tư, thấy cho con Thu-nhi sang mời: tôi vào đến nơi, trông thấy người gầy gò quá, hình-thể không còn gì nữa, cố gượng dậy ngồi dựa cái gối mà nói chuyện, bảo tôi rằng: « Tiết Thanh-minh anh chưa về, sợ ở nhà cụ mong chăng. Bây giờ anh cũng nên về qua thăm nhà mới phải Tôi đã bảo thuê cho anh một cái đò rồi. sáng sớm mai thì nên về ngay đi. Bệnh tôi cũng không việc gì đâu; không việc gì mà quan-ngại. »

Tôi nói rằng: « Xin vâng ».

Rồi lại bảo tôi rằng: — « Bộ Thạch-đầu-ký tôi đã xem hết rồi, nhưng anh hãy để cho tôi mượn ít lâu nữa. Tôi xem trong sách ấy, còn có một sự thiếu nghĩa là: Bảo Ngọc đối với chị Tiêu-Tương thì lại không. Đa tình như anh, giá làm bổ thêm một bài vào đấy thì hay lắm. »

Tôi cũng nói rằng: « Xin vâng »

Đoạn rồi chào mà trở ra về. Bây giờ tôi nghĩ đến câu ấy áy-náy quá; Lê-Ảnh dặn tôi câu ấy thật là vô ý cao-xa, mà bây giờ tôi vẽ chưa làm được một chữ nào để đáp bụng người tri-kỷ.

Khóc người một tiếng làm cho Quân-Thiến đau lòng: viếng chết không văn, thật quả Giang-lăng hết chữ! Sáng hôm sau tôi về. Chuyến này về, vẫn cứ tưởng là Lê-Ảnh muốn cho thế. Chiều hôm ấy gặp mặt nhau chính là gặp mặt nhau một lần cuối cùng

Nguyên vì mẹ tôi thấy mấy lần hẹn về mà không về, nóng lòng nóng ruột quá, nên phải viết thơ cho Lê-Ảnh, Lê-Ảnh nhận lời nên phải thuê đò sẵn mà giục tôi về ngay

Khi về đến nhà, thấy mẹ tôi kể lại như thế, rồi tôi mới biết, hoảng-nhiên như giấc chiêm bao mới tỉnh dậy, vội-vàng xin những cái tờ của mẹ tôi gửi cho Lê-Ảnh, và cái tờ của Lê-Ảnh trả lời để xem lại.

Tờ của mẹ tôi gửi cho Lê-Ảnh rằng:

« Thôi-phu-nhân tuệ-giám: nay tôi đường-đột dâng cái thơ này mợ mới xem tất lấy làm hãi, nhưng xem hết thì chắc hẳn cũng lượng cái bụng cho tôi và chắc cũng bằng lòng theo cái lời của tôi.

« Con trai tôi là Mộng-Hà, từ năm ngoái sang ngụ dạy học ở nhà ta bên ấy, cái thân học trò lưu-lạc, lại gặp được người tri-kỷ trong bậc quần-thoa. Ba sinh may-mắn, đem nghề văn tự kết-giao; đất khách đỡ-đần, cảm lòng tử-tế. Nghĩ như mợ: chất người như hạt ngọc nén vàng, tấm lòng như lõi thông cỗi bách, chỉ kết nhân duyên bút mực, xui nên xa cũng nên gần. Tôi cũng vẫn chắc bụng rằng không có nghi-ngại điều gì; nhưng chỉ bực vì con tôi, phẩm-hạnh không được thuần-thục, phong-tình lại khác người ta, hơn một năm trời nay, vẩn-vơ quanh-quẩn, bụng dạ khác cả những lúc ngày thường. Tôi yêu nó lắm, nên không muốn để cho nó lầm về chữ tình. Ngay như mợ tiết khổ lòng kiên, chức-trách còn nhiều, công việc còn nặng, cũng chả nên vướng-vít tình si, để tổn-thiệt đến hiền-đức, đã có lòng chiếu cố đến nhà hàn-vi, mối cho việc nhân-duyên cô em, việc như thế là rất hay, tình như thế là thật phải; mà con tôi vẫn cứ quen thói cuồng-si, đứng núi này trông núi nọ, duyên mới dù vui. tình xưa chửa dứt, thật là lạ quá. Chẳng qua là con tôi làm lỡ mợ, chứ không phải mợ làm lỡ con tôi. Mợ đừng bảo bà lão già nói lẩm cẩm, chứ tôi thật là giận con tôi, thật là rất thương. Cho nên chỉ mong mợ hết sức rửa lòng phiền-não, tránh thân ra khỏi cửa tình, để tìm đường giải-thoát, mà lại làm ơn cho con tôi nữa, thì không những con tôi được toàn danh-giá, mà tôi cũng cảm cái ân-huệ nhiều lắm. Ngay độ này Thanh-minh không về, tiết xuân đã hết, tin nhà bằng-bẵng. mặc người tựa cửa hôm mai, hãm-hoặc mãi đến như thế là cùng Dẫu người nhà nói chửa chắc nó đã động lòng, mà quay ngay lại được cái đường chính đạo, chỉ còn nhờ ở mợ mà thôi. Mợ mà cho lời nói tôi là phải, xin nhờ mợ khuyên cho nó phải về, thì chắc nó phải nghe ngay. Hễ nó về tôi sẽ xin giữ nó ở nhà, không cho đi nữa. Còn việc dạy học nhà trường, tôi đã tìm được một người cũng như nó để thay chân vào Sự đó thật tôi cũng vì con tôi để thu cái bụng phóng mà cũng vì mợ để tuyệt cái ma sầu. Vậy phải gửi bức thư này, thật là không phải lắm, xin mợ biết bụng cho. Cảm ơn. »

Tờ của Lê-Ảnh đáp lại mẹ tôi rằng:

« Hà Thái-phu-nhân tôn-giám: Xuân tàn mới hết, một trận ốm lê mê, đương lúc bâng-khuâng chợt nghe lời dạy-bảo, bóc tờ đọc khắp, vừa thẹn, vừa sợ, vừa mừng. Mồ-hôi toát ra có lẽ may mà khỏi được bệnh.

« Chúng tôi là phận gái, gặp bước dở-dang, chưa biết giữ-gìn, mà bệnh văn-thơ quen lòng sầu-cảm, để đến nỗi hãm công-tử vào lưới tình. Chỉ vì ngòi bút Mục-chi, nhân-duyên còn dở: lọ phải phiếm đàn Tư-mã phẩm-hạnh vẫn toàn.

Hối cũng khôn sao, lâu thế nào được, Không những cụ đem lòng lo, ngay chúng tôi cũng đã vì một việc của công-tử, mà đến nỗi trăm đường nghìn nỗi, nát ruột tan gan mấy lần. Nhưng chỉ sợ tôi tuyệt được công-tử, chưa chắc công-tử đã tuyệt ngay được tôi cho, thì tôi không biết làm thế nào được nữa.

« Nhưng chúng tôi đã nghĩ được một phép thật vẹn-toàn để báo lại cái bụng công tử, khiến cho công-tử phải tuyệt tôi, chứ chúng tôi quyết không dám đem cái thân bạc-mệnh để làm ngăn trở việc tiền-đồ của công tử, và bận bụng đến cụ phải lo sầu mãi.

« Việc hôn-nhân của em gái chúng tôi đã được thừa lời cụ cho phép như thế, chúng tôi vẫn lấy làm mừng; hễ cứ đến sau khi ô-thước bắc cầu, ấy là đôi vợ chồng ngâu xum vầy.

« Cô Quân-Thiến cháu, người thật hiền-hiếu, tài-đức cũng giỏi cả, sau này chắc công-tử được hưởng cái sự mĩ-mãn còn nhiều, và xin chúc cụ sau này chắc còn gặp được nhiều đường phúc-chỉ,

« Còn như chúng tôi là thân bạc mệnh, ở đời chả còn được bao-nhiêu, nghĩ lại huyện mình, khôn chửa chắc khôn, dại thì không dại, thế mà hay thì ít dở thì nhiều Được bức thư của cụ bảo ban cho, biết rằng cụ đã lượng mà soi xét đến cho:

Thương yêu như cháu như con,
Mười điều không bắt rằng khôn cả mười,
Xem thư như được nghe lời,
Tấm lòng minh-cảm lệ rơi mấy hàng.

« Nghĩa là, trước khi chúng tôi chưa chết, mà được nghe một lời dạy bảo của cụ; người đã thương đến mà xét lượng cho, thật là quí báu lắm, khác nào như một người được xá-tội này có đeo tội mà xuống suối-vàng, có lẽ cái oan-nghiệt cũng nhẹ đỡ đi được một vài phần. Như thế thì thật lúc sống được đội ơn cụ, dẫu đến lúc chết nắm xương cũng được nhờ cái phúc của cụ.

« Công-tử mà chậm không về, có lẽ dễ thường tại tôi ốm mà để đến nỗi công-tử quên cả việc nhà, cái tội ấy thật tôi không làm sao trốn được. Bấy giờ tôi xin tuân lời cụ, cố khuyên cho công-tử phải về, xin cụ cứ yên lòng, trong ba ngày sẽ thấy người con trai rất yêu bình-yên mà về đến nhà. Trong khi đang ốm, viết tờ này đáp lại, thật là lạo-thảo quá, xin cụ thương xét cho sợ hãi thiết-tha biết chừng nào! »

Tôi xem hết hai cái tờ ấy, rồi giật mình lên mà sợ, oà lên mà khóc rằng: — Thôi, mẹ giết Lê Ảnh rồi.

Mẹ tôi hỏi: — Tại làm sao thế?

Tôi nói rằng: — Trong tờ Lê-Ảnh nói có một phép để cho con phải tuyệt nó, thế là định chết rồi. Nó đang ốm, lại bắt được cái tờ này thì tất chết hẳn.

Mẹ tôi thét lên rằng: — Thế thì chính mày giết nó, chứ việc gì đến tao. Mày thử nghĩ cái bụng dạ mày như thế đã được một điều gì là phải chửa?

Tôi nghe nói, rồi phải im đi mà nhận lỗi, nghĩ bụng tôi thật là người bất-tường, mà làm sao sự đời lắm việc lầm lỡ éo-le như thế này? Nghĩ đến đấy thì tôi lại hình như muốn bật lên kêu trời mà khóc,

Khi tôi đã về nhà, cũng phải chiều ý mẹ tôi mỗi ngày chỉ ngồi xó một chỗ để đợi nghe tin chết của Lê-Ảnh. Đến ngày 27 tháng tư thì đã tiếp được tin phó-âm đến nơi. Nhưng tôi vẫn biết trước rằng tất chết, nên khi ấy cũng phải đành, tôi xin phép mẹ tôi để sang thăm viếng, mẹ tôi cũng bằng lòng chỉ dặn tôi phải về ngay mà thôi.

Lênh đênh lại một con thuyền,
Đau lòng thuyền lại lên Dung-hồ

Đến nơi thì đã cách khi chết ba ngày rồi, tôi vào lễ viếng xong rồi, ra ngồi nghỉ. Trông lại ông cụ già thảm-đạm, thằng bé con nheo-nhóc, không khác gì như gươm đâm vào ruột, không biết đem câu gì để khuyên giải được.

Chuyến này tôi sang vẫn định về ngay, nhưng vì ông Thôi đương lúc sầu-khổ bận-rộn, cứ cố giữ tôi ở lại, nên tôi cũng phải ở. Cảnh thì như cũ mà người đi đâu, đứt ruột đau lòng, tôi còn muốn ngồi đây một phút làm gì nữa.

Một hôm về buổi tối, tôi buồn quá trông ra ngoài sân.

Vầng trăng ai vẽ nên tranh,
Cây lê bóng vẫn còn lành như xưa,
Một mình đi lại thẩn-thơ.
Mồ hương một nấm sờ-sờ ai chôn.
Bây giờ kẻ khuất người còn.
Khấn hồn bảo-ngọc có thiêng thì về.
Nhớ người thương cảnh đêm khuya,
Một mình đứng cạnh cây lê khóc thầm.

Đột-nhiên thấy con Thu-nhi chạy đến hỏi rằng: — Thầy có việc gì mà thương tâm thế? Đêm hôm thế này mà không biết rét ư?

Tôi trông chung quanh không thấy ai, mới hỏi Thu nhi đến sự lúc Lê-Ảnh chết ra làm sao.

Thu-nhi nét mặt lại mà nói rằng: — Thầy còn nhớ đến mợ tôi nữa a? Mợ tôi chết thế nào thì thầy biết đấy. còn hỏi làm gì. Vả lại người đã chết rồi, còn khóc làm gì nữa!

Tôi sụt-sịt khóc mà nói rằng: — Không, mày đừng thế, ta chỉ hỏi khi mợ mất có dặn gì tao không. Có để lại vật gì cho tao không?

Thu-nhi nói rằng: — Tôi chỉ nghe nói có mấy cái tờ tuyệt-mệnh để lại, thì cô Quân Thiến giữ cả.

Tôi cố nói mãi rằng: — Mày cố nói với cô cho tao xem, có được không?

Thu nhi lắc đầu rằng: Cái việc ấy tôi xin chịu. Từ khi mợ tôi mất cô tôi oán thầy lắm. khi nào tôi còn dám nói việc gì nữa.

Nói xong rồi vùng chạy mất. Than ôi! Thu-nhi nó giận tôi cũng là một sự chí-tình; thế này thì tôi còn ra gì nữa!

Sáng hôm nay tôi vẫn còn đang ngủ, thấy Thu-nhi đẩy cửa vào, vất một phong giấy ở chỗ tôi nằm, rồi chạy ngay ra. Tôi vội cầm lấy xem, thì là của Quân-Thiến đưa cho tôi, trong phong-bì có cả mấy cái tờ của Lê Ảnh nữa. Chừng đêm hôm qua Thu-nhi đã nói với Quân-Thiến cho tôi rồi, nên hôm nay Quân-Thiến mới sai Thu-nhi giao những cái tờ này cho tôi xem. Tôi vội mở xem cái tờ của Quân-Thiến trước. Tờ rằng:

« Xin trình cậu Mộng-Hà biết cho: Tôi với cậu chưa được gặp mặt nhau một lần nào, mà đã có cái duyên kiếp trăm năm với nhau, chưa tiếp nhau nửa lời, mà đã phải mượn bức thư nói chuyện với nhau, sự đó thật là đau-đớn khổ-sở không thể sao đừng được.

« Hôm vừa rồi, sau khi chị Lê chết, tôi được xem cái tờ tuyệt-mệnh của chị ấy, mới biết cậu cùng chị Lê trong một năm rưỡi trời nay có vướng một sự nhân-quả như thế. Tôi là người đứng giữa mà mơ hồ không biết chuyện gì cả, đến nỗi để cho chị Lê cứ thế mà chết, mà không phép gì cứu được. Chị Lê chết, một nửa là vì cậu, một nửa cũng là vì tôi; tôi đau lòng xót ruột lắm, chắc cậu cũng phải đau lòng xót ruột hơn tôi, nhưng tôi không hiểu làm sao cậu thế này. Tôi với cậu không quan-hệ gì với nhau cả, mà sao cậu nhận lời với chị Lê cái việc hôn-nhân ấy? Ừ, bảo rằng nhận lời để cho chị ấy bằng lòng thì đã vậy, nhưng sao đã nhận lời mà không biết chiều lòng, mà lại để cho chị ấy mang lòng uất-ức, không thể sao chịu được? Hay là cậu lập-tâm cố làm cho chị ấy đến chết, thì mới bằng lòng hay sao?..

« Bây giờ tôi nói câu này, thật không dám oán cậu, nhưng thật đau xót về sự chị ấy chết, nên chắc cũng nhiều câu nói đường-đột quái-quắt làm vậy, đa-tình đến như cậu, thử nghĩ lại những câu hôm trước, chuyện hôm xưa, chắc cũng phải cắm đầu mà nghe lời trách của tôi, chứ đừng nên oán.

« Bây giờ chị Lê chết rồi, cảnh-tượng nhà tôi linh-lạc như thế này, chắc cậu cũng biết rồi đấy: ông già một thân một mình, con thơ vất vơ vất-vưởng, còn biết trông cậy vào đâu hử? Trong tờ tuyệt-mệnh của chị Lê để lại, có trông cậy cậu những sự sau khi chị ấy chết, là sự gì đấy, tôi chắc cậu đã là người chí-sĩ, và cũng là một người chính-đính, chắc cũng phải tính lấy một cách để xử lấy thân mình cho phải, mà lại khu-xử những công việc của người yêu của mình cho được đành lòng.

« Còn đến thân tôi bây giờ, đã hình như người bù-nhìn, tấm lòng tôi như đống tro lạnh, cái danh nghĩa tuy rằng vẫn còn, nhưng cái duyên-ngộ thì chắc là hão, có lẽ sắp theo chị Lê xuống đất mà thôi! Thôi, cậu muốn nghĩ sao thì nghĩ, chứ đừng nghĩ đến tôi nữa. Chị Lê để lại hai cái tờ đây, một cái để cho cậu, một cái để cho tôi, xin đem trình cậu cả.

« QUÂN-THIẾN kính thư. »

Tờ Lê-Ảnh gửi cho tôi rằng:

« Than ôi! Hà-lang ôi! Bây giờ thật quyết biệt anh nhé, thật đến tận lúc chết, cũng chưa dám quên anh, còn đem một cái hơi sức dở sống dở chết, nhỏ như là sợi tơ, để nói với anh vài câu này. Đương khi cầm bút mà viết, chắc anh ở xa, hãy còn đem một cái tình si, bâng-khuâng ngóng đến tận góc bể bên trời, mà khấn cầu cho người yêu của anh được bình-yên mạnh-khỏe.

« Tôi ở đời trăm cay nghìn đắng, còn sự gì là vui thú nữa, vẫn định chết từ bao giờ rồi, đến bây giờ thì không thể sao chậm được một chút nào nữa. Than ôi! Hà-lang ôi! tôi chết sướng lắm, chứ anh đừng nên thương. Tôi nghĩ lúc ngày thường anh ở với tôi hậu như thế, bây giờ đột-nhiên nghe thấy tin tôi chết, chắc anh cũng ngất đi mà không sống được; nhưng xin anh nghĩ rằng:

Bây giờ kẻ khuất người còn,
Tấm lòng ân-nghĩa cho tròn thủy chung.

« Những việc gì là phận-sự anh nên làm, mà có thể để cho tôi yên lòng được thì anh cứ thế mà làm, thế là yêu nhau nhiều lắm. Còn những sự thương xót nhau quá, mà đến nỗi đau quá hóa ốm. ốm quá lỡ chết mà đến nỗi lại dắt tay nhau xuống suối vàng, rồi đến nỗi bỏ hết những công-việc trên đời của mình. mà không nhìn đến nữa, nếu thế thì anh lại làm khổ tôi về sau khi tôi chết nữa, mà cái chết của tôi cũng không ra gì; tôi ở dưới chín suối nếu hãy còn khôn thiêng, chỉ mong-mỏi cầu khấn cho anh đừng như thế.

« Cô Quân-Thiến cứ kể tài đức, không những hơn gấp mười tôi, sau này chắc có thể đem cái hạnh-phúc gia-đình đền anh không biết chừng nào. Nếu trời soi xét cái tình ấy cho mà được như thế thật, thì anh và Quân-Thiến cũng không nỡ quên cái bụng của người mối lái là Lê- Ảnh này.

« Nén hương ngào ngạt, chén rượu thơm-tho, đem khói hương thổi lúc hoa bay, mượn chén rượu tưới khi xuân hết. thì chắc có lẽ cái linh-hồn tôi có còn khôn thiêng cũng xin đuổi theo chiều gió đông, mà hưởng lấy cái mùi yêu quí nhau, chắc không đến nỗi chết mà mất đâu, thật đấy.

« Nhưng tôi còn cần dặn anh một việc này, anh tài-hoa như thế, chửa làm được sự-nghiệp gì, gặp thời buổi này phải nên đem tài ra mà dùng với đời, trước tôi đã khuyên anh nhiều lần mà anh không biết nghe, bây giờ thì tôi chắc chết rồi, con tằm đến chết vẫn còn vương tơ, anh nên hết sức mà làm những công-việc tôi khuyên anh ngày trước, để dựng một cái công-danh như vàng như đá, không bao giờ nát được, kẻo mà tôi chết cũng không đành.

Con chim sắp chết kêu thương,
Người ta sắp chết nhiều đường nói khôn

« Ngày 24 tháng tư
« LÊ-ẢNH tuyệt-bút ».

Lại xem cái tờ của Lê-Ảnh để lại cho Quân Thiến rằng:

« Chị có một sự khuất-khúc chửa nói cho cô biết, nhưng việc ấy có quan-hệ đến việc suốt đời của cô, nếu không nói với cô, thì thành ra phụ cô, mà cái lỗi của chị không còn nói tánh vào đâu được nữa.

« Bây giờ chị sắp chết, vậy phải đem cái sự mà xưa nay vẫn chứa đầy am-ắp ở trong ruột, dốc hết cả cho cô nghe để chuộc những sự không phải khi chị còn sống, nhưng chỉ sợ cái việc ấy rất lạt-lẽo khốn khổ, nên đã mấy bận muốn nói, mà lại câm hầu khóa khẩu lại.

« Bây giờ chị ốm nặng lắm rồi, chắc rằng cách khi chết, cũng không bao lâu nữa đâu, mà cái việc này cũng không việc gì phải giấu cô mãi, bây giờ ốm nhọc lắm rồi, không thể nói chuyện được, vậy xin nói bằng ngòi bút.

« Hôm nay tay cầm ngòi bút này, chính là ngày chị dùng ngòi bút lần cuối cùng, bây giờ mới thật là hối rằng làm sao lại còn biết được một đôi chữ làm gì thế này? Viết được mấy hàng chữ mà tay đã cóng, mắt đã hoa, đầu thì choáng-váng lao-đao, bụng thì rộn rịp thổn-thức, đánh trống ngực mà điếng đi, nước mắt lại không khác gì chuỗi hạt châu đứt giây lở-tở mà rơi vãi xuống; trời ơi!

« Trước khi chị sắp nói với cô, chị muốn xin yêu-cầu một việc, vì cái lời chị nói, nếu không thể lọt vào tai cô được, chắc cô thoạt nghe thì có lẽ tái mặt trừng mắt, vứt hết cả những bụng thương chị yêu chị biến làm một sắc bỉ chị giận chị và bảo rằng: Nếu thế thì chết cũng đáng! Chị đã không cấm được cô giận chị, nếu thật cô giận chị thì chị sướng lắm, vì giận chị bao-nhiêu chính là yêu chị bấy nhiêu, chị chẳng may vô-duyên không được hưởng cái bụng cô yêu chị cho đến lâu dài, nhưng chị mừng rằng nếu cô giận cho chị thì cái tội của chị cũng tiêu-diệt đi được ít nhiều, vậy chị chỉ mong cho cô giận chị lắm.

« Sự này là một sự lầm suốt một đời của chị, cái oan-nghiệt đã gieo mầm từ kiếp trước, dù chết chị cũng không dám oan-hận gì, nhưng vì việc có dính-dáng đến cô để hại đến cái tự do của cô, nhưng cô nên biết sự đó là vì yêu cô mà nên nỗi, ngờ đâu yêu cô mà thành phụ cô. bây giờ đem một cái chết để đền lòng cô và chuộc tội chị. Cô ôi! một tấm thương tâm này cô, còn biết đến cho chị nữa hay không?

« Chị viết đến đây, bụng chị đau lắm, nhưng chết đến nơi rồi nếu không kịp móc buồng gan ruột đưa cho cô xem thì sợ không kịp nữa, vậy cô phải biết cho rằng: khổ lắm! Thật chị cầu lấy cái chết, chứ không phải tại ốm, cô thấy chị ốm mà đêm ngày săn-sóc với chị, chị tự nghĩ không có phúc phận để hưởng cái lòng cô yêu chị, mà lại để lụy đến cô thế này. nghĩ đến câu ấy thì sự chết không thể chậm được chút nào nữa, vậy phải vội-vàng kíp viết mấy hàng chữ để lại, rồi đợi giờ mà chết.

« Ngày xuân hoa nở sớm hai-mươi,
« Chị mới hai-mươi đã một đời!
« Buồng không vắng-vẻ cùng ai,
« Cái đời ma chướng là đời hồng nhan
« Mảnh tình như cánh hoa tàn.
« Gió xuân một trận chia tan cành hồng!

« Ông xanh kia đặt lệ, má-hồng mệnh-bạc, bao quản tồi-tàn, chị đã phải chịu rồi, có dám oán gì ai đâu? Ngờ đâu ông xanh kia dằn vật người ta chưa chán, gò-gập người ta chưa chán, mài-rũa người ta chưa chán, lại còn đem một cách khác để xoay-xỏa người ta đến chết mới thôi, Bụng chị đã như đống tro nguội, mà ông ấy cứ cố thổi lửa dóm lò, bụng chị đã như cái giếng khô, mà ông ấy cứ cố rê gió rợn sóng, chẳng qua ông ấy chỉ muốn cho chị sống làm một người nửa đầy nửa vơi, thác làm con ma chịu oan chịu uổng; không như thế thì làm thế nào cho chị chết được. Nghĩ trong một đời, trăm lần thắt, nghìn lần buộc, đắp rất đầy, bịt rất kín, phỏng một cái lưới tình đến như thế, chị đã nhẩy ra mà lại chui vào đến hai lần, trước nhẩy ra tưởng đã là may, sau chui vào mới là khổ. Thôi từ đây chị không còn hi-vọng gì có một ngày giải-thoát được nữa, mình đã không tự-chủ được, nên đành chịu phải cho cái ma-tình nó điên-đảo mình. Chị làm lầm chị, hay là ai làm lầm chị cũng chưa biết chừng, nhưng rút cục chị đến hết cái đời chị mới xong.

« Bây giờ chị sống không còn mấy, chết sắp đến nơi, chắc cái ông xanh tàn-nhẫn kia, và cái ma tình tai-ngược kia, đang vỗ tay nhau mừng rằng: công-việc sắp xong rồi.

« Kiếp xưa những tội-tình gì?
« Kiếp này oan-nghiệp là vì ở đâu?

« Mà sao đạo trời xử-trí chị cay-nghiệt thảm-khốc đến thế?

« Việc này từ đầu đến đuôi, nhiều sự biến-ảo lắm, chị không kể hết được, ngày mai cô hỏi Mộng-Hà thì tự-khắc biết, nhưng xin biết cho rằng một tấm khổ-tâm của chị chưa từng phụ cô chút nào. Cái việc hôn-nhân của cô, trước là muốn giúp cô một sự hay, sau là chị cũng cầu giải-thoát lấy thân chị, ngờ đâu lúc xong việc, mà cô uất-ức về việc mất đường tự-do, nên chị lấy làm sợ lắm, chị đã làm lầm chị. nỡ nào lại để cho cô mất cái hạnh-phúc, bây giờ mới biết sự ấy là sai lầm quá.

« Đó là nói cái duyên-cớ vì sao mà chị chết, nhưng chị cũng còn may rằng câu gì cũng có thể nói chuyện với cô được.

« Trời sinh ra giống tình-si,
« Đã vương thảm-kiếp tiếc đến thân.

« Vậy chuyến này chị chết, là để đền lòng cô, và để tạ tội với người riêng của chị ở dưới suối vàng. Chị mong chết đã lâu mà vẫn không được, xưa nay con Tạo oán người hồng-nhan, phỏng như đời chị thì còn nên quí-báu cái sống làm gì nữa? Xin cô đừng cho chị là người chết thảm đạm, mà nên mừng cho chị là người chết vui thú sắp được thoát khỏi lưới tình, sắp được vượt qua bể khổ, mà chị em mừng thầm cho nhau. Chị yêu cô biết chừng nào, cô cũng yêu chị biết chừng nào! Non mười năm nay xát tai kề má, vuốt tóc soa đầu, chị dâu em chồng, khác nào như chị cả dì út.

Cùng nhau đôi bạn chốn khuê-phòng,
Một giống thương-tâm phận má hồng;
Cô thì không mẹ, chị không chồng,
Nửa kiếp làm chim gửi mạng chung

« Cô không nỡ dời chị mà đi đâu, chị sao nỡ bỏ cô mà vội chết? Song tiệc yến cùng ăn cùng uống, thế nào cũng có lúc lìa tan; hẳn ván cờ dù được dù thua, thế nào cũng có phen kết-cục. Một mình một bóng, chị đã như con nhạn lạc đàn; bay truyền bay la, cô khác gì oanh vỡ tổ. Rò lan nụ cúc, kẻ sớm người trưa; cây cỗi cành chồi, tre già măng mọc; chim kêu hoa rụng, đời chị đang đuổi bóng chiều hôm; đàn ngọt hát hay, thân cô sắp lên đàn diễn-kịch.

« Như thế thì chị với cô không ở cùng nhau được lâu dài nữa, là cái phận-mệnh như thế, nhưng cũng vì cái sự-thể tất phải như thế. Chị vẫn không định bỏ cô. mà bây giờ chị em ta không có thể lưỡng-toàn được nữa. Thôi từ đây thật là quyết-biệt nhau mãi mãi đấy nhé. Chị sống mà để cho cô thiệt-hại đến cái hạnh phúc thì dẫu sống còn sướng gì, có lẽ lại khổ hơn cái chết, nghĩa là ngay bây giờ cái hạnh-phúc của cô được hoàn-toàn chỉ cốt quan-hệ về sự chị sống hay chết, chị nói đến đây là hết.

« Nhưng lại còn một sự yêu-cầu với cô nữa; chị chẳng may cái thân bạc mệnh, vì tình-si làm hại một đời:

« Đã đành lỡ một lầm hai,
« Lòng xưa chút cũng nghĩ sai với lòng,
« Mặt trăng soi khối tình-chung,
« Cái thân tuyết sạch gương trong vẫn còn.

« Bây giờ đem một cái chết để bảo toàn cái hạnh phúc cho cô, vậy cô lượng đến cái khổ-tâm của chị xin cũng vì chị bảo-toàn cái danh-dự sau khi chị chết cho được khỏi mắc tiếng oan.

« Còn những việc trong gia đình nhà ta chưa xong cả. việc ấy là quan thiết về tình cốt-nhục chắc cô cũng làm thay cho chị được, không phải nói nhiều nữa... »

Lê-Ảnh chết cả nhà tôi vừa thương vừa não mà lại có ý vui mừng vì sắp đến ngày cưới tôi, nên người nhà cứ đem những lời vô-vị để khuyên giải tôi, thật là khổ quá. Đến 18 tháng sáu thì lại tiếp được tin Quân-Thiến chết

Lê-Ảnh chết thì tôi vẫn biết cơ trước, đến sự Quân-Thiến chết thì thật tôi không ngờ. Còn nhớ cái tờ của Quân Thiến có nói với tôi một câu rằng: « Không lâu sẽ theo chị Lê xuống dưới đất », tôi tưởng là một lời phẫn-khích mà nói ra, không ngờ bây giờ quả nhiên thật

Tôi xin phép mẹ tôi để sang viếng, mẹ tôi sai cả anh tôi cùng đi. đến nơi thì mới biết chuyện rằng: Quân-Thiến từ hôm nọ tôi về, thì bị ngay chứng thổ ra máu. đái ra máu, đến trưa hôm 17 tháng sáu thì chết. Vì đương mùa nóng nực, phải nhập-quan ngay Khi tôi sang đến nơi. làm lễ viếng xong rồi, tôi theo anh tôi cùng về Hãy còn nhớ, khi bước chân ra về, Thu-nhi đem quyển nhật-ký của Quân-Thiến trao tay cho tôi. khi bấy giờ tôi hồn mê không biết gì cả, chưa kịp xem đến, về đến nhà mới mở ra xem, thấy nhật-ký chép sau này:

« Ngày mồng năm tháng sáu.

« Từ khi chị Lê chềt, tôi cứ hoảng-hoảng hốt-hốt, giật mình giật mẩy, vơ-vơ vẩn-vẩn, không ra làm sao cả. Tôi thương chị Lê lắm, thương chị ấy vì tôi mà đến chết, nếu tôi không chết thì không lấy gì tạ chị Lê được Hôm nay quả-nhiên phát bệnh thật, bệnh ấy tôi cũng không biết tại làm sao Tôi đã muốn chết thì khỏi ốm sao được tôi đã ốm thì chắc không bao lâu cũng đến chết, nhưng tôi e rằng: sau khi tôi chết, người ta không biết vì cớ làm sao, vậy tôi phải kể rõ ra, nếu tôi còn sống ngày nào cũng nên dựa cái gối cầm ngòi bút mà chép quyển nhật-ký này

« Con tằm chết hẳn tơ còn vướng, ngọn nến tàn rồi lệ chửa khô.

« Ngọn bút này, cái nghiên này, tập giấy này, thật làm vất vả cho tôi lần cuối cùng.....

« Ngày mồng 6

« Thần tự-do ơi! Thần tự-do ơi! Thật là một ông thần tôi sùng-bái xưa nay. Sách Thái tây có nói rằng: « Không được tự-do thà chết », tôi chính là một nhà thực hành câu nói ấy.

« Còn nhớ hôm nay năm ngoái, tôi còn đang làm nữ học-sinh, ở trường Nga-hồ, hễ khi đến giờ nghỉ, cùng với chị em bạn học, dắt tay nhau vào trường thể-thao để luyện-tập những cách vệ-sinh, khi thì rủ nhau xuống đò đi câu cá, khi ghé đò lại lên gốc cây nghỉ mát, cùng nhau ngồi trên bàn đá bàn sự học thành, vui-vẻ ung-dung biết là chừng nào. Có lúc bàn chuyện với một vài chị em thân, thường-thường tức giận về đường hủ-bại chuyên-chế, mà chốn xã hội hay quen thói cũ, tự phụ ta bây giờ muốn dựng một chủ-nghĩa trước cho đám đàn-bà, để lập cái danh-dự của mình, và lập một cái tư-cách hoàn toàn của mình, hưởng cái hạnh phúc của mình. Không bao lâu mà bây giờ bao nhiêu những sự tự-do, tôi phải trải hết cả, nếm hết cả, tươi tốt thay cái hoa tự do kia, không khác gì như bông như bụi, bị gió đông kia đưa đi đưa lại, giạt ngược giạt xuôi, mà cũng phải chịu, vui-vẻ gì nữa hi vọng gì nữa, từ đây thân tôi đã làm thằng bù-nhìn, lòng tôi đã như tro nguội, trường học Nga-hồ không ai trông thấy vết chân tôi nữa.

« Bây giờ nghĩ lại giá đừng có việc hôn-nhân, thì chắc năm nay tôi đã tốt-nghiệp hoặc đi du học nước khác, hoặc đi dạy học trường khác, trời cao bể rộng, chốn nào là không đủ cho tôi bay lượn tự-do, việc gì đến nỗi uất-ức mà đến chết.

« Mà tôi lại nghĩ rằng: Giá lúc trước tôi đừng đi học. suốt đời cứ nằm trong chốn quê hương hắc-ám này, không biết tự do là vật gì nữa. thì dẫu có sự gì trái mắt ngang tai có lẽ cũng coi như thường, việc gì tôi đến nỗi uất-ức mà chết. Thôi, bây giờ còn làm sao được nữa, dại đúc chữ đồng, tấm lòng ai biết, thân-thế cũng liều thân-thế, xuân-xanh đành mặc xuân-xanh, tấm lòng xin tạ với nhân-duyên, tâm-sự đã biến thành ma-quỉ, mà lại có một sự rất đau-đớn rằng: làm lầm tôi, ăn hiếp tôi, tức là một người chị dâu rất yêu của tôi mà trong việc ấy lại nhiều chuyện quanh quéo lạ-lùng, đến nỗi chị Lê phải vì tôi mà chết.

Trời ơi! chị Lê chết thì thật thảm-đạm, tôi có dám oán chị đâu, không những tôi không oán chị tôi, mà tôi cũng không oán Mộng-Hà nữa, phiền-não có tìm ai đâu, tại ai cứ mua phiền-não, cũng một lòng nên thương, cũng một phường nên thương, thôi việc gì mà khổ...

« Ngày mồng 7

« Tôi ốm đã năm ngày rồi, vì làm sao mà tôi ốm, cái ốm của tôi không biết gọi là bệnh gì, gầy-gò, rơ-rác như con ma khô, người bệnh ốm hàng một hai năm cũng chưa đến nỗi như thế. Tôi cũng biết thân không thể sao sống được, sáng hôm nay trở dậy, tôi mở cửa kính, ngó mặt ra để hấp lấy cái không-khí buổi sáng, trong bụng nghe cũng hơi khoan-thư, nhưng đang lúc yếu đứng lâu thì thấy chóng mặt hình như lao-đao sắp ngã xuống, lại quay mình vào lăn mình xuống cái gối mà nằm. Nhác trông cái gương treo, bụi lấp mờ-mịt, mới hiểu ra rằng trước khi sau tôi ốm đến nay chưa từng soi gương lần nào, hôm nay thử soi xem mặt đã tiều-tụy đến thế nào, có lẽ đem so sánh với bông hoa cúc ngoài vườn, chửa chắc ai gầy ai béo. Người mỹ-nhân hay yêu cái gương là vì yêu cái bụng của mình, tôi đã không phải là người mỹ-nhân và lại là người sắp chết, thì tôi còn yêu gì cái gương này nữa!...

« Rõ-ràng ai đứng trong gương,
« Nhìn xem rõ khách đoạn-trường đứng kia...

« Ngày mồng 8

« Đêm hôm qua tôi lại bị phải trái gió, cái bệnh bốc lên chóng lắm, mê-mệt không biết gì nữa, mãi đến chiều hôm nay mới thấy hơi bớt, tinh-thần cũng hơi có một chút tỉnh-tao, thầy tôi đón thầy thuốc đến kê đơn cân thuốc đem sắc cho tôi uống, nhưng tôi lừa khí vắng người rồi tôi hắt đi, chứ chưa uống chút nào. Đêm hôm ấy cũng hơi ngủ được một chút.

« Ngày mồng 9

« Nắng quá! vừa sốt vừa rét, nóng như lửa, rét như cắt, mồ-hôi ra như tắm. Tôi nhớ chị Lê quá chị Lê là người hay ốm cũng đã trải mùa ốm như thế này, bây giờ tôi lại ốm mà chị Lê thì đã thoát xuống suối vàng, không nhìn gì đến tôi nữa. Tôi có sợ gì chết đâu, nhưng những sự đau-đớn trong khi ốm mỗi ngày một thêm lên, tôi không còn hơi sức nào chịu được nữa. Chị ôi! Nếu chị có khôn-thiêng xin xét tấm lòng cho em, xin giúp cái linh-hồn của em để đánh nhau với cái thần xác.

« Ngày mồng 10

« Đau-đớn thay là người con gái không có mẹ! Ai là không có bố mẹ, bố mẹ ai là người không thương con. Tôi tuy rằng chẳng may mẹ tôi bỏ tôi bảy năm trời, nhờ cha, anh và chị dâu, ngờ đâu trời làm hại nhà tôi, nửa đường anh tôi bỏ tôi, mẹ tôi chết những người yêu tôi chỉ có cha tôi, anh tôi và chị dâu tôi, mà anh tôi chết, thì tôi đã thiệt rồi, ngờ đâu ông trời khắc-bạc tất muốn cướp hết những người yêu của tôi mà đem đi, khiến cho tôi ở trong thế-gian này không chút nào vui-thú về sự sống nữa rồi mới thôi; bây giờ tôi ốm ở trong xó nhà dở sống dở chết, không còn mấy người là rất thân với tôi nữa. Giá mẹ tôi, anh tôi và chị dâu tôi còn sống, thì đâu đến nỗi thế này. Tôi đã phải xử một cảnh không thể sao kham được như thế nữa, muốn chết cũng chưa chết được, rồi tôi nghĩ mà thương đến mẹ tôi, lại xót đến thầy tôi, thầy tôi thì già rồi, mười năm nay người sống, người chết, việc tang việc tóc, cửa nhà điêu-linh như thế, hai hàng tóc bạc phơ-phơ, nếu bây giờ tôi lại chết nốt nữa thì những khi buổi sớm, khi đêm khuya, khi vui cười, khi hầu hạ, ai là người bầu bạn với thầy tôi trong khi ngọn gió bóng đèn. Khi tôi nghĩ đến thế thì tôi lại có một chút hi-vọng rằng đừng chết để được sống ở hầu thầy tôi mãi-mãi, nhưng mà nghe trong mình suy lắm, chiều nay chưa vững đỡ được đến sáng mai, chắc cái hi-vọng ấy cũng không ăn-thua gì. Thầy ơi! Nếu thầy có xét bụng con, xin thầy biết cho con rằng không còn hơi sức nào mà tranh nhau với cái mệnh trời nữa.

« Ngày 11

Thầy thuốc lại sang thăm, tôi cảm bụng thầy tôi quá, vậy cũng phải cố uống thuốc vậy, nhưng không ăn-thua gì cả, thầy tôi biết rằng tôi ốm nặng, chốc chốc lại vào thăm, rồi lại sờ lên chán tôi, xem ý lo sợ lắm, tôi thật đau lòng quá.

« Ngày 12

« Đêm hôm nay thì mệt quá, không ngồi gượng được nữa, hễ cứ chợp mắt thì lại thấy chị Lê. Tôi cũng biết thân rằng chẳng được mấy ngày nữa, tôi mong giá Mộng-Hà sang đây để tỏ cái tâm-sự của tôi, thì chết mới thoát được. Tôi cùng Mộng-Hà tuy rằng cái tinh-thần chưa phải là vợ chồng, nhưng cái danh-nghĩa là vợ-chồng; nhưng Mộng Hà chưa biết tin tôi ốm, thì biết đâu mà sang? Cho có biết tôi ốm, nhưng chắc có thiết gì đến tôi mà sang? Bây giờ tôi chết, chưa biết Mộng-Hà cảm tình đến nhường nào, có lẽ không còn nước mắt đâu mà khóc người vợ chưa cưới nữa. Mộng-Hà có lượng đến bụng cho tôi, xin lượng cho rằng; tôi vì chị dâu tôi mà chết.

« Ngày 13

« Khi tôi ốm đương dịp nắng nực quá, nên không biết nực chút nào, tính tôi yếu chịu nực, mà bây giờ tôi đắp hai ba cái chăn vẫn thấy rét. Thầy thuốc lại đến bắt mạch, xem xong thấy ngần-ngừ mãi, rồi mới kê cho một cái đơn, thấy dặn người nhà, không biết nói những gì, nhưng xem ý lấy làm khó lòng lắm. Từ đấy thì thầy tôi cứ ngồi luôn bên mình tôi, thấy tôi rớm nước mắt bảo tôi rằng: Thần-sắc con kém lắm rồi, làm sao đến thế này? — Tôi im không trả lời được, rồi nước mắt tôi chứa-chan hết cái gối, thấm đến cả áo thầy tôi, cứ phải nhắm nghiền mắt lại. Trời ôi! Tấm lòng tôi không thể nói cho thầy tôi biết được.

« Ngày 14

« Tôi ốm nặng quá, không ăn uống được một giọt gì cả. chân tay dại dột và thở không ra hơi, tức hơi không thở được, như người chẹn lấy cổ, thầy tôi đã sai người đưa tin cho Mộng-Hà biết, mong Mộng-Hà quá mà không thấy sang. Thôi bây giờ tôi không thể đợi được nữa rồi, đến chết mà tôi không được trông thấy mặt chồng tôi, thì tôi còn nhắm mắt làm sao được? Sau khi tôi chết, chắc cái quyển nhật-ký này cũng đưa qua mắt chồng tôi, xin cứ trân-trọng đừng sót tôi làm gì nữa, tôi chép đến đây viết không thành chữ, từ đây thật không mang nổi cái quản bút nữa... »

Lê Ảnh chết mà tôi chưa chết ngay, là vì còn có Quân-Thiến. Bây giờ Quân-Thiến cũng chết thì tôi càng nên chết lắm. Tôi bèn cầm bút chua xuống dưới quyển nhật-ký của Quân-Thiến rằng:

« Đây là quyển nhật ký khi vợ tôi ốm, vợ tôi 18 tuổi, mất vào ngày 17 tháng 6 năm canh-tuất, nhật-ký này chỉ chép đến ngày 14 thôi, dáng chừng ba hôm sau yếu quá không chép được nữa. Tôi tiếp được tin khí chậm, sang đến nơi thì đã không được kịp quyết-biệt nhau. Nghe khi vợ tôi ốm vẫn mong tôi mãi. Nhật ký này là định để lại cho tôi, tôi thật phụ vợ tôi mà vợ tôi vẫn không oán tôi, mà lại biết lượng cho tôi thế này, cái đời không hay tài hèn mệnh kém, vì đâu nên nỗi nát ngọc tan vàng, một đời gặp cảnh đoạn-trường mấy phen, tôi không chết ngay được để tạ tấm lòng của vợ tôi, nhưng thế nào cũng phải chết để tạ tấm lòng của vợ tôi; đi thôi! đi thôi! chết có khôn thiêng, trong cung ly-hận, súy sẵn cho tôi một chỗ ngồi nhé. »

Tôi về đến nhà cứ như ngây như dại không nói không cười, mẹ tôi lo sợ quá, cấm không cho tôi đi ra khỏi ngõ, tôi lại càng mê càng cuồng lắm Anh tôi biết ý tôi rồi khuyên tôi rằng: « Chú muốn chết, thiếu gì chỗ chết, gặp thời này không nên hoài phí cái thân, cũng thì cái chết, cũng có chết mà nhẹ như cái lông hồng cũng có chết mà nặng như núi Thái-sơn nên nghĩ kỹ mới được. Vả lại Lê-Ảnh cũng thường khuyên chú đi du học, vậy tôi bàn cách cho chú bây giờ lại đi du-học là hơn cả. »

Tĩnh-Am sang thăm thì cũng nói hùn vào. Đoạn rồi anh tôi thu xếp để cho tôi sang Đông, may lại gặp Thạch-Si về, rồi tôi hẹn để cùng đi, bấy giờ chỉ còn hai ngày nữa, thì đi vắng.

Cưỡi gió vượt tràn bể khổ, Tôn-sác đi đâu; lìa hồn theo xuống suối vàng, Kiều-sinh đừng chết. Lê Ảnh ơi! Quân Thiến ơi! Vong-hồn còn biết hay không, xem tôi gửi xác vào công cuộc gì......[1]

  1. Đến đây là hết nhật-ký của Mộng-Hà.

    « Còn chương sau dịch bổ thêm ở quyển Ngọc-lê-hồn về việc khi Mộng-Hà chết, và dịch các bài tựa và lời phê-bình của Từ Trẩm-Á, và phụ những lời bình-phẩm của người dịch. »