Tuyết hồng lệ sử/2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Tháng hai

Tôi cùng bác Tử-Xuân xuống đò.

Lênh đênh một chiếc thuyền bồng.
Khối tình li-biệt tấm lòng sót thương.
Sông xuân nổi sóng đoạn-trường.
Con đường danh lợi là đường phong-ba

Trong khi ngồi thuyền tôi kể chuyện gia-tình. Tử-Xuân cũng có ý ái-ngại mà khuyên giải cho tôi.

Mặt trời vừa lặn, bóng cây um-tùm. Thuyền vừa ghé đến bến thì Tử-Xuân vội nhảy lên trước Một chốc thấy Tần Thạch-Si ra đón. Về đến nơi thấy dọn rượu ra, trong tiệc có người phó-giáo-viên là Lý Kỷ Sinh và ông cụ thân-sinh ra Thạch-Si, với người họ là ông cụ Thôi cũng ngồi tiếp rượu. Tử-Xuân đứng dậy giới-thiệu cả cho tôi biết, tôi cũng đứng dậy đáp lễ, xong rồi cùng ngồi.

Thạch-Si người rất ung-dung, tính-khí khác người lắm; mới gặp nhau mà xem ý yêu mến nhau như là người duyên nợ từ kiếp trước. Lý Kỷ-Sinh là một người học tốt-nghiệp mới bổ ra, học còn kém lắm. Thạch-Si dùng làm phó-giáo-viên, so phận hay hèn, lông gà cánh hạc, cái duyên gặp-gỡ, nước lã ao bèo, cố đấm ăn xôi, tôi bị sự không bằng lòng là một.

Trường học này là riêng của nhà Thạch-Si xuất tiền lập ra chỉnh-đốn rộng-rãi lắm, trong xứ nhà quê được trường học thế cũng ít có. Tôi đến ngụ ở nhà trường cũng được rộng-rãi, sạch-sẽ, nhưng ở gần với Lý-sinh thì thật không thú gì.

Khi chưa gặp tiếp Thạch-Si, tôi tưởng cũng là người tầm-thường mà thôi. Bây giờ mới biết là một người bụng dạ rất anh-hùng, tài-hoa rất phong-nhã, gặp nhau trong cõi phong-trần, rượu tiên chập tối thơ thần đêm thanh; ngờ đâu hồng đi én lại, bèo hợp mây tan, tây-song ngọn đuốc vừa tàn, con đường Nam-phố chia tan khối tình.

Tôi nhận công-việc trong trường đã hai ngày, đến hôm nay mới khai-giảng, mà đã thấy phát-hiện một sự rất lạ lùng, vì chương-trình trong trường học này láo-nháo lắm.

Số học-trò chỉ độ 30 người, có đứa mới độ 5, 6 tuổi lại có người lớn đã cưới vợ rồi.

Hôm bắt đầu khai-giảng, xúm đến xem đông như đám hội, toàn những thứ người hạ-lưu cả, vừa đàn bà vừa trẻ con, người thì mặc áo cánh, người thì đi chân đất, thậm-chí trỏ thày giáo mà nói rằng:

— Ấy kìa! ông Tây! ông Tây!

Mình khuyên nó cũng không được, mình mắng nó cũng không sợ, láo-nháo suốt cả một buổi học, chán quá!

Khi tôi mới bắt đầu đến nhà Thạch-Si, trong khi ngồi bàn rượu, Tử-Xuân đã có giới-thiệu cho tôi một người là ông cụ Thôi.

Hôm nay nhân ngày lễ, thấy ông cụ ấy đến chơi, chủ-ý nói chuyện một việc: có thằng cháu thơ-ấu, muốn đón tôi về nhà nuôi, để dạy riêng thằng cháu Hỏi tuổi thì nó mới lên tám, nên không dám cho nó đi học trường.

Tôi nhân không muốn ở gần anh Lý sinh, nếu được thế cũng lưỡng tiện, vậy cũng nhận lời ngay.

Sáng hôm sau, thu-xếp dọn sang nhà cụ Thôi.

Thằng chàu ấy tên là Bằng-lang. Khi nó ra chào tuy còn trẻ con, nhưng người thanh tú lắm. Ông cụ Thôi nói chuyện rằng:

— Cháu cũng có ý sáng. Mỗi khi mẹ cháu thêu xong, thì lại dạy nó ít nhiều. Bây giờ cháu đã thuộc được mấy bài Đường-thi

Tôi bắt đọc, thì nhớ cả thật. Con như thế thì chắc mẹ cũng không dốt.

Từ khi tôi đến trọ nhà ông Thôi, cũng khuây đỡ sự nhớ nhà và cung-cấp tử-tế.

Con trai ông Thôi, nguyên là người văn-nhã tài-hoa, chẳng may lại mất sớm. Ông Thôi thì tuổi-tác, công-việc nhà ấy, ở trong tay mẹ Bằng-lang cả. Nghe nói mẹ Bằng-lang cũng con nhà danh-giá, vả lại rất là người có tài, đầu xanh tuổi trẻ, phượng lẻ loan loi, cái gương bạc-mệnh là đời Văn-Quân!

Nghĩ mình gặp bước phong trần,
Cái thân bèo-bọt là thân lạc loài,
Ao xuân chan chứa vì ai,
Đời xuân-xanh cũng là đời vô-duyên,
Con Tạo trêu ngươi,
Kiếp người nặng nợ;
Thương nhau thì sợ,
Ghét nhau thì đành.
Trời xanh, ơi hỡi trời xanh!
Bày ra cái cuộc chung-tình làm chi!

Mẹ Bằng-lang họ Bạch, tên là Lê Ảnh. Có một con hầu gái tên là Thu-nhi, mới lên 14 tuổi, nhanh-nhảu chịu khó lắm, quét tước cửa nhà, bưng cơm rót nước, là nó phục-dịch cả.

Có một hôm, nó nói với tôi rằng:

— Mợ tôi quí thầy lắm. Ấy những đồ ăn này là mợ tôi thân-hành nấu cả.

Vả lại biết tôi hay uống rượu, bữa nào cũng đưa lên nậm rượu, mỗi bữa cơm tối, tôi uống rượu lừ-đừ một mình mãi. Con Thu-nhi đứng hầu, nó kể lẩn-mẩn đến chuyện trong nhà, nói rằng:

— Mợ cháu vừa đẹp vừa hay chữ, chỉ tại cái số vất-vả mà thôi; cháu hầu mợ cháu đã lâu nên cháu biết. Khi trước cả hai cậu mợ cùng hay thơ, gió chiều hoa sớm, bể ái chứa-chan, phượng họa loan ca, tình thơ bát-ngát. Từ khi cậu cháu mất, thì tiếng ngâm thường vắng, ngòi bút thường khô. Họa chăng mới thấy mợ cháu khêu ngọn đèn tàn, mài thoi mực mốc, cắm đầu viết được mấy hàng, thấy nét mực và nước mắt đã đầm đìa một trang giấy, thì không biết ai nghe mà nói, đau lòng vì đâu, làm sao lắm chữ nghĩa như thế?

Tôi nghe Thu-nhi nói, mà thương ôi! cái kiếp văn-chương, một phường mệnh bạc, một phường thiên-nhai, biết rằng ai có biết ai, thương tâm có biết con người này chăng?...