Tuyết hồng lệ sử/3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tháng hai dư,

Chỗ nhà tôi ở, trước sân có một cây lê với một cây tân-di, gió đông phất-phới, như cắt hoa xuân, ngày nắng đêm mưa, thiều-quang quá nửa.

Một hôm, gặp ngày nghỉ, tôi uống chơi mấy chén rượu, vì sầu nên uống say chơi, say rồi sầu lại bằng mười chưa say! Lại phải mấy ngày hôm nay mưa dầm mãi; chúa xuân tệ-bạc, hoa rụng hương tàn, đất khách lạnh-lùng, đêm khuya ngày vắng; trông ra thấy cây lê hoa nở rụng lở-tở, mới ngâm một bài rằng:

Lạnh lùng là cái kiếp thư-sinh,
Một khối sầu riêng thẹn với tình;
Mưa gió ghen chi hoa bạc-mệnh,
Cành lê thỏ-thẻ khóc con oanh.

Ngâm xong, thấy Bằng-lang chạy đến, tay cầm hai cành hoa lan cắm vào ống bút rồi cười. Tôi hỏi: « Hoa đâu thế? », nó nói rằng: « Tôi ngắt ở trong nhà ra ».

Tôi bảo nó rằng:

— Cái hoa này quí lắm, từ rầy không được ngắt nó đi thế nhé? Nghĩa là cứ để ở chậu hoa thì được một tháng, ngắt cắm vào lọ chỉ vài ngày thì tàn.

Bằng-lang nói rằng:

— Mẹ tôi cũng vẫn răn tôi thế, nhưng hôm nay là mẹ tôi bảo ngắt đem ra để cắm vào ống cho thầy đấy.

Ngày xuân lần-lữa, én lại oanh về; ngọn gió lơ-thơ, giọt mưa lấm-tấm. Trông ra cây lê thì hoa đã rụng đầy vườn: Đa-tình ta lại cười ta, yêu hoa là tính, thương hoa là tình.

Trông xuống gốc cây thấy cánh hoa lấm-láp mà lại ngao-ngán cho đời: Chơi hoa lúc hãy còn tươi, đến khi hoa rụng ai người thương hoa!

Bắt-chước Giả Bảo-Ngọc ngày xưa, lần-thần ra nhặt những cánh hoa rụng đem chôn một đống. Trông lại cây tân-di kia thì đang chum-chúm sắp nở, nên vịnh hai bài thơ ngụ-ý như sau này:

Vịnh hoa Lê

Một khối u-tình giận chúa xuân,
Hương trời đem bạn khách phong-trần;
Mưa xuân giọt lệ thương tri-kỷ,
Xuân hết đời hoa có mấy thân?

Vịnh hoa Tân-di

Nhị thắm mầu tươi vẻ mặn-mà,
Cánh hồng ganh với chị xuân già;
Giang-Lăng còn kém tài ngâm vịnh,
Một khúc thơ đề thẹn với hoa.

Đêm lạnh như tuyết, bóng trăng tờ-mờ, ước chừng non nửa đêm, thấy có tiếng khóc xùi-xụt, ngóc dậy rồi ngó ra, thấy một người con gái mặc áo trắng, đứng ở bên cây lê mà khóc thầm.

Người ấy là ai? Chính là Bạch Lê-Ảnh. Lê-Ảnh làm sao mà khóc hoa? Đã một người chôn hoa, lại một người khóc hoa! Hoa ôi! thôi hoa đừng khóc nữa mà hoa nên cười, gặp người tri-kỷ may đời cho hoa.

Nước mắt ngồi nhìn người nước mắt;
Đau lòng lại gặp khách đau lòng.

Câu ấy chính hợp cái cảnh-tượng đêm hôm ấy của tôi.

Suốt đêm tôi vẫn văng vẳng nghe thấy tiếng khóc, vẫn thấp-thoáng trông thấy bóng người

Chưa sáng đã vùng dậy, thấy Bằng-lang vừa cười vừa hỏi rằng:

— Sao thầy dậy sớm thế? Những cánh hoa lê rụng, có phải thầy chôn không? Sao thầy yêu hoa thế?

Tôi nghe nói, hiểu ngay rằng câu ấy là có người xui.

Chiều hôm nay, tan học tôi về thì thấy phát hiện một sự rất lạ, vì tập thơ Thạch-đầu ký đâu mất, không thấy nữa. Lạ! ai vào đây? cửa kính thì khóa mà ai là người ăn cắp thơ? Nghĩ mãi không ra. Phút trông thấy một cành hoa tường-vi rơi ở dưới đất, nhặt xem thì rõ ràng hoa mới gài đầu, cuống vẫn còn ngấn, mùi nước hoa thoang-thoảng chưa phai. À thôi tôi biết rồi, chắc là Lê-Ảnh, Lê Ảnh đến đây ăn cắp thơ là vì sao? Yêu vì tài hay sao? Say vì tình hay sao? Thật là không hiểu. Đã hay rằng Thu nương nhỡ thì, tiếc của ai khen Đỗ Mục. Văn-Quân gái góa, hay gì mà học Tương-Như; nhưng mà hoa rụng xuân tàn cùng phường luân-lạc, áo xanh quần thắm một giống đa-tình.

Gặp nhau duyên nợ ba sinh,
Đố ai ngảnh mặt làm thinh cho đành,
Thư này mình lại than mình,
Thử đưa cho khách hữu-tình xem sao!

Thư rằng:

« Mộng-hà chẳng may mười năm xấu số, ba tháng lìa nhà; gió sớm trăng khuya, vườn đào chốn cũ; sông xuân nước biếc, đất khách con thuyền, Song khi đến may gặp cụ lại có lòng yêu, đón về ở đây, để trông nom sự học cho cháu, tôi cũng đã biết cái lòng đãi khách hậu lắm, không biết lấy gì mà báo đền được Gặp bước cùng-đồ, được người tri-kỷ, dù chết cũng không dám quên. Lâu nay được nghe Thu-nhi kể chuyện, mới biết giọt ngọc Lam điền, tiếc tài Đạo-Uẩn, cành hoa bạc-mệnh, thương số Văn-Quân; yêu con nên yêu đến thầy, xót mình lại xót đến khách. Trên lầu bóng nguyệt, gương vỡ khôn lành; giấc mộng đai đồng, dây tình ai chắp; nhìn theo hoa rụng, tiếc duyên tri-kỷ cuối mùa; đứng ngóng non bồng, cái số tương phùng còn muộn; một người đa-hận, gặp khách đa-sầu Than ôi!

« Đêm xuân bóng nguyệt lạnh-lùng, hoa Lê nọ, vì ai mà khóc? Buổi sáng phòng thư lạnh-lẽo, gót sen kia ai xéo vào đây? Thơ kia là tập đoạn-trường, xem làm gì nữa! Hoa nọ là thân bạc-mệnh, ai đánh rơi đây?

« Gặp nhau duyên nợ lần này,
« Trăm năm cũng gọi một ngày tương-tri,
« Thương ôi, một khối tình si,
« Trừ câu thơ nữa lấy gì cho nhau?
« Nghìn thu còn lúc bạch-đầu,
« Thư đi, từ lại với nhau là tình,

« Thôi thôi,

« Bao giờ sạch nợ ba sinh,
« Yêu hương thì mến mối tình cho hoa.

« MỘNG-HÀ kính thư »

Tôi gửi thư ấy sang rồi tôi lại lo; bây giờ nghĩ lại thơ ấy thật liều quá, bậy quá, nghĩa là bụng người ta đã như giếng khô, thân như cây thông già, bỗng dưng mình đem lời hữu-tình để khêu nhau thì chắc không bằng lòng, lỡ vỡ chuyện ra, mình còn ra gì nữa. Nhưng cũng không sợ, ấy tại ai gợi ra trước, tưởng như người này xem bức thư ấy mà động lòng thương nhau chăng? Nếu không thì nước trôi cứ việc trôi xuôi, mảnh tình kia có vì ai mà sầu! Chỉ e rằng: lưới tình mắc-múi lấy nhau, dây duyên ai gỡ mối sầu cho ra?

Còn đang nghĩ-ngợi, đã thấy Bằng-lang cầm bức tiên-hoa sang.

Thư rằng:

« Bức thư đưa sang, bóng đèn hoa mắt. Thắp hương đọc khắp lời văn châu báu dễ xui người thương cảm lắm. Bể trần mông-mênh, buồng xuân lạnh-lẽo, hãy còn có người nghĩ đến kẻ bạc-mệnh này nữa ư! Thế thì Lê Ảnh may lắm, nhưng chính là sự rất không may cho Lê-Ảnh. Lê-Ảnh không ra gì, lọt khỏi lòng mẹ, đã đeo ngay khối sầu ra; biết chữ chi chưng, phô tài cho con Tạo ghét. Trong gác Thúy-vi, gió khuất không tới, trên lầu Yến tử, trăng soi một mình; nghìn xưa cái kiếp má hồng, ai ai cũng vậy, hễ thừa chữ tài thì thiếu chữ ngộ, đẹp vì sắc thì xấu về duyên, có một mình gì Lê-Ảnh này đâu? Người ta gặp sự không may, phải lùi lại một bước, mà nghĩ thì khắc phải đành lòng, Lê-Ảnh này, tự nghĩ thân mình, chút trộm phần son phấn, hơi biết một đôi điều chính, đúng lệ là người bạc-mệnh, nay không đến nỗi lạc bước phong-trần, hương rơi hoa rụng đã là phúc lắm. Bây giờ: buồng hương một bóng năm canh, tỉnh bao nhiêu lại giật mình bấy nhiêu; non xuân sầu khóa trăm chiều, trùm chăn mộng cũng không theo hồn về. Cửa sổ soi gương, con yểng không buồn hỏi chủ; bờ ao ngắm bóng, uyên-ương nó cũng cười mình. Những tình-cảnh ấy thật không vui thú gì nữa. Nếu Lê-Ảnh ngu tối không nghĩ ra, liều-thân hoại-thể, tủi phận hờn duyên, hồi văn cố dệt, chốn dạ-đài còn gửi cho ai? Giọt lệ chưa khô, sóng bể khổ nước triều dâng mãi Rồi đến nỗi: đem hồn bồ liễu làm ma đoạn-tràng, thiệt đời tài-sắc, cắt đường ái-ân. Lê-Ảnh nghĩ đến câu ấy thì xót-xa, lại thường nhân câu ấy mà khuyên giải vậy.

« Từ khi được cao-sĩ đến đây, Bằng-lang may có phúc được nhờ ơn tác-thanh, Lê-Ảnh vô-duyên chưa được thừa-nhan lần nào, hổ phận hoa hèn liễu yếu, dám đâu giở chuyện văn-thơ, nghe tài uyển-lãng tiên-quỳnh, luống trộm say lòng quì-hoắc.

« Đêm hôm trước, ba canh dưới nguyệt, thăm mả hoa lê, trước bóng ngọn đèn, ngâm câu giai-tác, xui Lê-Ảnh một tấm tình ngây, như say như tỉnh, nghĩ quân-tử mười phần tài-điệu, thêm kính thêm yêu, nghìn thu sau trước giống đa-tình là khách văn nhân; một kiếp phong lưu, nghề cảm-hứng bận đời danh-sĩ.

« Than ôi! nghĩ như chàng tài cao bằng trời, tình sâu như bể, đi đâu mà không đắt được cái tài, chỗ nào mà không gửi được cái tình, mà đến cái đất đoạn-trường này, gặp cái người vô-duyên này, một ngày nên nghĩa. trước lạ sau quen. Xem trong bức thư hình như không thể sao cắt được mối tình nữa,

« Lê-Ảnh dẫu ngu tối cũng xin cảm tạ, chỉ nghĩ rằng: Tình đã muộn, phúc đã bạc, chỉ ngồi đối với cảnh gió xuân mà khóc thầm, phòng the một ngọn đèn tàn, nghĩ đến tình-cảnh lúc trước, cành đào mùa hạ, mảnh quạt cuối thu, mấy phen gió hoa như giấc mộng, chín mươi ngày xuân lại lên mây; thoa gẫy, ai chắp cho liền, gương vỡ, lành sao được nữa; tự nghĩ tấm lòng đã như giếng cạn, không nên gợi sóng gió nữa kẻo mà đắm đuối, vả thân bạc-mệnh này cũng không nên để lụy đến ai.

« Kiếp xưa đã vụng đường tu,
« Duyên kia đành phải hẹn-hò kiếp sau.

« Nếu sẵn lòng với nhau, thời trên mây xanh dưới suối vàng, chắc cũng có lúc gặp, nhờ Nguyệt-lão chua sẵn vào sổ nhân-duyên, kiếp sau để đành lòng. Lê-Ảnh không phải là vô-tình, cũng không phải rằng không hiểu bụng người tri-kỷ, chỉ sợ rằng, dây tình mắc-míu gỡ mãi không ra, họa sau này bao nhiêu cái sợ-hãi, bao nhiêu cái phiền-não, bao nhiêu cái khốn-nạn, chẳng qua tại má-hồng hương nhạt, áo xanh giọt lệ ướt đầm mà thôi, thật cũng không thú gì cho Lê-Ảnh và cũng không có thú gì cho chàng nữa.

« Còn sự chàng muốn xem cai tập thơ của Lê-Ảnh, thì thật quê-mùa lắm, không hay-ho gì cả nếu đã thương nhau cho phép làm học-trò để tập học văn thơ, thì xin nhập-môn thầy may có lẽ cũng không đến nỗi cầm ngược quyển sách

« Khối tình một mảnh con con,
« Viết ra mực hết hãy còn lệ rơi.

« LÊ-Ảnh kính thư. »

Ôi! người này lại tài thế này ư? Không trách xấu số là phải. Một bức thư này thật như dắt tay mình vào đất đoạn-trường. Thôi từ nay trở đi hai hàng nước mắt của tôi không lo gì không có chỗ vẩy xuống nữa.

Đa tình ta lại biết ta,
Một lời tri-kỷ ấy là yêu nhau.

Tôi không phải là với ai cũng đa-tình, tuổi ngoại hai mươi, vợ con chưa có, chắc cũng có người ngờ lòng tôi, nhưng thật lòng tôi mang sầu mua giận sao qua, bụi hồng mù-mịt ai là tri-âm; một khối tình si, chỉ muốn bán cho người tri-kỷ... Trong Khuê-các mà mấy năm nay không gặp ai cả, sao bây giờ may gặp được Lê-Ảnh. Trời ơi! mừng lắm, quí-hóa lắm, nhưng mà: Chúa xuân đành đã có nơi, cành hoa đã bẻ cho ai cầm rồi! Sao tôi còn giấy-má đi lại làm gì nữa, đem cái tình dùng vào chỗ không đáng dùng, không biết sau này kết-cục ra làm sao, tôi đã toan thu cái tình về mà sao thu lại cứ không được nữa. Than ôi! gặp người tri-kỷ đã quí lắm gặp người tri-kỷ mà là bạn gái lại càng quí lắm. Thôi, tôi cũng liều cái thân này để đánh nhau với tình phen này. Tôi đang nghĩ lẩn-quẩn, tay nhắc cái nghiên mực lên thì thấy có bài từ ở dưới gậm.

Từ rằng:
(điệu giá-cô-thiên)

Trách gió đông-phong chẳng biết gì,
Chôn hoa có biết mảnh tình si?
Bên hoa tiếng sáo ai von-véo,
Sầu buổi tà-dương sắp lặn đi.

Hồn mê-mẩn,
Lệ đầm-đìa.

Đau lòng viết một khúc tân-thi.
Cánh hoa có ý xuôi dòng nước,
Bóng nguyệt vô-tình hỏi thiếp chi?

Tôi xem hết bài thơ ấy, giật mình rồi rỏ nước mắt ra.

Hay thơ chi lắm ai ơi!
Vì tài làm hại cái đời thông minh!

Những cành hoa của Bằng-lang cắm ở trong lọ hôm trước, mấy hôm nay đã héo cả.

Hốt thấy Bằng-lang đến trỏ vào cái bình hoa mà cười rằng.

— Cái hoa héo thế kia còn để làm gì nữa?

Nói dứt lời rồi rút cành hoa lan vứt đi, tôi vội-vàng nhặt lấy.

Bằng-lang cười rằng:

— Sao thầy quí cái hoa héo như thế?

Tôi nói rằng:

— Hoa thì héo nhưng cuỗng hãy còn, yêu hoa không những yêu cái hương, mà nên thương đến cả cái cuỗng.

Nói xong, ngảnh lại, trông cái ống hoa đã thấy cắm mấy cành hoa khác tươi-tốt lạ lùng.

Tôi gắt Bằng-lang rằng:

— Tao đã bảo hoa này quý lắm, không được cấu sao mày được quên?

Bằng-lang nói rằng:

— Thầy bảo con vẫn nhớ, nhưng hoa này là mẹ con bảo ngắt để cắm vào ống cho thầy.

Hoa ơi! hoa cũng một đời,
Biết nhau có biết đến người vô-duyên?...