Tuyết hồng lệ sử/4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tháng ba,

Khi xưa thầy tôi cũng hay uống rượu, nên tôi làm bạn với rượu, nợ-nần gỡ mãi không ra.

Từ khi đến nhà ông cụ Thôi, vì chủ-nhân sẵn lòng yêu khách, nên bữa cơm nào cũng có nậm rượu.

Khi buồn, buồn đến thế nào, quỳnh-tương đánh bạn, cớ sao lại buồn; nhân thế ngày nào tôi cũng uống rượu. mỗi khi uống rượu xong thì ngà ngà mà say, ngây-ngây mà sầu, rồi lại rầu-rầu mà khóc. Người ta vẫn bảo uống rượu cho đỡ buồn, nhưng nếu buồn thật, thì càng uống rượu, càng buồn thêm.

Một hôm tối, tôi vì buồn mà uống rượu say quá, rồi viết một bài ca đưa cho Lê-Ảnh rằng:

Mộng Hà, ới hỡi Mộng Hà!
Nam-nhi mà chịu thế này a?
Như cái dùi cùn nhụt cho qua một đời!
Đợi đến khi công-danh tròn vẹn.
Thân thế vui cười,
Thì cây xương bồ kia dễ cũng mấy lần nở hoa!
— Mộng-Hà ới hỡi Mộng-Hà!
Nhớ từ khi mới lên năm lên ba,
Người yêu kẻ quí như ngọc như ngà,
Văn-học tài-hoa,
Thông-minh nhất nhà,
Ai cũng chắc rồi thì
Áo xiêm đai-mũ Tràng-an xem hoa,
Rực-rỡ cửa nhà, vẻ-vang ông cha,
— Mà làm sao bây giờ.
Luân-lạc hư-hèn mãi mãi thế này a!
— Mộng Hà ới hỡi Mộng-Hà!
Khác gì người con gái yếu,
Khác gì con gà mái già,
Kìa con phượng hoàng nó đậu ngọn cây ngô-đồng.
Nó bay truyền bay la;
Con chim khôn nó đậu nóc nhà quan sang,
Mà làm sao cứ,
Đêm hờn ngày giận,
Nay thảm mai thương,
Buộc thân vào cõi đoạn-trường cho qua?
Mộng Hà ới hỡi Mộng-Hà!

Năm nay tuổi hai-mươi-ba,
Mối sầu buộc chặt gỡ không ra.
Hãy còn tuổi trẻ đã như thế,
Không khéo nó buộc cho đến già!
Xem hoa chạy ngựa mau kẻo tối.
Sao anh chậm chân đến thế a?
Vườn xuân gió lại mưa qua,
Đến khi hoa rụng, nhìn hoa mà sầu.
Lòng sầu đeo nặng một bầu,
Rửa sâu bằng rượu, có sạch sầu cho đâu!
Đem sầu tưới khắp vườn đào,
Tưới sầu rồi lại tưới cả bầu rượu xuân.
Một ngày sầu nhất buổi tà-huân,
Một năm sầu nhất à hôm xuân cuối mùa.
Nửa đêm tiếng chim kêu o o,
Cửa sổ vòi-või bóng trăng lùa.
Cái khổ riêng này ai biết cho,
Nước mắt đã cạn máu chưa khô.
Trời đất vô-tình không biết cho,
Vứt rượu đứng lên kêu thật to,
Đoạn trường một khúc, viết cho ai làm gì?
Nét mực đen sì,
Hạt lệ đầm-đìa.
Giọt máu lâm-li,
Mực hay là lệ.
Lệ hay là máu,
Gửi để tình-nhân,
Nhìn kỹ xem rằng những thứ chi!

Ai ngờ thế mà đau đến một tuần-lễ, phải nghỉ cả công việc nhà trường, nhật-ký bỏ cũng không chép được.

Hôm nay, đã bớt nhiều, thầy thuốc dặn rằng: Chưa nên-dùng cái tinh-thần cho khó-nhọc. Nhưng tôi lại nghĩ nằm bẹp trong một cái nhà này, trừ cái nghiên, cái bút, thì còn lấy gì, làm vui. Gượng ngồi dậy mở quyển nhật-ký rồi chép nối những tình-cảm trong khi đau.

Sự đau của tôi môt nửa là tại rượu. Đêm hôm ấy say quá sáng hôm sau tỉnh dậy thì thấy váng đầu, lao-đao ngồi không vững, ho luôn hai ba tiếng, thì thấy hình như có cái gì đưa lên cổ; khạc ra thì thành ra một cục máu. Ho luôn, khạc luôn mấy bận nữa, rồi lăn ra mà thiếp đi, đến lúc hơi tỉnh, thấy mình nằm duỗi ở trên giường, có một người đang cầm tay mà bắt mạch, và ông cụ Thôi cũng ngồi ở bên cạnh, thì ra ông cụ ấy thấy tôi đau, đã đón được thầy thuốc cho tôi.

Thầy thuốc ấy tên là Phi sinh, là một thầy thuốc rất danh tiếng, xem mạch xong rồi nói rằng: « Bệnh này ở quả tim, nhưng mà cũng mới cảm, nên đừng để có sự gì buồn-bã và giận dỗi thì tức khắc khỏi dần. Nếu không kiêng được hai sự ấy thì thuốc nào cũng không chữa được.» Nghe nói tôi cũng biết rằng đúng bệnh của mình, nhưng cái dây sầu khó cắt, cái khối giận không tan, nên cái bụng cứ lan-man lẩn-quẩn, không dứt đi được.

Bằng-lang thì cứ thậm thụt chạy đi chạy lại như mắc cửi.

Đến ngày thứ tư tôi đã hơi tỉnh-tao, thấy Bằng-lang cầm thư đi trước và Thu-nhi bưng hai chậu hoa lan để lên bàn.

Tôi hỏi: — Đâu có? — Nó nói rằng:

— Mợ tôi bảo đem đến để đỡ một thang thuốc cho thầy.

Tôi cảm tình quá, vội mở thư ra xem. Thư rằng:

« Thơ rượu vừa xong, bệnh đâu mà chóng thế?

« Buồng khuê nghe tin ấy mà kinh hồn. Nhưng trong ngoài cách tuyệt, vì một sự tị-hiềm nên không thể đến thăm hỏi nhau được; sốt lòng sốt ruột không thể nói với ai được. Nghe cái bệnh của anh là tại say rượu. Song mà, gây bệnh thời là vì thương tình. Một cục máu khạc ra đừng coi làm thường: bể tình lênh-đênh nỡ đem thân mà lăn vào hay sao? Than ôi! khốn nạn, anh ngu lắm, mẹ già hãy còn, con cái chưa có, một thân gánh vác còn nặng nợ đời, Lê-Ảnh không dám đem cái thân bạc-mệnh để lụy đến anh nữa.

« Anh có thật yêu Lê-Ảnh thì trước hết anh hãy yêu lấy thân, để dành lại mà hưởng cái sự vui sau này. Trước mắt tuy rằng phiền-não, rồi ra cũng gặp lúc cơ-duyên. Phương-ngôn nói rằng: « Còn rừng núi, lo gì không có củi đun. » Lời nói ấy ý-nghĩa hay lắm, anh cứ nghĩ kỹ thì biết. Thành sầu không phải là một nơi vui thú, sao anh cứ giam-hãm cái thân anh vào đấy làm gì? Nghe thầy thuốc nói bệnh anh là bệnh trong tâm, thì lại nên đem cái tâm mà trị bệnh; một sự vui, sự khổ ấy, sống chết ở đấy, bỏ cái sầu, cắt cái tình, để cho vui lòng, thật là thứ thuốc rất hay đấy, xin nói thế thôi. Anh nhớ cho, hai chậu lan này xin đưa sang để làm một thứ thuốc vui lòng cho anh.

« Cầm bút mà hồn đã tan, viết khôn thành chữ, xin chúc anh chân-trọng ».

Tôi đang ốm, tiếp được lời khuyên giải đa-tình như thế, lại ngửi thấy mùi hoa lan, sao cái người rất yêu của ta, mà yêu ta đến thế này? Hôm nay cũng đã cầm được cái bút mà viết, nhân viết mấy chữ để trả lời:

« Tiếp được bức thư, cho hai chậu hoa, một tấm tình thâm, ghi lòng để dạ. Nửa rèm gió lọt, hoa đấy hương đây, khác gì gặp mặt nhau mà nói chuyện? Thôi, như thế bệnh tôi cũng khỏi rồi!

« Than ôi! tình ở với nhau như thế này là hậu quá. Mợ đã không nỡ để cho tôi chết vì tình, tôi còn nỡ lòng nào mà không chết vì mợ. Than ôi! tài cao mệnh bạc, nghìn thu nó vẫn hay ghen; tình trước duyên sau, một tiếng đua nhau cùng khóc.

« Tôi với mợ thương nhau, tiếc nhau, chắc cũng vì làm sao. Trời xuân trái gió, xin mợ cũng chân-trọng đừng vì tôi mà thương-tổn đến tinh-thần, thì tôi cảm tạ lắm. Tấm lòng áy-náy, nói cũng không hết, viết mấy chữ lại cho mợ bằng lòng. »

Từ khi gửi bức thư ấy, Bằng-lang cứ đi lại luôn, tôi lại dặn miệng để nhác đến sự xin mượn tập thơ của Lê-Ảnh.

Một hôm thấy Bằng-lang đem một tập thư đến đề nhan là: « Túy-hoa-lâu ngâm thảo »

Tôi mừng quá, mở quyển sách thì lại được bức thư như sau này:

« Tôi mệnh hèn tài kém, học-hành dốt-nát, sao anh cứ cố bắt tôi phải dơ những lời văn xấu xí, của tôi làm gì thế?

« Một cái nghề văn thơ. tôi cũng vẫn thích chơi. Nhưng mỗi khi buổi sớm hoa nở, buổi chiều trăng lên, có nghĩ được một đôi câu, chỉ đủ làm vui riêng cho mình, chứ chưa đáng để cho ai nghe.

« Từ khi chẳng may mà thế này, sự ấy cũng đã bỏ cả, chỉ còn vài bài thơ cũ thì phần nhiều là những bài hờn thân tủi phận, như ngọn đèn buổi sáng, như tiếng trùng đêm thu, nếu anh xem qua sợ lại thiệt-hại đến sự vui riêng của anh, vì rằng tập thơ này, giọt lệ mới, giọt lệ cũ, đã thấm-thía đến mấy mươi lần; anh thử nhìn kỹ xem đố biết đã thấm mấy lần nước mắt vào đây thì giỏi.

« Trước tôi không cho anh mượn, là vì anh là người thương-tâm còn nên xem văn thương-tâm này làm gì, nhưng anh cứ cố ăn hiếp mà đòi mượn mãi, nên tôi không dám trái lòng của anh; vậy xin đem trình, xem xong thì đốt đi nhé! »

Đỗ mục Thu nương chửa hết duyên,
Ngọn đèn giọt lệ, soạn thơ tiên;
Thông-minh ngán nỗi cành hoa bạc,
Gặp-gỡ nhau đây bóng nguyệt tàn;
Dòng nước xin thề cùng nợ cũ,
Nén vàng khôn chuộc cái thanh-niên;
Một đời trải mấy lần thương nhớ,
Vá giận cho trời đã mấy phen!

Từ khi tôi khỏi bệnh, cứ mỗi ngày hai lần lên trường dạy học, vẫn phải kiêng không dám uống rượu nữa.

Chủ-nhân cũng biết ý thế, nên mỗi bữa chỉ bưng cơm lên mà không thấy đưa nậm rượu nữa.

Hôm nay là ngày hạ-chí, trong tràng nghỉ học, bữa cơm chiều, lại thấy Thu-nhi xách nậm rượu lên cùng những các thứ hoa quả và rau ghém.

Tôi hiểu ngay rằng: — À! hôm nay là ngày tết hạ-chí, nhà có cỗ, phải rồi!

Uống mấy chén rượu xong, mệt rồi nằm, vừa mới chợp đi, thấy có người đánh thức dậy, mở mắt ra thì là Bằng-lang.

Tôi bảo rằng: — Ô hay! Bằng-lang mày nghịch gì thế, để yên cho thầy ngủ.

Bằng-lang không trả lời, tay chao cho tôi một mảnh giấy con, tôi vội mở ra xem thì chỉ thấy viết có mấy chữ rằng: « Anh có quyển Thạch-đầu-ký cho tôi mượn một lúc. »

Tôi vội-vàng tìm quyển sách ấy, đưa cho Bằng-lang rồi lại nằm.