Tuyết hồng lệ sử/5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tháng tư

Hôm nay là ngày thứ năm, lệ phải đưa học trò đi chơi tràng học Nga-hồ, Lý sinh thì đưa học trò đi bộ, mà tôi thì đi thuyền. Mãi đến tối mới về đến nhà, ăn cơm qua-quít rồi vội vàng đi nằm. Vừa toan mở cái chăn để ngủ thì thấy có một vật rơi ra, là cái khung ảnh người con gái, giơ lên mà nhìn kỹ, thì lộng-lẫy như ngọc, bóng-bẩy như tiên. Tôi vui mừng không biết chừng nào. Ảnh ấy của ai? Là của Lê-Ảnh.

Cùng nhau đã được mấy ngày,
Yêu nhau cho đến thế này là yêu

Tôi chắc hôm nay Lê-Ảnh đến nhà học của tôi.

Ô hay! làm sao lạ thế? Tôi vội soi đèn khắp trong nhà thấy dưới đất một đống giấy đốt, chỉ còn một mảnh chữ, nhặt lấy mà xem chỉ có tám chữ rằng: « Kẻ đi người lại hình như nước trào. »

Tôi lập-tức viết một cái thơ rằng:

« Tôi là kiếp học trò, quê người đất khách, biết có lòng yêu nhau, cảm-tạ mà lại xấu-hổ. Duyên từ kiếp trước hay duyên kiếp này thì tôi cũng chưa dám biết

« Than ôi! tôi ngồi lên trên đống sầu, tan gan, nát ruột. mà không xuôi đi được, chỉ vì chưa gặp người tri-kỷ đó mà thôi Nay được mợ biết cho, thì dù chết cũng đáng.

« Thôi, cái ruột tôi, mợ đã khoét mất rồi!

« Hôm nay vì anh em rủ tôi đưa học trò đi chơi, nên đến nỗi thiệt hại cho tôi một việc, không gặp mặt nhau.

« Tro tàn một đống, tấm lòng thơ sao nỡ giấu nhau; ảnh ngọc hai gang, tình ân-ái lấy gì đền lại.

« Bây giờ tôi duy có đem một cái ảnh của mợ, buổi sáng buổi chiều dâng hương hoa mà kính-phụng. chúc cho mợ, ngâm thơ đừng khóc. tật-bệnh không sinh; chân-trọng quí-hóa, viết bức thư này ».

Chiều hôm nay, tiếp được Lê-Ảnh trả lời rằng:

« Tôi sang thì anh đi vắng, anh không đi vắng thì tôi cũng không sang. Tặng nhau cái ảnh là một sự chí-tình, không thể đừng được, vì Lê Ảnh đã lấy anh làm tri-kỷ mà anh cũng cho Lê-Ảnh là đồng-bệnh, còn dám tiếc gì nhau. Nhưng lòng lại hỏi lòng, chỉ sợ kiếp này không trông thấy nhau được. Giống ngọc muốn trông, dở-dang nửa kiếp; hạt châu đem trả, nước mắt đôi hàng. Không dám phụ lòng anh mà cũng không dám làm lỡ anh. Cánh bèo mặt bể, đã chắc đâu tan-hợp lúc nào; bông hoa cách tường, khôn có thể xum-vầy một chốn. Một tấc mà xa mấy dặm, nghìn vàng đã dễ mua vui. Rồi ra anh về một nơi, tôi ở một nơi. Biết bao giờ câu thơ lại họa, giấc mộng lại tròn? Nên tặng anh cái ảnh ấy để tỏ lòng yêu nhau và ghi một sự kỷ-niệm sau khi quyết-biệt... »

Chiều hôm ấy, tôi lại phải trả lời Lê-Ảnh bức thư như sau này:

« Tiếp thư xem kỹ một lượt, cái tình yêu nhau khác gì mở ruột cho nhau, không biết nước mắt ở đâu tuôn rơi ngay ra ướt hết cả một tờ giấy.

« Mợ cũng không phải là người suông tình, tôi cũng không phải là người khinh-bạc, mà bây giờ hai người cùng không cầm lòng cho đậu được, chẳng qua chỉ tiếc rằng giọt tình đã đánh rơi, thì không nhặt lại được.

« Tôi chẳng may sinh không phải là thân phú-quí, lớn chưa gặp được người thương yêu, tính-khí đã trái người, lại làm nghề lãnh-đạm. Gặp khi vận nhà chẳng may, cha già mất sớm, nương nhờ mẹ cùng anh.

« Bây giờ như một cánh bèo xuân, theo chiều gió trôi xuôi giạt ngược, năm nay thì ở đây, chưa biết sang năm lại ở đâu; nghĩ thế thì hai ta gặp nhau lúc này, là sự ngẫu-nhiên, còn chắc gì nữa. Ngay bây giờ: chim xanh đi lại, biết bao gấm dệt hoa thêu, cầu Lam nghẽn đường, chưa được quen hơi bén tiếng; sợ rồi ra bên trời góc bể, nước chẩy mây trôi, không những hình-ảnh không được gần nhau, đến nỗi giấc mộng hồn cũng không được trộm gặp mặt nữa.

« Nghĩ đến câu ấy thì tôi còn chịu làm sao được nữa. Cái sự mợ cho tôi cái ảnh tôi cũng hiểu rồi, sao mà dụng-ý sâu-xa làm vậy? Than ôi! gương trong ngọc chuốt, mà sao phận hẩm duyên hôi? Nghĩ tình nên tiếc mà tài nên thương

« Bằng-lang tuy bé, nhưng tư-chất sáng lắm, thật đáng là con của mợ. Sau này chắc có thể mở-mang được nghiệp nhà, mợ dù bạc-mệnh, nhưng được sự đó cũng đỡ buồn, so với tôi thì hơn nhiều lắm. Tôi gặp cảnh không may, say-mê nghề văn-tự, một mảnh đàn một hộp sách, dễ hết đời hãm thân vào cảnh lo sầu, làm hại mình chửa chán, lại làm hại lây đến mợ nữa hay sao?

« Trước mợ có bảo tôi rằng mợ không lụy đến tôi, nhưng bây giờ tôi không có thể làm cho tôi khỏi lụy đến mợ được. Từ nay trở đi, không cứ sự vui, sự buồn, lúc hợp lúc tan, mợ đã cho tôi là người đồng-bệnh, thì tôi cũng xin đem một cái chết đền lòng mợ.

« Than ôi! người ta chỉ tội vì tham cái sống mà thôi, chứ sự đời dẫu khó đến đâu, đã đến chết thì điều gì mà không đành.

« Nếu giữ chắc được điều ấy cho lâu bền, thì dẫu trên trời dưới đất lo gì không có lúc lại gặp nhau.

« Tôi viết đến câu này thì vứt bút mà thở dài, không biết thân mình là vật gì nữa... »

Hôm nay lại tiếp được cái thư của Lê-Ảnh, một bầu thương-tâm dốc hết cả ra.

Trời ơi! làm sao cố làm hại tôi và Lê-Ảnh làm vậy!

Thư rằng:

« Than ôi! Hà-lang ơi! còn muốn nghe Lê-Ảnh nói câu này nữa hay thôi? Anh nói đến sự chết, đã hay rằng yêu nhau, nhưng anh quái-quắt lắm. Anh có biết Lê-Ảnh là một người thế nào của anh? và cái địa-vị của Lê-Ảnh thì làm sao? có thể tự-do mà yêu nhau được hay không? Anh dụng-tình như thế, đối với bổn-phận hai ta, có lợi-ích gì hay không?

« Sao anh không cân nhắc cho kỹ mà mạnh-lãng làm vậy?

« Lê-Ảnh hình như con chim lạc đàn, chỉ còn thiếu cái chết nữa. Thăm hoa, khóc hoa, là Lê-Ảnh vẫn riêng có một sự đau lòng, chứ không việc gì đến anh; anh cứ chôn hoa, tôi cứ khóc hoa, mỗi người có một tâm-sự riêng, không rây-rớm gì đến nhau cả, mà ngờ đâu một dây một buộc, càng thắt càng chặt đến thế này!

« Hà-lang ơi! nếu hai ta mà có duyên nợ ba-sinh, thì sao đến bây giờ mới gặp nhau? Đã vô duyên với nhau mà lại cứ phải gặp nhau, cái sự ấy thật là khó nghĩ quá, chỉ có một phép riêng, ta cùng sửa cái lòng sầu, cắt cái dây tình, ấy là thượng sách. Nếu không thế nữa, đánh bạn văn thơ, kết sự yêu tinh-thần với nhau. Dưới nguyệt bên đèn, văn thơ làm bạn: bên trời góc bể, yêu quí vì tình. Ấy là một sự cùng-đồ của chúng ta. Anh vì Lê-Ảnh mà ốm, đã chắc đâu Lê-Ảnh cũng không vì anh mà tiều-tụy, Anh định đem cái sự chết biếu Lê-Ảnh, biết đâu Lê Ảnh vẫn định đem cái chết để đền anh; nhưng mà anh chưa được chết, mà Lê-Ảnh cũng chưa nên chết.

« Thân này còn sự dở-dang,
« Người kia cũng dở về đường nhân-duyên.

« Anh chưa đến 30 tuổi thì đã lo gì sự thân-thế, anh cảm vì sự thân thế, mà không tưởng đến sự công-danh. Thà rằng không gặp nhau thì thôi, đã chót gặp nhau thì sự vui sự buồn phải gánh chung.

« Anh chỉ biết yêu Lê-Ảnh mà anh không biết yêu anh, Lê-Ảnh thì thương tiếc anh mà anh thì không biết thương tiếc anh,

« Than ôi! Lê-Ảnh chẳng qua là một đứa con gái góa thôi, giá gặp nhau từ khi Lê-Ảnh chưa chồng mà nhân-duyên ta được trọn-vẹn cũng chẳng quí-hóa gì cho lắm. Sao bây giờ anh vì Lê-Ảnh mà thương-tâm đến thế? Lê-Ảnh lấy làm lạ quá, mà tức rằng không có phép gì để nói cho anh nghe ra

« Vậy cái sự khuyên anh đi du-học, là muốn cho anh chóng lìa cái đất thương-tâm này. Này anh ơi, có thương Lê-Ảnh, nghĩa là chỉ thương vì sự hơi có tài, nhưng thiên-hạ thiếu gì người tài, chứ Lê-Ảnh là một cái đời không hay, nếu thỏa bụng anh cũng chẳng qua chỉ nghe đàn, uống rượu, nói chuyện ngâm thơ mà thôi.

« Bóng tà dương dù đẹp, tiếc rằng trời đã gần hôm, thì còn quí gì nữa. Hà-lang ơi! nghe chừng sự đã không thể sao được nữa, thì ta cùng buông tay nhau ra, đừng khốn-khổ thế mãi. Lê-Ảnh khuyên anh một câu ấy. Nếu anh biết nghe lời Lê-Ảnh, ấy chính anh thương Lê-Ảnh nhiều lắm đấy. Nếu không thế, mà cứ cố buộc nhau dan-díu mãi, cái giấc mộng cũng thành không, hai ta cùng không ích gì cả. Có thế thôi; anh có thương lời nói Lê-Ảnh không?... »

Tôi tiếp bức thư ấy lại trả lời Lê-Ảnh một bức thư thì lại thành ra một lần thề thứ hai.

« Tiếp bức thư này, càng tỏ cái lòng của mợ, càng đau cái lòng của tôi.

« Mợ ơi! Mợ ơi! sao nỡ đem lời khuyên-giải vô-ích để khổ tôi làm gì thế? Tôi mà yêu mợ, quí mợ, là tại làm sao thì mợ thử nghĩ kỹ xem. Mợ thương mợ là phận mỏng, nhưng tôi thì dầy với ai?

« Không những rằng trong nữ-giới đời này, đã mấy người được như mợ, nhưng nếu có nữa tôi cũng không chung-tình với ai nữa. Nếu không được mợ thì tôi cũng xin thôi cái sự nhân-duyên một đời. Sống đã vô-duyên, thà chết đi cho xong, để kết cái duyên kiếp sau vậy. Còn những sự sinh-đẻ tôi cũng đã nghĩ đến rồi, nhà tôi may cũng còn có anh tôi đã sinh được đứa cháu trai, có lẽ cái tội tôi cũng giảm bớt đi được. Mợ ơi, một lời nói ra, ngựa đuổi không kịp; nếu nói rồi mà lại ăn lời thì tôi xin chịu tội.

« Thôi, mợ đừng nói nữa. Tôi hỏi mợ nhé, mợ thương tôi là yêu vì tài, hay cảm vì tình, hai sự ấy nên cân nhắc cái nặng nhẹ xem khởi-đầu ra là vì chữ tình, rút cục lại là vẫn giữ chữ lễ, bụng tôi đã lấy làm phải lắm, đành lắm.

« Nghĩ đi, nghĩ lại, đến mấy trăm lần, cũng vẫn chắc rằng phải lắm, đành lắm. Tôi đã đành lòng mà việc gì mợ phải không đành lòng hộ tôi. Sau này tôi còn sống được ngày nào nữa, thì những khi đêm trăng ngày gió ta cùng chịu chung nhau cái cảnh buồn rầu, may ra trời có lòng thương, hai ta lại hội-hợp với nhau, để cùng mợ đánh đàn ngâm thơ, mà kể lại những sự phiêu-linh chuyện cũ, thì sướng lắm. Nhưng sự đó thật không dám chắc.

« Than ôi! tôi khuyên mợ không được, mợ cũng không khuyên nổi tôi, đến nỗi lại đem cái lời của mợ khuyên tôi để khuyên trả mợ, như thế thì tôi khổ thật, tôi giận thật.

« Ông xanh sao đứng xa xa,
« Sao người bạc-mệnh kêu mà không thưa?

« Tôi vốn là người yếu-ớt. đã cái tình nó đánh cho tôi đau lòng, lại cái bệnh nó đánh cho tôi nhọc xác. Cái sự hôm nọ khạc ra máu, chỉ vì sự khổ, sự giận mà thôi.

« Mợ ơi! đầu xanh tuổi trẻ, quen thói đa-tình, là một sự không ra gì đâu.

« Tôi ra đời mới được hơn hai-mươi năm, mà làm sao trăm cay nghìn đắng, trăm lo nghìn khổ, nó cứ buộc vào với tôi mãi. Cái đời sầu-thảm, tôi còn tiếc làm gì; mợ cũng đừng nghĩ gì đến tôi nữa... »

Tay cầm lấy bút viết lảm-nhảm mấy câu mà cái thần-hồn của tôi cũng bay theo. Không biết Lê-Ảnh xem thư này thì mừng hay giận, cười hay khóc, nhưng tôi cũng tệ quá, cái người đã thương-tâm, sao đem cái lời nói thương-tâm cho người ta nghe làm gì? Bức thư ấy qua mắt Lê-Ảnh được 48 giờ đồng-hồ, trong 18 giờ đồng hồ ấy, tôi không có một phút nào không để bụng vào đấy. Chỉ mong Lê Ảnh đem một lời thương yêu mà trả lời mình, vốc một nắm nước mắt mà đền cho mình. Cái bụng tôi không khác gì đại-hạn mà đợi trời mưa, cái cây lúa ấy sống hay chết là nhờ giọt nước mưa ấy cả.

Đợi mãi không thấy Lê-Ảnh trả lời. Quái lạ, chết nỗi! thôi hay là Lê-Ảnh tuyệt mình rồi, hay là lời nói trong thư có câu gì lầm-lỡ đáng giận chăng.

Thôi, chết nỗi làm sao thế này? Mà lại lạ quá, mọi hôm cứ bữa cơm tối ăn xong thì Bằng-lang đem sách đến học, sao hai ngày hôm nay thì mất hút. Tại làm sao mà nghỉ học? Thôi, chắc hẳn rằng tôi mang tội với người rất yêu của tôi rồi. Muốn dò thám xem sao thì lại không có phép gì dò thám được nữa.

Lượn đi lượn lại trong cái nhà học một mình, lúc bấy giờ tôi không khác gì cái người tù sắp đem chém mà chưa chém.

Chiều hôm nay, Bằng-lang sang bảo tôi rằng: — Gớm nhà tôi lứa tằm đang ăn rỗi, bận quá, mẹ tôi khó nhọc quá, suốt ngày hôm qua đêm hôm qua, tôi cũng phải băm dâu đỡ mẹ tôi nên phải nghỉ học, chắc thầy lại mắng rằng lười.

Tôi nghe câu nói ấy biết rằng: — À! Lê-Ảnh chưa trả lời ta được, là tại thế. Cái thân yếu-ớt, mà khó-nhọc như thế thì làm thế nào, tôi lại lo thay cho Lê-Ảnh vì điều ấy.

Đêm hôm ấy buồn quá, lại xách nậm rượu ra uống, trong mình chưa thật mạnh, nên mới uống một cốc đã thấy say. Khi say rồi, tự-nhiên lại khóc một mình. Đang khóc thấy Bằng lang chạy đến: — Thầy đừng khóc mẹ tôi ốm rồi.

Tôi đang lúc bâng-khuâng nghe nói câu ấy giật mình mà tỉnh hết cả rượu. Kíp hỏi Bằng-lang rằng: — Sao mà ốm? Ốm làm sao? Sao Ốm chóng thế?

Bằng-lang nói rằng: — Người nhà bảo rằng tại khó-nhọc quá mà ốm. Ông tôi hỏi, mẹ tôi cũng nói như thế, nhưng tôi xem ý thì mẹ tôi ốm, là tại cái tờ của thầy hôm xưa.

Tôi nghe nói kinh hồn, vội hỏi rằng: — Tại tao ư? Tại cái tờ của tao ư? Sao mày biết? Hay mẹ mày nói với mày hay sao?

Bằng-lang nói rằng: — Không, hôm nọ không biết trong tờ thầy nói thế nào, mẹ tôi xem lượt trước, thì thở dài mà ngồi im, xem lượt nữa thì khóc. Tôi cũng không dám hỏi. Từ đấy thì thấy mặt ủ mày chau suốt ngày không vui. Hôm nay thì ốm thật, không trở dậy được nữa. Khi ốm, nằm đấy tôi cứ thấy một chốc lại giở cái giấy của thầy ra xem, rồi lại thấy nước mắt chứa-chan.

Bằng-lang đang nói, thấy con Thu-nhi chạy vào, bảo Bằng-lang rằng: — Mợ đang gọi mày, về ngay mau lên.

Khi Thu-nhi vừa nói, lại vừa lườm Bằng-lang, hình như có ý muốn không cho Bằng-lang nói chuyện với tôi nữa. Rồi Bằng-lang cũng vội-vàng theo con Thu-nhi vào nhà trong

Than ôi! Lạ quá! Lê-Ảnh tại tôi mà đau ư? Bây giờ mới biết nhé, xưa nay cứ bảo tôi là si-tình! Bây giờ mới biết ai si-tình hơn, không những một mình tôi nhé. Đêm dài dằng-dặc, ngọn đèn tờ-mờ; hồn phách không về, ruột gan đã chết. Tôi nghe cái tin ấy thì còn vui-thú sao được nữa. Nếu Lê-Ảnh tại tôi mà ốm, thì thật tôi cũng tệ quá, cố bắt cho Lê-Ảnh phải ốm. Nhưng nếu không có cái tờ của tôi, Lê-Ảnh cũng vẫn không quên được tôi.

Hôm họ tôi vì Lê-Ảnh mà ốm, thế thì bây giờ Lê-Ảnh yên lành một mình sao được?

Ôi! nhưng tôi đã trót nói ra rồi, còn lấy lại làm sao được nữa. Nhưng nếu Lê-Ảnh ốm mà chết thì tôi cũng chết.

Tôi chỉ biết có một tấc lòng như thế, còn sự vui, sự buồn sau này thì tôi chưa dám nghĩ đến.

Tôi nhân thế lại viết một cái tờ đưa cho Bằng-lang đem về.

« Nghe tin mợ ốm mà đau lòng. Mợ làm sao mà ốm? Ốm thế nào? Cách một bức tường mà để cho nhau đau-đớn thế này. Than ôi! Lìa hồn, dứt mộng, cái bệnh của tôi hôm nọ lại lây sang mợ ư?

« Tại ai mà mợ ốm thì không cần hỏi làm gì. Sầu khổ trong tâm, là một người mối dắt bệnh. Lời thề bên tai, là một cái bùa dán bệnh. Giá tôi không có tờ trước. thì mợ cũng chưa đến nỗi ốm; nhưng không ốm chóng mà thôi. Mộng-Hà ơi! Mộng-Hà ơi! Những sự sầu-khổ sợ hãi này, sao cứ cố buộc lấy hai người này làm chi? Tôi muốn chữa thuốc cho mợ, nhưng không biết dùng thứ thuốc gì, tôi muốn khuyên-giải lòng mợ, nhưng không biết nói những câu gì.

« Tôi muốn khóc mợ mà hết cả nước mắt. Tôi không thể chữa cho mợ khỏi ốm được, thì tôi còn khỏi ốm làm sao được nữa. Chắc chỉ một hai hôm nữa thì ta ốm chơi với nhau cho vui. Còn có một câu này, xin mợ biết cho; nhưng tôi nói đến câu ấy, thì tôi đau ruột quá. Khóc không thành tiếng, viết không thành chữ nữa. Mợ ơi, cái lời thề của tôi là một sự vạn bất-đắc-dĩ. Mợ cứ góa chồng mãi, tôi cứ không vợ mãi. Là chỉ tại ông trời Đã biết thế sao buộc nhau làm gì nữa? Tôi còn không tiếc tôi thì mợ còn tiếc tôi làm gì nữa?... »

Từ khi nghe tin Lê-Ảnh ốm, tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Vì sao mà thế? Thật là một sự rất buồn cười.

Tôi muốn thăm tin Lê-Ảnh ốm đau ra làm sao. Cứ miệng Thu-nhi nói thì lăng-nhăng. Lúc thì bảo bớt, lúc thì bảo nặng; cũng có lúc hỏi dồn thì nó tịt không nói nữa.

Bằng-lang thì mất tăm mất hút, chẳng thấy đâu.

May chiều hôm nay bắt gặp Bằng-lang, hỏi rằng: — Mẹ mày đã bớt chưa? — Nó lúng-búng mà đáp rằng: — Hôm nọ tôi kể chuyện với thầy, sau mẹ tôi mắng mãi.

Tôi cười mà dỗ nó rằng:

— Cứ nói, thầy không kể cho mẹ biết đâu.

Bằng-lang nói rằng:

— Hôm nọ thầy bắt tôi mang cái tờ về, mẹ tôi xem xong rồi lại ốm thêm; lắm lúc nói mê, nhăng-nhít chẳng ra làm sao. Lại có lúc ngồi nhổm dậy, rút cái nhẫn rồi đập bẹp ra. Thỉnh-thoảng có lúc tỉnh thì lại kêu lên rằng: « Ta sao đến nỗi thế này? Trời ơi! công-việc tôi chưa xong đã chết thế nào được. » Nói hết lời rồi lại gục đầu xuống cái gối mà khóc.

Bằng-lang vừa nói vừa gạt nước mắt.

Tôi bảo Bằng-lang rằng:

— Không ngờ mẹ mày yếu nhọc quá thế. Nhưng khi mẹ mày ốm thì có những ai trông nom cho?

Bằng-lang nói rằng:

— Chỉ có tôi và con Thu-nhi thôi. Ông tôi thì thỉnh-thoảng lại đến một lúc.

Tôi nghe nói mới đành lòng. Vì lo rằng Lê-Ảnh khi yếu quá rồi nói mê nói mẩn, họa tiết-lộ đến sự riêng chăng.

Trưa hôm chủ-nhật, tôi đương ngồi một mình, thấy một ông già lẩy-bẩy bước vào, là ông cụ Thôi. Mọi khi cứ chủ-nhật tôi được nghỉ thì ông ấy vẫn sang chơi nói chuyện.

Tính-khí người cũng vui-vẻ lắm. Hôm nay thì biến ra một sắc mặt rất sầu-thảm, bảo tôi rằng:

— Mẹ thằng cháu ốm nặng lắm. Từ khi thầy cháu mất, tôi thì tuổi-tác, nhờ có mẹ cháu trông nom việc nhà cho. Bây giờ lại yếu thế này, thật là buồn quá.

Tôi hỏi:

— Thưa cụ bệnh-chứng ra làm sao? đã bớt chưa?

Ông Thôi nói rằng:

— Nó chẳng may vất-vả mà hay có máu uất, cho nên sinh bệnh. Tôi đã cho nhắn tin con em gái về để chị em nó bầu-bạn với nhau.

Tôi khuyên-giải rằng: — Cụ đừng lo, chắc cũng không việc gì đâu.

Than ôi! tôi tìm lời khuyên cho ông cụ Thôi, biết đâu cái việc tôi đau-đớn bằng mấy ông!

Ông ấy đứng dậy vào nhà trong, rồi tôi cứ ngậm-ngùi mà trách tôi là tệ quá.