Tuyết hồng lệ sử/6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tháng năm,

Ông cụ Thôi có người con gái tên là Quân-Thiến học ở tràng Nga hồ, lớp nhất

Hôm tết Thanh-minh nghỉ về chơi nhà. Tôi đã có gặp mặt một lần, mới độ 15 tuổi, đẹp-đẽ bóng bẩy lắm, nhưng rõ-ràng là một người kiêu-quí và khách-khí, chứ không được thùy-mị hòa-nhã như Lê-Ảnh. Cái câu thơ vịnh hoa tân-di của tôi rằng:

Nhị thắm màu tươi vẻ mặn-mà,
Cánh hồng ganh với chị xuân già;
Giang-Lăng còn kém tài ngâm vịnh,
Một khúc thơ đề thẹn với hoa.

Câu ấy là tôi cũng đã ngụ-ý riêng.

Quái lạ! có một sự không ai ngờ, tôi mừng quá. Chiều hôm nay Thu-nhi bảo tôi rằng: « Từ hôm Quân-Thiến về, cái bệnh của mợ cháu mười phần đã bớt được tám chín rồi. Hôm nay đã ăn được nửa bát cháo. Gớm cô Quân-Thiến quí-hóa thật. Cháu chỉ muốn cho cô ấy ở nhà mãi ».

Nói xong nhìn tôi mà nhoẻn miệng cười.

Ô hay! con Thu-nhi mọi hôm bưng cơm ra cho tôi ăn thì xem có ý rầu-rĩ mà hôm nay thì thật có ý tươi-tỉnh lắm.

Câu ấy dễ thường thật, không phải nó nói dối tôi đâu, tôi mừng lắm.

Nhưng làm sao mà khỏi bệnh chóng thế? Tôi chưa hiểu ra làm sao cả.

Từ khi Lê-Ảnh ốm, tôi không ăn không ngủ được nữa; hôm nay Lê-Ảnh đã bớt mà làm sao tôi suốt đêm không chợp mắt được lúc nào. Hai con mắt của tôi cũng khổ thật.

Tại làm sao? Quân-Thiến làm phép gì cho Lê-Ảnh khỏi ốm thế? hay là cái con khỉ Thu-nhi nó nói bỡn mình chăng? Nhưng không phải, vì Bằng-lang nghỉ học đã đến mấy hôm nay, chiều hôm nay đã thấy đún-đởn nhẩy-nhót cắp sách đến học. Ừ, dễ thường thật.

Tôi hỏi nó rằng: — Mẹ mày đã khỏi chưa? — Nó nói rằng: — Hôm nay đã thấy mẹ tôi ngồi dậy được, dựa vào cái bàn và nói chuyện với cô tôi. Đã lâu lắm không thấy mẹ tôi cười, hôm nay cứ thấy cười luôn, tôi sướng quá. Cô tôi yêu mẹ tôi, mà cũng yêu tôi quá. Tôi đố thầy biết tối hôm qua tôi ngủ với ai?

Tôi đáp rằng: — Hẳn mày ngủ với mẹ mày chứ gì.

Bằng-lang nói rằng: — Không phải, tôi ngủ với cô tôi.

Ô hay, lạ quá, sao Quân-Thiến lại yêu Lê-Ảnh? Sao Quân-Thiến chữa được bệnh Lê-Ảnh? lạ quá! thật lạ quá!

À thôi! biết rồi, thôi chết rồi, thôi. Lê-Ảnh bỏ tôi rồi, tôi cùng Lê-Ảnh chót dắt tay nhau xuống bể khổ, này chìm, này nổi, này ngược, này xuôi, cùng nhau ta trọn vẹn cái đời vô-duyên. Nghĩ đi nghĩ lại, ngẩn-ngẩn, ngơ-ngơ. Chiều hôm nay lại thấy Bằng-lang đưa một bức thư cho, như thế này:

« Một trận đau đớn hơn mười hôm nay.

« Khổ quá! cái tờ trước của anh, những nhời nói kịch-liệt quá. Nhưng anh thử nghĩ có ích gì cho hai ta không? Tôi không dám tiếc thân tôi, nhưng tôi cũng không dám đem bụng yêu anh mà làm hại anh, mà lại vì cái sự yêu anh để làm hại tôi. Trong tờ anh nói rằng: Cứ thế là phải lắm, đành lắm. Nghĩ đi nghĩ lại đến mấy trăm lần, cũng vẫn chắc rằng phải lắm đành lắm. Nhưng anh thử nghĩ, sự ấy đóng vào với cái thân-phận của tôi thì phải với ai được nữa, đành làm sao được nữa.

« Nhưng cứ ý tôi nghĩ ra, thì sự ấy hẳn anh cũng chưa phải mà chưa đành được đâu.

« Anh bây giờ trên còn mẹ già đã ngoài 50 tuổi, dưới thì vợ con chưa có, ai là người cơm ngon canh ngọt, ai là người khuya sớm vui-vầy với anh, bỏ cái vui thú ấy mà đâm đầu vào vòng thương xót! Bán cái xác của mình cho cõi tình-trường làm con ma ở nơi bể khổ, thì thật là người có tội. Anh cũng là người đi học, cũng là người biết lẽ phải, mà sao tính-khí lạ-lùng lầm lỡ đến thế? Câu ấy tôi chê anh lắm!

« Tôi chỉ sợ ông xanh kia thả hai ta vào trốn bể khổ, cho hết kiếp oan hồn.

« Vườn xuân hoa hãy còn non,
« Làm sao đã vội đem chôn khối tình.

« Than ôi! anh không biết tiếc cái thân-thể của cha mẹ ư?

« Vì một người con gái mà đến nỗi:

« Kiếp tình nhắm mắt cho qua,
« Nghìn thu để khách bàn xa nói gần!

như thế thì đã hay gì chưa? sướng gì chưa? mà anh dám bảo rằng: Anh yêu lắm, anh đành lắm

« Anh cứ tự-phụ là khách đa-tình, nhưng xem một việc ấy thì lại quá tội cái người vô-tình.

« Thôi tôi không dám yêu anh nữa, không dám thương anh nữa:

« Kiếp này duyên nợ chưa xong,
« Dù chưa xong nữa còn hòng kiếp sau
« Bức thư thề thốt cùng nhau,
« Chẳng thề ai dám quên đâu mà thề
« Anh thề anh cứ việc thề,
« Khôn đem lòng thiếp đền thề cho anh.
« Bốn phương trời bể mênh-mông,
« Thiếu gì những khách chung-tình anh ơi?
« Mất chồng là mất một đời,
« Chả nên quí-hóa cái đời tàn-hoa.

« Lê-Ảnh nghĩ được một cách. Bây giờ chỉ thế này: Lê-Ảnh nhờ anh làm thầy, anh dùng Lê-Ảnh làm người bạn.

« Nuôi con đừng phụ lòng chồng.
« Trăm năm đừng để phụ cùng duyên xưa
« Anh thời nên kíp xe tơ,
« No chồng, ấm vợ, trên thờ mẹ cha.

« Còn cái tình của đôi ta, thì nên gói-ghém lại thôi anh nhé!

« Lê-Ảnh vẫn định tìm cho anh một người rất đẹp, rất đa-tình để đền anh mà chưa có ai, vì thế mới sinh ốm.

« Anh ơi, mấy lời nói trong tờ của anh, làm khổ Lê-Ảnh quá. xin hỏi anh câu này: Anh có phải là yêu Lê-Ảnh không? Anh có phải lấy sự khổ của Lê-Ảnh làm khổ không? Nếu anh muốn cho Lê-Ảnh khỏi khổ, xin anh nghe Lê Ảnh một việc này. Việc này là một tấm lòng thiết-tha, xin anh đừng cho là lời nói không đáng lọt vào tai, thì Lê-Ảnh xin dâng hương dâng hoa mà tạ anh.

« Anh ơi, xin anh nghe Lê-Ảnh câu này: Nhà tôi có cô nó tên là Quân-Thiến, người giỏi lắm, tài-hoa rất mực, nhan-sắc cũng đẹp, mới 17 tuổi, tóc mới chấm vai, vừa đương trạc tuổi liễu xanh đào thắm: tài đang sắc xảo, giải nhất trong phường má phấn môi son.

« Ông tôi quí như ngọc, nên vẫn còn đang kén chồng. Anh được người ấy thì bằng mấy Lê Ảnh.

« Quân-Thiến thân với Lê-Ảnh lắm, anh nhờ mối nói với ông tôi, rồi tôi xin nói giúp anh với Quân-Thiến, thì chắc việc tất xong. Anh mà nghe Lê-Ảnh câu ấy thì Lê-Ảnh được nhờ anh suốt một đời; nếu anh cứ khăng-khăng giữ một lời thề trước, cố chọc nhau với người bạc-mệnh này thì Lê-Ảnh lại ốm ngay, còn lấy gì đền bụng anh được nữa? Chỉ đền anh một cái chết mà thôi!

« Anh ơi! Lê Ảnh chắc rằng anh vẫn thương Lê Ảnh, chắc rằng anh cũng biết nghe lời nói Lê-Ảnh, chả nỡ để Lê-Ảnh lại ốm nữa, ốm mãi đến chết mất.

« Viết mấy hàng thư này, vừa mực vừa nước mắt, xin anh trả lời ngay cho, mong-mỏi lắm, thiết-tha lắm! »

Than ôi! Lê-Ảnh bỏ tôi thì cứ bỏ, tuyệt tôi thì cứ tuyệt, còn lôi-thôi gì nữa. Quân-Thiến với tôi thì có duyên-phận với nhau đâu.

Tôi đã vô-duyên với cái đời này, bây giờ lại dắt cái duyên của người kia vào cho mình, thì chưa chắc đã được, mà dẫu có được nữa, nhưng mà nó vẫn là nó, mình vẫn là mình.

Mình đã vô-duyên, lại dắt nó vào cõi đoạn-trường làm gì?

Kiếp trần đương cuộc phong-lưu, xuân-xanh hớn-hở, bể ái dắt nhau chìm đắm, trời xanh xa xa!

Chắc Lê-Ảnh cũng biết bụng tôi như thế rồi, mà lại còn sinh sự như thế thì ăn-thua gì? Tôi nghĩ đi nghĩ lại, bực quá, lại đem cái tờ của Lê-Ảnh xem lại.

Ừ, phải rồi, chết nỗi, không được. Lê-Ảnh ốm là vì mình, bây giờ dù sống dù chết cũng ở tay mình.

Nếu mình muốn cho sống, thì lập-tức bằng lòng cái việc này, nếu không thì tất lại ốm, nhưng mà thôi, không nên tàn-nhẫn thế nữa,

Đề thơ lá thắm cho ai,
Yêu ai thì lại bằng mười phụ ai.
Gió thu hoa cúc gầy rồi,
Một năm chịu được mấy hồi ốm đau.
Bàn cờ đang đánh cùng nhau,
Thu quân cờ lại ai thu cho đành.

Lê-Ảnh tính đến nước ấy chính là muốn thu quân cờ lạ nhưng không thể sao được. Tôi vùng dậy viết mấy lời, gửi cho Lê-Ảnh như sau này:

« Tiếp thư mợ, biết tin mợ đã bớt. mừng lắm? Nhưng trong thư nói cái việc ấy thì trái cái bụng tôi lắm. Tôi đã làm khổ lây đến mợ, sao lại làm khổ lây đến một người nữa làm gì? Tôi chắc mợ vẫn không định như thế, nhưng chỉ vì tôi mà thôi. Nhưng tôi bảo thật, mợ muốn tránh cõi đoạn-trường thì cứ chạy ngay đi, chứ còn vẽ rắn thêm chân làm gì thế? Thôi, từ nay trở đi tôi cứ đứng ở cõi đoạn-trường, không dám dắt mợ vào nữa đâu, mợ còn lo gì hử?.... »

Tôi viết đến câu ấy lại giật mình lên. Chết! câu này nói khí quá, rồi lại viết nối như sau này:

« Bây giờ tôi bảo mợ nhé, bây giờ tôi có tình tuyệt mợ thì cũng được, nhưng nếu tuyệt xong, thì mợ đừng hỏi đến tôi nữa, mà mợ cứ hỏi đến tôi mãi, thì tôi biết làm thế nào mà tuyệt được.

« Than ôi! Lê-Ảnh ôi! Mợ nói rằng tôi với mợ kiếp này không thể sao được, câu ấy thì phải thật. Mợ con gái họ Bạch mà con dâu họ Thôi, mà tôi thì là người giữa đường. Tôi không phải là người nhảm-nhí đa-tình, từ tấm bé không biết sự ái-tình là vật gì cả. Từ khi gặp mợ mà đến nỗi cầm lòng không đậu, mỗi một ngày mấy lần đau ruột, mỗi một đêm mấy lần giật mình.

« Thật là mình lại làm mình,
« Chẳng thà cắt hẳn mối tình cho xong.

« Mà lạ quá, khi tôi mới gặp mợ, tôi cũng đã biết cái thân-thế của mợ không sao được, vậy nên vẫn định đem cái lòng kính-trọng để đánh đuổi cái lòng ái-tình của mợ, mà làm sao bây giờ thế này?

« Nói tóm lại, bây giờ cái tình của tôi ví như cái hoa tàn, cánh thì rơi sang bên này, cánh thì rụng sang bên kia, lở-tở tan-nát, nếu muốn nhặt lấy để chắp làm một cái hoa mới ở trên cành cũng không được nữa, thì tôi duy có một phép nhặt hết những cánh hoa ấy nuốt cả vào trong bụng, đừng để cho ai trông thấy! Hễ đến khi chết, hoặc xác gặp nhau ở dưới đất, hoặc hồn gặp nhau ở trên trời.

« Mây xanh lại gặp mặt ai,
« Suối vàng lại gặp thấy người tri-âm

thì sẽ móc những cánh hoa ở trong bụng ra, để làm chứng cái duyên-nợ này; chứ còn cái duyên-phận kiếp này thì thôi, thôi, nói làm gì nữa! Tôi cũng biết nói những câu chuyện này, thì mợ cũng không muốn nghe, mợ chỉ cần nhất một sự, tôi cứ phải nghe cái việc nhân-duyên của Quân-Thiến, tôi cũng biết thế là cái bụng mợ khổ lắm.

« Lan thơm huệ đẹp thế kia.
« Hương trong ngọc chuốt ai bì người kia.
« Nhân-duyên chưa hết tình si,
« Hơi đâu vướng-vít làm chi người này!

« Bây giờ mợ cần tôi phải trả lời mợ, tôi cũng biết câu này tôi trả lời xong là mợ sống chết ở đấy

« Than ôi! Lê-Ảnh ơi! bây giờ tôi xin vâng rồi, tôi vẫn thường nói rằng: người ta không bằng thằng bù-dìn. Từ nay trở đi, tôi xin làm bù-dìn, muốn dắt vào đâu, muốn làm thế nào, bảo sống, bảo chết, bảo đi ngược, bảo xuống xuôi, tôi xin nhường quyền cho mợ hết cả.

« Tôi chỉ cần, cứ có sự gì ích cho mợ thì tôi xin hết sức mà làm, còn thân tôi không cần gì cả.

« Mới ốm khỏi, xin cần phải giữ mình, đừng suồng-sã lắm...»

Tôi ở dưới ngọn đèn mà viết cái tờ này; Trời ơi! đã đau chửa, khổ chửa, khi ấy hai con mắt của tôi chứa-chan, không nhìn thấy gì cả, vứt bút đứng dậy thì đã nghe thấy tiếng trống canh ba. mệt quá, nằm ngủ thiếp đi, chợt thấy người lay mình mà bảo rằng:

— Ngủ trưa quá. Thầy dạy trưa quá.

Tôi giật mình trở dậy thì là thằng Bằng-lang.

Tôi vội hỏi:

— Mày đến đây làm gì sớm thế?

Bằng-lang nói rằng:

— Tôi đang ngủ, mẹ tôi đánh thức tôi dậy.

Tôi vội-vàng hỏi rằng:

— Thế thì mẹ mày dậy trước mày ư? Mẹ mày mới yếu khỏi, sao dậy sớm thế?

Bằng-lang trả lời rằng:

— Thầy ơi, dễ thường đêm hôm qua mẹ tôi không ngủ chút nào.

Tôi hỏi:

— Tại sao mày biết?

Nó nói rằng:

— Thấy mẹ tôi ngồi mà thở dài, rồi đem những cái tờ của thầy đưa cho mẹ tôi ngày trước, soát đi soát lại, xem đi xem lại rồi khóc, sau mãi đến gần nửa đêm, tôi buồn ngủ quá, thì không biết nữa.

Tôi nghe nói, giật mình, mà đánh trống ngực, sợ quá, thương quá mà hỏi Bằng-lang rằng:

— Nếu thế thì suốt đêm hôm qua mẹ mày không ngủ ư? Mới ốm khỏi mà làm sao thức đêm nhiều thế? Sao mày dậy sớm thế? Chắc hẳn mẹ mày thức trước mày có phải không? Mày sang đây mẹ mày có dặn bảo gì tao không?

Bằng-lang nói rằng:

— Không, chỉ bảo sang xem thầy dậy chưa.

Tôi mới đưa cái tờ viết hôm qua, giao cho nó rồi lại đắp chăn nằm, mãi nửa buổi mới dậy, soi gương thì thấy hai con mắt sưng hùm hụp.

Thu-nhi bưng chậu nước đến, tôi rửa mặt xong rồi lững-thững ra nhà trường.

Tan học về thì gặp Bằng-lang đón nói rằng;

— Sao hôm nay thầy tan học sớm thế?

Rồi tay trao cho tôi một cái tờ rằng:

« Sao bức thư của anh lời nói lắt-léo quá.

« Anh muốn làm khổ Lê Ảnh cho đến thế nào thì làm, nhưng Lê Ảnh cũng đủ biết rằng anh khốn-khổ lắm mà phải theo nhời nói ấy, nhưng lại đoán rằng anh nghĩ thế này: Được một Quân-Thiến là một người yêu danh-nghĩa của mình, thì lại mất con Lê-Ảnh là người yêu tinh-thần của mình; nhưng anh phải biết, nếu anh không nghe lời nói ấy thì cái người rất yêu của anh là Lê-Ảnh cũng mất quách ngay rồi, nếu anh nghĩ lại để cho sự ấy được hoàn-toàn, thì sau này còn nhiều sự hoàn-toàn.

« Anh ơi, đã hết đâu mà lo. Nếu anh bằng lòng thế thì cái lời hẹn nhau đến kiếp sau, cũng không cần phải nói lôi thôi làm gì nữa. Anh nghe câu ấy hẳn anh cũng bật cười chứ? »

« LÊ-ẢNH kính thư »

Tôi nhận lời Lê-Ảnh câu ấy, nhưng vẫn định ý cố để dùng-dằng vì chưa nói với mẹ tôi và anh tôi, vả lại Tần Thạch-Si đi vắng thì không lấy ai làm mối được, nếu dùng-dằng được đến tháng tám tháng chín, may ra mà mưa lâu lại nắng, trắng nhuộm ra vàng, mà Lê-Ảnh nghĩ lại, nguôi bụng dần đi, thì may cái sự ấy thôi đi cũng được.

Mưa mãi dườn-dượt, hết đêm hết ngày, nhà học âm-thầm một đèn một gối.

Buồn sao buồn mãi thế này,
Nhớ ai nhớ mãi suốt ngày sang đêm,
Giọt mưa thánh-thót ngoài thềm,
Đương hè mà rét như đêm thu tàn.

Buồn lắm ngâm bài thơ sau này:

Tiễn khỏi mưa xuân lại gió hè,
Đau lòng xuân hết lại đêm khuya;
Buồng thêu viện sách người đôi bóng,
Một chén sầu này phải nếm chia.

Đêm ấy tôi thức suốt sáng, rồi phút thấy Bằng-lang đẩy cửa vào hỏi rằng:

— Mưa rét thế, thầy dậy làm gì sớm thế?

Rồi nó đem cái áo kép khoác vào sau lưng tôi mà nói rằng:

— Mẹ tôi vẫn nói, thầy y như trẻ con, những sự đói thì phải ăn cơm. rét thì phải mặc áo, mà lại cứ để cho người khác phải giục.

Tôi nghe nói bật cười rằng:

— Ừ, thằng này nói ta là trẻ con, còn mày là người lớn nhỉ?

Bằng-lang cũng cười mà hỏi tôi rằng:

— Mưa trơn thế, không ai đi đâu cả, thì hôm nay thầy có sang nhà trường không?

Tôi nói rằng:

— Có, mai đã nghỉ hè, hôm nay phải sang thu xếp những việc nhà trường, rồi mai nghỉ, thầy cũng về thăm nhà quê.

Bằng-lang ngơ-ngác mà rằng:

— Thầy về ư? Tôi không cho thầy về, thầy cứ ở nhà tôi.

Tôi lại cười rằng:

— Thằng này nói lạ, tao cũng có nhà tao. Bây giờ ở nhà mày đã ba bốn tháng, lẽ nào không nhớ nhà? Thầy về một độ ít lâu rồi thầy lại sang ở với mày.

Bằng lang cau mặt mà hỏi rằng:

— Không, tôi không nghe, để tôi bảo mẹ tôi giữ thầy ở lại thì chắc thầy cũng không về được. Thầy về thì tôi nhớ thầy quá.

Tôi nói rằng:

— Mẹ mày giữ thế nào được tao. Chỉ có họa mưa to mãi thì phải ở lui lại vài ngày cho tạnh rồi về.

Bằng-lang tươi cười mà rằng:

— Lạy trời mưa mười năm, cho đến một trăm năm.

Tôi yêu thằng bé quá rồi ôm vào lòng mà hôn một cái, lại móc túi lấy bài thơ đêm hôm qua đưa cho nó, rồi nó chạy đi.

Hôm ấy tôi sang nhà trường thu xếp công-việc xong, đường thì trơn như bôi mỡ, bùn thì ngập đến mắt cá, lóp-ngóp bò đến nhà trường, ướt hết, lấm láp hết, thấy Thu nhi đem quần áo, đem giầy cho tôi thay, liền hỏi: — Thầy ăn cơm chưa?

Tôi nói rằng:

— Nay là ngày nghỉ hè, tao ăn tiệc ở nhà trường rồi.

Chợt thấy bức thư ở mặt bàn, vội mở ra xem, thấy Lê-Ảnh họa bài thơ của tôi rằng:

Đời xuân hết quách giận đời hè.
Giận đỗ quyên mày khóc sớm khuya,
Mưa gió ngồi thêu, thêu cũng chán,
Khúc sầu đừng bắt để ai chia.
Thương ôi! cũng gọi một đời,
Đã thân góa-bụa lại người tình-chung,
Năm canh mưa gió lạnh lùng,
Ngọn đèn trước gió bạn cùng con thơ.

Tình-cảnh ấy còn sung-sướng gì nữa?

Bằng-lang lại hỏi tôi rằng:

— Ngày mai tạnh, thầy về thật ư? Mẹ tôi cũng vẫn nói chắc hẳn thầy phải về. Nhưng đến tháng sau thì thầy cứ sang chơi đừng đợi đến hết nghỉ hè làm gì.

Tôi bảo rằng:

— Chừng mày lại nói lém chứ chắc hẳn nắng nôi thế này, mẹ mày cũng không muốn để tao đi lại khó-nhọc làm gì.

Bằng-lang nói rằng:

— Không, quả cháu không dám nói dối thầy, mẹ cháu bảo thật đấy? Thầy sang đây mát-mẻ, chả hơn ở nhà mà buồn ư? Nhà tôi có ao hoa sen, tháng 6 nó nở, thày sang mà xem.

Tối hôm ấy tôi nhặt nhạnh những giấy-má và sách-vở xếp vào trong hòm, để hôm sau thì về.

Hãy còn nhớ khi trước, anh tôi bảo tôi rằng tháng năm thì cũng về, bây giờ đã gần hết tháng, chắc anh tôi về trước tôi rồi.

Hôm sau thu xếp xong, tôi nhờ ông Thôi thuê hộ cái thuyền

Ông Thôi cũng làm bữa rượu tiễn-hành.

Từ hôm nay trong nhật-ký của tôi tạm gác cái việc Lê-Ảnh. mà chép cái việc gia-đình của tôi.