Bước tới nội dung

Tuyết hồng lệ sử/7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Tháng sáu

Người về một chiếc thuyền bồng,
Trên lầu còn khách đứng trông hết ngày.
Gió đưa buồm nhẹ như bay,
Sáng đi chiều đã về ngay đến nhà.
Bấy lâu đất khách lân-la,
Phần là nhớ mẹ phần là nhớ anh.
Nghĩ tình hối-hận cho tình,
Dối người đã vậy dối mình sao đang?
Bước chân ra khỏi quê hương,
Đã đeo một khối đoạn-trường về đây.

Khi về tới nhà, thấy mẹ tôi và anh chị tôi đông đủ cả, thì ra anh tôi đã về trước tôi hai hôm, chị gái tôi thì từ khi tôi đi vắng, vẫn sang ở hầu mẹ tôi.

Mẹ tôi chợt trông tôi mà hỏi rằng:

— Con ốm hay sao, mà trông người nhơ-nhác làm vậy?

Đoạn rồi cả nhà ai cũng nhìn vào tôi.

Chị dâu tôi nói rằng: — Trông chú độ này còm lắm.

Chị gái tôi nói rằng: Đi gõ đầu trẻ, hò hét suốt ngày, phần thì khó-nhọc, phần thì nhớ nhà, trách nào chẳng còm.

Anh tôi nói tiếp ngay rằng: — Chú hèn-yếu lắm, đi ra khỏi nhà chưa đến một ngày đường mà đã tiều-tụy. không chịu được cái khó-nhọc như thế. Như anh thì xa xôi nghìn dặm, lên xe xuống đò, dãi nắng dầu sương, nay đây mai đó mà vẫn béo tốt, thế là làm sao? Chú phải biết, người ta hễ không chịu nổi cái khó nhọc, thì không thể làm nên sự-nghiệp to được.

Tôi vừa toan trả lời, mẹ tôi đã nói đón ngay rằng: Tạng em nó vẫn yếu, chứ có đâu được như anh, mà cứ chê nó.

Đoạn rồi bưng cơm ra, cả nhà cùng ngồi quây lại ăn cơm tối.

Mẹ tôi nói rằng: — Hôm nay đông đủ cả nhà, ta vui lắm. Nhưng bây giờ em nó đã lớn, ước gì cưới được vợ cho ta trông thấy, thì không gì bằng cả.

Anh tôi nói rằng: — Cái việc ấy, con cũng vẫn nghĩ mãi, nhưng tìm được người đủ cả tài sắc thì khó lắm, mà những người tầm-thường thì chắc chú nó không bằng lòng. Vả thời buổi bây-giờ, vợ chồng lấy nhau, quen thói tự-do, chứ không nên ép uổng, mẹ cứ để cho chú nó kén lấy thì hơn

Tôi nghe đến câu ấy, lại sực nghĩ đến tình của Lê-Ảnh, và việc nhân-duyên Quân-Thiến, thì vừa mừng vừa sợ vừa buồn, ngây-ngây dại-dại, mà ngồi đực ra.

Chị gái tôi nói đùa rằng: — Mẹ cho phép cậu kén vợ lấy đấy, câu đi dậy học nửa năm nay, đã được ai bằng lòng chưa?

Rồi anh tôi và chị dâu tôi đều nhìn tôi. Chị gái tôi thì cứ ngặt-nghẹo cười mãi.

Tôi nghĩ bụng: Chết, chết nỗi, dễ cái việc riêng của mình. chị đã biết rồi hay sao? Nhưng mà tôi nghĩ lại thì mình lại cười mình.

Bóng cung tưởng rắn mà kinh,
Nghĩ người có tật giật mình chán thay!

Đêm hôm ấy, anh tôi sang ngủ chung với tôi, tôi cứ giục anh tôi về ngủ và nói rằng; — Anh chị xa cách lâu ngày, được khi xum-họp mà như thế, thì vô tình lắm.

Anh tôi nói rằng: — Chú tưởng tôi là loài tình hay sao, chú vẫn tự-phụ là đa-tình, chú có biết nghĩa chữ tình ra làm sao không? Đại-phàm người ta nói đến chữ tình, thì phải cốt có chữ tình, cha con anh em, là cái tình của trời ghép lại, mà vợ chồng là cái tình của người ghép lấy nhau. Tình của trời ghép thì dẫu xa cũng nên gần, tình của người ghép thì dù thật cũng là bỡn. Tôi thấy người đời nay, cứ tự-phụ là đa-tình, thậm chí đến nỗi:

« Bán thân vào cõi tình-trường,
« Bao nhiêu luân-lý cương-thường để đâu?

« Cửa miệng người ta, vẫn hay nói chữ « tội-tình gì », vậy những hạng ấy, tiếng gọi là người có tình, nhưng thật là một người có tội, vậy chữ tình hay lắm, mà dở thì cũng nhiều, chứ không nên dùng lầm!

Tôi đáp lại rằng: — Nghe anh một lời nói, bằng đi học mười năm, sau này em không dám bàn đến chữ tình nữa.

Được vào trong mười ngày, anh em xum-họp, mai trúc vui-vầy, bạn-hữu đi về, chi-lan sức-nực, thật là vui-vẻ quá. Có lúc nhàn-hạ, anh tôi lại kể những chuyện du-lịch bốn phương, bể hồ vùng-vẫy cho tôi nghe.

Thành sầu luống ngốt vì ân-ái,
Mát-mẻ may nhờ trận gió xuân.

Ngờ đâu cái ma ốm nó vẫn dòm mình tròng trọc, bị ngay chứng sốt rét cách nhật, đương nóng nực như thiêu như đốt mà vẫn phải đắp chăn hùm-hụp.

Trong khi ấy, mẹ tôi, anh tôi, chị dâu tôi, chị gái tôi, đêm ngày săn-sóc trông nom thuốc men thật là chăm-chút quá, tưởng lại những lúc ốm nằm nhà ông cụ Thôi, nào thằng Bằng-lang, nào con Thu nhi, hầu hạ phục-dịch như thế, bây giờ ốm ở nhà thì cũng lại như thế này, nghĩ lại mà giật mình, tưởng hình như ai ai cũng thật bụng với mình, chỉ có mình là dối-trá.

Xưa nay mặt mũi thế nào,
Bây-giờ gan ruột làm sao thế này?

Nghĩ những tâm-sự của mình, cũng không nên giấu anh, vả anh ta là người có lượng, vẫn thương ta yêu ta, thì sợ gì mà không nói, chi bằng cứ thú thật để xem anh bảo sao tôi mới trình qua để anh tôi biết.

Anh tôi thoạt nghe chuyện, nói ngay rằng: — Chú ngày thường hay xem tiểu-thuyết, và thích xem những các tình-sử, tôi vẫn lo rằng thường không khéo thì mắc vì tình, mà bây giờ quả-nhiên không sai.

Tôi nói rằng: — Em cũng chót vì một lúc lầm lỡ, đến nỗi sa chân vào hố tình-trường, từ giờ trở đi, xin đem một nhát gươm chém đứt mối tình để giữ lại cái đời tự-do, không biết anh có lượng cho hay không?

Anh tôi nói rằng: Chú đừng nói khoác, tôi chỉ thấy những người mắc vào lưới tình mà chết, chửa thấy ai mắc lưới tình mà thoát ra được. Anh cũng biết, chú không đến nỗi càn dại, nhưng đã vướng phải mối tình, gỡ ra được thì cũng khó. Vậy tôi hỏi thật, chú với người con gái ấy, giao-thiệp với nhau những thế nào, có thể cho anh biết được hay không?

Tôi nói rằng: — Em chẳng dám dấu chuyện gì cả. bao nhiêu những giấy má đi lại, để cả trong va-ly, xin anh cứ lấy mà xem thì biết.

Đoạn rồi tôi đưa cả chùm thìa khóa cho anh tôi, anh tôi xem qua, thì một tập thư-từ, dầy đến hơn một tấc, anh tôi xem khắp một lượt. rồi thở dài mà nói rằng: — Tiếc thay người này có tài thật, không trách chú cũng phải chung tình, nơi ngựa sườn non, bẩy chèo ngược nước, không cứng rắn thì mắc cả

Lại giở xem đến cái tờ sau khi ốm của Lê-Ảnh, chợt vỗ tay xuống bàn mà nói rằng: — Cái bài này hay lắm, người này không những là đa-tình, và lại là người đủ trí-khôn.

Biết thân chót vướng vì tình,
Tính bài thu xếp cho đành một hai,
Giữ mình lại giữ cho người,
Cái tay đội đá vá trời là đây!

— Thế cái chị Quân-Thiến, chú đã biết mặt lần nào chưa? Cái tài, cái sắc có thật được như lời trong thư này nói hay không?

Tôi đáp rằng: — Có, em đã có gặp mặt một bận, người ấy thật như một đóa hoa tự-do được người được nết, lại được cả tài hoa, cũng xứng-đáng như lời trong thư của Lê-Ảnh vậy.

Anh tôi nói rằng: — Nếu thế thì việc ấy hay lắm, chú nghĩ sao?

Tôi lúng-búng mà đáp rằng: — Cái việc ấy là vì sau khi nó ốm, nó bàn tính như thế, nên em cũng chiều lòng, nhưng thế nào, cũng phải để bàn với mẹ đã.

Anh tôi nói rằng: — Không sợ, nếu chú không dám nói để tôi nói cho, mẹ vẫn nói, cái việc vợ chồng, cho phép chú tự do mà kén lấy.

Tôi vội-vàng nói rằng: — Không, cái việc ấy, em cũng không muốn thế.

Anh tôi cáu lên rằng: — Thế thì không được, chú liều mình đã vậy, thế có nghĩ lại cho người ta không? Nghĩa là người ta:

Cái tình trong sạch như gương.
Vì đâu sóng gió mà vương mối tình.
Tính bài gỡ lấy thân mình
Gỡ mà cứ buộc thì tình sao yên?

« Thế thì cái bụng chú yêu người ta để đâu? Cứ ý tôi thì việc này chú nên nghe mới phải, nếu không thì định suốt đời không lấy ai nữa hay sao? Cho rằng:

Chung tình chung có một người,
Non Vu qua khỏi gác ngoài đám mây.
Chót xa chân xuống vũng lầy,
Cái bài chữa dại thế này là khôn...

Tôi nghe anh tôi nói ráo-riết làm vậy. nghĩ bụng cái việc này tuy mình có nhận lời Lê-Ảnh, nhưng thật không hả lòng, bây giờ anh nói như thế, hồi-tưởng lại, nhưng bụng mình nghĩ lúc trước, không được điều gì phải cả. mình quyết tuyệt với ai, chứ quyết tuyệt thế nào được người nhà, mà quyết tuyệt được thế nào với Lê Ảnh, rồi ngẫm nghĩ giờ lâu mới đáp lại rằng:

— Vâng, em xin nghe anh, mà nhận lời cái việc Quân-Thiến, nhưng khi bẩm mẹ thì nói ra làm sao?

— Chưa dứt lời, đã thấy mẹ tôi đẩy cửa vào.

— Mẹ tôi nói rằng: Anh em nói chuyện gì mà vui thế, hôm nay con đã được thật khỏi chưa?

Tôi đáp rằng: Đã, con đã thật khỏe mạnh rồi.

Mẹ tôi nói rằng: — Con nên giữ-gìn, chớ nên suồng-sã lắm, mỗi một lần ốm, mẹ lo quá.

Anh tôi nói rằng: — Cái bệnh của em, con biết rồi, nếu mẹ muốn em không ốm, thì đừng cho đi dạy học nữa.

Tôi giật mình, rồi đưa mắt mà lườm anh tôi.

Anh tôi cứ giả lờ đi, rồi cười mà nói rằng: — Việc ấy giấu ai chứ không nên giấu mẹ, vả trong việc ấy, chú cũng có điều không phải thà rằng sám-hối trước, cứ bẩm thật với mẹ còn hơn.

Mẹ tôi vội hỏi rằng: — Cái gì? cái gì? thế nào?

Anh tôi cũng nói theo rằng: — Nếu chú không dám nói, để tôi xin bẩm hộ cho.

Rồi anh tôi lại thuật cả cho mẹ tôi nghe.

Mẹ tôi chợt mắng ầm lên rằng: — À, thằng này hư quá, ông cha tu tích bao nhiêu, mày phá hết cả, tao không ngờ mày hư-hại đến thế!

Tôi tạ rằng: — Con nặng tội lắm, xin mẹ thương cho, cái việc này thật cũng vì hai chữ liên-tài, mà nên lầm, nhưng mà:

Cùng nhau tuy chót lầm rồi,
Tấm lòng xin có mặt trời soi cho!

Mẹ tôi lại mắng rằng: — Mày còn tưởng thế là chưa có tội a? Xưa nay học-hành những gì, mà mới bước chân ra khỏi ngõ, bắt đầu góp mặt với xã hội, đã phạm ngay cái tội dâm, thế thì còn trông mong gì mày nữa?

Nói xong rồi đi thẳng vào nhà trong.

Anh tôi nói rằng: — Chú đừng lo, để tôi bịa nhời bẩm mẹ cho.

Rồi anh tôi cũng đứng lên vào nhà trong, khi đó tôi sợ cuống-cuồng, không khác gì một người có tội sắp đem chém.

Lâu lâu một lát, thấy anh tôi và chị gái tôi vừa cười vừa đi ra bảo tôi rằng: — Xong rồi, vui mừng quá!

Chị gái tôi thì nói đùa rằng. — Cậu sắp lấy vợ đẹp gớm, bây giờ cho xem cái ảnh của chị dâu mợ nó nhé?

Tôi cũng tủm-tỉm cười mà nói rằng: — Có thật, nhưng chị không thể ăn hiếp tôi mà đòi xem được.

Rồi chị tôi cứ nắm tay tôi mà nói rằng; — Cậu cứ đưa tôi xem, chóng rồi tôi nói câu chuyện hay cho nghe.

Anh tôi cũng nói rằng: — Hôm nay cũng nhờ có chị nói đỡ, chứ không thì mẹ đang gắt như thế, một mình tôi nói sao lại, chú cũng nên cám ơn chị mới phải.

Đoạn rồi, tôi lấy ngay cái ảnh của Lê-Ảnh đưa cho chị tôi.

Chị tôi cầm lấy cái ảnh nhìn mãi, rồi rơm rớm nước mắt ra.

Tôi cười mà hỏi rằng: — Chị vẫn hay vui tính, sao hôm nay xem thấy cái ảnh ấy mà lại buồn thế.

Chị tôi nói rằng; — Tôi nghĩ thế này mới biết cái kiếp đàn bà khổ thật, phỏng như bóng dáng người này đáng lẽ thì:

Cánh hoa mưa gió vườn hồng,
Hương trời sắc nước đua cùng chúa xuân.
Ngờ đâu cái phận hồng quần,
Đương mùa hoa nở làm thân hoa tàn.
Ông xanh sao khéo đa-đoan,
Hay ganh với sắc hay ghen với tài.
Phấn son cũng kiếp trần-ai,
Thấy người mệnh bạc ngậm-ngùi xót lây.

Anh tôi nghe những lời ấy cũng buồn mà ngồi thừ ra.

Một lát chị tôi lại tươi cười mà nói rằng: — Cậu với người này, cái tình-duyên cũng lạ thật, nhưng tôi đoán rằng: chắc hẳn chị dù có đẹp cũng là duyên thừa, tất-nhiên em cũng không vừa, lại là của mới: sểnh nồi vơ rế, mất một được mười; nay mai sẽ xum-họp một nhà mai-trúc, sướng cho ai nên vợ nên chồng; vui-vầy đôi lứa uyên-ương, thiết gì kẻ nửa đời nửa đoạn. À, hay là ta bây giờ.

Năm quan súy cả mười quan,
Ngâm thơ cùng chị, dạo đàn cùng em.
Một mũi tên sóc cả đôi chim,
Đem đàn Tư Mã mà tìm Văn-quân.

thì cũng càng hay chứ sao?

Tôi vội-vàng trừng mắt nhìn chị tôi mà nói rằng: — Chị tệ quá, chị ác quá, sao chị nói nhảm như thế!

Chị tôi nói rằng: — Ô hay, cậu này mới nóng tính chứ! tôi nói bỡn đấy chứ thật thì cái việc này, hai người cũng không phải cả, nếu có nghĩ đến công việc bổn phận của mình, thì phải cắt bỏ cái bụng lầm đi mới được.

Tôi nói rằng: — Vâng, vừa rồi mẹ cũng đã bảo, em cũng không dám lầm dại nữa đâu

Chị tôi nói rằng: — Thế thì được lắm, cho biết những người thông-minh vẫn hay chóng biết hối thật.

Tối hôm ấy cả nhà cùng ngồi ăn cơm, mà tôi thì lo ngom-ngóp, chỉ sợ mẹ tôi lại gắt gì nữa chăng, nhưng xem ý mẹ tôi lại có phần tươi-tỉnh hơn mọi lúc, rồi cứ giục tôi rằng: — Con ăn cố đi, sao độ này ăn yếu thế? À, mẹ bảo này: Cái việc anh nói lúc nẫy thì hay lắm, nếu được thế còn gì bằng, mẹ cũng bằng lòng lắm.

Khi cả nhà ăn xong, tôi đứng dậy, rồi cứ bâng khuâng nghĩ mãi

Chót đà vướng mối tơ hồng
Còn anh còn mẹ biết lòng thương chăng?
Duyên này xin hỏi ông trăng,
Nước xuôi thuyền ngược biết rằng có trôi?