Bước tới nội dung

Tuyết hồng lệ sử/8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tháng bẩy

Khi trước tôi có hẹn với Lê-Ảnh hễ có gửi tờ cho tôi thì cứ đề phong-bì tên người bạn tôi là ông Tĩnh-Am, vì ông ấy là người rất thân của tôi.

Trưa hôm nay, bất-thình-lình có người khách đến, thì chính là Tĩnh-Am,

Tôi nói rằng: — May quá, tôi đang nhớ quá lại được bác sang chơi đây.

Tĩnh-Am nói rằng: Hôm nay thong-thả, nhân thể định sang hỏi bác câu này, những cái tờ mọi khi của ai gửi cho bác, sao cứ phải gửi truyền cho tôi.

Tôi nói rằng: — Cái việc ấy, tiểu-đệ thật không dám giấu gì quan bác, nhưng ở đây thì không tiện nói chuyện lắm.

Tĩnh-Am nói rằng: Đã lâu lắm anh em ta không đi uống rượu chơi với nhau, hôm nay mời bác lên hiệu đánh chén với tôi nhé?

Đoạn tôi và Tĩnh-Am đưa nhau đến tửu-quán cùng ngồi uống rượu chơi.

Khi vui chuyện, tôi đem cả cái việc tôi với Lê-Ảnh, kể cả lại cho Tĩnh-Am nghe.

Tĩnh-Am ngồi ngẩn rồi ra hỏi rằng: — Có thế a? Thế thì cái tình nó làm hại cho người ta thật. Phỏng như cái tài của bác, gặp thời buổi này, dọc ngang hồ bể. vẫy-vùng công danh, tô-điểm non sông đỡ-đần thế-cục, cho nó bõ với đời, trước là danh sau là lợi, kiếp thanh-niên phỉ-chí nam nhi; trên vì nước dưới vì dân, công đào-trú đền lòng tạo-hóa; làm sao vướng-vít vì tình, mà lầm-lỡ đến thế?

Tôi nói rằng; — Vâng, bác trách thì em xin chịu, nhưng người ta ai là không có tình? Bây giờ bác yêu tôi mà muốn khuyên cho tôi tỉnh lại, nhưng bác có còn nhớ ngày nào bác đang nhân-tình với nàng Dung-nương, bác còn đang mê-mệt mà tôi cũng can bác không được. Cho biết:

Đa-tình thì vướng nợ tình,
Trách người đã vậy trách mình làm sao?

Nghĩa là khi trước Tĩnh-Am có nhân-tình thiết với một người ả-đào tên là Dung nương, ném ngọc gieo vàng, chỉ non thề bể:

Trăm năm ước bạn chung tình,
Trên trời dưới nước có mình với ta.

Sau chẳng may gặp chuyện dở dang, chia duyên rẽ phấn,

Giai-nhân đã mắc tay Sa Lợi,
Nghĩa-sĩ ai là mặt Cô-sinh.

rồi đến nỗi phán lạt hương phai kẻ nam người bắc, Tĩnh-Am vẫn lấy làm căm tức lắm.

Khi tôi nói dứt lời, Tĩnh-Am vội cãi ngay rằng: Dung-nương là một đứa ả đào, sao có bì với việc này của bác được.

Tôi nói rằng: — Đã hay rằng thế, nhưng người ta đến cái tình thì lạ thật, bác có nhớ cái mười bài thơ lúc bấy giờ của bác hay không? Tôi vẫn còn nhớ mấy câu rằng:

Trăm miệng khôn bưng lời mắc dại,
Một đời xin tạc bụng yêu hoa.

lại còn câu này:

Si đến kiếp sau si chửa nguội,
Dại bay trước mắt dại không chừa.

những câu ấy chả phải của bác là gì?

Rồi Tĩnh-Am cũng cười ồ lên rằng: — Những câu ấy lúc bấy giờ tôi vẫn tưởng là hay lắm, bây giờ nghĩ lại thì thật buồn cười. Tôi đã xé bỏ đem bịt lọ mắm từ bao giờ, sao bác còn sáng dạ mà nhớ mãi thế? Chán quá! mính định khuyên bác ấy, lại thành ra nối giáo cho giặc, để bác ấy lại hỏi móc mình:

Bể tình là bể trầm-luân,
Hay gì dắt-díu mà lăn thân vào.

« Ừ, bác báo tôi là si thì tôi xin chịu, nhưng bác đã trông thấy cái gương của tôi như thế, sao bác lại còn séo vết xe đổ của tôi? Lúc trước tôi mong ngoảnh cổ lại thì khó-khăn, sao bây giờ bác trượt chân thì dễ thế?

Tôi nói rằng: — Sự đó thì tôi cũng không hiểu, chẳng qua ông tạo-hóa là bất-nhân, cứ hay đem một chữ tình để xoay ngang vật ngược chúng-sinh, buộc cho vào nơi khổ-não, như bác ngày trước với tôi bây giờ mà cũng không cầm lòng cho đậu. Hoa-Lê nọ vẩn vơ dưới nguyệt, vấn-vương ngán nỗi tài-tình; phù-dung kia hớn-hở bên sông, dan-díu cũng vì duyên kiếp; trăng đấy hoa đây, cây này sông nọ; cuộc ái ân là cuộc đoạn-trường! ngờ đâu anh em mình chẳng may mà mắc cả, từ nay trở đi, thành ra:

Gánh sầu nặng mấy trăm cân,
Anh tha không nổi anh nhằn cho tôi!

Tĩnh Am nói rằng: — Nếu thế thì si quá. Tôi là người chán đời thì đã vậy, chứ bác thì không nên thế. Mây gió bốn phương, cung tên bốn bể, anh-hùng nặng nợ, sự nghiệp như trời, nếu vì một chữ tình mà nghĩ liều như thế, thì hoài lắm!

Tôi nói rằng: — Tôi cũng biết bác sẵn lòng yêu nhau, và cũng đã qua cầu nên mới có những lời khuyên giải thiết-thực như thế. Vậy nhân thể tôi xin nói chuyện hết để bác nghe. Người ấy có khuyên tôi một việc rằng nên đi du-lịch ngoại-quốc, và sẵn lòng giúp đỡ tiền phí-tổn. Tôi cũng biết người ấy, bụng thì mềm mà ruột thì rắn, thân con gái mà chí anh-hùng, nhưng tiếc tôi cái tài hèn chậm, trông theo bụi mà thèm cho phận chí ngang-tàng đã nguội như tro: vì tình duyên điên đảo tấm lòng, khi khóc hoa xuân, khi thương gió biệt, khi vui hờ-hững, khi sầu vẩn-vơ; nghĩ thân mình như cái người thừa còn bụng nào biết đến non sông này nữa?

Tĩnh-Am nghe đoạn, vỗ tay rồi đứng lên nói rằng: — Ôi. thế a? Người ấy mà đến thế a? Tôi không ngờ trong đám phong-trần mà được chị Hồng-phật biết nhau như thế:

Mắt xanh một liếc thoảng qua,
Biết nhau nửa mặt ấy là trăm năm.

Nếu thật thế thì thoi trao chưa gẫy, châu trả lại lành, hoa rụng nước trôi, cành xuân đã chết, còn quyến-luyến gì nữa? Chi bằng cứ nghe lời ấy, cắt đường ân-ái, lập đường công-danh, mà sao bác lẩn-thẩn như thế?

Tôi nghe Tĩnh-Am nói, cứ gật đầu ngồi nghe mà không nói được câu gì nữa.

Tĩnh-Am nhìn tôi mà hỏi rằng: — Bác lúng-búng như thế, bác bảo cái việc ấy kết-quả ra làm sao?

Tôi chợt nói rằng: — À, chết, tôi quên, tôi chưa nói cho bác nghe việc này, bác cũng đừng phải lo nữa, vì tôi với người ấy uyên-ương đôi lứa, ai hơi đâu mà chết uổng vì tình, loan-phượng một nhà có lẽ sắp lộn sòng đánh đổi.

Đoạn rồi tôi cũng kể cả cái việc nhân-duyên Quân-Thiến cho Tĩnh-Am nghe.

Tĩnh-Am giật mình, rồi mừng vỗ tay mà nói rằng: — À, hay lắm, phải lắm, người này giỏi thật:

Tình si đền trả cho anh,
Đã tròn duyên chị lại lành duyên em.
Chót đưa nhau đến cầu Lam,
Đá xanh mây biếc thì đem vá trời.

Người ta tính-cách cho bác như thế, thật là hết lòng, bác đừng nên phụ cái khổ-tâm của người ta thì mới phải.

Rồi lại vỗ vai tôi mà nói đùa rằng; — Sướng nhỉ, xin uống mừng bác một cốc rượu đã.

Tôi nói rằng: — Ô hay bác say rồi! làm gì mà đã rối-rít như thế? Cái việc ấy tôi có bằng lòng chút nào đâu. Cùng phường đồng-bệnh, mà sao bác không biết thương nhau làm vậy, bác thử nghĩ xem tôi còn sung-sướng gì nữa!

Tĩnh-Am nghe nói ngẩn người ra, đặt cốc rượu mà nói rằng: — Khốn-nạn, bác phải biết, anh em mình cũng một phái chung tình cả, có phải tôi không lượng bụng cho bác đâu. Nhưng tôi hỏi bác: vì tình mà sinh ra cái giận, vì giận lại sinh ra lắm cái tình, phỏng cơ-duyên như thế, bác định tính ra làm sao?

Tằm xuân chết ruột, rút mối tơ đền chủ không xong; phượng non bay truyền, nghe khúc hát cầu-hoàng cũng thú, thì còn ngại gì, mà phải nghĩ khó-khăn làm vậy. Vả lại cái người này, thật là người đa-tình, mà lại khéo dùng cái chữ tình, huống chi cái tình là kết-hợp ở cái tinh-thần, chứ không phải kết-hợp ở hình-thể, nếu bác đã có bụng với người ta, thì bụng bác chưa chết, tức là cái tình chưa chết. Và tôi nói cho bác nghĩ lại, cái tình-duyên của mình đã vậy, còn sự-nghiệp của mình thì sao?

Việc nhà việc nước cuộc mây mưa,
Gánh nợ tang bồng đã trả chưa?
Lương-phủ thơ ngâm vừa hết khúc,
Non sông chờ đợi những bao giờ?

Trời đã sinh ra một người tài, cũng muốn để dùng về việc đời, chứ có để dùng về việc tình đâu, mà sao bác lầm thế?

Tôi nghe Tĩnh-Am nói khảng-khái làm vậy, trong bụng cũng lấy làm cảm-phục. Rồi hai người cùng uống thật say mới về.

Xưa nay lắm kẻ đa-tình,
Đa-tình là khách thông-minh trong đời.
Chữ tình theo mãi chữ tài,
Một mười một chín biết người nào khôn.

Tháng ngày thấm-thoắt có thương đâu đến người sầu? Hồng nhạn đi về, nghe đã nhớ mùi thu lạnh. Gió vàng lác-đác lá ngô đã vội lìa cành; hạt móc lạnh-lùng tiếng giế vì ai khóc mướn? Mưa gió năm canh mình một bóng, muốn vui thú cũng bắt cho buồn.

Bỗng đâu tiếp được luôn hai bức thư: một cái là tờ báo sắp đến ngày khai trường, một cái là tờ Lê-Ảnh.

Gió mưa ngăn-trở cho tình,
Con thuyền tống-biệt nhớ mình nhớ ta.
Mưa ngâu đứng vệ Ngân-hà,
Biết rằng thuyền đắm hay là thuyền trôi.

Người ta không khổ gì bằng cái cảnh sầu:

Người sầu lại gặp trời thu,
Ngày lo ngày ngắn, đêm lo đêm dài.

Thấm-thoắt lại đến tết Trung-nguyên rồi! Anh tôi tiếp được tin rồi sắp sửa phải đi vắng, thầy tớ ngựa nghẽo sắm-sửa vội vàng:

Biệt-ly chưa biệt-ly ai,
Bắc nam đã có một người nhớ anh.

Anh tôi đi chuyến này là vì có một ông quan Khâm-sai viết giấy gọi để bổ làm một chức thư-ký. Cung tên bốn bể, đã tu, tu sự-nghiệp mình; trung hiếu hai vai, muốn lập-lập công danh trước; sự đó thật là phỉ chí. Khi sắp đi tôi tiễn ra đò, anh tôi có dặn mấy câu rằng: Chú nên gắng chí, tôi vẫn biết chú cũng vẫn là người tài-hoa, gặp thời-buổi đua chen này phải nên sửa cái bổn-phận. Chuyến này anh về xem ý chú mới bước chân ra khỏi nhà mà đã: lưới tình mắc-míu, nặng nợ hồng-nhan, chí cũ dùi mài, thay lòng tráng-sĩ; tôi vẫn lấy làm tiếc lắm, bây giờ sắp đi vắng mới phải nói thật để chú biết: Việc mình thì ít, việc nhà còn nhiều: việc nhà còn nhẹ, việc nước thì nặng. Nếu cứ bỏ bụng anh-hùng theo lòng nhi-nữ, thì còn ra gì nữa?

Tôi nghe anh tôi nói mà sợ-hãi, rồi trỏ xuống nước mà thề rằng:

— Nếu em không nghe lời anh xin thề như nước sông này.

Đoạn rồi anh tôi bước chân xuống đò ra đi mà tôi thì trở về.

Trong mấy hôm ấy tôi buồn quá, có nghĩ được bài Từ viết cho Lê-Ảnh như sau này:

(điệu tràng tương-tư)

Non một trùng,
Nước một trùng,
Một khối tương tư kết một lòng.
Lời xưa ai nhớ không?
Người cuối sông,
Người đầu sông,
Trời ghét tài-hoa ghét má hồng!
Kiếp này tu chửa xong!

Cách được mấy hôm nữa đã gần đến ngày khai giảng, nên tôi cũng phải sắm-sửa để sang trường học.