Tuyết hồng lệ sử/9

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tháng tám

Heo-hắt khí thu, lúc mưa lúc tạnh, cánh buồm xuôi gió, tìm đường hôm xưa; một trận mông-mênh, qua cơn sóng gió; tấm lòng khao-khát, lại sắp đoàn-viên; vì gặp một trận bão mà chậm mãi đến trưa hôm sau mới tới nơi, bước chân vào đến nhà, cành hoa hôm nọ, bóng nguyệt đêm xưa; người đấy cảnh đây hôm nay ngày nọ Bạn quen tự bao giờ?...

Ông Thôi thấy tôi sang, chống gậy lọc-cọc ra đón mừng rỡ, cười nói vui-vẻ lắm. Một lát người nhà dọn rượu lên, cùng ngồi ăn cơm chiều, nhưng không biết làm sao không thấy thằng Bằng-lang ra chào, con Thu-nhi cũng mất hút không thấy cả, lạ quá!

Ông cụ Thôi chợt nói chuyện rằng: Hôm nay tết Trung-nguyên, tục làng tôi mở hội treo đèn. Người nhà ông Tần-Thạch-Si cho sang mời. Ấy hôm nay thằng cháu cũng theo mợ cháu và cả con Thu-nhi cùng đưa nhau đi xem cả. À, cũng may hôm nay thầy sang, nhân tiện chốc nữa đi xem chơi một lúc Tôi mới nghĩ ra: À phải rồi, — rồi đáp rằng: Xin vâng.

Tối hôm ấy tôi cùng bác Lộc-Bình đi xem đèn, đến nơi tưởng hội-hè thế nào, chẳng là chẳng có quái gì, đèn thì sáng rực như sao sa mà người thì chen chúc nhau như tổ kiến, tiếng cười, tiếng nói ầm-ầm.

Tôi thoạt nghe trên lầu có tiếng người léo-séo, có tiếng cười ngặt-nghẽo, ngẩng cổ trong lên thấy một người con gái áo quần nhạt-nhẽo, dáng-dấp dịu-dàng, đang cúi đầu ghé tai nói chuyện với thằng bé con, thì chính là Bằng-lang và Lê-Ảnh, tôi cứ nhìn mãi mà thằng Bằng-lang thì cứ nhơ-nhác trông ngược trông xuôi. rồi thấy Lê-Ảnh liếc mắt nhìn xuống. Bốn mắt trông nhau đôi lòng buộc chặt, lòng gang dạ sắt cũng say vì tình.

Non sông đứng giữa một mình,
Rõ người trước mắt phải hình trong gương.
Bấy lâu xa cách hồng-trang,
Phấn son nhạt-nhẽo sắc hương lạnh-lùng.

Một lát thì thấy mất cả, tôi nhơ-nhác tìm mãi chả thấy, rồi cũng chào bác Lộc-Bình mà về.

Về đến nhà ước chừng canh hai, thấy Bằng-lang vẫn đứng đợi ở cửa, bíu ngay áo tôi, vừa đi vừa hỏi rằng: — Sao thầy về lâu thế, hôm nay thầy cũng đi xem hội đèn phải không? Vui! Vui quá!

Tôi nói rằng: — Ừ, đi về đi.

Vào đến nhà học đã thấy sắp sửa chăn gối đủ cả, Bằng-lang thì cứ quấn lấy tôi mà nói chuyện lảm-nhảm mãi.

— Thầy ạ, thầy cứ ở đây nhé, thầy đừng về nữa nhé.

Tôi giục Bằng-lang rằng: — Thôi khuya rồi, về mà ngủ.

Rồi viết một bức thơ tức-cảnh hôm nay đưa cho Lê-Ảnh.

Thơ rằng:

Đôi bóng tình chung mấy bóng đèn,
Bâng-khuâng tưởng giấc mộng hàm-đan.
Gió đông nhìn mặt hoa đào kỹ,
Khách lạ hay là lại khách quen?

Cái tạng tôi yếu lắm. Đến đây mới được năm ngày, thì lại ốm, hễ quá trưa thì sốt đến nửa đêm mới cất cơn mê-mẩn chả biết gì cả, chợt được lúc hơi tỉnh ra, cứ ngẫm nghĩ một mình: dễ thường ta chết thật. Trời ơi, tôi chết thật ư, chưa chết được. Nghĩ bụng nếu bây giờ tôi chết thì còn ra làm sao, lại có lúc nghĩ đến duyên mình, vừa thương, vừa tiếc, vừa đau, vừa sầu.

Kiếp này lỡ bóng trăng thâu.
Hoa sầu xin để đến sầu sang năm.

Khi ấy tôi chắc hẳn là chết, vậy có hai bài thơ tuyệt-mệnh như sau này.

I

Phong trần đầy đọa đủ trăm chiều,
Ta liệu mình ta độ bấy nhiêu.
Sống thác khôn khuây lòng mộng tưởng.
Ốm đau sầu ít kẻ nâng-niu.
Thân đà mang giận thà chôn quách
Ai thiết gì tài phải tiếc nhau;
Hoa rụng giang-nam xuân sắp hết.
Kiếp xưa là cái kiếp bông bèo.

II

Ngực bức mồm khô thở hết hơi,
Khó lòng sống được nữa, ai ơi!
Anh em bóng nhạn người nam bắc,
Tâm sự hồn quyên lệ ngắn dài;
Duyên hẹn kiếp sau lời nhớ mãi.
Tình si đến chết giận không thôi.
Xin chôn cạnh núi Hồng-sơn nhé.
Hồn vía theo vua Thái-bá chơi.

Bài thơ ấy tôi cũng chép lại đưa cho Lê-Ảnh rồi, xem ý Lê-Ảnh lấy làm khổ lắm, vì thơ tôi có một câu rằng; ốm đau sầu ít kẻ nâng-niu, nên trong bụng Lê-Ảnh vẫn áy-náy mà không đành, rồi sẽ dặn Bằng-lang nói riêng với tôi để xin phép đến tối mai là đêm trung-thu, ngọn gió im lặng, bóng trăng tờ-mờ, sẽ sang thăm bệnh tôi, than ôi! Lê-Ảnh yêu tôi quá, nếu thế thì sướng lắm, nhưng tôi nghĩ rằng: một người gái góa, một khách giang-hồ, cho rằng tấm lòng trong sạch tuyết-sương, không phải cùng phường tang-bộc, cài ước đêm khuya vắng-vẻ, cũng nên phòng tiếng mận dưa. Vậy tôi không dám nhận lời, rồi viết giấy trả lời cám ơn,

Tương-tư mòn mỏi đến xương.
Mong cho gặp-gỡ tìm đường cổi ra
Nhưng thôi đừng vội tìm hoa,
Cây kia bón sẵn để mà ngửi hương.

Ba bốn ngày nay tôi không dám bước chân ra khỏi cửa, nhưng được một lời nói của Lê Ảnh thì đã tỉnh cả người, nằm lâu thì lại muốn ngồi, là sự thường của người ta.

Chiều hôm tết trung-thu tôi khoác áo ra đứng ngoài vườn thì chỉ thấy heo-hắt gió chiều, phất-phơ lá rụng; mặt trời sắp lặn, tiếng trùng kêu sương. Đột-nhiên thấy có người gọi, ngoảnh lại thì thấy con Thu-nhi hớt-hơ hớt-hải nắm áo tôi mà nói rằng: — Trời rét như thế, thầy ra đây làm gì, mợ tôi bảo mời thầy về.

Khi về đến nhà trông ra thấy dây móc lùn-phùn, bóng mây mù-mịt; thôi, tết trung-thu, ôi! đêm hôm nay còn duyên phận gì với ông trăng nữa?

Rồi tôi bảo con Thu-nhi rằng: Rót cho tao một ít rượu nhé, Nó cứ ngần-ngừ mà nói rằng: — Để con hỏi mợ con đã, xem mợ con có bằng lòng cho thầy uống không. — Vừa nói vừa cười rồi trở vào nhà trong.

Một lát thấy mang mâm rượu ra và mọi thức đồ nhắm, tủm-tỉm mà nói với tôi rằng: — Nếu thầy không nhịn được nữa, cứ uống hết chỗ này thì thôi đấy, chả có mệt.

Tôi cầm cái nậm lắc lắc xem nhiều hay ít, thì ước chỉ độ ba chén, rồi thì bật cười nghĩ bụng rằng: — Chán quá! Người này làm cụt hứng của mình. Nhưng vì tôi mới ốm khỏi, vậy uống bấy nhiêu mà đã say, giốc hết nậm rượu đứng lên ra ngoài hè thì thấy sân tối như mò, bóng mây mù-mịt, chị Hằng-Nga mất mặt không thấy đâu nữa, lại phải quay lại viết mấy câu thơ này:

I

Bóng nguyệt trung-thu giấu mặt xa.
Giận chùm mây bạc chắn Hằng Nga;
Cũng may cho những người lưu-lạc,
Càng khỏi trông trăng đỡ nhớ nhà.

II

Cách mặt tiên-nga mấy vạn trùng,
Đêm thu đành lôi hẹn trăng trong;
Kiếp này không thể đoàn-viên được,
Dù gặp nhau đây cũng uổng công!

Còn một ít rượu tôi uống nốt, rồi thấy hơi say, buồn quá không chịu được.

Nghĩ ra thân-thế buồn cười,
Cái đời uống rượu là đời ngâm thơ.

Rồi tẩn-mẩn lại nghĩ bài từ này:

(điệu nhất-tiễn-mai)

Gió vàng lác-đác tiếng thu qua,
Vừa tiếc xuân già,
Vừa nhớ xuân già,
Chén rượu mua sầu phụ với hoa,
Mặt trời tà-tà.
Bóng liễu tà-tà,
Cái thân phiêu-bạc khúc tỳ-bà.
Chân trời không xa,
Trước mặt mà xa,
Váng-vất ngâm hồn chợt tỉnh ra.
Cảm người yêu ta,
Sầu người yêu ta.

Tôi yếu mất đến hơn mười hôm, mệt quá, sau rồi cũng bớt dần, soi gương thì thấy còm lắm, nghe thằng Bằng-lang nói mới biết tin Lê-Ảnh cũng phải cảm, nhưng khỏi rồi.

Gió thu ghen khách tình chung,
Tờ mờ bóng nguyệt lạnh-lùng hơi sương.
Đông tây cùng bạn sâm thương,
Cùng người đồng-bệnh cùng phường vô-duyên.