Tuyết hồng lệ sử/Lời kết luận của người dịch
Lời kết-luận của người dịch
Người ta trừ phi cây gỗ, hòn đá, ai là không có tình, cái diễm-tình hay làm cho người ta vui, cái ái-tình hay xui cho người ta buồn; đương lúc chưa vui chưa buồn thì hớn-hớn, hở-hở, như hoa mới nở, như trăng đương lên, như dịp Nghê-thường, như khúc Vũ-y; đến lúc hết vui, hết buồn thì lại ngây-ngây, ngất-ngất, như giấc mộng Thảo-kiều, như câu ca Ngọc-hụ, như tiếng linh trên đường thục-đạo, như phiếm đàn trên bến Tầm-dương, nước chẩy mây trôi, hoa tàn nguyệt khuyết, vậy những bậc hiền-triết thường hay đem một vốc nước mắt thương thời để điểm-xuyết ra lời văn cảnh-ngữ. Như quyển Tuyết-hồng lệ-sử này là cái văn đau lòng của Từ Trẩm-Á, nghĩa là cũng một cái văn tả tình như là tả cái tình của Trương Quân-Thụy, Thôi Oanh-Oanh đã khó tả, cái tình của Trác-văn-Quân, Tư-Mã Tương-như cũng lại khó, bây giờ lại đem cái tình của người không nên dùng tình mà cứ phải dùng, cứ dùng mà không đến nỗi lầm vì tình, thì lại càng khó nữa.
Người ta đến sự lầm vì tình thì buồn lắm. Người đẹp trái duyên, danh-sĩ lỡ thời, như lá vàng, như hoa rụng, như ngọn đèn buổi sáng, như tiếng trùng đêm thu
Hoa thơm thơm được một mùa,
Cam ngon cũng muốn chanh chua cũng thèm.
Chút vì thương kẻ đi đêm,
Đưa cá xuống bể, đưa chim về rừng.
Bước đi một bước lại dừng,
Mặt trời nửa tấc, bóng trăng con sào.
Mơ-hồ như giấc chiêm bao,
Chợ sớm thì vãn, chợ chiều chưa đông.
Vậy những nhời ngũ-ngôn phương thảo mỹ-nhân chính là văn thương thời của Khuất Bình vậy.
Trong quyển Lệ-sử này tả cái tình của ba người: Mộng-Hà thì cảm vì tri-kỷ, Lê-Ảnh thì nặng vì liên-tài, Quân-Thiến thì thực-hành chữ tự-do; tuy rằng chưa chắc đã là chính-đáng, nhưng khéo mượn một cái tình không đáng để vận-dụng cái lời văn khuyên-răn và gọi tỉnh những người lầm vì tình, chứ có định làm một nhà tiểu-thuyết ngôn-tình đâu.
« Thương nhau thì sợ, ghét nhau thì đành », câu ấy chính là đại biểu cho quyển Tuyết-hồng lệ sử.
« Tiếc của ai khen Đỗ-Mục, hay gì mà học Tương-như; câu ấy là một lời cảnh-ngữ cho quyển Tuyết-hồng lệ-sử.
« Nhìn xem hoa rụng, tiếc duyên tri-kỷ cuối mùa, đứng ngóng non Bồng, cái số tương phùng đã muộn ». Than ôi! Xem hoa hoa tàn, xem hội hội tan, cũng nên ngán cho tâm-sự tác-giả
Lại như những câu rằng: « Kiếp tình nhắm mắt cho qua, nghìn thu để khách bàn xa nói gần », và: « Kiếp trần đương cuộc phong-lưu, bể ái dắt nhau chìm đắm », thật như nghe tiếng chuông buổi sớm, tiếng còi chiều hôm vậy.
Còn như câu: « Phần là nhớ mẹ phần là nhớ anh », thì thật lá phát-hiện được cái chí-tình, « Dối người đã vậy, dối mình sao đang », thì thật tả được cái lòng phản-cung; « Bán thân vào cõi tình-trường, bao nhiêu luân-lý cương-thường để đâu », câu ấy lại tỏ được bụng người soạn quyển Lệ-sử.
Phàm xem tiểu-thuyết, không cần hỏi đến người trong truyện cho lắm, mà cần nghe những lời nói trong truyện; nếu cứ đem cái bì-tướng mà bàn quyển Tuyết-hồng lệ-sử thì như văn Tây-sương, thơ Tàng-trung, lại càng không nên xem lắm.
Nay đem quyển Tuyết-hồng lệ-sử mà so-sánh với những người trong truyện Kiều thì lại hơn nhiều. Tình của Kim Trọng chẳng qua là cái tình hiếu-sắc, mà tình của Mộng-Hà là cái tình cảm kết; tình của Thúy-Kiều chẳng qua là cái tình hoài xuân, mà tình của Lê-Ảnh lại là tình liên-tài; đến như Quân-Thiến trước chiều lòng cha mà mất cái lòng tự-do, tính một đường đi một nẻo, tức vì phận, giận vì duyên, đến nỗi uất-ức mà chết, so duyên-phận vào Thúy-Vân thì thật là một người may, một người không may.
Tiếc thay một đóa tự-do,
Nghìn vàng đã dễ mà mua được tài.
Liều vàng nát ngọc cho rồi,
Chưa toàn chữ hiếu sao hoài cái thân?
Cho nên trai tài gái sắc, lỡ một lầm hai, theo gương sắc giới cho người soi chung.
Vậy xin dịch bài tựa của quyển Tuyết-hồng lệ sử phụ-lục ở trên, để chứng một lời bình bút này.