Văn học của thời đại cách mạng
(Giảng tại trường học quân quan Hoàng bô ngày 8-4-1927)
Hôm nay tôi sẽ nói mấy câu chuyện về "văn học của thời đại cách mạng" và kể đó là đầu đề. Trường học này đã mời tôi mấy lần, tôi đều từ chối không đến. Vì sao vậy? Vì tôi nghĩ rằng các anh sở dĩ mời tôi, chừng như bởi nghe tôi từng viết mấy thiên tiểu thuyết, là nhà văn học, muốn nghe tôi nói về văn học. Thực ra tôi không phải nhà văn học, cũng không biết gì về văn học. Tôi đầu tiên học môn chính là khai mỏ, bây giờ bảo tôi nói chuyện đào than đá có lẽ tốt hơn chút đỉnh nói về văn học. Tự nhiên, vì sự ham thích riêng, tôi thường xem sách văn học, nhưng không có cái gì tâm đắc, có thể nói ra mà có ích cho các anh. Lại thêm mấy năm nay, những kinh nghiệm chính tôi đã thu được ở Bắc Kinh, làm tôi dần dần đâm ra hoài nghi những lời nghị luận về văn học người xưa đã giảng mà tôi được biết. Đó là lúc xổ súng bắn giết học sinh[1], sự cấm đoán văn chương cũng nghiêm ngặt, tôi nghĩ: văn học là thứ đồ vô dụng, thứ đồ chỉ người không có lực lượng gì mới nói đến ; còn người có lực lượng thì không hề mở miệng, cứ giết người, những kẻ bị áp bách nói mấy câu, viết mấy chữ đều sẽ bị giết ; dù may mà không bị giết, song cứ hằng ngày kêu la, kể khổ, gào bất bình, mà người có lực lượng thì vẫn cứ áp bách, ngược đãi, giết gióc, không có cách gì đối phó họ, thì cái văn học ấy có ích gì cho người ta đâu?
Trong giới tự nhiên cũng thế. Con ó bắt con sẻ, làm thinh làm thế là con ó, mà kêu chít chít là con sẻ ; con mèo bắt con chuột, làm thinh thế là con mèo, mà kêu chít chít là con chuột ; rốt cuộc, chỉ cái con mở miệng bị cái con không mở miệng ăn đi quách. Nhà văn học viết được mấy bài văn hay, có thể được khen ngợi một thời, hay là được danh tiếng suông trong ít nhiều năm, ví như sau cuộc truy điệu một liệt sĩ rồi, công việc của liệt sĩ không ai nhắc đến nữa, mà mọi người lại truyền tụng mãi câu đối phúng của ai đó đặt khéo: đó thật là một sự mua bán rất thóc chắc[2].
Song le những nhà văn học của cái địa phương cách mạng nầy[3] có lẽ thích nói rằng văn học với cách mạng có quan hệ lớn lắm, lệ như có thể dùng nó để tuyên truyền, cổ xúy, phiến động, xúc tiến cách mạng và hoàn thành cách mạng. Có điều tôi tưởng, thứ văn chương ấy không có hiệu lực gì, vì từ trước đến nay, những tác phẩm văn nghệ tốt, phần nhiều là không chịu mệnh lệnh của người khác, không nghĩ đến lợi hại, tự nhiên do trong lòng lưu lộ ra ; nếu như ra trước một cái đề rồi mới làm văn, thì có khác gì làm bát cổ, chẳng có giá trị gì về văn học, chứ đừng nói đến có thể cảm động người. Muốn được việc cho cách mạng, phải có "người cách mạng", chứ "văn học cách mạng" lại không cần vội có, cái mà người cách mạng làm ra, ấy mới là văn học cách mạng. Cho nên, tôi tưởng: cách mạng lại là cái có quan hệ với văn chương. Văn học của thời đại cách mạng với văn học của thời bình không giống nhau, hễ cách mạng đến, thì văn học đổi màu sắc. Nhưng cách mạng lớn thì mới đổi được màu sắc văn học, còn cách mạng nhỏ thì không[4], vì không kể được là cách mạng, cho nên không đổi được màu sắc văn học. ở đây nghe nói "cách mạng" quen rồi, chứ ở Giang Tô, Chiết Giang, nói đến hai tiếng cách mạng, người nghe ai cũng sợ, mà người nói cũng rất nguy hiểm[5]. Thực ra thì "cách mạng" không có gì lạ, phải có nó thì xã hội mới cải cách, nhân loại mới tiến bộ, từ nguyên trùng tiến đến nhân loại, từ dã man tiến đến văn minh, là vì không một phút nào không cách mạng. Nhà sinh vật học bảo cho chúng ta biết: "Loài người với loài khỉ không có khác nhau lắm đâu, loài người với loài khỉ là anh em cô cậu." Nhưng vì sao loài người thành ra con người, loài khỉ lại cứ là con khỉ? ấy là bởi con khỉ không chịu biến hóa nó cứ thích thì đi bốn chân. Có lẽ đã có một con khỉ đứng lên, thử đi bằng hai chân, nhưng nhiều con khỉ khác lại nói: "Tổ tiên chúng từ xưa cứ đi bốn chân, không cho mầy đứng!" rồi cắn chết nó. Chẳng những chúng nó không chịu đứng lên, lại còn không chịu nói chuyện, vì chúng thủ cựu. Loài người thì không thế, họ đứng lên, nói chuyện, kết quả là họ thắng lợi.
Hiện nay cũng còn chưa xong việc. Cho nên cách mạng là sự không lạ gì, phàm những dân tộc đến nay con chưa diệt vong thì còn vẫn hàng ngày đang ra sức cách mạng, mặc dầu thường thường chỉ là cách mạng nhỏ.
Cách mạng lớn với văn học có ảnh hưởng như thế nào? Ước chừng có thể chia ra ba thời kỳ để thuyết minh.
1) Trước cách mạng lớn, tất cả văn học đại khái là đối với mọi trạng thái xã hội thấy là bất bình, thấy là thống khổ, bèn kêu khổ, gào bất bình, trong văn học thế giới chẳng ít gì thứ văn học thuộc về loại ấy. Có điều thứ văn học kêu khổ gào bất bình ấy đối với cách mạng chẳng có ảnh hưởng gì, vì kêu khổ, gào bất bình mà không có lực lượng gì thì kẻ áp bách mình vẫn không thèm kể số, con chuột tuy chít chít kêu, mặc dầu kêu ra được thứ văn học xuất sắc mà con mèo vẫn cứ mạn phép ăn nó đi. Cho nên, khi mà chỉ có thứ văn học kêu khổ gào bất bình thì dân tộc ấy được còn có hi vọng, bởi vì chỉ có kêu khổ gào bất bình mà thôi. Lệ như hai bên kiện nhau, đến khi cái bên sắp thua kiện phân phát tờ kêu oan[6], thì bên kia khắc biết rằng nó không có đủ sức theo kiện nữa, vụ kiện thế là kết liễu. Cho nên, thứ văn học kêu khổ gào bất bình chẳng khác nào kêu oan, kẻ áp bách đối với nó lại thấy yên lòng. Có những dân tộc vì thấy kêu khổ không ích gì, khổ mấy cũng không kêu, họ bèn thành ra dân tộc im lặng, dần dần càng thêm suy đồi. Ai Cập, Aráp, Ba Tư, ấn Độ đều đã không có tiếng tăm gì hết! Đến như dân tộc nào giàu phản kháng tánh, ngầm có lực lượng, vì thấy kêu khổ vô ích, bèn giác ngộ ra, biến tiếng buồn thương thành tiếng gầm thét. Thứ văn học gầm thét một khi xuất hiện, thì sự phản kháng sắp đến rồi ; họ đã tức giận lắm, cho nên thứ văn học gần với thời đại nổ ra cách mạng thường thường đeo theo tiếng tức giận. Họ sẽ phản kháng, họ sẽ trả thù. Lúc cách mạng Nga Sô hầu dấy lên, liền có thứ văn học về loại ấy. Nhưng cũng có ngoại lệ, như Ba Lan, tuy đã có văn học phục thù từ sớm, nhưng mà sự khôi phục của nó là nhờ Đại chiến Âu châu.
2) Khi đã đến thời đại cách mạng lớn, không có văn học nữa, không có tiếng tăm nữa, bởi vì mọi người đều bị sóng cách mạng dồi dập, mọi người đều từ kêu gào mà xoay qua hành động, bận rộn về cách mạng, không có nhàn rỗi để mà nói chuyện văn học. Lại còn, lúc đó đời sống vất vả, cố tìm cho ra miếng bánh mì mà ăn còn không được, còn lòng dạ nào nói đến văn học nữa? Những người thủ cựu vì bị luồng sóng cách mạng đả kích, tức tối đến mê sảng, cũng không thể lại nghê nga cái mà họ gọi là văn học nữa. Có người bảo: "Văn học là cái làm ra trong lúc cùng khổ", chưa hẳn thế, lúc cùng khổ nhất định không có tác phẩm văn học đâu. Khi tôi ở Bắc Kinh, hễ lúc nghèo quá, đi vay tiền khắp nơi, không viết được một chữ, đến lúc lãnh được lương tháng mới ngồi yên mà viết được. Lúc bận rộn cũng nhất định không có tác phẩm văn học, người gánh gồng cần phải đặt gánh xuống mới làm văn chương được ; người kéo xe cần phải thả gọng xe ra mới làm văn chương được. Thời đại cách mạng lớn bận rộn, đồng thời lại rất túng thiếu, một khối người nầy đấu tranh với một khối người kia, không trước tiên thay đổi cái trạng thái xuất hiện hiện đại không được, không có thời giờ cũng không có lòng dạ nào làm văn chương ; cho nên cái văn học của thời đại cách mạng lớn chỉ có thể tạm thời chìm lặng.
3) Đợi đến sau khi cách mạng lớn thành công, trạng thái xuất hiện đã hòa hoãn, sự sống của mọi người đã dồi dào, lúc bấy giờ văn học lại sản sinh ra. Văn học lúc bấy giờ có hai thứ: Một thứ văn học là tưng bốc cách mạng, khen ngợi cách mạng hát mừng cách mạng, bởi vì các nhà văn học tiến bộ nghĩ đến sự thay đổi, xuất hiện đi tới, đối với sự phá hoại xuất hiện cũ và kiến thiết xuất hiện mới đều thấy ra có ý nghĩa, một mặt rất cao hứng đối với sự sụp đổ của chế độ cũ, một mặt hát mừng đối với kiến thiết mới. Ngoài ra còn có một thứ văn học là ai điếu sự diệt vong của xuất hiện cũ hát đưa linh[7] cũng là thứ văn học có thể có sau cách mạng. Có người cho rằng đó là "văn học phản cách mạng", tôi tưởng cũng không cần ghép cho cái tội danh lớn như vậy. Cách mạng tuy tấn hành, nhưng hạng người cũ trong xuất hiện còn rất nhiều, không thể một lúc biến thành nhân vật mới ; bọn họ, trong óc chứa đầy tư tưởng cũ, cặn bã cũ, hoàn cảnh thay đổi, ảnh hưởng đến mọi sự của chính mình họ, thế rồi họ nhớ lại cái thoải mái của thời cũ, bèn cứ luyến tiếc xuất hiện cũ, bịn rịn không thôi, nhân đó mà nói ra những chuyện rất xưa, rất cũ kỹ, thành hình thứ văn học ấy đều là giọng bi ai, bày tỏ sự bực bội trong lòng, một mặt xem thấy kiến thiết mới thắng lợi, một mặt xem thấy chế độ cũ diệt vong, cho nên trổi lên khúc hát đưa linh. Nhưng nhớ cũ, hát đưa linh, là tỏ ra đã cách mạng rồi, nếu như không có cách mạng thì những người cũ đang đắc thế, không thể có hát đưa linh đâu.
Có đều ở Trung Quốc không có cả hai thứ văn học ấy hát đưa linh đối với chế độ cũ, hát mừng đối với chế độ mới. Bởi vì Trung Quốc cách mạng còn chưa thành công, đang là thời kỳ giáp hạt, thiếu thốn, bận rộn vì cách mạng. Thế nhưng, thứ văn học cũ vẫn còn nhiều, văn chương trên báo, hầu hết là lối cũ. Tôi tưởng, điều đó đủ thấy rằng cách mạng Trung Quốc đối với xuất hiện chưa có sự cải biến lớn, đối với hạng người thủ cựu chưa có ảnh hưởng bao nhiêu, cho nên hạng người cũ vẫn cứ đi nửa lừng trời. Văn học trên các tờ báo Quảng Đông đều là cũ, rất ít cái mới, đó cũng có thể chứng minh rằng xã hội Quảng Đông chưa hề chịu ảnh hưởng cách mạng ; không có hát mừng cái mới, không có hát đưa linh cái cũ, Quảng Đông bây giờ vẫn còn là Quảng Đông mười năm về trước. Chẳng những thế thôi, vả lại không có kêu khổ, không có gào bất bình, chỉ thấy công hội tham gia vào cuộc đi biểu tình, nhưng đó là chính phủ cho phép, không phải vì bị áp bách mà phản kháng, chẳng qua là phụng chỉ cách mạng[8]. Xã hội Trung Quốc không có thay đổi, cho nên không có bài ai ca nhớ cũ, cũng không có khúc tiến hành mới toanh. Chỉ có ở Nga Sô đã sản sinh ra hai thứ văn học ấy. Những nhà văn học cũ của họ chạy trốn ra ngoại quốc, văn học của họ làm ra, phần nhiều là lời ai ca viếng xưa khóc chết ; còn văn học mới thì đang ra sức bươn tới, tác phẩm vĩ đại tuy chưa có, chứ tác phẩm mới không ít chi, họ đã lìa khỏi thời kỳ gầm thét mà sang qua thời kỳ hát mừng. Ca tụng sự kiến thiết, ấy là ảnh hưởng sau khi cách mạng đã tấn hành, tình hình mai sau ra sao, bây giờ chưa biết, nhưng cứ nghĩ xem, thấy chừng như là văn học bình dân thì phải, bởi vì cái thế giới của bình dân là kết quả của cách mạng.
Hiện nay, Trung Quốc không có văn học bình dân, mà trên thế giới cũng không có văn học bình dân, bao nhiêu văn học, nào ca, nào thơ, đại khái để cho người thượng đẳng xem ; họ ăn no rồi, ngả lưng trên ghế nằm[9], cầm mà ngắm. Một vị tài tử ra cửa gặp một vị giai nhân, hai người cảm nhau, có một tên bất tài tử vào quấy rối, làm cho chểnh mảng, nhưng rốt cuộc được vuông tròn. Xem chuyện như thế, khoăn khoái lắm. Hay là nói chuyện người thượng đẳng có lý thú và khoái lạc như thế nào, người hạ đẳng đáng buồn cười như thế nào. Mấy năm trước, báo Tân thanh niên đăng mấy thiên tiểu thuyết, miêu tả người tù sống nơi đất lạnh, các ông giáo thụ đại học xem rồi bực mình, vì họ không thích xem chuyện người hạ đẳng như thế. Nếu thơ ca miêu tả cu li xe thì là thơ ca hạ lưu ; trong một lớp tuồng hát nếu có sự phạm tội thì là tuồng hát hạ lưu. Những vai trò trong tuồng hát của họ chỉ có tài tử và giai nhân, tài tử đậu trạng nguyên, giai nhân được phong phu nhân nhất phẩm, chính mình tài tử giai nhân rất vui mừng, họ xem cũng rất vui mừng, người hạ đẳng không làm thế nào được, thôi thì cũng cùng vui mừng với bọn họ. Bây giờ đây, có người lấy bình dân - công nhân, nông dân - làm tài liệu viết tiểu thuyết, làm thơ, chúng ta cũng gọi là văn học bình dân, vì bình dân còn chưa mở miệng. Đó là người ở ngoài đứng bên cạnh nhìn thấy sự sống bình dân, mượn lỗ miệng bình dân mà nói ra. Đám nhà văn hiện thời, có kẻ tuy nghèo, cũng còn giàu hơn công nhân, nông dân ít nào, mới có tiền mà đi học được, mới có văn chương được ; xem qua giống như bình dân nói, mà thực thì không phải, đó không phải là tiểu thuyết bình dân thật. Những sơn ca giã khúc bình dân thường hát, nay cũng có người đem mà viết ra, cho đó là tiếng bình dân, vì chính họ đã hát. Nhưng họ đã gián tiếp chịu ảnh hưởng rất lớn của sách xưa, đối với bọn thân sĩ trong làng có ba ngàn mẫu ruộng, họ kính phục quá đi mất, thường thường họ lấy tư tưởng của thân sĩ làm tư tưởng của mình. Bọn thân sĩ quen ngâm thơ ngũ ngôn, thất ngôn, nhân đó, những sơn ca giã khúc họ hát quá nửa cũng là ngũ ngôn hoặc thất ngôn[10]. Đó là nói về cách luật, lại còn về cấu tứ ngụ ý cũng rất là cũ rích, không thể gọi là văn học bình dân chân chính được. Hiện nay, tiểu thuyết và thơ của Trung Quốc thực ra không bằng nước ngoài, không làm thế nào được, thì cũng gọi là văn học đi ; chứ không thể nói là văn học của thời đại cách mạng được, càng không thể nói là văn học bình dân được. Các nhà văn học hiện nay đều là người đọc sách, nếu công nhân, nông dân không được giải phóng thì tư tưởng của công nhân, nông dân vẫn là tư tưởng của người đọc sách ; phải đợi đến khi công nhân, nông dân được giải phóng chân chính thì mới có văn học bình dân chân chính. Có những người nói: "Trung Quốc đã có văn học bình dân", thực ra, nói thế không đúng.
Các anh là người chiến tranh thực tế, là chiến sĩ cách mạng, tôi tưởng hiện giờ còn chưa cần ham thích văn học là phải hơn. Học văn học, đối với chiến tranh không có ích gì, giỏi lắm chẳng qua làm một bài chiến ca, làm được hay, thì có thể ngâm nga trong lúc nghỉ sau khi đánh trận, cũng có thú đấy. Nói cho đứng đắn một chút thì ví cũng như trồng cây liễu, đợi đến cây liễu lớn lên, bóng dâm dủ xuống, người thợ cày làm việc đến lúc giữa trưa, hoặc có thể ngồi dưới cây liễu ăn cơm và nghỉ ngơi. Tình trạng xã hội Trung Quốc hiện nay, chỉ có chiến tranh cách mạng thực sự, một bài thơ không dọa cho Tôn Truyền Phương chạy được, mà một phát súng lớn nổ ra, đã làm chạy được Tôn Truyền Phương[11]. Tự nhiên có người cho rằng văn học có sức mạnh giúp cho cách mạng, nhưng riêng tôi lấy làm hoài nghi ; đến như văn học là một thứ sản vật của sự dư dụ, có thể biểu thị văn hóa của một dân tộc, cái đó thì thật.
Người ta đại khái không vừa lòng cái việc chính mình đang làm, tôi trước kia chỉ biết viết mấy bài văn, chính mình cũng thấy chán, mà các anh là người cầm súng, lại muốn nghe giảng về văn học. Còn tôi, tự nhiên tôi lại muốn nghe tiếng súng lớn, hình như thấy tiếng súng lớn nghe hay hơn tiếng văn học nhiều. Bài diễn thuyết của tôi chỉ bấy nhiên, cảm ơn các bạn đã chịu khó nghe đến hết[12].
(Dịch ở Nhi dĩ tập)
Chú thích
- ▲ Đây chỉ về sự Đoàn Kỳ Thụy giết hại học sinh năm 1926, đã có nói ở mấy bài trước.
- ▲ Ý tác giả muốn nói: Người liệt sĩ được truy điệu ấy đã chịu thiệt hại về sinh mạng của mình để cho nhà văn học là người làm câu đối phúng hay được nổi tiếng, mà người nầy không có nguy hiểm mảy may gì cả ; như thế, khác nào một cuộc mua bán mà kẻ mua không sợ lỗ, chỉ có lời.
- ▲ Địa phương cách mạng: chỉ vào tỉnh Quảng Đông. Vì nhân vật vận động cách mạng phần nhiều là người Quảng Đông, như Tôn Trung Sơn là một, và mấy cuộc khởi nghĩa đầu tiên cũng ở trong tỉnh ấy. Người Trung Quốc thường gọi Quảng Đông là "cách mạng sách nguyên địa", nghĩa là chỗ cách mạng bắt nguồn.
- ▲ Đọc hết cả bài nầy thì thấy ý tác giả muốn nói: cách mạng lớn là cách mạng vô sản ; cách mạng nhỏ là cách mạng tư sản, hay là không hẳn thế, mà chỉ như cách mạng của Quốc dân đảng hiện do Tưởng Giới Thạch cầm đầu.
- ▲ "Ở đây" là ở Quảng Đông. Lúc bấy giờ tuy còn ở vào thời kỳ Quốc Cộng hợp tác, nhưng Tưởng Giới Thạch đã có ý phản Cộng từ lâu rồi. Ở Quảng Đông, hoàn toàn dưới quyền Quốc dân đảng, nói cách mạng theo kiểu Quốc dân đảng nên không hề chi ; còn ở những nơi khác, như Giang Tô, Chiết Giang, có chịu ảnh hưởng của Cộng sản đảng, nói cách mạng theo kiểu Cộng sản đảng, là cách mạng vô sản, sẽ bị Quốc dân đảng khủng bố, cho nên nói "sợ" và "nguy hiểm".
- ▲ Đây là nói theo thói tục dân gian ở Trung Quốc ngày xưa thường có như thế ; "tờ kêu oan", ở nguyên văn là "oan đơn".
- ▲ Hát đưa linh: Ngày xưa ở xứ ta, biết chắc là ở miền Nam, những đám táng lớn, thường có "bạn chèo" gồm một số người cầm cái chèo đi hai bên linh cửu, vừa chèo như chèo thuyền vừa hát giọng ai, gọi là "hát đưa linh". Đây dùng ba chữ ấy dịch chữ "vãn ca", vãn ca cũng là một lối hát trong khi đưa đám ma.
- ▲ Phụng chỉ: danh từ nhà quan dùng trong thời phong kiến, nghĩa là "vâng theo ý chỉ của vua". Đây nói "phụng chỉ cách mạng", ngụ ý cái gọi bằng cách mạng ở Quảng Đông chỉ là vâng theo cái ý chỉ của Quốc dân đảng, của Tưởng Giới Thạch mà làm, không phải cuộc cách mạng do từ ý chỉ nhân dân. Khi nói như thế, đã cầm bằng Tưởng Giới Thạch là vua, là độc tài, chuyên chế.
- ▲ Ghế nằm: Thứ ghế dùng để nằm, có chỗ gác tay gác chân, nguyên văn là "thảng ỹ", tiếng Tây là sofa, Trung Quốc cũng có dịch âm chữ nầy, đọc theo âm Việt là "sa phát".
- ▲ Chỗ nầy, tôi e tác giả nói không đúng. Những bài "nhạc phủ" từ Hán Ngụy đến Lục triều của dân gian, không có tên tác giả, đều làm bằng ngũ ngôn, thỉnh thoảng có xen thất ngôn. Các thi nhân từ Tào Thực Vương Xán giở xuống bắt chước theo lối ấy cho nên gọi là "nghĩ cổ nhạc phủ". Thế thì, sự thực hình như trái với lời tác giả.
- ▲ Tôn Truyền Phương là tay quân phiệt từng chiếm cứ địa bàn năm tỉnh: Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô, An Huy, Giang Tây, mà lúc Lỗ Tấn diễn thuyết đây, đã bị quân Bắc phạt đánh đuổi đi rồi.
- ▲ Bài giảng diễn nầy Lỗ Tấn nói tại trường Hoàng Bô ngày 8-1-1927, nghĩa là trước ngày Tưởng Giới Thạch làm phản cách mạng, cử hành cuộc "thanh đảng" hôm 12-1-1927, chỉ có bốn ngày thôi. Lúc bấy giờ Lỗ Tấn ở Quảng Đông, thường có mật thám bao vây, nguy hiểm lắm. Mà sự được mời tới giảng diễn ở trường Hoàng Bô cũng có cơ nguy hiểm. Vì bọn phản động có thể đợi nói hở một câu là tóm cổ ngay. Cho nên trong bài giảng, Lỗ Tấn nói một cách khác thường: đối với văn học, tỏ ra ý chán nản, không lấy làm thiết. Tuy vậy, đối với cách mạng thì lại cắt nghĩa rất thẳng thắn, nghiêm chính. Trong đó thấy được cả cái trí tuệ và cái dũng cảm của vị đại văn hào.
Cái văn học mà Lỗ Tấn không lấy làm thiết đó, là thứ văn học ở dưới quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, chứ một người đã bỏ học thuốc mà theo văn học thì có lẽ nào lại không lấy văn học làm thiết?