Bước tới nội dung

Kỷ niệm chị Lưu Hòa Trân

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1

Ngày 25 tháng 3 năm thứ 15 Trung hoa Dân quốc, là ngày trường Đại học nữ sư phạm quốc lập Bắc Kinh mở hội truy điệu hai chị Lưu Hòa Trân, Dương Đức Quần bị giết trước Chấp chính phủ Đoàn Kỳ Thụy ngày 18, tôi lửng thửng một mình ngoài lễ đường, thấy chị Trinh đi tới hỏi tôi: "Thầy có viết chút gì cho Lưu Hòa Trân không?" Tôi nói: "Không có". Chị Trinh bảo thẳng tôi: "Thầy nên viết chút ít đi ; Lưu Hòa Trân hồi còn sống rất ưa đọc văn của thầy".

Tôi biết mà, hết thảy những báo chí tôi biên tập, đại khái vì cớ thường thường ra đó rồi chết đó, cho nên bán không chạy mấy, nhưng mà ở vào hồi sự sống khó khăn thế này, chị ấy đã chịu mua tờ Mảng nguyên[1] trọn năm. Tôi cũng đã thấy cần phải có viết chút ít cái gì, tuy nó không dính dấp mảy may nào với kẻ chết, nhưng ở kẻ sống lại cũng chỉ có thể như thế mà thôi. Giá tôi mà tin được rằng có cái gọi là "linh hồn ở trên trời", thế thì, khắc có thể được sự yên ủi càng lớn, có đều, hiện giờ, lại chỉ có thể như thế mà thôi.

Song le tôi thật không biết nói gì được. Tôi chỉ thấy nơi mình ở không phải là nơi người ta ở với nhau. Máu của hơn bốn chục người thanh niên lan tràn ở chung quanh tôi, làm tôi ngột thở, ù tai, mờ mắt, đâu còn nói năng gì được? Hát dài cầm bằng khóc[2], phải ở vào sau khi ngừng cơn đau xót. Thế mà sau đó, cái luận điệu nham hiểm của mấy kẻ gọi là học giả văn nhân càng khiến tôi thấy nỗi buồn thương. Tôi đã lìa khỏi sự tức giận rồi. Tôi sẽ nhấm nháp cái buồn thảm tối sầm của nơi không phải người ta ở ; tôi sẽ lấy cái đau thương rất lớn của tôi phơi bày ra giữa nơi không phải người ta ở, khiến chúng nó[3] thỏa thuê ở sự đau thương cay đắng của tôi, rồi đem nó làm của lễ đơn bạc của kẻ chết sau dâng tế linh hồn kẻ đã khuất.

2

Kẻ mãnh sĩ chân chính dám ngó ngay vào đời người thảm dạm, dám nhìn thẳng vào máu tươi lênh láng. Đó là kẻ biết đau thương và kẻ có hạnh phúc dường nào? Nhưng mà tạo hóa lại hay vì hạng người tầm thường sắp đặt, dùng sự trôi qua vùn vụt của thời gian để rửa sạch vết cũ, chỉ cho lưu lại sắc màu đỏ lợt và sự buồn thảm thầm thoảng. ở trong sắc máu đỏ lợt và buồn thảm thầm thoảng ấy, lại cho người ra được sống lấy lất qua ngày, giữ cho còn mãi cái thế giới giống như người mà không phải người nầy. Tôi chẳng biết cái thứ thế giới ấy kéo dài đến bao giờ mới hết!

Chúng ta còn cứ sống trên cái thứ thế giới ấy ; tôi cũng đã thấy cần phải có viết chút ít cái gì rồi. Cách ngày 18 tháng 3 cũng đã hai tuần lễ rồi, đấng Cứu chúa bị quên bẵng sắp sẽ giảng làm rồi[4], tôi hẳn cần phải có viết chút ít cái gì mới được.

3

Trong hơn bốn chục người thanh niên bị giết, chị Lưu Hoa Trân là học trò của tôi. Nói là học trò, từ trước tôi nghĩ như thế, bây giờ nói như thế, lại thấy có hơi ngờ ngợ, đáng lẽ tôi phải dâng cho chi tấm lòng đau thương và tôn kính của tôi. Chị không phải học trò của "tôi là người lây lất sống đến ngày nay", chị là thanh niên của Trung Quốc chết cho Trung Quốc.

Lần thứ nhất tôi thấy họ tên của chị là ở vào đầu mùa hè năm ngoái, khi Dương ấm Du nữ sĩ làm hiệu trưởng trường Đại học nữ sư phạm, khai trừ sáu chức viên của Hội học sinh tự trị trong trường. Trong sáu chức viên đó, chị là một, nhưng tôi không nhận biết. Mãi đến về sau, có lẽ là sau khi Lưu Bách Chiêu đem bọn võ tướng cả nam lẫn nữ kéo bừa học sinh ra khỏi trường, mới có người chỉ một học sinh bảo tôi rằng: đó là Lưu Hòa Trân. Lúc đó tôi mới biết được cái tên ấy là của con người ấy, thì trong lòng lại thầm lấy làm lạ. Thường ngày tôi vẫn nghĩ, một học sinh đã không chịu khuất bởi thế lợi, dám chống lại viên hiệu trưởng đông vây cánh, không luận thế nào, phải là người có ương ngạnh sắc bén phần nào, mà chị lại thường hay cười tủm tỉm, thái độ rất ôn hòa. Cho đến sau khi thuê nhà mở lớp, ở gởi tại đường phố Tông mạo, chị mới bắt đầu đến nghe giảng nghĩa của tôi, thế rồi những lần thấy mặt có nhiều hơn, cũng vẫn cứ cười tủm tỉm từ đầu đến cuối, thái độ rất ôn hòa. Cho đến khi trường học đã trở lại nền nếp cũ, những thầy giáo trước kia cho rằng trách nhiệm mình đã hết, toan lần lượt rút lui, bấy giờ tôi mới thấy chị có dáng lo cho việc trường mình mai sau, ngậm ngùi rơi nước mắt. Đó về sau hầu như không thấy nhau nữa. Tóm lại,theo tôi nhớ, lần đó tức là lần vĩnh biệt[5].

4

Sáng sớm ngày 18, tôi đã biết buổi sáng có việc quần chúng đến thỉnh nguyện nơi Chấp chính phủ ; buổi chiều liền nghe tin dữ, rằng lính vệ đội đường hoàng xổ súng bắn chết và bị thương đến mấy trăm người, mà chị Lưu Hòa Trân chính ở trong số người bị giết. Nhưng đối với lời đồn ấy, tôi đến phải hơi lấy làm nghi ngờ. Tôi lâu nay là kẻ trắng trợn lấy cái ác ý rất xấu xa suy lường người Trung Quốc, nhưng tôi còn không ngờ và cũng không tin họ có thể hèn đớn hung bạo đến nỗi nước ấy. Huống chi con người hòa nhã, từ đầu đến cuối cứ tủm tỉm cười như chị Lưu Hòa Trân thì càng đau đến nỗi bỗng dưng tràn máu trước cửa phủ ư?

Nhưng mà ngay hôm đó đã chứng minh là sự thực rồi, cái làm chứng là cái thây của chính mình chị. Còn có một cái, là của chị Dương Đức Quần. Vả lại chứng minh rằng chẳng những giết mà còn là giết một cách bạo ngược, vì có những vết thương đánh bằng gậy trên thân thể.

Song le đoàn chính phủ liền có lệnh, nói các chị ấy là "bạo đồ".

Song le tiếp đó lại có tiếng đồn, nói các chị ấy bị người khác lợi dụng.

Cảnh thảm, đã khiến tôi mắt không nỡ nhìn rồi ; tiếng đồn, càng khiến tôi tai không nỡ nghe. Tôi còn biết nói gì ư? Tôi hiểu cái cớ tại làm sao mà những dân tộc suy vong làm thinh không có tiếng tăm gì. Chìm lặng a, chìm lặng! Chẳng ở trong chìm lặng nổ bùng ra, thì ở trong chìm lặng diệt mất.

5

Song le tôi còn có điều cần phải nói.

Tôi không thấy tận mắt ; nghe nói chị ấy, chị Lưu Hòa Trân, lúc đó hớn hở đi tới trước. Có gì đâu, chỉ thỉnh nguyện mà thôi, ai là kẻ còn có lòng người, cũng đều không ngờ đến có cạm bẫy ở đó. Thế mà rồi bị trúng đạn trước Chấp chính phủ, đạn từ sau lưng vào, xuyên qua tim và phổi, đã là vết thương trí mạng, nhưng còn chưa chết ngay. Chị Trương Tĩnh Thục là bạn cùng đi, toan đỡ chị dậy, thì trúng bốn viên đạn, một viên của súng lục, liền ngã xuống. Một người bạn cùng đi nữa là chị Dương Đức Quần lại toan đỡ chị dậy, cũng bị bắn, đạn từ vai bên tả vào, xuyên ra ngực phía hữu, cũng liền ngã xuống. Nhưng chị Lưu Hòa Trân còn ngồi dậy được, một tên lính đánh mạnh hai gậy vào đầu và ngực chị, thế là chị chết hẳn.

Cái chị Lưu Hòa Trân hòa nhã, từ đầu đến cuối tủm tỉm cười quả đã chết hẳn rồi, đó là sự thực, có cái thây của chính mình chị làm chứng ; cái chị Dương Đức Quần dũng ngầm mà mến bạn cũng chết hẳn rồi, có cái thây của chính mà làm chứng ; chỉ có chị Trương Tĩnh Thục cũng dũng ngầm mà mến bạn thì còn nằm trong bệnh viện rên rỉ. Đang lúc ba người con gái khoan thai lăn lộn dưới súng đạn của người văn minh sáng tạo ra châu lại bắn, đó là một cái vĩ đại đáng ghê rợn dường nào! Bọn quân nhân Trung Quốc từng chém giết đàn bà trẻ con, liên quân tám nước từng đàn áp học sinh, những võ công ấy chẳng may đều bị mấy giọt máu kia xóa nhòa đi cả.

Nhưng mà những kẻ giết người ở Trung Quốc và ngoại quốc lại cứ chễm chệ ngước đầu lên, chẳng biết trên mỗi cái mặt đều có vấy máu...

6

Thời gian cứ trôi qua, phố xá vẫn thái bình như cũ, vẻn vẹn mấy cái mạng sống, ở Trung Quốc có kể vào đâu, nhiều lắm chỉ làm mẩu chuyện sau bữa cơm cho những người ngồi rồi không ác ý, hay là làm hột giống "tiếng đồn" cho những người ngồi rồi có ác ý. Đến như ngoài đó ra, tôi thấy hầu như không có ý nghĩa gì sâu sắc cả, bởi vì thực sự chẳng qua chỉ thỉnh nguyện bằng tay không. Cái lịch sự đấu tranh bằng máu của loài người giống như sự thành hình của than đá, trước kia dùng bao nhiêu gỗ cây, về sau chỉ còn lại một cục nhỏ, nhưng sự thỉnh nguyện không ở trong đó, huống nữa là tay không.

Nhưng mà đã có máu rồi, tự nhiên nó phải lan rộng ra. ít nhất nó cũng sẽ ngấm vào những bà con, thầy bạn, trong lòng người yêu, mặc dầu thời giờ trôi qua, phai đi thành màu đỏ lợt, cũng sẽ còn mãi cái bóng hòa nhã và cười tủm tỉm ở trong sự buồn thương thầm thoảng. Đào Tiềm từng nói, "Bà con hoặc còn thương, người khác cũng đã hát, chết đi là hết chuyện, gò đống cùng gởi xác[6]". Nếu được như vậy, cũng đã đủ rồi.

7

Tôi đã nói rồi: Tôi lâu nay là kẻ trắng trợn lấy cái ác ý rất xấu xa suy lường người Trung Quốc. Nhưng lần nầy lại có mấy điểm ra ngoài ý liệu của tôi. Một là nhà đương cuộc mà lại có thể hung tàn đến như thế, một là kẻ phao tin đồn mà lại hèn đớn đến như kia, một là con gái đàn bà Trung Quốc khi lâm nạn mà lại khoan thai đến dường ấy.

Chính mắt tôi thấy con gái Trung Quốc làm việc, mới từ năm ngoái đây, tuy là số ít, nhưng xem cái khí khái giỏi giang, bền vững, gặp khó không lùi, nhiều lần tôi đã thán phục họ. Đến như lần nầy, cái sự thực liều chết cứu giúp nhau trong mưa đạn, thì lại càng đủ chứng tỏ rằng cái đức tánh dũng nghị của con gái Trung Quốc, tuy bị mưu thần chước quỉ đè nén mấy ngàn năm mà đến nay không hề tiêu mất đi. Nếu muốn tìm thấy cái ý nghĩa của những kẻ bị chết lần nầy đối với mai sau thì cái ý nghĩa ở chỗ đó.

Kẻ sống lây lất, trong sắc máu đỏ lợt có thể phớt thấy cái hy vọng tờ mờ ; còn kẻ mãnh sĩ chân chính sẽ càng hăm hở tiến tới trước. Hỡi ôi, tôi nói không ra lời, chỉ lấy đó kỉ niệm chị Lưu Hòa Trân.

1-4-1926
(Dịch ở Hoa cái tập tục biên)

   




Chú thích

  1. Mãng nguyên: tên một tuần báo do Lỗ Tấn biên tập.
  2. Hát dài cầm bằng khóc: một lời thường dùng trong văn ngôn, đã trở lên như một thành ngữ, nguyên văn là: trường ca dương khốc.
  3. Hai chữ "chúng nó" ở đây, theo nguyên văn viết là "tha môn", mà là chữ "tha" chỉ về vật. Cho nên "chúng nó" ở đây không phải chỉ người mà chỉ giống vật, cầm thú. Sở dĩ như thế là bởi trên đó đã nói "nơi không phải người ta ở" ; không phải người ta ở thì giống vật ở, cho nên dùng ngay đại danh từ ngôi thứ ba chỉ giống vật.
  4. Lễ Phục sinh bên đạo ở vào một ngày đầu tháng tư dương lịch, Lỗ Tấn viết bài này ở ngày 1 tháng 4 cho nên nói thế.
  5. Cả đoạn nầy bao hàm một sự kiện lịch sử. Năm 1925, dưới chính quyền quân phiệt Đoàn Kỳ Thụy, Chương Sĩ Chiêu làm tổng thống bộ giáo dục, nữ sĩ Dương Ấm Du làm hiệu trưởng trường Đại học nữ sư phạm Bắc Kinh. Chúng áp chế học sinh đủ mọi mặt, đến nỗi cấm học sinh không cho đi dự lễ truy điệu Tôn Trung Sơn. Học sinh bèn họp hội nghị cả trường, tỏ ý phản đối Dương Ấm Du và đòi đổi hiệu trưởng. Việc chưa được giải quyết thì sáng ngày 7 tháng 5, nhân làm lễ kỷ niệm quốc sĩ tại đại lễ đường của nhà trường, Dương Ấm Du chỗm chệ đến làm lễ, bị học sinh "xuỵt" nhao nhao lên. Sáng hôm sau, trong trường có yết thị khai trừ sáu học sinh là chức viên của hội học sinh tự trị, trong đó Lưu Hòa Trân là một, và một nữa là Hứa Quảng Bình tức Cảnh Tổng nữ sĩ, về sau là vợ Lỗ Tấn.
    Học sinh liền họp hội nghị, tuyên ngôn rằng hiệu trưởng đã bị học sinh phản đối rồi, không còn có quyền khai trừ học sinh nữa, bèn xé yết thị đi, và công ủy Hứa Quảng Bình, tổng cán sự của Hội tự trị, đến niêm phong phòng làm việc của hiệu trưởng lại, học sinh vẫn cứ ở trong trường.
    Sau đó, Lưu Bách Chiêu một chức viên bộ giáo dục, đem cảnh sát và một bọn đàn bà du côn đến trường lôi kéo hết thảy học sinh ra ngoài. Họ ra rồi, thuê nhà ở đường phố Tông mao, mở lớp như thường. Lỗ Tấn là một giáo sư trước sau đứng về phe học sinh, có đến dạy trong lớp học nầy cho nên bị Chương Sĩ Chiêu cách chức thiêm sự ở bộ giáo dục.
    Không bao lâu, Chương Sĩ Chiêu bị miễn chức, trường Đại học nữ sư phạm mới trở lại như cũ.
  6. Đây là bốn câu cuối cùng trong bài thơ "Vãn ca từ" của Đào Tiềm.