Về người nữ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Trong kỳ quốc nạn[1], hầu như người nữ cũng chịu nạn riêng phần họ. Một số chánh nhân quân tử[2] trách người nữ ưa xa hao, không chịu mua quốc hóa. Cho đến nhảy múa, làm đỏm dáng, phàm những cái gì có quan hệ với nữ tánh, đều thành tội trạng cho họ. Hình như người nam đều làm thầy tu khổ hạnh đi, người nữ đều vào nhà tu đi, thì quốc nạn sẽ được cứu ấy.

Thực ra thì đó không phải là tội trạng của người nữ, mà là điều đáng tội nghiệp cho họ. Cái chế độ xã hội nầy gò ép họ thành ra các thứ các kiểu nô lệ, rồi còn đem mọi tội danh trút trên đầu họ nữa. Những năm rốt đời Tây Hán, "búi tóc sa ngựa", "mày buồn dáng khóc", cũng nói là cái triệu chứng mất nước[3]. Thực ra thì kẻ làm mất nhà Hán có phải là người nữ đâu! Chẳng qua, chỉ khi có người đứng ra thở vắn than dài, bực mình về cái lối trang sức của người nữ, chúng ta khắc biết cái tình hình của giai cấp thống trị lúc đó đại khái có mòi không khá rồi.

Xa xỉ và dám mị chỉ là cái hiện tượng của xã hội thối tha đổ nát, quyết không phải là nguyên nhân. Thứ xã hội theo chế độ tư hữu, vốn đã coi người nữ là của riêng, là món hàng buôn. Hết thảy quốc tục, hết thảy tông giáo đều có nhiều quy điều lạ lùng cổ quái, coi người nữ là một thứ động vật có điềm xấu, dọa nạt họ, khiến họ phục tùng như nô lệ ; đồng thời lại cần họ làm đồ chơi cho giai cấp cao. Cũng như những chánh nhân quân tử hiện nay, họ chửi người nữ xa hoa, vênh mặt lên duy trì phong hóa, mà đồng thời cũng len lẻn ngắm thưởng cái văn hóa trần đùi làm cho ngây ngất[4].

Một thi nhân Aráp đời xưa có câu: "Thiên đường trên mặt đất là ở trên sách vở thánh hiền, trên lưng ngựa, trên ngực người đàn bà." Câu nói ấy, thế mà là lời cung khai thật thà.

Tự nhiên, các thứ các kiểu mãi dâm đều có phần của người nữ. Nhưng mà việc mua bán là việc hai bên. Không có người đàn ông đi mãi dâm thì làm sao có người đàn bà đi mãi dâm[5]. Cho nên vấn đề còn ở chỗ nguồn gốc xã hội của sự mãi dâm nữa. Hễ cái nguồn gốc ấy còn có một ngày, tức là người mãi dâm là người chủ động còn có một ngày, thì cái sự gọi là xa hoa dâm mị của người nữ cũng một ngày không thể tiêu diệt được. Khi người nam còn là chủ tư hữu, chính mình người nữ cũng chẳng qua là vật sở hữu của người nam. Cũng có lẽ vì đó cái lòng yêu tiếc gia tài của người đàn bà tương đối có hơi nhẹ, và họ thường thường thành ra thứ "yêu tinh phá nhà". Huống chi hiện nay cái cơ hội mãi dâm nhiều như thế, người đàn bà trong gia đình tự dưng cảm thấy địa vị của mình có nguy hiểm. Mấy năm đầu Dân quốc, tôi nghe nói, cái mốt tân thời ở Thượng hải là từ trường tam, yêu nhị[6] truyền đến hạng bà hai bà ba, rồi từ hạng bà hai bà ba truyền đến hạng các bà cả, các mợ, các cô tiểu thư. Những "con người khuê các" ấy phần nhiều đang cạnh tranh với đĩ điếm một cách không tự biết, tự nhiên, họ phải hết sức trau tria thân thể của mình, trua tria đến thế nào cho nắm chắc được cả tấm lòng của người đàn ông. Cái đại giá của sự trau tria ấy rất đắt, vả lại một ngày càng đắt thêm một ngày, chẳng những về vật chất mà còn về tinh thần nữa[7].

Một ông triệu phú nước Mỹ nói: "Chúng tôi không sợ Cộng phỉ, (nguyên văn không có chữ phỉ, tuân theo công lệnh cải dịch)[8], vợ và con gái chúng tôi sẽ làm cho chúng tôi phá sản, không đợi bọn công nhân kịp đến tịch thu. Có lẽ ở Trung Quốc chỉ e bọn công nhân "đến kịp", cho nên đàn ông đàn bà người Hoa bậc cao vội vã cứ tiêu xài, cứ ăn dùng, cứ sung sướng như thế, kể chi là quốc hóa không quốc hóa, phong hóa không phong hóa. Nhưng mà đầu mồm là phải duy trì phong hóa, đề xướng tiết kiệm.

11-4-1933
(Dịch ở Nam xang bắc điệu tập)

   




Chú thích

  1. Từ năm 1931 Nhật Bản nổ súng đánh Đông Bắc, sang năm 1932 lại tiến công Thượng hải. Thập cử lộ quân chống đánh, chiến sự kéo dài cho đến năm 1933, trong thời kỳ ấy người Trung Quốc gọi là "thời kỳ quốc nạn".
  2. Trong tập văn Lỗ Tấn có nhiều lần dùng bốn chữ "chánh nhân quân tử", ấy là chỉ những người trong "Tân nguyệt xã" (tên một văn đoàn) cũng gọi là "Phái Tân nguyệt", tức là bọn Hồ Thích, Lương Thực Thu, một bọn phản động.
  3. "Búi tóc sa ngựa", nguyên văn là "đọa mã kế", nghĩa là búi tóc xiên về một bên ; "mày buồn dáng khóc", nguyên văn là "sầu mi đề trang". Tôn Thọ, vợ của tên quyền thần Lương Ký cuối đời Đông Hán, người đẹp mà khéo làm những dáng dấp đĩ thõa ấy để được chồng yêu, người đời bấy giờ cho là cái triệu mất nước (Đông Hán mới phải, nói Tây Hán, e lầm chăng).
  4. Bấy giờ phụ nữ ở Thượng hải đua nhau mặc một thứ váy lòi đùi ra như là để trần. Hai chữ "văn hóa" đây dùng theo lối phản ngữ.
  5. "Mãi" là mua, "mại" là bán.
  6. Trường tam, Yêu nhị là hai hạng đĩ ở Thượng hải.
  7. Muốn trau tria thì phải mất tiền để mua những phấn sáp nước hoa, mà không có tiền thì có khi phải làm cái việc thầm vụng để kiếm tiền, ý tác giả muốn nói thế, cho nên mới nói "chẳng những về vật chất mà còn về tinh thần nữa". Vật chất là tiền bạc, tinh thần là ám chỉ đạo đức làm người.
  8. Dưới chánh quyền Tưởng Giới Thạch, có ra lệnh cho quan nha, báo quán, khi nào trên giấy nói đến Đảng cộng sản Trung Quốc thì phải nói là "cộng phỉ". Chữ "phỉ" nghĩa là giặc cướp. Đây là một cái tin trên báo ngoại quốc, nguyên văn nói "cộng sản", tác giả có ý trên chọc cho nên nói "tuân công lệnh cải dịch".