Việt Hán văn khảo/II.V2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

2.— PHÚ. — Phú cũng là một lối ngâm vịnh, hoặc lấy một câu trong sách, hoặc lấy cảnh gì, ý gì, điển tích gì làm đầu bài. Hạn độ 5, 6 vần hoặc 7, 8 vần, tùy lúc ra lấy vần gì thì phải làm vần ấy, và cứ phải theo thứ tự trong vần mà làm. Lúc ra đề có phóng vận, hoặc không bắt theo thứ tự thì mới được tùy ý mình, muốn làm vần gì, hoặc muốn để vần gì trước sau cũng được. Có khi làm suốt từ đầu đến cuối một vần cũng được.

Phú, tùy mình mỗi câu đặt mấy chữ cũng được. Đại để lối thường dùng thì mỗi vần, đầu tiên phải có vài bốn câu 4 chữ, gọi là câu tứ tự, hoặc dùng vần liên-châu, hoặc bằng, trắc đối nhau tùy ý; rồi đến vài bốn câu mỗi vế độ 6, 7 chữ hoặc 8,9 chữ đối nhau, gọi là song quan; rồi đến một vài câu mỗi vế hoặc trên 4 dưới 6, hoặc trên 6 dưới 4, hoặc nhiều hơn, những cũng phải đối nhau, gọi là câu cách-cú; hoặc dùng mỗi vế 3 đoạn, thì gọi là câu gối hạc. Lối này gọi là lối Đường phú, vì tự nhà Đường mới đặt ra. Cách làm phú cũng tựa như cách làm thơ, cũng có khai, có thừa có tả thực có nghị luận, có kết. Vần đầu mới mở gọi là vần lung, nghĩa là nói cho bao quát cả đầu bài; vần thứ nhì là vần biện nguyên, nói nguyên ủy cái đầu bài vần thứ ba là thích thực, tả cho hết ý nghĩa đầu bài vần thứ tư thì là vần phu diễn suy rộng ý đầu bài ra; rồi tự vần sau trở đi thì là nghị luận mà kết ý lại.

Phú cũng còn nhiều lối khác, hoặc từ đầu đến cuối dùng toàn 4 chữ, hoặc dùng toàn 7 chữ, như lối thơ tràng thiên, hoặc theo điệu Sở từ, cứ mỗi câu giăm sáu chữ, đệm một chữ hề vào cuối câu hay là giữa câu, hoặc dùng cách lưu-thủy như lối phú Xích-bích cũng được.

Nay lựa lấy một vài thể, mỗi thể trích lấy một vài đoạn, đăng theo sau này:

Khuyên người ăn ở
(Đường luật)


Trời cao đất dầy,
Con tạo vần xoay.
Ơn trời nhờ thánh,
Sinh được hội này.
Ai là chẳng nức lòng nức dạ,
Ai chẳng mong mở mặt mở mày.

Hậu giả hậu lai, ở hiền gặp lành, mới biết tre già măng mọc;

Ác giả ác báo, ăn mặn khát nước, khác nào cây yếu gió lay.

Trách những người thịt bắp vai u, đường lui tới, lẽ thiệt hơn, ở chẳng trông sau trông trước;

Nào những kẻ mặt hoa da phấn, chí tang bồng, duyên hồ thỉ, đi cho biết đó biết đây.

Đương cơn bình-địa ba đào, có chí làm nên quan, có gan làm nên giàu, sao chẳng khoe khôn cậy khéo;

Gặp lúc điên liên vận túng, có miệng thì phải cắp, có nắp thì phải đậy, cũng nên giả dại làm ngây.

Của trời mất một đền mười, xin chớ ăn chay nói dối;

Nam-vô một bồ lấy bốn, thà rằng ăn mặn nói ngay.

Vắn cánh với chẳng đến trời, trí thiển tài ngu, vòng danh-lợi bon chen sao xiết kể;

Ra tay gạo xay nên cám, văn hay vũ mạnh, buổi kinh-luân vùng vẫy cũng ghê thay.

Bò của chú chú phải lo, con vua vua giấu, con chúa chúa yêu, tình ân ái chẳng nhầm chẳng lẫn;

Đèn nhà ai nhà ấy rạng, của anh anh mang, của nàng nàng xách, nợ phong trần này giả này vay.

Chị em ơi, lấy chồng cho đáng tấm chồng, cho bõ lúc nghiền văn sáp, lúc áp thư hương, hai chữ cương thường, sao cho xứng đáng?

Quân tệ nhỉ, lấy vợ chỉ biết mặt vợ, chẳng nhớ ai bế anh-nhi, ai bồng xích-tử, ba năm nuôi nứng, bao quản đắng cay.

Có cha có mẹ như đàn có dây, đạo mẹ đức cha, bể rộng trời cao khôn ví.

Thuận vợ thuận chồng, bể đông cũng cạn, đạo chồng nghĩa vợ, nguồn ân bể ái nào tầy.

Chị ngã đã có em nâng, máu chảy ruồi bâu, lá rách lá lành đùm bọc;

Cha sinh không tầy mẹ dưỡng, áo dầy cơm nặng, công nuôi công nứng đêm ngày.

Một cây chẳng nên rừng, đông có mây, tây có sao, đông đúc anh em mới quí;

Mười voi không bát xáo, kẻ nói thánh, người nói tướng, chớ nghe miệng thế thêm rầy.

Trẻ chẳng tha, già chẳng thương, ở chẳng phòng xa, vuốt mặt không nể mũi.

Cha cũng kính, mẹ cũng vái, đi đâu mà thiệt, xẩy vai xuống cánh tay.

Mưa bao giờ mát bấy giờ, chẳng nghĩ lúc rét cắt ruột, lúc đói nhăn răng, may sống chẳng phòng khi cả dạ;

Gió chiều nào che chiều ấy, để cho nó qua thì đói, nó khỏi thì loạn, thế nào cũng được bữa no say.

Báng đầu thằng chọc, chẳng nể lòng ông sư, cứng cổ cứng đầu, ai xá những phường ngu dại;

Vắng mặt thằng ngô, lúc có mặt ông sứ, lấp mày lấp mặt, chớ nghe người nói xưa nay.

Giặc bên ngô, cô bên chồng, liệu gió phất cờ, đường cư xử sao cho trọn vẹn;

Cháu bà nội, tội bà ngoại, vị cây dây quấn, nhẽ phải chăng nào dám đổi thay.

Giàu đâu ba họ, khó đâu ba đời, đói cho sạch, rách cho thơm, cứ giữ công bình cho phải đạo.

Sống người một nết, chết người một tật, mẹ sinh con, giời sinh tính, há rằng số phận có ưa may.

Thiếu chi kẻ dở người hay, ai là người dạy bảo, ai đem đạo mở mang, có lẽ cha chung ai khóc;

Nhắn nhủ trai lành gái tốt, phải nên để tấc lòng, phải nên chôn khúc dạ, chớ hề mẹ hát khen hay.

(Vô danh-thị)


Đánh tài bàn
(tứ tự)

Tài bàn, tài bàn ! Ai sinh ra chàng? trăm hai mươi quân, phu ba kéo hàng. Cũng vạn, cũng sách, cũng chi, lão, thang. Nào ăn nào đánh, muốn dọc muốn ngang. Có lạ gì đâu, tổ tôm một phường, có khác gì đâu, khác chín lưng khàn. Từ khi mới sang, vác mặt nghinh ngang; đi đâu theo đó, sum họp thành làng.

Nguyên ngươi ở đâu? Ngươi ở bên Tàu? Tên ngươi ai đặt? Họ ngươi ai đầu? Trong phường dệt gấm, chú chiệc bán dầu.

Vài mươi năm trước, qua nước Nam-Việt; xưa chửa biết ai, nay ai cũng biết. Càng quen thuộc lắm, chơi bời càng riết; kể mặt làng chơi, tính sao cho xiết.

Thím khách, cô tây, bác thông cậu ký; thày giáo thày nho, cụ tổng cụ lý, ông cả, bà lớn, bố cu, mẹ đĩ; đến cả sãi chùa, cùng đàn trẻ bé; rằng buồn ông chơi , thấy vui cháu ké.

Nơi thời:

Lầu hồng gió cuốn, gác tía giăng soi; đèn pha-lê thắp, sập vân-mẫu ngồi; kẻ hầu bốc nọc, đứa chực chia bài; trăm nghìn không kể, chơi lấy kẻo hoài.

Nơi thời:

Mấy mặt làng nho, vài người bạn cũ; điếu thuốc miếng giầu, câu thơ vần phú; ngày hãy còn dài, ta chơi cho bõ.

Lại kìa:

Mấy cậu dẻo giai, mấy ả mày ngài, đồng hồ túi áo, kim cương hoa tai. Ma-đam me-sừ, móc lưng cỗ bài. Chim chuột là cốt, được thua cũng lời.

Lại kia:

Nhà tranh rếch rác, giường tre lệch lạc, thằng quần lồng bàn, đứa khăn mảnh bát, xỏ lá một phường, bợm keo một loạt, thuốc khét râu ngô, nước bung chè hạt. Người mươi đồng xu, bài một cỗ nát. Ngọn đèn lờ mờ, năm canh xào xạc.

Thôi thôi thôi thôi, chú tài thím tài, ông bàn bà bàn, xin xuống tầu trước, cả nước tôi van!


Qua sông
(Điệu Sở-từ)

Bài này của Khuất-Nguyên tiên-sinh, khi người làm quan nước Sở bị kẻ gièm pha mà phải đuổi. Người tự thương cái bụng người trung chính mà bị đuổi oan, khi qua sông làm ra bài này. Nguyên văn bằng chữ nho, theo nguyên điệu mà dịch ra sau này:

Ta thủa nhỏ ưa mặc đồ lạ hề[1]
Tuổi đã già mà chưa thôi.
Đeo gươm dài chi[2] lấp lánh hề,
Đội mũ « thiết-vân » chi cao lồi.
Châu « minh-nguyệt » hề ta đeo,
Ngọc « bảo-lộ » hề ta có.
Đời đục vẩn mà không ai biết ta hề,
Ta cứ ruổi mau mà chẳng ngó.
Cưỡi con « thanh cầu » hề kèm con « bạch-ly ».
Ta cùng với ông « Trùng-hoa »[3] hề chơi ở « Dao-phố »!
Trèo lên núi Côn-lôn hề,
Ăn cánh hoa tươi,
Sánh tuổi thọ với trời đất hề,
Tranh sáng cùng mặt trăng mặt trời!

Thương dân mọi chi không biết ta hề.
Sớm mai ta sẽ vượt sông « Tương »,
Đứng bên « Ngạc » mà quay đầu trông lại hề.
Ào ào nổi tiếng gió chi bi thương.
Ruổi ngựa ta hề chốn « Sơn-cao »,
Đậu xe ta hề đất « Phương-lâm ».
Bơi chiếc thuyền hề lên sông « Nguyên ».
Đều tay chèo hề sóng vỗ rầm.
Thuyền lững thững mà không đi hề,
Nước chẩy quanh nên khó sang.
Sớm đi từ « Uổng-chử » hề,
Chiều nằm ở « Thần-thang ».
Nếu bộng ta chi ngay thẳng hề,
Dù xa quạnh có hà phương.
Vào bến « Tự » ta còn dùng dằng hề,
Ta chưa biết ở vào đâu.
Rừng sâu thẳm chi tối mò hề,
Toàn là hang vượn cùng hang hầu,
Núi các vọi chi ngất trời hề,
Dưới ũm thũm mà mưa dầu.
Tuyết tơi bời chi khắp gần xa hề,
Mây đùn đùn mà kéo mau.
Thương cái sống của ta chi buồn bực hề,
Một mình ở trong núi sâu.
Ta không hay đổi lòng mà theo tục hề,
Đành ta trọn đời mà đeo sầu.
Kìa « Tang-Hộ »[4] còn phải đi trần hề,
« Tiếp-Dư »[4] còn phải tội gọt đầu.
Người trung đã chắc gì được dùng hề.
Người hiền đã hẳn gì ai cầu.
Người xưa mà còn như thế hề,
Ta còn oán gì người sau.
Ta cứ vững một lòng mà giữ đạo hề,
Thôi chẳng quản gì buồn rầu!

(Cổ-văn)

*

* *

   




Chú thích

  1. Chữ « hề » là một tiếng đệm câu.
  2. Chữ « chi » là một tiếng đưa lời.
  3. Trùng-hoa và vua Đế-Thuấn.
  4. a ă Tang-Hộ, Tiếp-Dư là hai người hiền đời xưa.