Bước tới nội dung

Việt Hán văn khảo/VIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính
Luận về văn-chương đời cận kim

TIẾT THỨ VIII

Luận về văn-chương đời cận kim

Tầu từ Nguyên, Minh, ta từ Lý, Trần giở về, nên kể là thời cận kim. Trong khoảng này chia làm hai đoạn, một đoạn luận về văn-chương Tầu và một đoạn luận về văn-chương ta.

Văn-chương Tàu.— Về thời-đại cận kim này tiếp theo sau nhà Tống, học-thuật tư-tưởng, nhất thiết theo về lý-thuyết của Tống-nho; mà văn-chương lại thêm ra một lối kinh-nghĩa. Trong thời Thành-Tổ nhà Minh, Khang-Hi nhà Thanh, thì lý-học lại càng thịnh lắm. Văn-chương thời đó như các sách « Mông-dẫn », « Tồn-nghi », « Thiển-ước », « Thể-chú » của các nhà đại-nho, đều là nghị luận vào nghĩa kinh truyện, để cho càng ngày càng rõ thêm các nghĩa tinh vi của thánh hiền đời xưa. Văn tiểu-thuyết cũng thịnh nhất về thời này. Tựu trung các tiểu-thuyết Tầu thì chỉ có bộ « Đông-chu liệt-quốc », bộ « Tây-hán », bộ « Đông-hán », bộ « Tam-quốc-chí diễn-nghĩa », còn là gần với sự thực; mà trong mấy bộ ấy thì văn « Tam-quốc » bút lực tuy không hùng kiện bằng văn « Đông-chu », nhưng tự-sự trước sau lần lượt liên tiếp rất khéo, mà tả đến tính tình của người nào như vẽ ra người ấy; cái lối phục bút cũng tài tình, chuyện vui vẻ mà nhời nhẽ nhiều chỗ rất lý thú, văn thế biến đổi cũng kỳ, kể ra thì không chuyện tiểu-thuyết nào hay bằng. Văn « Đông-chu » bút lực tuy hùng kiện nhưng văn-chương thực thà, kém bề tài hoa. Còn như « Tây-hán », « Đông-hán » thì văn cũng cổ kính, nhưng cách chép chuyện khí vụng, làm cho người xem chuyện sinh buồn. Ngoại giả mấy pho tiểu-thuyết ấy, lại còn những bộ « Tây-tương », « Tỳ-bà », « Tình-sử », « Liễu-trai chí dị », « Tứ tài-tử », « Hoa-tiên », « Kim-cổ kỳ-quan » v. v. Tây-tương, Tỳ-bà là văn diễn kịch, nhưng văn Tây-tương thì tuyệt hay, mà văn Tỳ-bà thì khí kém. Cổ-nhân đã cho văn Tây-tương là văn hóa-công, nghĩa là cái hay tự nhiên nẩy ra; văn Tỳ-bà là văn họa công, nghĩa là cái hay bởi ở sức người làm ra. Tình-sử, Liễu-trai thì là lối đoản thiên tiểu-thuyết, văn-chương rất giản kinh, song hiềm vì chép lắm chuyện quái đản bất kinh. Kim-cổ kỳ-quan thì lời văn khí rườm rà, nhưng cũng hơi đúng với sự tình. Tứ tài-tử, Hoa-tiên văn-chương cũng hay, song chỉ thú riêng cho người biết làm thơ. Đến như các chuyện « Chinh-đông », « Chinh-tây », « Bình-nam », « Bình-bắc », « Đông-du », « Tây-du », « Phong-thần », « Phản-đường », « Sơn-hậu », «  Tam-hợp-bảo-kiếm », « Thủy-hử » v. v. thì toàn là văn hoang đường, người làm chuyện bịa đặt ra những sự vô lý, muốn làm cho vui tai mắt người ta, mà té ra hại đến tâm thuật của người ta, vì những sự hoang đường ấy, dễ làm cho kẻ ngu si mê tín mà rồi thành ra cứ mơ màng những chuyện hão huyền. Vả văn-chương các chuyện ấy, phần nhiều là văn non nớt, tự sự lôi thôi, tưởng không phải là của tay danh bút làm ra. Duy chỉ có bộ « Tây-du » thì còn có tư-tưởng riêng, người xem văn phải hiểu cái ý ngoại thì mới biết lý thú; mà bộ « Hậu tây-du » thì lại lý thú hơn. Ngoại giả thì không còn bộ nào gọi là hay được.

Văn kinh-nghĩa đến Nguyên-mặc thì hay thực, nhời văn rền rĩ mà ý tứ rộng rãi, đọc lên kêu như chuông như khánh; mà nhất là các bài tiệt-thượng tiệt-hạ, nghĩa là những bài lửng lơ ở giữa câu, nói chưa hết ý mà cũng làm cho lọn nghĩa được mới là tài tình. Song nghề văn ấy chỉ chuyên dụng công về đặt để cho đẹp đẽ câu văn, thường có khi cầu kỳ quá mà mất cả nghĩa tự nhiên của kinh truyện, hoặc là ngắt câu nọ nhằng với câu kia, làm cho không thành nghĩa lý gì, đó cũng là một cái tệ đoan vậy.

Các nhà thi-sĩ như Trịnh-Hậu, Chu-lâm-Tu, Tôn-thiềm-Phong, v. v. cũng đều là danh bút trong một thời; các nhà bình phẩm như Vương-thánh-Thán, Ngũ-hàm-Phân, Lâm-tây-Trọng, Quá-thương-Hầu v. v. cũng đều là những tay đại gia; các nhà nghị luận như Kỳ-quỳnh-Sơn, Phan-Vinh v. v. cũng đều là những tay đại nho, các người đó đều có văn-chương lưu truyền đến giờ.

Cuối thời Thanh, người Trung-quốc lại hấp thụ được lối học Âu-Mỹ, hai cái lý tưởng mới cũ dồn lại mà đúc nên văn tràng-giang đại-hải của Khang-Lương, làm cho dân Trung-quốc đã hơi tỉnh được giấc mơ màng. Từ đó đến giờ thì văn Tầu đã dần dần biến thành một lối mới, mà thay cho những lối kinh nghĩa, phú lục khi xưa vậy.

2º — Văn-chương ta.— Nước ta từ hồi Âu-lạc giở về trước, văn-chương chắc chưa có gì, mà dẫu có cũng không kê cứu vào đâu mà biết được. Song từ khi Sĩ-vương đem nho-giáo truyền sang nước ta, thì văn-chương hẳn cũng đã phát nguyên từ đó. Đến khi nội-thuộc nhà Đường, ta đã có ông Khương-công-Phụ là người Ái-châu (Thanh-hóa), sang Tầu thi đỗ đến tiến-sĩ và sau làm đến Tể-tướng nhà Đường, ấy là một cái tang chứng người nước ta đã thâm nhiễm được văn hóa của Tầu.

Từ đó về sau, trải hết đời nhà Đường, lại qua đời Ngũ-đại, sang đến đời nhà Tống, có vua Đinh-tiên-Hoàng ra, nước ta mới là nước độc-lập. Trong khoảng đó hơn 300 năm, ta nhiễm theo văn-học của Tầu càng ngày càng sâu. Mãi đến thời vua Nhân-tôn nhà Lý, mới mở khoa thi tam-trường, dùng người văn-học làm quan, bấy giờ đã có ông Lê-văn-Thịnh, ông Mạc-hiển-Tích đỗ đến Trạng-nguyên, từ đó người nước ta càng ngày càng đua theo văn-học, mà văn-chương cũng đã dần thịnh vậy.

Qua sang đời nhà Trần thì chính là lúc văn-học nước ta đã thịnh. Bấy giờ đã có sử-quán, đã có các nhà trứ-thư lập-ngôn. Hưng-đạo-Vương đã soạn ra một bộ « Binh-thư yếu lược ». Nay xem bài hịch của Hưng-đạo-Vương truyền cho các tướng, nhời nhẽ rất kích thiết, bao nhiêu lòng khảng khái trung nghĩa bày tỏ cả ra trên một mảnh giấy, làm cho lòng người cảm động mà giữ vững được giang-sơn nhà Trần.

Thơ từ khi đó cũng đã hay. Xem như ông Trần-quang-Khải là thủ-tướng nhà Trần, trong khi ăn yến mừng công thắng trận, có vịnh một bài ngũ-ngôn tứ-tuyệt rằng:

Đoạt sáo Chương-dương độ,
Cầm Hồ, Hàm-tử quan.
Thái-bình tu nỗ lực,
Vạn cổ thử giang sơn.

Nghĩa là cướp ngọn giáo ở bến Chương-dương, bắt giặc ở cửa sông Hàm-tử, ấy là buổi chúng ta lập công đó. Vậy thì chúng ta nên gắng sức mà giữ lấy cơ nghiệp thái bình, để cho muôn thủa vẫn cứ nước non vui vẻ này. Câu ấy nhời vắn tắt mà ý nhị thì nhiều, có kém gì thơ Đường.

Vua Trần Thánh-tôn cũng có câu rằng:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

Nghĩa là xã tắc hai phen phải mệt cả đến ngựa đá,[1] bởi vậy giang-sơn nghìn xưa mới được vững như lọ vàng. Ý vị câu ấy cũng đã bát ngát lắm.

Ông Phạm-ngũ-Lão cũng có một bài thuật-hoài rằng:

Hoành sáo giang sơn lịch kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ-hầu.

Nghĩa là cầm ngọn giáo tung hoành trong nước non đã trải mấy thu, ba quân thì mạnh mẽ như cọp như gấu, sức khỏe có thể nuốt được sao Ngưu. Tuy vậy mà làm giai nếu không giả cho sạch nợ công danh, thì xấu hổ với Gia-cát Vũ-hầu, không nên nghe người ta nói chuyện đến ông ấy. Nhời ấy rất khảng khái, vậy nên về sau làm nổi một tay danh tướng nhà Trần.

Thời đó lại có ông Mạc-đĩnh-Chi đỗ đến Trạng-nguyên, thực là một tay văn-chương đại tài. Văn-chương của tiên-sinh, không còn mấy bài truyền đến bây giờ; chỉ còn truyền lại có mấy câu đối ứng khẩu trong khi sang sứ Tầu mà thôi. Mấy câu ấy: một câu khi tiên-sinh mới đến cửa ải quan. Đến sai giờ, cửa đóng. Người Tầu ra rằng:

Đáo quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.

Nghĩa là qua cửa quan chậm, người giữ cửa đóng cửa, xin khách qua đường trèo qua cửa mà đi.

Tiên-sinh đối:

Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên-sinh tiên đối.

Nghĩa là ra câu đối thì dễ, đối lại câu đối thì khó, xin tiên-sinh đối trước đi cho. Tiên-sinh đối câu ấy, người Tầu chịu là tài, mới mở cửa cho vào.

Khi vào tới kinh, người Tầu thấy tiên-sinh nhỏ nhắn xấu xa, có ý khinh bỉ, ra rằng:

Ly, vị, võng, lưỡng, tứ tiểu quỉ.

Nghĩa là ly, vị, võng, lưỡng là bốn giống quỉ nhỏ. Câu ấy có ý khinh tiên-sinh như con quỉ. Trong 4 chữ « ly, vị, võng, lưỡng » mỗi chữ có một chữ « quỉ », lại có ý ra cho khó đối nữa.

Tiên-sinh đối ứng khẩu rằng:

Cầm, sắt, tỳ, bà, bát đại-vương.

Trong bốn chữ « cầm, sắt, tỳ, bà », mỗi chữ có hai chữ « vương », cho nên mới đặt là tám đại-vương. Tiên-sinh đối lại vừa chọi ý tự tôn mình như đại-vương, cho nên là hay. Người Tầu còn ra nhiều câu khó khăn hơn nữa, mà câu nào tiên-sinh cũng đối được ngay.

Khi đó người Tầu lại nhân có tế một vị công-chúa cắt tiên-sinh đọc chúc. Khi cầm bản văn đọc thì chỉ thấy có bốn chữ « nhất », biết là họ muốn thử tài của mình. Tiên-sinh không nghĩ ngợi gì, đọc luôn ngay mấy câu rằng:

Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết.
Thượng uyển nhất chi hoa.
Dao trì nhất phiến nguyệt.
Y! vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

Nghĩa là khen công-chúa như đám mây ở trên giời xanh, một giọt tuyết ở trong lò giời, một cành hoa ở trong vườn thượng-uyển, một vầng giăng ở dưới ao dao-trì. Than ôi! đám mây đã tản, giọt tuyết đã tan, cành hoa đã tàn, vầng giăng đã khuyết. Trong khi lâm thời thảng thốt, ở trước mắt đám quan chiêm, mà đọc ngay được như thế, vừa trúng với 4 chữ « nhất », lại vừa đủ ý tứ khóc một vị công-chúa. Cái tài mẫn-tiệp xuất khẩu thành chương ấy thực là một bực thiên-tài.

Văn tiên-sinh đại để nhanh mà tài đều như thế. Tiếc thay, tiên-sinh có một bài phú « Ngọc tỉnh liên »,[2] mà không lưu truyền đến bây giờ.

Cuối đời nhà Trần, lại có ông Chu-văn-An là một nhà đạo-học. Tiên-sinh nhân khi đó có 7 người quyền-thần ỷ thế lộng lẫy, bèn dâng sớ xin chém 7 người đó. Nhà vua không dùng, tiên-sinh bèn về ẩn-cư ở làng Cung-hoàng mà dạy học. Về sau, khi nhà Minh sang đánh nhà Hồ, lại có ông Lê-cảnh-Tuân dâng một bức thư nói đến vạn câu, để xin nhà Minh lập con cháu nhà Trần, bài sớ của Chu tiên-sinh và bức thư này đều có khí trung-nghĩa tràn trụa ở trên bài văn, thành ra hai bài danh văn ở nước ta. Ông Lê-Tung luận sử có câu rằng: « Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn, vạn ngôn chi thư, trung quán nhật nguyệt », nghĩa là bài sớ xin chém 7 người, nghĩa-khí động đến giời đất; bức thư vạn câu nói, trung-tâm thấu đến mặt giời mặt giăng.

Đó là kể đại khái văn-chương thời nhà Trần. Kế đến thời nhà Lê, thì văn chương lại càng thịnh lắm. Lúc ban đầu vua Thái-Tổ mới dẹp xong giặc nhà Minh, có một bài « Bình ngô đại cáo » của ông Nguyễn-Trãi soạn ra, để bá cáo cho dân trong nước biết cái công bình định của mình. Trong bài đó kể những tội tàn ác của nhà Minh đối với dân ta và kể những việc đánh dẹp vất vả của vua Thái-Tổ, tỏ ra một cái nghĩa quang minh chính đại. Nay xem như những câu: « Thống tâm tật thủ giả thùy thập dư niên, ngọa tân thường đảm giả, cái phi nhất nhật », nghĩa là đau ruột nhức đầu đã hơn mười năm nay, nằm trên đống củi nếm quả mật không phải là một ngày. Như câu: « Linh-sơn chi thực tận kiêm tuần. Côi-huyện chi chúng vô nhất lữ », nghĩa là khi ở Linh-sơn cạn lương đến mấy tuần, lúc ở Côi-huyện, quân không có một đội. Nghe những câu đó còn tưởng tượng được cái lòng nhẫn nại và cái công sáng nghiệp gian nan của một bực đại anh-hùng nước ta. Bài văn đó bút lực rất hùng, buổi quốc-sơ mà đã có văn hay như thế.

Đến thời vua Thánh-Tôn thì văn-chương lại càng rực rỡ lắm. Bấy giờ thiên-hạ thừa bình, ngài lưu tâm về việc học. Ngài sai ông Thân-nhân-Trung chép những công việc chính-trị cùng những thơ văn của ngài soạn thành một bộ « Thiên nam dư hạ tập ». Ngài lại tự vịnh chín bài thơ:

  1. Phong-niên (năm được mùa),
  2. Quân đạo (đạo làm vua),
  3. Thần tiết (đạo làm tôi),
  4. Minh lương (vua sáng tôi lành),
  5. Anh hiền (bậc hiền tài),
  6. Kỳ khí (khí lạ),
  7. Thư thảo (phép viết),
  8. Văn nhân (người văn-chương),
  9. Mai hoa (hoa mai).

Chín bài đó đem lựa vào khúc nhạc, gọi là « Quỳnh-uyển cửu ca », nghĩa là chia bài hát Quỳnh-uyển. Ngài lại kén lấy những văn-thần là bọn ông Thân-minh-Trung, ông Đỗ-Nhuận cả thẩy 28 người, đặt làm một hội gọi là « Tao đàn nhị thập bát tú », nghĩa là 28 ngôi sao ở đàn văn-chương để xướng họa thơ từ với nhau, mà ngài thì tự làm đại Nguyên-súy, tức là chủ hội đó. Văn-chương bấy giờ nhiều lắm không kể xiết được, nhưng phần nhiều thì là các bài ca tụng công-đức của ngài và ngâm vịnh những quang cảnh thái bình.

Các nhà văn-sĩ ở trong thời Lê, Mạc cũng nhiều, song trứ danh nhất thì có ông Nguyễn-bỉnh-Khiêm (Trạng Trình), ông Lê-quý-Đôn, ông Nguyễn-Dữ, ông Võ-Quỳnh v. v. Ông Nguyễn-bỉnh-Khiêm có bộ « Bạch-vân thi-tập », ông Lê-quý-Đôn thì có soạn ra bộ « Vân-đài loại ngữ », ông Nguyễn-Dữ thì soạn ra bộ « Truyền-kỳ », ông Võ-Quỳnh thì soạn ra bộ « Trích-quái », các sách ấy còn lưu truyền đến bây giờ.

Thơ của Bạch-vân tiên-sinh bình đạm, phần nhiều là các bài bình phẩm gió giăng hoa cỏ, tả ra cái thú của người nhàn tản, ở ngoài cuộc phong-trần. Song cũng có lắm bài dùng những tiếng ẩn ngữ, nói việc tương lai. Tục truyền tiên-sinh thâm về lối học lý số, phàm việc gì cũng biết trước, cho nên đặt ra những bài sấm ký để cho hậu nhân chiêm nghiệm. Những bài đó hiện còn truyền tụng đến bây giờ. Có câu người ta cho là ứng-nghiệm rồi, có câu cho là huyền mà chưa đoán ra được. Lối học của Á-đông ta các nhà âm dương thuật số, thường vẫn cứ suy tính lấy, nhưng thiết tưởng cũng là một cách suy tính viển vông mập mờ, vị tất đã ứng với sự thực; khi việc đã trải qua, hậu nhân thấy việc gì hơi giống vào câu truyền lại, mới nặn thêm nghĩa mà cho là ứng nghiệm đó thôi.

Quế-đường tiên-sinh (tức là cụ Lê-quý-Đôn) thì là một nhà văn học uẩn súc quảng bác. Tiên-sinh trước tác cũng nhiều nhưng uyên thúy nhất là bộ « Vân-đài loại ngữ ». Trong bộ ấy chia làm 9 mục, mỗi mục lại chia ra từng điều.

  1. Lý-khí (nói về lý-khí giời đất) 48 điều.
  2. Hình-tượng (nói về hình tượng giăng, sao, sông, núi) 38 điều.
  3. Khu-vũ (nói về địa-dư) 93 điều.
  4. Điển-vựng (nói về điển-lệ) 120 điều.
  5. Văn-nghệ (nói về văn-chương) 48 điều.
  6. Âm-tự (nói về thanh âm văn tự) 111 điều.
  7. Thư-tịch (nói về sách vở) 107 điều.
  8. Sĩ-quí (nói về phép làm quan) 76 điều.
  9. Phẩm-vật (nói về khí dụng và vật loại) 320 điều.

Mỗi mục, tiên-sinh tạp dẫn các lời cổ-thư, ngoại thư rất tinh tường rồi chiết trung lấy ý riêng của mình. Xem trong bộ này mới biết được học thức của tiên-sinh rất là quán xuyến, phàm các sách vở quí báu lạ lùng xưa nay, không mấy bộ là không trải qua mắt tiên-sinh. Đang thời-đại nhà Lê, nước ta đã mấy người biết đến sách Âu-châu mà tiên-sinh cũng đã khảo cứu đến rồi.

Còn như bộ « Trích-quái » và bộ « Truyền-kỳ » của Võ-Quỳnh, Nguyễn-Dữ hai tiên-sinh thì toàn là ghi chép những lời tục truyền ở nước ta, như các sự tích vua Hùng-vương, sự tích thần núi Tản-viên, sự tích bà Liễu-Hạnh v. v. Các chuyện ấy phần nhiều là chuyện hoang đường, chắc vì khi xưa ta sùng tin đạo quỷ thần, nhân vị nào có công-đức đáng kính đáng thờ, thì hậu nhân bịa thêm chuyện cho thành ra một việc linh dị, để khiến cho dân tình dễ khuynh hướng chăng? Mà chẳng những là sách ta hay có chuyện lạ lùng như thế, dẫu đến sách Tầu cũng thường có chuyện như vậy, ấy cũng bởi cái tính hiếu-kỳ là cái bệnh chung của người Á-đông vậy.

Ngoại giả lại còn mấy câu như bộ « Công-dư tiệp ký », bộ « Tang-thương ngẫu lục », bộ « Lữ-trung ngâm », bộ « Vũ-trung tùy-bút », v. v. cũng đều là thể kỳ-quan dã-sử, giúp thêm sự hiến văn cho người ta vậy.

Qua sang Nguyễn-triều ta thì văn-chương thịnh nhất là thời Minh-mệnh, Thiệu-trị, Tự-đức. Các ngài đều là chúa hiếu văn, có « Ngự chế thi tập » truyền ở đời. Danh-sĩ hiển hách thì có các cụ Tùng-thiện, Tuy-hóa, Phương-đình, Chu-thần v. v. Văn-chương của các cụ, đến giờ nghe vẫn còn như rót vào tai. Đức Dực-tôn đã có câu thơ khen rằng:

Văn như Siêu, Quát vô Tiền-Tấn,
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh-Đường.

Siêu tức là Phương-đình, Quát tức là Chu-thần, Tùng tức là Tùng-thiện-vương, Tuy tức là Tuy-hóa-vương. Câu thơ đó nghĩa là văn như văn Siêu, Quát thì không còn nhà Tiền-Tấn, thơ đến thơ Tùng, Tuy thì mất cả đời Thịnh-Đường. Đời Tiền-Tấn là đời văn hay, đời Thịnh-Đường là đời thơ hay, vậy mà thơ văn của các cụ ấy làm cho mất cả cái hay của đời trước đi, nghĩa là thơ hay hơn đời trước vậy. Xem câu ấy đủ biết văn-chương của các cụ khi đó lừng lẫy biết là chừng nào.

Đến như văn-chương nôm của nước ta thì bắt đầu từ ông Hàn-Thuyên thời nhà Trần, mới dùng tiếng quốc-âm mà ngâm thơ vịnh phú, rồi dần dần thành ra một lối văn riêng của ta.

Thời nhà Lê, những văn hịch, văn sách, văn tế, cũng đã thường dùng đến lối văn nôm, nhưng chêm đệm tiếng chữ nho khí nhiều quá cho nên dẫu là văn nôm, mà phi người thâm nho thì xem khó vỡ nghĩa.

Văn lục bát hay nhất không có chuyện gì hay bằng chuyện « Kim-Văn-Kiều ». Nguyên văn chuyện Kiều của Tầu cũng đã hay. Tả một người đàn bà rất nhan sắc, rất đức hạnh, rất tài hoa, đáng lẽ vì đó mà được hưởng phúc thanh nhàn, sung sướng ở đời mới phải, mà té ra lại vì cái nhan sắc ấy, đức hạnh ấy, tài hoa ấy mà mình lại lụy mình, đến nỗi gặp toàn những cảnh ngậm đắng nuốt cay, chìm nổi trong bể khổ 15 năm giời, khiến cho người xem chuyện ai cũng phải cảm động tấm lòng chua xót. Cốt chuyện đã hay, mà cụ Nguyễn-Du dịch ra lối ca lục bát lại khéo nữa. Ngòi bút tài tình, có lẽ lại hay hơn nguyên-văn.

Xem toàn quyển chuyện, không một tiếng nào là tiếng đục, không một câu nào là câu non. Giọng văn nhẹ nhàng, ý tứ lưu loát, tá dụng những điển tích cũng tài, mà nhất là những chỗ tả cảnh, tả tình, tình cảnh nào như vẽ ra tình cảnh ấy.

Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai.

Thực rõ ra cảnh mùa xuân!

Dưới giăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

Thực rõ cảnh mùa hạ!

Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu.
Gió chiều như gợi cơn sầu,
Vi lau hiu hắt như mầu gợi trêu.

Biết bao nhiêu tình ngẩn ngơ của khách tầm xuân ở trong cảnh đó!

Mịt mù dặm cát đồi cây,
Tiếng gà điểm nguyệt dấu giầy cầu sương.
Đêm khuya thân gái dặm trường,
Nửa e đường sá nửa thương dãi dầu.

Biết bao nhiêu nỗi sợ hãi của một người đàn bà tị nạn ở trong cảnh đó!

Tả đến người nào lại hợp với khẩu khí và tính tình của người ấy mới lại khéo thay!

Thoạt trông nhờn nhợt mầu da
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao.

Và mấy câu:

Này này sự đã quả nhiên,
Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi.

Cho đến câu:

Cớ sao chịu ếp một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao.

Thực như vẽ ra hình dáng và rõ ra giọng lưỡi của một mụ giầu.

Một chàng vừa trạc thanh xuân,
Hình dung chải chuốt áo quần bảnh bao.

Và mấy câu:

Nàng đà biết đến ta chăng,
Bể chầm-luân lấp cho bằng mới thôi.

Rồi giở giọng:

Phao cho quyến gió dủ mây,
Hãy xem có biết mặt này là ai.

Thực như vẽ ra hình điệu và rõ ra giọng lưỡi của một thằng xỏ lá.

Tính rằng cách mặt khuất lời,
Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho.
Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu.
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên.
Làm cho trông thấy nhãn tiền.
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.

Thực như giãi ra bộ tâm can cay nghiệt thâm hiểm của một người đàn bà cả ghen.

Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

Và câu:

Trông vời giời bể mênh mông,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Và câu:

Chọc giời quẩy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.

Những câu đó như vẽ ra một tấm lòng ngang tàng khảng khái của một tay hào kiệt đội giời đạp đất ở đời.

Tiếc thay một đóa trà-my,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.

Sự thô tục mà tỏ ra thanh nhã biết là chừng nào!

Sợ gan nát ngọc liều hoa.
Mụ về trông mặt nàng đà quá tay.

Sự ghê gớm mà tả ra nhẹ nhàng biết là chừng nào!

Lại như những chỗ tả ngón đàn, mỗi chỗ tả một khác mà chỗ nào cũng thần tình; những chỗ tả lòng thương nhớ mỗi đoạn tả một tứ, mà tứ nào cũng não nùng. Nói rút lại thì trong toàn thiên chữ nào cũng êm, câu nào cũng thoát, đoạn nào cũng dồi dào ý tứ, tả đến tinh-thần, nhời thì nhẹ nhàng mà ý thì bát ngát, càng đọc càng thấy hay, càng nghe càng thấy thú, không khi nào chán được, thực là văn-chương tuyệt phẩm của nước Nam ta!

Thứ nhì là văn « Chinh-phụ-ngâm » và văn « Tần-cung-oán ». Hai chuyện này cũng luyện từng câu từng chữ. Song mỗi chuyện hay riêng một cách: Chinh-phụ-ngâm thì tài về cách phiên dịch, thần hóa được câu nguyên văn chữ nho mà không thiếu ý nào, bút lực cứng cỏi mà giọng văn trôi chẩy; Tần-cung-oán thì hay về công đặt để, gọt từng chữ, chuốt từng lời, rực rỡ như vẻ gấm màu hoa, réo rắt như cung đàn tiếng địch. Song nhời văn khí nặng nề khổ khắc, tựa như mỗi chữ là một khối tâm huyết tỏ ra. Tưởng đúng vào một câu Kiều:

Rằng hay thì thực là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào?

Thứ ba là văn « Phan-trần », văn « Nhị-độ-mai » văn « Nhị-thập-tứ-hiếu », văn « Quan-âm », v. v. cũng đều là văn đại gia, nhời nhẽ chín chắn, ý vị thơm tho, đều có thể làm gương luân-lý cho người ta.

Chuyện « Cúc hoa », « Trinh-thử », tuy nhời nhẽ quê mùa, nhưng còn có ý. Còn như « Bướm hoa », « Xuân tình tưởng vọng » v. v. thì toàn là nhời dâm đãng, văn quê kệch, không đáng đem vào mắt người văn-nhân.

Về Nam-kỳ có bài « Hoài-nam-khúc », chuyện « Sãi vãi » chuyện « Lục-vân-tiên », cũng đều là văn-chương của danh-nhân để lại, hiện còn truyền tụng đến giờ.

Thơ nôm nước ta, tuy bắt đầu mới có từ ông Hàn Thuyên đời nhà Trần, nhưng không còn bài nào lưu truyền lại đến giờ. Đến thời nhà Lê, mới thấy truyền lại một vài bài.

Bài của ông Nguyễn-Trãi hỏi nàng Thị-Lộ:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay phỏng bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa được mấy con?

Thị-Lộ họa lại:

Tôi ở Tây-hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn.
Xuân xanh nay mới giăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, có chi con!

Văn ấy là thể vấn đáp, ý nghĩa dẫu chẳng có gì, nhưng nhời văn rất nhẹ nhàng trôi chẩy lắm.

Khi ông Phạm-Trấn, ông Đỗ-Uông, một ông đỗ trạng, một ông đỗ bảng-nhãn, lúc vinh-qui, hai ông ganh nhau đi đường, qua đến chỗ Cầu-cốc, ở đó có một người con gái bán hàng, tên là cô Loan. Bèn ra đầu bài « Cô Loan bán hàng Cầu-cốc », hạn phải ngâm xong bài thơ tám câu, mà mỗi câu phải dùng hai chữ hợp vào tiếng giống cầm điểu, hễ ai làm xong trước thì được đi trước.

Thơ của ông Phạm-Trấn xong trước, tục truyền lại có mấy câu rằng:

Quai vạc đôi bên cánh phượng phong,
Giở giang bán chác tựa đồ công.
Xanh le mở khép nem hồng mới,
Bạc ác phô phang rượu vịt nồng.

Thơ ấy thì khí khắc hoạch, song vì là phải gò theo hạn ước, làm đúng hạn mà được như thế đã là tài, tưởng chẳng kém gì cái tài bảy bước nên thơ của Tào-tử-Kiến khi xưa.

Ông Lê-quí-Đôn lúc còn nhỏ cũng có một bài tự trách mình:

Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà,
Rắn mà chẳng học chẳng ai tha.
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Chém mép chỉ quen tuồng nói dối,
Lằn lưng cam chịu tiếng roi tra.
Từ rầy Châu Lỗ chăm nghề học,
Chớ để cười ta tiếng thế-gia.

Bài ấy là vì có người mắng ông là tuồng rắn đầu rắn cổ, bắt phải tự trách, nên dùng toàn những tiếng chọi mầu con rắn, mượn những tiếng tự nhiên ghép nên câu, kể cũng đã khéo vậy.

Nguyễn-triều ta từ thời đức Hi-tôn, còn xưng bá ở Nam-trấn, Lộc-khê-Hầu là Đào-duy-Từ cũng có một bài:

Nhà là lá, cột là tre,
Ngày tháng an nhàn được chở che.
Màn vải thưa giăng ngăn muỗi bọ.
Giậu cây kín đáo giữ ong ve,
Cơm ba bữa chuộng rau cùng muối,
Thú bốn mùa ưa rượu với chè.
Muôn việc thỏa tình chăng ước muốn,
Ước tôi hay gián, chúa hay nghe.

Thơ này chủ ý cốt nói cho cảm động lòng chúa, nhời văn mộc mạc bình đạm mà ý vị thanh cao, rõ ra khẩu khí của một vị hiền-tướng.

Từ thời Minh-mệnh, Tự-đức giở về, thơ nôm đã tấn bộ lắm, tưởng không kém gì thơ Thịnh-đường. Đức Dực-tôn ngự chế thương một bà phi có câu rằng:

Đập cổ-kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi.

Tuy-lý-vương có câu rằng:

Đất e bể cạn bù thêm nước,
Núi sợ trời nghiêng đỡ lấy mây.

Lời văn khác hoạch cổ kính biết là chừng nào.

Những nhà văn nôm nổi danh cận thời nhiều lắm, không kể xiết được nay đan cử mấy nhà hiển danh nhất như cụ Thượng Trứ, cụ Tam-nguyên Yên-đổ, cụ Thượng Vân-đình v. v. Các cụ có nhiều bài truyền tụng ở đời, đến nay nghe còn khoái chá nhân khẩu.

Văn cụ Thượng-Trứ khi còn ở nhà dạy học có câu:

Trói chân kỳ ký tra vào giọ,
Rút ruột tang bồng giả nợ cơm.

Văn cụ Yên-đổ tự vịnh có câu:

Cờ đương dở cuộc toan lầm nước,
Bạc gặp canh đen phải chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.

Văn cụ Văn-đình tự-thọ có câu:

Đội đức hải sơn ngày tháng rộng,
Ngẫm mình sương tóc tuyết sương pha.
Cung đàn ả nguyệt còn yêu trẻ,
Chén rượu làng quê vẫn kính già.

Đơn cử một vài câu cũng đủ biết được cái hay của văn các cụ. Mà mỗi cụ lại hay riêng một cách: văn cụ Thượng Trứ thì trầm hùng, có khí khái, khí văn mạnh mẽ như con ngựa cất không thể giàng buộc được. Văn cụ Yên-đổ thì có ý ngông, nhưng giọng văn thì rất nhẹ nhàng, hoạt bát, có cái thú tự nhiên, tựa như con cá lượn ở dưới nước, con chim bay nhẩy trên cành hoa. Văn cụ Vân-đình hồn hậu, có khí-tượng ung dung đài các, tựa như ông đại-thần mặc áo đại-triều ngồi chốn cung-đường.

Văn ông Tú-xương cũng tài tình tự nhiên mà ngông lắm. Bài đi thi tự chào có câu rằng:

Tiễn chân cô có ba tiền lẻ,
Rờ bụng thầy không một chữ gì.

Một câu đó đủ tỏ cái tính ngông nghênh của nhà thầy.

Trong nữ giới thì có bà huyện Thanh-quan và cô Hồ-xuân-Hương là trứ danh nhất.

Bà Thanh-quan hoài cổ có câu:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.

Cô Hồ vịnh cảnh chùa Trấn-võ có câu:

Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng,
Một vũng tang thương nước lộn giời.

Những câu ấy, toàn là câu tuyệt bút trong văn nôm. Tựu trung thơ bà Thanh-quan thì toàn giọng trang nghiêm, còn thơ cô Hồ thì phần nhiều là giọng lả lơi, thô bỉ, tài thì có tài, mà không có thể làm phép cho nhà làm thơ.

Trên này luận qua văn-chương của các nhà dĩ vãng, còn các nhà hiện thời, tưởng nên để dành phần bình luận cho người về sau này.

HẾT

   




Chú thích

  1. Sử chép rằng: Hai lẩn quân nhà Nguyên phạm vào kinh thành, đến lúc rút đi vua ra thăm chốn tôn-lăng những ngựa đá ở đó, chân có rây bùn, tựa như có quỷ thần cưỡi ngựa chạy.
  2. Ngọc tỉnh liên là cây sen dưới giếng ngọc, vua thấy tiên-sinh xấu xa, toan không cho đỗ trạng-nguyên. Tiên-sinh làm bài này để sánh mình. Vua mới cho đỗ.