Bước tới nội dung

Việt Nam sử lược/Quyển I/Phần III/Chương X

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CHƯƠNG X

NHÀ TRẦN

Thời-kỳ thứ ba (1341 - 1400)

I. TRẦN DỤ-TÔNG
  1. Việc chính-trị
  2. Việc giao-thiệp với nước Tàu
  3. Việc giao-thiệp với Chiêm-thành
  4. Dương nhật Lễ
II. TRẦN NGHỆ-TÔNG
III. TRẦN DUỆ-TÔNG
  1. Việc chính-trị
  2. Việc thi-cử
  3. Việc đánh Chiêm-thành
IV. TRẦN PHẾ-ĐẾ
  1. Chiêm-thành sang phá Thăng-long
  2. Tình-thế nước Nam
  3. Nhà Minh sách-nhiễu
  4. Nghệ-tông thất chính
  5. Lê quí Ly giết Đế Hiễn
V. TRẦN THUẬN-TÔNG
  1. Phạm sư Ôn khởi loạn
  2. Chế bồng Nga tử trận
  3. Lê quí Ly chuyên quyền
  4. Nghệ-tông mất
VI. LÊ QUÍ LY MƯU SỰ THOÁN-ĐOẠT
  1. Việc tài-chánh
  2. Việc học-hành
  3. Việc cai-trị
  4. Lập Tây-đô
  5. Sự phế-lập: Trần Thiếu-đế

I. TRẦN DỤ-TÔNG (1341-1369)

Niên-hiệu: Thiệu-phong 紹 豐 (1341-1357)
Đại-trị 大 治 (1358-1369)

I. VIỆC CHÍNH-TRỊ. Hiến-tông không có con, Minh-tông thượng-hoàng lập người em tên là Hạo 暭 lên làm vua, tức là vua Dụ-tông 裕 宗.

Trong những năm Thiệu-phong, là mười mấy năm đầu, tuy Dụ-tông làm vua, nhưng quyền chính-trị ở Minh-tông thượng-hoàng quyết-đoán cả, cho nên dẫu có phải mấy năm tai biến mất mùa đói-khổ, nhưng việc chính-trị còn có thứ-tự. Từ năm Đại-trị nguyên-niên (1358) trở đi, Thượng-hoàng mất rồi, bọn cựu-thần như ông Trương hán Siêu, ông Nguyễn trung Ngạn cũng mất cả, từ đó việc chính-trị bỏ trễ-nải. Kẻ gian-thần mỗi ngày một đắc chí. Ông Chu văn An 朱 文 安 là một nhà danh-nho thời bấy giờ và đang làm quan tại triều, thấy chính-trị bại-hoại, làm sớ dâng lên xin chém bảy người quyền thần. Vua không nghe, ông ấy bỏ quan về ở núi Chí-linh.

Vua Dụ-tông về sau cứ rượu-chè chơi-bời, xây cung điện, đào hồ đắp núi, rồi lại cho gọi những người nhà giàu vào trong điện để đánh bạc. Bắt vương-hầu công-chúa phải đặt chuyện hát-tuồng[1] và bắt các quan thi nhau uống rượu, ai uống rượu được một trăm thăng thì thưởng cho hai trật.

Chính-sự như thế, cho nên giặc cướp nổi lên như ong dấy: ở mạn Hải-dương thì có giặc Ngô Bệ 呉 陛 làm loạn ở núi Yên phụ; ở các nơi thì chỗ nào cũng có giặc nổi lên cướp phá. Dân-tình khổ-sở, năm nào cũng phải đói-kém. Cơ-nghiệp nhà Trần bắt đầu suy từ đấy.

2. VIỆC GIAO-THIỆP VỚI NƯỚC TÀU. Bấy giờ ở bên Tàu, nhà Nguyên đã suy, trong nước rối loạn, có bọn Trần hữu Lượng 陳 友 諒, Trương sĩ Thành 張 士 誠, Chu nguyên Chương 朱 元 璋 khởi binh đánh-phá.

Chu nguyên Chương dấy binh ở đất Từ-châu (tỉnh An-huy), chiếm-giữ thành Kim-lăng, rồi trong 15 năm dứt được nhà Nguyên dẹp yên thiên-hạ, dựng nên cơ-nghiệp nhà Minh.

Năm mậu-thân (1368) Minh Thái-tổ sai sứ đưa thư sang dụ nước ta, Dụ-tông sai quan Lễ-bộ Thị-lang là Đào văn Đích 陶 文 的 sang cống.

Nước Nam ta bấy giờ tuy đã suy-nhược, nhưng mà nhà Minh mới định xong thiên-hạ, còn phải sửa-sang việc nước, chưa dòm đến nước mình, cho nên cũng chưa có việc gì quan-trọng lắm.

3. VIỆC GIAO-THIỆP VỚI CHIÊM-THÀNH. Từ khi vua nước Chiêm-thành là Chế-a-nan mất rồi, con là Chế Mộ và rể là Bồ Đề tranh nhau làm vua. Người Chiêm-thành bỏ Chế Mộ mà theo Bồ Đề; qua năm nhâm-thìn (1352) Chế Mộ chạy sang An-nam cầu cứu.

Đến năm quí-tị (1353) Dụ-tông cho quân đưa Chế Mộ về nước, nhưng quan quân đi đến đất Cổ-lụy (thuộc Quảng-nghĩa) bị quân Chiêm đánh thua, phải chạy trở về. Chế Mộ cũng buồn-rầu chẳng bao lâu thì chết.

Người Chiêm Thành từ đấy được thể cứ sang cướp-phá ở đất An-nam.

Năm đinh-mùi (1367), Dụ-tông sai Trần thế Hưng 陳 世 興 và Đỗ tử Bình 杜 子 平 đi đánh Chiêm-thành. Quan quân đi đến Chiêm-động (thuộc phủ Thăng bình, tỉnh Quảng-nam) bị phục quân của Chiêm-thành đánh bắt mất Trần thế Hưng, Đỗ tử Bình đem quân chạy trở về.

Người Chiêm thấy binh-thế nước Nam suy-nhược, có ý khinh-dể, cho nên qua năm mậu-thân (1368) vua nước Chiêm cho sứ sang đòi đất Hóa-châu. Việc đòi Hóa-châu này thì sử chỉ chép qua đi mà thôi. Vả bấy giờ ở nước Nam ta, vua Dụ-tông chỉ lo việc hoang-chơi, không tưởng gì đến việc Võ-bị; mà ở bên Chiêm thành thì có Chế bồng Nga 制 蓬 là một ông vua anh-hùng, có ý đánh An-nam để rửa những thù trước. Vậy cho nên hết sức tập trận, luyện binh; bắt quân lính phải chịu khó-nhọc cho quen, dàn trận voi cho tiện đường lui tới: thắng thì cho voi đi trước để xông-đột, bại thì cho voi đi sau để ngăn giữ quân nghịch. Nhờ cách xếp đặt có thứ-tự, dụng binh có kỷ-luật như thế, cho nên quân Chiêm-thành từ đó mạnh lắm, sau dánh phá thành Thăng-long mấy lần, làm cho vua tôi nhà Trần phải kính-sợ mấy phen.

4. DƯƠNG NHẬT-LỄ (1369-1370). Năm kỷ-dậu (1369), vua Dụ-tông mất, không có con. Triều-đình định lập Cung-định-vương 恭 定 王 là anh Dụ-tông lên làm vua, nhưng mà bà Hoàng-thái-hậu nhất định lập người con nuôi của Cung-túc-vương 恭 肅 王 là Dương nhật Lễ 楊 日 禮.

Nguyên mẹ Nhật Lễ là người con hát, lấy người hát-bội tên là Dương Khương 楊 姜, có thai rồi mới bỏ Dương Khương mà lấy Cung-túc-vương, sinh ra Nhật Lễ. Nay lên làm vua, Nhật Lễ muốn cải họ là Dương để dứt ngôi nhà Trần, rồi giết bà Hoàng-thái-hậu và Cung-định-vương.

Bấy giờ Cung-tĩnh-vương Phủ ở chỗ Kinh-sư cũng sợ bị hại, vả lại tính-khí cũng nhu-nhược, không có ý tranh cạnh, mới bỏ trốn lên mạn Đà-giang. Các quan tôn-thất nhà Trần mới hội nhau đem binh về bắt Nhật Lễ giết đi, rồi rước Cung-tĩnh-vương về làm vua. Tức là vua Nghệ-tông 藝 宗.


II. TRẦN NGHỆ-TÔNG (1370-1372)

Niên-hiệu: Thiệu-khánh 紹 慶

Khi Nghệ-tông giết Nhật Lễ rồi, mẹ Nhật Lễ chạy sang Chiêm-thành, xin vua nước ấy là Chế bồng Nga đem quân sang đánh An-nam. Quân Chiêm vượt bể vào cửa Đại-an, kéo lên đánh Thăng-long. Quan quân đánh không nổi. Nghệ-tông phải lánh mình chạy sang Đông-ngạn (ở Cổ-pháp làng Đình-bảng). Quân Chiêm vào thành, đốt sạch cung điện, bắt đàn-bà con-gái, lấy hết các đồ báu ngọc, rồi rút quân về.

Nghệ-tông là một ông vua nhu-nhược, việc gì cũng để cho người ngoại-thích là Lê quí Ly 黎 季 犛 quyết đoán cả.

Quý Ly là dòng-dõi người ở Chiết-giang bên Tàu, tổ là Hồ hưng Dật 胡 興 逸 từ đời Ngũ-Quí sang ở nước ta, làng Bào-đột, huyện Quỳnh-lưu. Sau ông tổ tứ-đại là Hồ Liêm dời ra ở Thanh-hóa, làm con nuôi nhà Lê Huấn 黎 訓, cho nên mới đổi họ là Lê. Lê quý Ly có hai người cô lấy vua Minh-tông. Một người sinh ra vua Nghệ-tông, một người sinh ra vua Duệ-tông. Vì thế cho nên Nghệ-tông càng tin dùng lắm, phong cho làm Khu-mật đại-sứ 樞 密 大 使, lại gia tước Trung tuyên-hầu 忠 宣 侯.

Năm nhâm-tí (1372) Nghệ-tông truyền ngôi cho em là Kính 曔, rồi về ở phủ Thiên-trường làm Thái-thượng-hoàng.


III. TRẦN DUỆ-TÔNG (1372-1377)

Niên-hiệu: Long-khánh 隆 慶

1. VIỆC CHÍNH-TRỊ. Thái-tử Kính lên ngôi, tức là vua Duệ-tông 睿 宗, lập Lê-thị làm hoàng-hậu (Lê-thị là em họ Quí Ly).

Duệ-tông có tính quyết đoán hơn Nghệ-tông, nhưng mà quyền-bính vẫn ở tay Nghệ-tông thượng-hoàng cả.

Bấy giờ quân Chiêm-thành cứ sang quấy-nhiễu mãi, vua Duệ Tông quyết ý đi đánh báo thù, bèn hạ chiếu luyện-tập quân-lính, làm chiến-thuyền, và tích lương-thảo để phòng việc chinh-chiến, rồi đặt thêm quân-hiệu, cho Quí Ly làm Tham-mưu-quân sự; đổi đất Hoan-châu làm Nghệ-an, Diễn-châu làm Diễn-châu-lộ, Lâm-bình-phủ làm Tân-bình phủ, rồi sai quan bắt dân sửa-sang đường-sá tự Cửu-chân (Thanh-hóa) cho đến huyện Hà-hoa (tức là huyện Kỳ-anh bây giờ).

2. SỰ THI-CỬ. Tuy bấy giờ lo việc võ-bị nhiều, nhưng cũng không quên việc văn-học; năm giáp-dần (1374) mở khoa thi tiến-sĩ, lấy hơn 50 người cho áo mão vinh quy. Trước vẫn có thi thái-học-sinh, đến bấy giờ mới đổi ra là thi tiến-sĩ.

3. VIỆC ĐÁNH CHIÊM-THÀNH. Năm bính-thìn (1376) quân Chiêm lại sang phá ở Hóa-châu. Duệ-tông định thân chinh đi đánh. Đình-thần can không được. Sai quân dân Thanh-hóa, Nghệ-an, vận-tải 5 vạn thạch-lương vào Hóa-châu, rồi rước Thượng-hoàng lên duyệt binh ở Bạch-hạc. Nhân năm ấy vua Chiêm-thành là Chế bồng Nga đem sang cống 15 mâm vàng, quân trấn-thủ Hóa-châu tên là Đỗ tử Bình 杜 子 平 lấy đi, rồi dâng sớ về nói dối rằng Chế bồng Nga ngạo mạn vô lễ, xin vua cử binh sang đánh. Được tin ấy, Duệ-tông quyết ý đi đánh; sai Quí Ly đốc vận lương-thực đến cửa bể Di-luân (thuộc huyện Bình-chính, Quảng-bình) và tự lĩnh 12 vạn quân, cả thủy bộ cùng tiến; đi đến cửa bể Nhật lệ (ở làng Đồng-hới, huyện Phong-lộc, Quảng-bình) đóng lại một tháng để luyện-tập sĩ-tốt.

Qua tháng giêng năm đinh-tị (1377) mới tiến quân vào cửa Thị-nại (tức là cửa Qui-nhơn) đánh lấy đồn Thạch-kiều và động Kỳ-mang, rồi kéo quân đến đánh thành Đồ-bàn 闍 槃 là Kinh-đô Chiêm-thành[2].

Chế bồng Nga lập đồn giữ ở ngoài thành, rồi cho người sang giả hàng nói rằng Chế bồng Nga đã bỏ thành chạy trốn rồi, chỉ còn có thành không mà thôi, xin tiến binh sang ngay. Duệ-tông lấy điều ấy làm thật, hạ lệnh truyền tiến binh vào thành. Đại-tướng là Đỗ Lễ 杜 禮 can mãi vua không nghe. Khi quân gần đến thành Đồ-bàn, quả-nhiên bị quân Chiêm đổ ra vây đánh. Quan quân thua to; Duệ-tông chết ở trận, tướng-sĩ quân lính chết mười phần đến bảy tám.

Bấy giờ Đỗ tử Bình lĩnh hậu quân không đem binh lên cứu, Lê quí Ly cũng bỏ chạy về. Thế mà hai người về kinh, Nghệ-tông thượng-hoàng chỉ giáng Đỗ tử Bình xuống làm lính mà thôi.


IV. TRẦN PHẾ-ĐẾ (1377-1388)

Niên-hiệu: Xương-phù 昌 符

Thượng-hoàng được tin Duệ-tông chết trận rồi, bèn lập con Duệ-tông là Hiễn 睍 lên nối ngôi, tức là vua Phế-đế.

1. CHIÊM-THÀNH SANG PHÁ THĂNG-LONG. Quân Chiêm-thành đã phá được quân An-nam và giết được Duệ-tông rồi, qua tháng sau đem quân sang đánh Thăng-Long. Thượng-hoàng nghe tin giặc đến, sai tướng ra giữ Đại-an hải-khẩu. Giặc biết chỗ ấy có phòng-bị, đi vào cửa Thần-phù (sông Chính-đại, thuộc huyện Yên-mô, Ninh-bình) rồi lên cướp phá thành Thăng-long, không ai chống giữ được.

Tháng năm năm mậu-ngọ (1378) quân Chiêm-thành lại sang đánh đất Nghệ-an, rồi lại vào sông Đại-hoàng lên đánh Thăng-long lần nữa.

Quân Chiêm-thành biết nước Nam suy-nhược, cứ sang cướp phá. Năm canh-thân (1380) lại sang phá ở đất Thanh-hóa, Nghệ-an. Vua sai Lê quí Ly lĩnh thủy-binh, Đỗ tử Bình lĩnh bộ binh vào giữ ở Ngu-giang, huyện Hoằng-hóa (Thanh-hóa). Lê quí Ly đánh đuổi được quân Chiêm về. Đến năm nhâm-tuất (1382) quân Chiêm lại sang đánh ở đất Thanh-hóa. Lê quí Ly cùng với tướng-quân Nguyễn đa Phương 阮 多 方 giữ ở bến Thần-đầu (Ninh-bình). Nguyễn đa Phương phá được quân Chiêm, đuổi đánh đến đất Nghệ-an mới thôi.

Từ khi đánh được trận Ngu-giang và trận Thần-đầu, quân thế An-nam đã hơi nổi, cho nên sang tháng giêng năm quí-hợi (1383) Thượng-hoàng sai Quí Ly vào đến Lại-bộ Nương-loan (tức là cửa Nương-loan bây giờ, ở huyện Kỳ-anh, Hà-tĩnh) phải bão đánh nát mất nhiều thuyền, lại phải rút quân về.

Qua tháng sáu năm ấy, Chế bồng Nga cùng với tướng là La Khải 羅 皚 đem quân đi đường sơn-lộ ra đóng ở Khổng-mục (?) đất Quảng-oai. Ở kinh-sư nghe tin giặc Chiêm lại sang, Thượng-hoàng sai tướng là Mật Ôn 密 溫 ra giữ ở châu Tam-kỳ ở địa-hạt Quốc-oai, nhưng Mật Ôn bị quân Chiêm đánh bắt mất. Thượng-hoàng sợ hãi, sai Nguyễn đa Phương ở lại kinh-sư làm đồn giữ thành, rồi cùng với vua chạy sang Đông-ngạn. Bấy giờ có người níu thuyền lại xin Thượng-hoàng cứ ở lại kinh-sư mà chống giữ với giặc, Thượng-hoàng không nghe.

Quân Chiêm-thành bấy giờ ra vào nước Nam ta như đi vào chỗ không người, cho nên trong mấy năm mà vào phá kinh-thành ba lần; ba lần Thượng-hoàng cùng Đế Hiễn phải bỏ thành mà chạy. Thế mà đến khi giặc về rồi, cũng không sửa-sang gì để phòng-bị về sau, thật là làm nhục cái tiếng con cháu Trần Hưng-đạo-vương.

2. TÌNH-THẾ NƯỚC NAM. Trong nước bấy giờ dân tình đói khổ, nhà vua thì sợ giặc phải đưa của đi chôn ở trên núi Thiên-kiện, tức là núi Kiện-khê, huyện Thanh-liêm. Ở ngoài bờ cỏi thì người Chiêm nay vào đánh chỗ này, mai vào phá chỗ khác, nhà nước mỗi ngày một hèn yếu, đến nỗi phải nhờ đến lũ tăng-nhân là bọn Đại-nạn thiền-sư đi đánh giặc Chiêm.

Thuế-má thì càng ngày càng nặng. Trước dân An-nam cứ phải định nghạch chịu thuế, sống không kể, chết không trừ, ai đã làm lính, thì cả đời chỉ phải làm lính, chứ không bao giờ được làm quan. Còn những người có điền-thổ thì phải đóng tiền, ai không có gì thì thôi. Khi nào có binh sự, thì những người có ruộng, có đồng dâu, hay là có đầm cá phải chịu thóc, tiền và vải, để cho quân dùng. Đến nay giặc-giã luôn, kho-tàng trống-hốc, Đỗ tử Bình[3] xin với vua bắt mỗi suất đinh mỗi năm phải đóng 3 quan tiền thuế. Thuế thân sinh ra từ đấy.

3. NHÀ MINH SÁCH-NHIỄU. Ở bên Tàu thì bấy giờ nhà Minh đã dứt được nhà Nguyên, lại có ý dòm đất An-nam. Thường thường cho sứ đi lại sách cái nọ, đòi cái kia; năm giáp-tí (1384) Minh Thái-tổ cho sứ sang bắt An-nam phải cấp 5.000 thạch lương cho quân nhà Minh đóng ở Vân-nam. Năm sau (1385) lại cho sứ sang đem 20 tăng-nhân An-nam về Kim-lăng, rồi lại đòi phải cống cây quí, phải nộp lương, chủ ý là xem tình-thế nước Nam ra thế nào.

4. NGHỆ-TÔNG THẤT CHÍNH. Vua Nghệ-tông tuy giữ quyền chính-trị, nhưng việc gì cũng do ở Lê quí Ly. Triều-thần thì chỉ có mặt xu-nịnh, người nào cũng chỉ lo lấy thân mà thôi, việc nước an-nguy thế nào không ai lo nghĩ đến. Những người tôn-thất như Trần nguyên Đán 陳 元 旦[4] thấy quốc chính rã-rời, xin về trí-sĩ. Một hôm Thượng-hoàng đến thăm bàn đến hậu sự, Nguyên Đán tâu rằng: « Xin bệ-hạ thờ nhà Minh như cha, yêu nước Chiêm-thành như con, thì quốc-gia sẽ không việc gì, mà lão-thần chết cũng không hẩm! » Ấy là chỉ bàn những chuyện làm tôi-tớ mà thôi, chứ không có chí muốn cho nước mình cường-thịnh. Nguyên Đán biết rằng Quí Ly sau này tất cướp ngôi nhà Trần, bèn kết làm thông-gia, vì thế cho nên sau dòng-dõi nhà Trần chết cả, duy chỉ có con-cái nhà Nguyên Đán được phú-quí mà thôi.

Nghệ-tông Thượng-hoàng thì cứ mờ-mịt không biết ai trung ai nịnh, vẫn tưởng là Lê quí Ly hết lòng với nhà vua, bèn cho Lê quí Ly gươm và cờ có chữ đề rằng: « Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức ». Lê quí Ly làm thơ nôm dâng tạ.

5. LÊ QUÍ LY MƯU GIẾT ĐẾ HIỄN. Bấy giờ Đế Hiễn thấy Thượng-hoàng yêu dùng Quí Ly, mới bàn với các quan thấy rằng nếu không trừ đi rồi sau tất thành ra vạ to. Quí Ly biết mưu ấy, đến kêu van với Thượng-hoàng rằng: « Cổ lai chỉ bỏ cháu nuôi con, chứ chưa thấy ai bỏ con nuôi cháu bao giờ ». Thượng-hoàng nghe lời, xuống chiếu trách Đế Hiễn còn tính trẻ-con và lại có ý hại kẻ công-thần, làm nguy xã-tắc; vậy phải giáng xuống làm Minh-đức đại-vương, và lập Chiêu-định-vương là con Nghệ-tông lên nối ngôi.

Khi tờ chiếu ấy bố cáo ra ngoài, có mấy người tướng-quân đã toan đưa quân vào điện cứu Đế Hiễn ra, nhưng vua viết hai chữ « giải giáp 解 甲 » và không cho được trái mệnh của Thượng-hoàng. Sau Đế Hiễn bị thắt cổ chết, còn những tướng-sĩ đồng mưu giết Quí Ly đều bị hại cả.


V. TRẦN THUẬN-TÔNG (1388-1398)

Niên-hiệu: Quang-thái 光 泰

1. PHẠM SƯ ÔN KHỞI LOẠN. Nghệ-tông Thượng-hoàng đã nghe Quí Ly mà giết Đế Hiễn rồi lập người con út của mình là Chiêu-định-vương 昭 定 王 lên làm vua, tức là vua Thuận-tông 順 宗.

Bấy giờ trong triều thì Lê quí Ly chuyên quyền, chọn những chân tay cho cai-quản các đội quân để làm vây cánh, ngoài các trấn thì giặc-giã nổi lên nhiều lắm. Ở Thanh-hóa có tên Nguyễn Thanh 阮 清 tự xưng là Linh-đức-vương 靈 德 王 làm loạn ở Lương-giang; tên Nguyễn Kị 阮 忌 tự xưng là Lỗ-vương 魯 王 làm loạn ở Nông-cống. Ở Quốc-oai thì có người sư tên là Phạm sư Ôn 范 師 溫 nổi lên đem quân về đánh Kinh-sư. Thượng-hoàng, Thuận-tông và Triều-đình phải bỏ chạy lên Bắc-giang. Phạm sư Ôn lấy được Kinh-sư, ở ba ngày rồi rút về Quốc-oai. Bấy giờ có tướng-quân là Hoàng phụng Thế 黄 奉 世 đóng ở Hoàng-giang[5] để phòng giữ quân Chiêm-thành, nghe tin Sư Ôn phạm đất Kinh-sư mới đem quân về đánh lẻn bắt được Sư Ôn và phá tan giặc ấy.

2. CHẾ BỒNG NGA TỬ TRẬN. Năm kỷ-tị (1389) Chế bồng Nga lại đem quân ra đánh Thanh-hóa. Vua sai Lê quí Ly đem binh vào chống giữ ở làng Cổ-vô. Quan quân đóng cọc ngăn sông ra giữ nhau với giặc hơn 20 ngày. Giặc bèn phục binh, rồi giả tảng rút quân về. Lê quí Ly đem quân thủy-bộ đuổi đánh, bị phục binh của giặc đổ ra đánh, giết hại mất nhiều. Quí Ly trốn chạy về Kinh, để người tì-tướng là Phạm khả Vĩnh 范 可 永 và tướng-quân là Nguyễn đa Phương 阮 多 方 chống nhau với giặc ở Ngu-giang 麌 江. Bọn Nguyễn đa Phương thấy quân mình yếu thế, giả tảng bày cờ giàn thuyền ra, rồi đến đêm rút quân về.

Qua tháng mười một, quân Chiêm lại vào sông Hoàng-giang, Thượng-hoàng sai quan Đô-tướng là Trần khát Chân 陳 渴 真[6] đem binh đi chống giữ với giặc. Trần khát Chân khóc và lạy rồi ra đi, Thượng-hoàng cũng khóc. Xem thế thì biết vua tôi nhà Trần bấy giờ lấy quân Chiêm-thành làm khiếp sợ lắm.

Trần khát Chân đem quân đến Hoàng-giang xem không có chỗ nào đóng quân được tiện-lợi, bèn rút về đóng ở sông Hải-triều (ở vào địa-phận Huyện Hưng-nhân, tỉnh Thái-Bình và huyện Tiên-lữ, tỉnh Hưng-yên, tức là ở sông Luộc).

Đến tháng giêng năm canh-ngọ (1390) Chế bồng Nga đi thuyền đến xem hình-thế quân của Trần khát Chân. Bấy giờ có thằng đầy-tớ của Chế Bồng Nga có tội, sợ phải giết, chạy sang hàng với Trần khát Chân. Nhân khi Chế bồng Nga đem hơn 100 chiếc thuyền đến gần trại của quân nhà Trần đóng, tên đầy-tớ ấy chỉ cái thuyền của Chế bồng Nga cho Khát Chân. Khát Chân mới truyền lấy súng bắn vào thuyền ấy, Chế bồng Nga trúng phải đạn chết.

Quan quân đổ ra đánh, quân Chiêm thấy quốc-vương chết đều bỏ chạy cả. Quan quân đánh đuổi rồi cắt lấy đầu Chế bồng Nga đem về dâng triều-đình. Thượng-hoàng thấy đầu Chế bồng Nga, tự ví mình như Hán Cao-tổ thấy đầu Hạng Vũ, rất là vui-vẻ. Đoạn rồi định công thưởng tước các tướng-sĩ.

Tướng Chiêm-thành là La Khải 羅 皚 đem xác Chế bồng Nga hỏa táng xong rồi, dem quân trở về nước, chiếm lấy ngôi vua Chiêm-thành. Hai người con Chế bồng Nga phải chạy sang hàng An-nam, đều được phong tước hầu cả.

3. LÊ QUÍ LY CHUYÊN QUYỀN. Từ khi giặc Chiêm đã yên, Lê quí Ly càng ngày càng kiêu-hãnh. Bao nhiêu những người mà không tòng-phục mình, thì xui Thượng-hoàng giết đi; hoàng-tử, thân-vương đều bị giết-hại. Mà Thượng-hoàng thì cứ tin Quí Ly một cách lạ lùng. Sĩ-phu có người dâng sớ tâu với Thượng-hoàng rằng Quí Ly có ý muốn dòm cơ-nghiệp nhà Trần, thì Thượng-hoàng lại đưa sớ cho Quí Ly xem, cho nên những người trung-thần không ai nói-năng gì nữa.

Uy quyền của Quí Ly một ngày một to, vây cánh một ngày một nhiều, Thượng-hoàng sau tỉnh dần dần lại biết lấy làm sợ, nhưng đã chậm lắm rồi, thế không sao được nữa; mới bắt người vẽ cái tranh tứ-phụ cho Quí Ly. Trong tranh ấy vẽ ông Chu-công giúp vua Thành-vương, ông Hoắc Quang giúp vua Chiêu-đế, ông Gia-cát Lượng giúp vua Hậu-chủ, ông Tô hiến Thành giúp vua Lý Cao-tông, rồi bảo Quí Ly rằng nhà ngươi giúp con trẫm cũng nên như thế. Một hôm Thượng-hoàng gọi Quí Ly vào trong điện mà bảo rằng: « Nhà ngươi là thân-tộc, cho nên bao nhiêu việc nước, trẫm đều ủy-thác cho cả; nay quốc-thế suy-nhược, trẫm thì già rồi; ngày sau con trẫm có nên giúp thì giúp, không thì nhà ngươi tự làm lấy ». Thượng-hoàng bắt-chước câu ấy của ông Lưu Bị nói với ông Khổng Minh ngày trước, tưởng để mua-chuộc được lòng Quí Ly.

Quí Ly cởi mũ, khấu đầu khóc-lóc mà thề rằng: « Nếu hạ thần không hết lòng, hết sức giúp nhà vua, thì trời tru đất diệt. Vả ngày trước Linh-đức-vương (tức là Phế-đế) có lòng làm hại, nếu không có uy-linh của Bệ-hạ, thì nay đã ngậm cười dưới đất, còn đâu ngày nay nữa mà mài thân nghiền cốt để báo đền vạn nhất! Vậy hạ thần đâu có ý gì khác, xin bệ-hạ tỏ lòng ấy cho và đừng lo gì ».

4. NGHỆ-TÔNG MẤT. Đến tháng chạp năm giáp-tuất (1394) thì Thượng-hoàng mất. Trị-vì được 3 năm, làm Thái-thượng-hoàng 27 năm, thọ 74 tuổi.

Nghệ-tông là ông vua rất tầm thường: chí-khí đã không có, trí-lực cũng kém-hèn, để cho kẻ gian-thần lừa-đảo, giết hại cả con cháu họ hàng, xa bỏ những kẻ trung-thần nghĩa-sĩ; cứ yêu dùng một Quí Ly, cho được quyền thế, đến nỗi làm xiêu-đổ cơ-nghiệp nhà Trần.

Dẫu rằng đến khi vận nước đã suy, không có điều này cũng có điều nọ, tựa hồ người đã già không phải bệnh nọ thì cũng mắc bệnh kia, nhưng cứ sự thực mà xét, thì cũng vì vua Nghệ-tông cho nên cơ-nghiệp nhà Trần mới mất về tay Quí Ly; mà cũng vì sự rối-loạn ấy, cho nên giặc nhà Minh mới có cớ mà sang cướp-phá nước Nam trong 20 năm trời.


VI. LÊ QUÝ LY MƯU SỰ THOÁN-ĐOẠT

Nghệ Tông mất rồi, Quí Ly lên làm Phụ-chính thái-sư, vào ở trong điện, dịch thiên Vô-dật ra chữ nôm để dạy vua và bắt người ta gọi là Phụ-chính cai-giáo hoàng-đế 輔 政 該 教 皇 帝.

Từ đấy Quí Ly cứ chuyên làm mọi việc để chực đường thoán-đoạt. Việc trong nước, Quí Ly xếp-đặt lại cả, hoặc để mua-chuộc lấy những người vây-cánh.

1. VIỆC TÀI-CHÍNH. Quí Ly đặt ra một cách làm tiền giấy để thu tiền của dân: Tờ giấy ăn 10 đồng, thì vẽ cây rêu bể; ăn 30 đồng, thì vẽ cái sóng; ăn một tiền, thì vẽ đám mây; hai tiền thì vẽ con rùa; ba tiền thì vẽ con lân; năm tiền thì vẽ con phượng; một quan thì vẽ con rồng. Hễ ai làm giấy giả thì phải tội chém. Khi đã có dấu đóng rồi thì phát ra bắt dân phải tiêu, còn bao nhiêu tiền đồng thì thu nộp nhà vua; ai mà giấu-giếm thì phải tội như là tội làm giấy giả vậy.

Việc ruộng đất thì khi trước những nhà tôn-thất cứ sai đầy-tớ ra chỗ đất bồi ở ngoài bể, đắp đê để một vài năm cho hết nước mặn, rồi khai-khẩn thành ruộng, để tư trang. Nay Quí Ly lập lệ rằng trừ những bậc đại-vương, công-chúa ra, thì những người thứ-dân không được có hơn 10 mẫu, ai có thừa ra thì phải đưa nộp quan, và ai có tội thì được phép lấy ruộng mà chuộc tội.

2. VIỆC HỌC-HÀNH. Từ trước thì phép thi không có định văn-thể; bây giờ định lại làm tứ trường văn-thể và bỏ thi ám-tả; nhất trường làm bài kinh-nghĩa; nhị trường làm bài thi-phú; tam trường làm chiếu, chế, biểu; tứ trường làm bài văn-sách. Còn như kỳ thi, thì năm trước thi Hương, năm sau thi Hội, ai đã trúng Hội thì vào thi một bài văn-sách nữa để định cao thấp.

Những quan làm giáo-chức ở các lộ, phủ, châu thì được cấp ruộng; như ở các lộ thì có quan đốc-học; ở phủ và châu lớn thì các quan giáo-thụ được ruộng 15 mẫu, ở phủ và châu vừa thì được 12 mẫu, ở phủ và châu nhỏ thì được 10 mẫu.

3. VIỆC CAI-TRỊ. Ở trong triều thì Quí Ly định lại phẩm-phục của các quan; nhất phẩm mặc áo sắc tía; nhị phẩm sắc đỏ; tam phẩm sắc hồng; tứ phẩm sắc lục; ngũ, lục, thất phẩm sắc biếc; bát, cửu phẩm sắc xanh; vô phẩm và hoằng-nô[7] sắc trắng.

Ở ngoài thì cải các lộ làm trấn, và đặt thêm quan chức ở lộ, phủ, v.v... Thanh-hóa đổi ra Thanh-đô-trấn; Quốc-oai là Quảng-oai-trấn; Đà-giang-lộ là Thiên-hưng-trấn; Nghệ-an-lộ là Lâm-an-trấn; Tràng-an-lộ là Thiên-quan-trấn; Diễn-châu-lộ là Vọng-giang-trấn; Lạng-sơn-phủ là Lạng-sơn-trấn; Tân-bình-phủ là Tây-bình-trấn. Và bỏ các ti-xã, chỉ để quản-giáp như cũ mà thôi.

Ở các lộ, phủ, châu, huyện thì đặt lại quan chức. Lộ thì đặt chánh phó An-phủ-sứ; phủ thì đặt chánh phó Trấn-phủ-sứ; châu thì đặt Thông-phán, Thiêm-phán; huyện thì đặt Lĩnh-úy, Chủ-bạ. Lộ coi phủ coi châu, châu coi huyện. Lộ nào cũng phải có một tập sổ sách về những việc đinh, điền, kiện-tụng, đến cuối năm thì đệ về Kinh để kê-cứu.

Quí Ly lại phân nước ra từng hạt một, đặt chức đô-đốc, đô-hộ, đô-thống, tổng-quản, thái-thú, để phong cho những người vây-cánh của mình.

4. LẬP TÂY-ĐÔ. Quí Ly định dời Kinh-đô vào Thanh-hóa cho dễ đường thoán-đoạt, bèn sai quan vào xây thành Tây-đô ở động Yên-tôn (nay còn di-tích ở xã Yên-tôn, huyện Vĩnh-lộc, tục gọi là Tây-giai). Đến năm bính-tí (1396) Quí Ly bắt Thuận-tông phải dời kinh về Tây-đô. Qua tháng ba năm sau, Quí Ly lập mưu cho người đạo-sĩ vào trong cung xui Thuận-tông nhường ngôi mà đi tu tiên. Thuận-tông phải nhường ngôi cho con, rồi đi tu tiên ở cung Bảo-thanh tại núi Đại-lại 大 吏 (thuộc huyện Vĩnh-lộc, Thanh-hóa).

5. SỰ PHẾ-LẬP: TRẦN THIẾU-ĐẾ (1398-1400). Quý Ly bắt Thuận-tông nhường ngôi rồi, lập Thái-tử là Án 按 lên làm vua. Thái-tử bấy giờ mới có 3 tuổi, tức là Thiếu-đế 少 帝, niên-hiệu là Kiến Tân 建 新.

Lê quí Ly làm phụ-chính tự xưng làm Khâm-đức hưng-liệt đại-vương 欽 德 興 烈 大 王, rồi sai người giết Thuận-tông đi.

Bấy giờ triều-đình có những người như là Thái-bảo Trần nguyên Hảng 陳 元 沆, Thượng-tướng-quân là Trần khát Chân 陳 渴 真 lập hội để mưu trừ Quí Ly, chẳng may sự lộ ra, bị giết đến hơn 370 người[8].

Lê quí Ly lại xưng là Quốc-tổ-chương-hoàng 國 祖 章 皇, ở cung Nhân-thọ, ra vào dùng nghi-vệ của Thiên-tử. Đến tháng hai năm canh-thìn (1400) Quí Ly bỏ Thiếu-đế rồi tự xưng làm vua thay ngôi nhà Trần.

Nhà Trần làm vua nước Nam ta kể từ Trần Thái-tông đến Trần Thiếu-đế, với 12 ông vua, được 175 năm, công việc trong nước sửa sang được nhiều, chính-trị luật-lệ đều chỉnh-đốn lại, học-hành thi-cử thì mở-mang rộng thêm ra. Lại chống với nhà Nguyên giữ được giang-sơn, lấy đất Chiêm-thành mở thêm bờ-cõi, thật là có công với nước Nam. Nhưng chỉ có điều luân-thường trong nhà thì bậy: cô cháu, anh em, trong họ cứ lấy lẫn nhau, thật là trái với thế-tục.

Còn như cơ-nghiệp nhà Trần xiêu-đổ là tại vua Dụ-tông và vua Nghệ-tông. Dụ-tông thì hoang chơi, không chịu lo gì đến việc nước và lại làm loạn cả cương-kỷ để đến nỗi dân nghèo nước yếu. Nghệ-tông thì không biết phân-biệt hiền gian để kẻ quyền-thần được thế làm loạn, thành ra tự mình nối giáo cho giặc, tự mình làm hại nhà mình vậy.

  1. Khi quân nhà Trần đánh được quân nhà Nguyên, có bắt được một tên hát-bội là Lý nguyên Cát 李 元 吉 sau nó ở lại nước ta lấy cổ truyện mà đặt thành bài tuồng, rồi dạy người mình hát. Khi con hát ra làm trò thì mặc áo gấm, áo vóc, theo nhịp đàn nhịp trống mà hát. Sự hát tuồng của Việt-nam bắt đầu từ đấy.
  2. Thành Đồ-Bàn bây giờ hãy còn di-tích ở huyện Tuy-viễn, tỉnh Khánh-hòa.
  3. Đỗ tử Bình trước đi đánh Chiêm-thành có tội phải đày đi làm lính. Nay không biết làm thế nào đã được phục-chức.
  4. Trần nguyên Đán là cháu tằng tôn Trần quang Khải.
  5. Hoàng-giang là khúc sông Hồng-hà ở về huyện Nam-xang, Hà-nam.
  6. Trần khát Chân là dòng-dõi Trần bình Trọng.
  7. Hoằng-nô là đầy-tớ nhà quan.
  8. Nay ở Thanh-hóa có nhiều nơi làm đền thờ Trần khát Chân.