Việt Nam sử lược/Quyển II/1928/Quyển IV/Chương VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CHƯƠNG VI



CÔNG VIỆC HỌ NGUYỄN LÀM Ở XỨ NAM



1. Quan-chế. — 2. Thi-cử. — 3. Việc võ-bị. — 4. Việc thuế-khóa. — 5. Số tiền chi thu trong nước. — 6.Lấy đất Chiêm-thành. — 7. Mở đất Nam-kỳ và sự giao-thiệp với Chân-lạp. — 8. Việc giao-thiệp với nước Tiêm-la. — 9. Việc lập dinh định phủ.



Họ Nguyễn đã giữ riêng một cõi ở phía nam, lập ra nghiệp chúa, lưu truyền đời nọ qua đời kia, bởi vậy cho nên chính-trị, thuế-lệ, binh-lính, việc gì cũng tự sửa sang và xếp đặt lấy như là một nước tự-chủ vậy.

1. Quan-chế. — Lúc họ Nguyễn chưa ra mặt chống nhau với họ Trịnh thì quan lại vẫn ở ngoài Bắc bổ vào, nhưng mà từ khi chúa Sãi là ông Nguyễn-phúc-Nguyên 阮 福 源 không chịu nộp thuế cho nhà Lê, và đem quân chống giữ với quân họ Trịnh ở bắc Bố-chính 布 政 thì các quan viên đều do chúa Nguyễn đặt lấy cả.

Ở chính-dinh là chỗ chúa đóng thì đặt tam-ti 三 司 để giúp chúa coi việc chính trị. Tam-ti là: Xá-sai-ti 舍 差 司, Tướng-thần-lại-ti 將 臣 吏 司, Lịnh sử-ti 令 史 司.

1. Xá-sai-ti giữ việc từ tụng văn án. Có quan Đô-tri 都 知, Ký lục 記 錄 làm đầu.

2. Tướng thần-lại-ti giữ việc thu tiền thu thuế, chi phát lương thực cho quân các đạo. Có quan Cai-bạ 該 簿 làm đầu.

3. Lịnh-sử-ti giữ việc tế tự, tết nhất và việc chi cấp lương cho quân ở chính-dinh. Có quan Nha úy 衙 尉 làm đầu.

Mỗi ti lại có quan Cai-hợp 該 合, Thủ-hợp 首 合 và các lại-ti để làm mọi việc.

Ở ngoài các dinh thì có nơi chỉ đặt có một Lệnh-sử-ti kiêm cả việc Xá-sai-ti, và Tướng-thần-lại-ti, có nơi thì đặt Xá-sai-tiLệnh-sử-ti để coi việc quân dân, từ tụng, đinh điền, sổ sách, thuế khóa, v.v. nghĩa là tùy nơi quan-trọng hay là không, mà thêm bớt quan-viên.

Ở phủ huyện, thì đặt tri-huyện, tri-phủ, để coi việc từ tụng, thuộc hạ thì có đề-lại, thông-lại, chuyên việc khám xét. Lại có huấn-đạo, lễ-sinh, chuyên việc tế-tự ở chỗ sở tại. Còn việc thu thuế thì đặt quan khác để coi về việc ấy.

Đến đời chúa Thượng Nguyễn phúc Lan 阮 福 瀾 (1635-1648) lại đặt thêm chức nội-tả 內 左, ngoại-tả 外 左, nội-hữu 內 右, ngoại-hữu 外 右, gọi là tứ trụ để giúp chúa trị dân.

Về đàng quan võ thì đặt chức: chưởng-dinh, chưởng-cơ, cai-cơ, cai-đội để coi việc binh.

2. Thi-cử. — Năm đinh-hợi (1674) chúa Nguyễn mở khoa thi gọi là thi chính-đồ 正 途 và thi hoa-văn 華 文.

Thi chính-đồ chia ra làm ba kỳ: Kỳ đệ nhất thi tứ lục, kỳ đệ nhị thi thơ phú, kỳ đệ tam thi văn sách. Quan tri phủ tri-huyện làm sơ-khảo, quan cai-bạ, ký-lục, vệ-úy làm giám-khảo. Những quyển đậu thì chia ra làm ba hạng: hạng thứ nhất gọi là giám sinh, được bổ làm tri-phủ, tri-huyện; hạng thứ nhì gọi là sính-đồ, được bổ làm huấn-đạo; hạng thứ ba cũng gọi là sính-đồ được bổ làm lễ-sinh, hoặc làm nhiêu-học.

Thi hoa-văn thì cũng phải ba ngày, mỗi ngày chỉ phải làm có một bài thơ mà thôi. Ai đậu thì được bổ vào làm việc ở Tam-ti.

Năm ất-hợi (1695) chúa Nguyễn là Nguyễn-phúc-Chu 阮 福 淍 Quốc-Chúa: 1691-1725) mở khoa thi ở trong phủ chúa, gọi là thi Văn chức 文 職 và thi Tam-ti 三 司. Thi Tam-ti là thi Xá-sai-ti, thi Tướng-thần-lại-ti và thi Lịnh-sử ti. Thi Văn-chức thì thi tứ lục, thơ phú, văn sách; thi Xá-sai-ti thì hỏi về việc binh lính, tiền lương, từ tụng; thi Tướng-thần-lại-ti và Lịnh-sử-ti thì chỉ làm một bài thơ mà thôi

Năm canh-thân (1740), Vũ-vương Nguyễn-phúc Khoát 阮 福 濶 (1738-1765) định lại phép thi: những người đậu kỳ đệ nhất, gọi là nhiêu-học, được miễn sai 5 năm; đậu kỳ đệ nhị và kỳ đệ tam thì được miễn sai chung thân; đậu kỳ đệ tứ gọi là hương cống, được bổ đi làm tri-phủ tri-huyện.

Xem như vậy thì sự thi-cử ở xứ Nam đời bấy giờ còn sơ lược lắm.

3. Việc vũ-bị. — Họ Nguyễn bấy giờ phải chống nhau với họ Trịnh cho nên phải lo việc vũ-bị hơn. Quân thì chia ra làm năm cơ gọi là: trung cơ, tả cơ, hữu cơ, tiền cơ, hậu cơ. Số quân độ chừng non ba vạn người.

Năm tân-mùi (1631) chúa Sãi lập ra sở đúc súng đại-bác và mở trường bắn, trường tập voi, tập ngựa, cứ hằng năm luyện tập để phòng bị chiến-tranh.

4. Việc thuế khóa. — Điền thổ chia ra làm 3 hạng để đánh thuế. Lại có hạng gọi là thu điền, khô thổ; nghĩa là ruộng đất sấu thì thuế đánh lại nhẹ hơn ruộng đất thường.

Những công điền thì cấp cho dân cầy cấy để nộp thuế; còn ai khai khẩn được đất hoang ra làm ruộng thì cho là tư điền.

Thuế mỏ. — Ở đất Quảng-nam, Thuận-hóa có mỏ vàng; ở đất Quảng-nghĩa có mỏ bạc; ở đất Bố chính có mỏ sắt. Các mỏ ấy đều đánh thuế cả.

Thuế xuất-cảng nhập-cảng. — Lệ cứ những tàu ở Thượng-hải và ở Quảng-đông lại, thì phải nộp 3.000 quan, đến lúc đi phải nộp 300 quan. Tàu ở Ma-cao, ở Nhật-bản lại, thì phải nộp 4.000 quan, đến lúc đi phải nộp 400 quan. Tàu ở Tiêm la ở Lã-tống lại, thì phải nộp 2.000 quan, đến lúc đi phải nộp 200 quan. Tàu ở các nước phương tây lại thì phải nộp 8.000 quan, đến lúc về phải nộp 800 quan.

Thuế ấy chia ra làm 10 thành: 6 thành thì đem vào kho, còn 4 thành để nộp cho quan lại binh lính đã coi về việc thu thuế.

5. Số tiền chi thu trong nước. — Năm quí đậu (1753) Vũ vương sai quan Chưởng-thái-dám 掌 太 監 là Mai-văn Hoan 梅 文 歡 tính số vàng, bạc và tiền thu vào và phát ra mỗi năm là bao nhiêu.

Bấy giờ số tiền thì có năm thu vào được hơn 338.100 quan, mà phát ra mất hơn 364.400 quan; có năm được hơn 423.300 quan, mà phát ra mất hơn 369.400 quan. Vàng thì có năm thu được 830 lượng, có năm được 890 lượng. Bạc thì thứ giáp-ngân 甲 銀 (?) có năm thu được 240 lượng, có năm được 390 lượng; thứ dung-ngân 榕 銀 (?) có năm được 2.400 lượng, có năm được 1.800 lượng; thứ kê-ngân 鷄 銀 (?) có năm được 10.100 đồng, có năm được 400 đồng, cũng có năm không có đồng nào.

Tính đổ đồng lại từ năm bính dần (1746) đến năm nhâm-thân (1752) nghĩa là trong 7 năm số vàng được 5.768 lượng, số giáp-ngân được 9.978 lượng, số dung-ngân được 14.276 lượng, số kê-ngân được 21 150 đồng.

Từ đó trở đi mỗi năm phải làm sổ kê rõ ra trong năm vàng bạc và tiền thu vào và phát ra mất bao nhiêu, lệ cứ đến ngày mồng ba tháng diêng năm sau dâng lên để chúa xem.

Những tiền tiêu ở trong nước, thì có tiền đồng và tiền kẽm, khắc hai chữ thái-bình 太平.

6. Lấy đất Chiêm-thành. — Trước Trịnh-Kiểm chỉ cho ông Nguyễn Hoàng vào trấn-thủ đất Thuận-hóa mà thôi, sau đến năm canh-ngọ (1570) họ Trịnh đòi quan trấn-thủ Quảng nam là Nguyễn-bá-Quýnh về trấn đất Nghệ-an, để đất Quảng-nam cho ông Nguyễn-Hoàng kiêm lĩnh.

Năm tân-hợi (1611) ông Nguyễn-Hoàng vào đánh nước Chiêm-thành lấy đất lập ra phủ Phú-yên; chia ra làm hai huyện là Đồng-xuân và Tuyên-hòa. Đến năm quí-tị (1653) vua nước Chiêm-thành là Bà-Bật 婆 沁 sang quấy nhiễu ở đất Phú-yên, chúa Hiền là Nguyễn-phúc-Tần 阮 福 瀕 mới sai quan cai-cơ là ngươi Hùng Lộc 雄 禄 sang đánh. Bà-Bật phải dâng thư xin hàng. Chúa Nguyễn để từ sông Phan-lang 潘 郎 江 trở vào cho vua Chiêm, còn từ sông Phan-lang trở ra lấy làm Thái-ninh-phủ, sau đổi làm phủ Diên-khánh (tức là Khánh-hòa bây giờ), đặt dinh Thái-khang để Hùng-Lộc làm thái-thú.

Năm quí-dậu (1693) vua nước Chiêm-thành là Bà-Tranh 婆 爭 bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn là ông Nguyễn-phúc-Chu 阮 福 淍 sai quan tổng-binh là Nguyễn-hữu-Kính 阮 有 鏡 (con Nguyễn hữu-Dật) đem binh đi đánh bắt được Bà Tranh và bọn thần-tử là Tả-trà-Viên, Kế bà-Tử cùng thân-thuộc là Bà Ân đem về Phú-Xuân. Chúa Nguyễn đổi đất Chiêm-thành làm Thuận-phủ, cho Tả-trà-Viên, Kế-bà-Tử làm chức Khám-lý 勘 理 và ba người con của Bà-Ân làm đề-đốc giữ Thuận-phủ, lại bắt phải đổi y phục theo như người An nam để phủ dụ dân Chiêm-thành. Qua năm sau lại đổi Thuận-phủ ra làm Thuận-thành-trấn, cho Kế bà Tử làm tả đô-đốc. Năm đinh-sửu (1697) chúa Nguyễn đặt ra phũ Bình-thuận lấy đất Phan-lý (Phan-ri) Phan-lang (Phan-rang) làm huyện Yên-phúc và huyện Hòa-đa.

Từ đó nước Chiêm-thành mất hẳn.

Nước Chiêm-thành chính là nước Lâm-ấp ngày trước đã từng qua mấy trăm năm, cùng với họ Lý, họ Trần đối địch, chống với quân Mông-cổ, không cho xâm phạm vào cõi, lập nên một nước có vua, có tôi, có chính-trị, có luật-pháp. Nhưng chỉ hiềm vì người nước ấy cứ hay sang cướp phá ở đất An-nam, thành ra hai nước không mấy khi hòa hiếu được với nhau.

Đã là đối địch thì không sao tránh khỏi được cái luật chung của tạo-hóa là : khỏe còn, yếu chết. Vì vậy cho nên từ khi vua Thánh-tôn nhà Lê 黎 聖 宗 đã lấy đất Quảng nam và đã chia nước Chiêm ra làm ba nước rồi, thì từ đó về sau thế lực nước ấy một ngày một kém, dân tình một ngày một suy. Chẳng những là đến nỗi mất nước với chúa Nguyễn, mà chủng loại Chiêm thành bây giờ cũng chẳng còn được mấy nghìn người nữa. Một nước trước như thế mà nay như thế, dẫu rằng nước ấy đồng-hóa với nước ta mặc lòng song nghi cũng thương tâm thay cho những nước yếu hèn không tránh khỏi được cái họa: cá nhỏ bị cá lớn nuốt.

7. Mở đất Nam-kỳ và sự giao-thiệp với Chân-lạp. — Nguyên nước Chân-lập ở vào quãng dưới sông Mê kông, có lắm sông nhiều ngòi, ruộng đất thì nhiều mà nước Nam ta thì thường hay mất mùa, dân tình phải đói khổ luôn, và lại vào lúc chúa Nguyễn chúa Trịnh đánh nhau, cho nên nhiều người bỏ vào khẩn đất, làm ruộng ở Mô-xoài (Baria) và ở Đồng-nai (nay thuộc Biên-hòa).

Năm mậu-tuất (1658) vua nước Chân-lạp mất rồi chú cháu tranh nhau, sang cầu cứu bên chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn bấy giờ là chúa Hiền sai quan đem 3.000 quân sang đánh ở Mỗi-xúy 每 吹 (nay thuộc huyện Phúc-chánh, tỉnh Biên-hòa) bắt được vua nước ấy là Nặc ông-Chân 匿 翁 稹 đem về giam ở Quảng-bình một độ, rồi tha cho về nước, bắt phải triều cống và phải bênh vực người An-nam sang làm ăn ở bên ấy.

Năm giáp-dần (1674) nước Chân-lạp có ngươi Nặc-ông-Đài 匿 翁 苔 đi cầu viện nước Tiêm-la để đánh Nặc-ông-Non 匿 翁 嫩.

Nặc ông-Nộn bỏ chạy sang cầu cứu ở dinh Thái-khang (nay là Khánh-hòa). Chúa Hiền bèn sai Cai-cơ đạo Nha-trang là Nguyễn dương-Lâm 阮 揚 林 cùng với Nguyễn đình-Phái 阮 廷 派 làm tham-mưu đem binh chia ra làm hai đạo sang đánh Nặc-ông-Đài, phá được đồn Sài-côn 柴 棍, rồi tiến quân lên vây thành Nam-vang. Nặc Ông-Đài phải bỏ thành chạy vào chết ở trong rừng. Nặc Ông-Thu 匿 翁 秋 ra hàng. Nặc-ông-Thu là chính dòng con trưởng cho nên lại lập làm chánh quốc vương đóng ở Long-úc, để Nặc-ông Non làm đệ nhị quốc vương, đóng ở Sài-côn, bắt hằng năm phải triều cống.

Năm kỷ-vị (1679) có quan nhà Minh là tổng-binh trấn-thủ đất Long-môn (Quảng-tây) Dương Ngạn-Địch 楊 彥 迪, phó-tướng Hoàng-Tiến 黄 進, tổng-binh châu Cao, châu Lôi, và châu Liêm (thuộc Quảng-tây) là Trần Thượng Xuyên 陳 上 川, phó-tướng Trần An-Bình 陳 安 平, không chịu làm tôi nhà Thanh, đem 3.000 quân cùng 50 chiếc thuyền sang xin ở làm dân An-nam. Chúa Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân-lạp, bèn cho vào ở đất Đông-phố 東 浦 (tức là đất Gia-định). Bọn Ngạn Địch chia nhau ở đất Lộc-dã (tức là đất Đồng-nai thuộc Biên-hòa), ở Mỹ-tho (thuộc Định-tường), ở Ban-lân (thuộc Biên-hòa) rồi cày ruộng làm nhà lập ra phường phố, có người phương tây, người Nhật-bản, người Chà-và đến buôn bán đông lắm.

Năm mậu-thìn (1688) những người khách ở Mỹ-tho làm loạn, Hoàng Tiến giết Dương-ngạn Địch đi, rồi đem chung đóng đồn ở Nan-khê, làm tàu đúc súng để chống nhau với người Chân-lạp. Vua Chân-lạp là Nặc-ông-Thu cũng đào hào đắp lũy để làm kế cố thủ và bỏ không chịu thần phục chúa Nguyễn nữa.

Bấy giờ chúa Nguyễn là ông Nguyễn-phúc-Trăn 阮 福 溱 sai quan đem quân đi đánh dẹp, dùng mưu giết được Hoàng-Tiến và bắt vua Chân-lạp phải theo lệ triều cống.

Năm mậu-dần (1698) chúa Nguyễn là ông Nguyễn-phúc Chu 阮 福 淍 sai ông Nguyễn-hữu-Kính 阮 有 鏡 làm kinh lược đất Chân-lạp, chia đất Đông-phố ra làm dinh, làm huyện, lấy xứ Đồng-nai làm huyện Phúc-long và xứ Sài-côn làm huyện Tân-bình. Đặt Trấn-biên-dinh 鎭 邊 營 (tức là Biên-hòa) và Phan-trấn-dinh 藩 鎭 營 (tức là Gia-định) sai quan vào cai-trị. Lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng-bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất. Còn những người Tàu ở đất Trấn biên (Biên-hòa) thì lập làm xã Thanh-hà 清 河, những người ở đất Phiên-trấn (Gia-định) thì lập làm xã Minh-hương 明 鄉. Những người ấy đều thuộc về sổ bộ nước ta.

Bấy giờ lại có người khách Quảng-đông tên là Mạc-Cửu 鄚 玖, trong khi nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh bên Tàu, bỏ sang ở Chân-lạp, thấy ở phủ Sài-mạt 柴 末 có nhiều người các nước đến buôn bán, bèn mở sòng đánh bạc, rồi lấy tiền chiêu mộ những lưu dân lập ra 7 xã, gọi là Hà-tiên. Năm mậu-tí (1708) Mạc-Cửu xin thuộc về chúa Nguyễn, chúa phong cho làm chức tổng-binh, giữ đất Hà-tiên.

Đến khi Mạc-Cửu mất, chúa Nguyễn lại phong cho con Mạc-Cửu là Mạc-thiên-Tứ 鄚 天 賜 làm chức đô-đốc trấn ở Hà-tiên. Mạc-thiên-Tứ đắp thành, sây lũy, mở chợ, làm đường và rước thầy về dạy nho học để khai hóa đất Hà-tiên.

Thời bấy giờ đất Chân-lạp cứ loạn lạc luôn. Năm kỷ-mão (1699) vua nước ấy là Nặc-ông-Thu 匿 翁 秋 đem quân chống với quân chúa Nguyễn, chúa sai quan tổng-suất Nguyễn-hữu-Kính sang đánh. Quân ta sang đến thành Nam-vang 喃 榮, Nặc ông Thu bỏ chạy, con Nặc-ông-Non là Nặc-ông-Yêm 匿 翁 淹 mở cửa thành ra hàng. Sau Nặc-ông-Thu cũng về hàng, xin theo lệ triều cống như cũ. Quân ta rút về.

Được ít lâu vua thứ hai là Nặc-ông-Non mất vua thứ nhất là Nặc-ông-Thu phong cho con Nặc-ông-Non là Nặc ông Yêm làm quan và lại gả con gái cho. Sau Nặc-ông-Thu già yếu truyền ngôi cho con là Nặc ông-Thâm 匿 翁 深.

Năm ất-dậu (1705) Nặc-ông-Thâm nghi cho Nặc-ông-Yêm có ý làm phản, bèn khởi binh đánh nhau. Nặc-ông-Thâm lại đem quân Tiêm-la về giúp mình. Nặc-ông-Yêm phải chạy sang cầu cứu ở Gia-định.

Chúa Nguyễn sai quan cai-cơ là Nguyễn-cửu-Vân 阮 久 雲 sang đánh Nặc-ông-Thâm. Nguyễn-cửu-Vân sang phá được quân Tiêm-la, đem Nặc-ông-Yêm về thành La-bích 羅 壁. Từ đó Nặc-ông-Thâm ở Tiêm-la cứ thỉnh thoảng đem quân về đánh Nặc-ông-Yêm.

Năm giáp-ngọ (1714) quân của Nặc-ông-Thâm về lấy thành La-bích và vây đánh Nặc-ông-Yêm nguy cấp lắm. Nặc-ông-Yêm sai người sang Gia-định cầu cứu. Quan đô-đốc Phiên-trấn (Gia-định) là Trần-thượng-Xuyên 陳 上 川 và quan phó-tướng Trấn-biên (Biên-hòa) là Nguyễn-cửu-Phú 阮 久 富 phát binh sang đánh, vây Nặc-ông-Thu và Nặc-ông-Thâm ở trong thành La-bích. Nặc-ông-Thu và Nặc-ông-Thâm sợ hãi, bỏ thành chạy sang Tiêm-la. Bọn ông Trần thượng-Xuyên lập Nặc-Yêm lên làm vua Chân-lạp.

Năm tân-hợi (1729) quân Chân-lạp sang quấy nhiễu ở hạt Gia-định. Chúa Nguyễn bèn đặt sở Điều-khiển 調 遣 để thống nhiếp việc binh ở mạn ấy.

Năm bính-thìn (1736) Nặc-ông-Yêm mất, con là Nặc-ông-Tha 匿 翁 他 lên làm vua. Đến năm mậu-thìn (1748) Nặc-Thâm lại ở bên Tiêm-la về cử binh đánh đuổi Nặc ông Tha đi, rồi chiếm lấy ngôi làm vua. Nặc-ông-Tha phải bỏ chạy sang Gia-định.

Được ít lâu Nặc-ông-Thâm mất, con là Nặc-Đôn 匿 敦, Nặc Hiên 匿 軒 và Nặc Yếm 匿 厭 tranh nhau. Chúa Nguyễn bèn sai quan Điều-khiển là ông Nguyễn-hữu Doãn 阮 有 允 đem quân sang đánh bọn Nặc-Đôn, và đem Nặc-ông-Tha về nước.

Nặc-ông-Tha về được mấy tháng lại bị người con thứ hai của Nặc-ông Thâm là Nặc-Nguyên 匿 原 đem quân Tiêm la sang đánh đuổi đi. Nặc-ông-Tha chạy sang chết ở Gia-định.

Nặc Nguyên về làm vua Chân-lạp thường hay hà hiếp rợ Côn-man 昆 曼[1] và lại thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Bắc để lập mưu đánh chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn biết tình ý ấy, đến năm quí-dậu (1753), sai bọn ông Nguyễn-cư-Trinh 阮 居 貞 sang đánh Nặc-Nguyên. Năm ất-hợi (1755) Nặc-Nguyên thua bỏ thành Nam-vang chạy sang Hà-tiên nhờ Mạc thiên Tứ.

Năm sau Mạc-thiên-Tứ dâng thư về nói rằng Nặc-Nguyên xin dâng hai phủ Tầm-bôn 尋 奔 và Lôi-lạp 雷 臘 để chuộc tội, và xin cho về nước. Chúa Nguyễn không muốn cho. Bấy giờ ông Nguyễn-cư-Trinh dâng sớ bày tỏ cách khai thác nên dùng kế « tàm thực » nghĩa là nên lấy dần dần như con tằm ăn lá thì mới chắc chắn được. Chúa Nguyễn nghe lời ấy bèn nhận hai phủ và cho Nặc-Nguyên về Chân-lạp.

Năm đinh-sửu (1759) Nặc-Nguyên mất, chú họ là Nặc-Nhuận 匿 潤 làm giám-quốc. Nặc-Nhuận còn đang lo để xin chúa Nguyễn phong cho làm vua thì bị người con rể là Nặc Hinh 匿 馨 giết đi, rồi cướp lấy ngôi làm vua.

Quan tổng-suất là Trương phúc Du 張 福 歈 thừa thế sang đánh, Nặc-Hinh thua chạy bị thuộc hạ giết chết. Bấy giờ con Nặc Nhuận là Nặc-Tôn 匿 尊 chạy sang nhờ Mạc-thiên-Tứ ở Hà tiên. Mạc-thiên-Tứ dâng thư về xin lập Nặc Tôn làm vua Chân-lạp. Chúa Nguyễn thuận cho, sai Mạc-thiên-Tứ đem Nặc-Tôn về nước.

Nặc-Tôn dâng đất Tầm-phong-long để tạ ơn chúa Nguyễn. Chúa bèn sai ông Trương-phúc-Du và Nguyễn-cư-Trinh đem dinh Long-hồ về xứ Tầm bào, tức là chỗ tỉnh-lỵ tỉnh Vĩnh-long bây giờ, và lại đặt ra ba đạo là Đông-khẩu-đạo ở Sa-đéc, Tân-châu-đạo ở Tiền-giang và Châu-đốc-đạo ở Hậu-giang.

Nặc Tôn lại dâng 5 phủ là Hương-úc, Cần-bột, Trực-sâm, Sài-mạt và Linh-quỳnh để tạ ơn Mạc-thiên-Tứ. Mạc-thiên-Tứ đem những đất ấy dâng chúa Nguyễn, chúa cho thuộc về trấn Hà-tiên cai-quản.

Vậy đất 6 tỉnh Nam kỳ bây giờ là đất lấy của nước Chân-lạp.

8. Việc giao thiệp với nước Tiêm-la. — Tiêm-la là một nước ở về phía tây nam sông Mékong giòng dõi người Thái sang ở đấy.

Cứ theo sử ta và sử Tàu thì thoạt đầu tiên gọi là nước Phù-nam 扶 南. Đến quãng nhà Tùy nhà Đường bên Tàu là vào quãng thế-kỷ thứ 6; thứ 7 thì đất Phù nam chia ra làm hai: một nửa về phía đông có một dân-tộc khác đến lập ra nước Chân-lạp 真 臘 còn một nửa về phía tây thì người Phù-nam ở, gọi là nước Xích-thổ 赤 土.

Vào quãng nhà Tống, nhà Kim (thế-kỷ thứ 11 thứ 12) thì nước Xích-thổ lại chia ra làm hai: một nước gọi là La-đấu 羅 斛, một nước gọi là Tiêm 暹. Lúc nhà Nguyên làm vua bên Tàu (thế-kỷ thứ 13, thứ 14) thì sử có chép hai nước ấy sang cống.

Về sau nước La đấu gồm được cả nước Tiêm, mới gọi là nước Tiêm la đấu 暹 羅 斛. Đến đầu nhà Minh (cuối thế-kỷ thứ 14) vua nước ấy sang cầu phong bên Tàu, vua Thái-tổ nhà Minh mới phong là nước Tiêm-la 暹 羅.

Nước Tiêm la lúc đầu còn nhỏ yếu thường bị người Chân lạp áp chế. Sau cường thịnh dần dần lên, rồi vào khoảng năm Vạn-lịch (1573-1620) nhà Minh, nước Tiêm-la lại đánh Chân lạp mà hùng bá cả phương ấy.

Trong thời ấy vua Tiêm-la là Phra Naroi dòng dõi nhà Ayouthia dùng một người Hi-lạp tên là Constantin Phaulcon làm tướng. Người ấy xin vua giao-thiệp với nước Pháp. Bởi vậy năm 1620 mới có bọn sứ-thần Tiêm-la sang bái yết Pháp-hoàng Louis XIV ở tại Versailles.

Thuở bấy giờ chúa Nguyễn còn đang khai sáng ở đất Phú yên, Khánh-hòa. Nhưng về sau chúa Nguyễn lấy hết đất Chiêm-thành lại lấn sang đất Chân-lạp. Người Tiêm-la có ý muốn ngăn trở để giữ lấy đất Chân-lạp làm của mình. Nhưng vì thế chúa Nguyễn mạnh hơn, cho nên phải chịu để chúa Nguyễn sang bảo-hộ Chân-lạp.

Tuy vậy nước Tiêm-la thường hay dùng những người phản đối với vua Chân-lạp, rồi giúp binh lực cho về làm loạn trong nước. Nhiều khi quân ta phải sang đánh đuổi quân Tiêm-la để giúp quốc-vương Chân-lạp. Cũng có khi quân Tiêm-la sang đánh ở đất Hà-tiên, như năm ất-vị (1715) người Chân-lạp là Nặc-Thâm đem quân Tiêm-la sang cướp phá, quan tổng-binh Hà-tiên là Mạc-Cửu phải bỏ thành mà chạy.

Quân ta và quân Tiêm-la đã giao chiến nhiều lần, cho nên hai bên không thông sứ với nhau. Mãi đến năm canh-ngọ (1750) đời chúa Nguyễn là Võ-vương Nguyễn-phúc-Khoát thì mới thấy sử chép rằng chúa sai quan đem thư sang trách nước Tiêm-la dung túng kẻ nghịch thần để làm loạn nước Chân-lạp.

Năm ất-hợi (1755) nước Tiêm-la sai sứ sang xin đừng đánh thuế những thuyền của nước ấy sang buôn bán ở đất chúa Nguyễn. Chúa đáp thư lại rằng thuế ấy là quốc-lệ đã đặt ra không thể bỏ đi được.

Năm đinh-hợi (1767) quân nước Diến điện 緬 甸 sang đánh Tiêm la bắt được vua nước ấy là Phong-vương 瘋 王[2] và con là Chiêu-Đốc 昭 督 cùng mấy vạn người dân đem về Diến-điện. Còn những người con của Phong-vương là Chiêu-Xi-Khống 昭 侈 腔 thì chạy sang Chân-lạp và Chiêu-Thúy 昭 翠 thì chạy sang Hà-Tiên.

Bấy giờ nước Tiêm-la không có vua, chức Phi-nhã (Phya) đất Mang-tát là Trịnh Quốc-Anh 鄭 國 英 bèn khởi binh tự lập làm vua. Trịnh Quốc-Anh là người Triều-châu, tỉnh Quảng-đông, cha tên là Yển 偃 sang ở đất Tiêm-la làm trưởng ở Mang-tát. Yển chết, Trịnh Quốc-Anh lên nối nghiệp xưng là Phi-nhã, là một chức xã-trưởng vậy.

Trịnh-quốc-Anh lên làm vua rồi sai sứ sang bắt vua Chân lạp là Nặc-Tôn phải sang cống. Nặc-Tôn lấy lẽ rằng Trịnh-quốc-Anh không phải là giòng dõi người Tiêm la, không chịu cống.

Vua Tiêm-la lấy điều ấy làm hiềm, sai tướng là Bôn-Ma đem người Chân-lạp tên là Nặc Non về đánh Nặc-Tôn. Nặc-Tôn giữ vững các nơi, quân Tiêm-la không làm gì được lại phải rút về.

Trịnh-quốc-Anh biết con vua cũ là Chiêu-Thúy còn ở Hà-tiên, sợ ngày sau sinh ra biến loạn, bèn đến tháng 10 năm tân mão (1771) đem binh thuyền sang vây đánh Hà-tiên. Quan tổng-binh là Mạc-thiên-Tứ giữ không nổi phải bỏ thành chạy về Châu-đốc.

Vua Tiêm-la để tướng là Trần-Liên 陳 聯 ở lại giữ Hà-tiên rồi tiến quân sang đánh Chân-lạp. Quốc-vương là Nặc-Tôn phải bỏ chạy. Vua Tiêm-la đóng quân ở thành Nam-vang và lập Nặc-Non lên làm vua Chân-lạp.

Tháng 6 năm sau (1772) chúa Nguyễn sai quan tổng-suất là Nguyễn-cửu-Đàm 阮 久 潭 lĩnh chức Điều-khiển đem binh thuyền đi đánh quân Tiêm-la. Quân của Nguyễn-cửu-Đàm tiến sang đến Nam-vang, quân Tiêm-la bỏ chạy về Hà-tiên, Nặc-Non cũng chạy về Cầu-Bột.

Nặc-Tôn lại về làm vua Chân-lạp.

Vua Tiêm-la về đến Hà-tiên sai người đưa thư sang gọi Mạc thiên-Tứ về để giảng hòa. Mạc-thiên-Tứ không chịu. Vua Tiêm-la bèn để Trần-Liên ở lại giữ Hà-tiên, rồi bắt con gái Mạc-thiên Tứ và Chiêu-Thúy đem về nước.

Năm sau Mạc-thiên-Tứ thấy việc không xong, bèn sai người sang Tiêm-la xin hòa. Vua Tiêm-la gọi Trần Liên về và cho người con gái của Mạc Thiên-Tứ về Hà-tiên. Còn Chiêu-Thúy thì đem giết đi.

Từ đó Mạc-thiên-Tứ lại về giữ đất Hà-tiên.

9. Lập dinh định phủ. — Lúc đầu, ông Nguyễn-Hoàng mới vào trấn đất Thuận-hóa thì đóng dinh ở làng Ái-tử 愛 子 (thuộc huyện Đăng-xương, gần tỉnh-lỵ tỉnh Quảng-trị). Được 13 năm sau (1570), ông Nguyễn-Hoàng lại dời vào làng Trà-bát ở huyện ấy, tức là Cát-dinh 葛 營. Đến năm bính-dần (626) chúa Sãi là Nguyễn-phúc Nguyên sắp sửa chống nhau với chúa Trịnh, mới dời dinh vào làng Phúc-an 福 安 (thuộc huyện Quảng điền, tỉnh Thừa-thiên bây giờ) và đổi chỗ tư sở là phủ.

Năm bính-tí (1636) chúa Thượng là ông Nguyễn phúc Lan lại dời phủ vào làng Kim-long 金 龍, (thuộc huyện Hương-trà, tỉnh Thừa-thiên).

Năm đinh-mão (1687) chúa Nguyễn là ông Nguyễn-phúc-Trăn đem phủ về làng Phú-xuân 富 春, tức là đất Kinh-thành bây giờ, gọi là chính dinh. Chỗ phủ cũ để làm Thái-tôn-miếu, thờ chúa Hiền.

Năm giáp-tí (1744) Vũ-vương mới xưng vương hiệu đổi phủ ra làm điện, sửa sang phép tắc, và định triều phục. Lại chia nước ra làm 12 dinh.

1.  Chính dinh 正 營 (Phú-xuân)
2.  Cựu dinh 舊 營 (Ái-tử)
3.  Quảng-bình dinh 廣 平 營
4.  Vũ-xá dinh 武 舍 營
5.  Bố-chính dinh 布 政 營
6.  Quảng-nam dinh 廣 南 營
7.  Phú-yên dinh 富 安 營
8.  Bình-khang dinh 平 康 營 đất Chiêm-thành
9.  Bình-thuận dinh 平 順 營
10.  Trấn-biên dinh 鎭 邊 營
11.  Phiên-trấn dinh 藩 鎭 營 đất Chân lạp
12.  Long-hồ dinh 龍 湖 營

Dinh nào cũng đặt quan Trấn-thủ, quan Cai bạ, quan Ký-lục để coi việc cai-trị. Còn phủ Quảng-nghĩa và phủ Qui-nhân thì thuộc về tỉnh Quảng-nam, cho nên mỗi phủ đặt riêng quan Tuần-phủ và quan Khám-lý để coi mọi việc. Đất Hà-tiên thì đặt là trấn, có quan đô-đốc cai-trị.

*

* *

Tóm lại mà xét, họ Nguyễn làm chúa xứ Nam, nhưng trước thì vẫn giữ chức vua Lê phong cho, mãi đến đầu thế-kỷ thứ 18, năm nhâm-ngọ (1702) ông Nguyễn-phúc-Chu mới sai người sang cống vua nhà Thanh để xin phong làm vua, nhưng Thanh-triều nói rằng nước Nam còn có họ Lê không phong được cho họ Nguyễn. Việc ấy lại im đi. Ông Nguyễn-phúc Chu bèn xưng là quốc-chúa và đúc cái ấn Đại-việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo 大 越 國 阮 主 永 鎭 之 寶 để làm cái truyền quốc bảo, đến đời vua Thế-tổ mới thôi. Đến năm giáp-tí (1744) ông Nguyễn-phúc Khoát mới xưng vương-hiệu và đổi lại chế-độ, định ra triều nghi.

Bấy giờ nước tuy độc lập, nhưng vẫn không đặt quốc-hiệu. Những người ngoại quốc thường gọi đất chúa Nguyễn là Quảng-nam-quốc 廣 南 國. Đấy là vì ở Quảng-nam có phố Hội-an (Faïfo) là chỗ người Tàu và người các nước ra vào buôn bán, cho nên mới lấy tên Quảng-nam mà gọi nước.

Còn những công việc họ Nguyễn làm ở phía nam quan-trọng cho nước Nam ta hơn cả, là việc mở mang bờ cõi, khiến cho nước lớn lên, người nhiều ra, và nhất là chiêu mộ những người nghèo khổ trong nước đưa đi khai hóa những đất phì nhiêu bỏ hoang, làm thành ra Nam-kỳ bây giờ phồn phú hơn cả mọi nơi, ấy là cái công họ Nguyễn với nước Nam thật là to lắm vậy.



  1. Côn-man là chỗ những người Chiêm-thành sang tụ họp ở tại xứ Chân-lạp
  2. Vua nước Tiêm-la bấy giờ có bệnh hủi, cho nên sử gọi là Phong-vương.