Việt thi/II-9

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Thể luật

Thơ luật là lối thơ có từ đời Đường (620 — 905), cho nên thường gọi là thơ Đường-luật. Mỗi bài làm tám câu năm vần và phải theo đúng niêm đúng luật. Khi nào làm bốn vần, thì hai câu đầu phải đối nhau, gọi là song phong. Trong bài thơ luật, câu thứ ba, thứ tư và câu thứ năm, thứ sáu, bao giờ cũng phải đối nhau.

Thơ luật chỉ dùng độc-vận và chỉ dùng vần bằng, chứ không dùng vần trắc. Những bài thơ người ta gọi lầm là thơ luật vần trắc là lối thơ cổ-phong làm theo lối thơ luật đổi ra vần trắc, chứ trong Đường-thi không bao giờ có thơ luật vần trắc.

Luật có hai thứ: một thứ luật bằng và một thứ luật trắc. Hễ chữ thứ hai câu thơ thứ nhất là tiếng bằng, thì gọi là luật bằng, chữ thứ hai ấy là tiếng trắc, thì gọi là luật trắc.

Hai luật ấy theo kiểu-mẫu sau này:

Ngũ-ngôn tám câu luật bằng

b b tr tr b
tr tr tr b b
tr tr b b tr đối
b b tr tr b
b b b tr tr đối
tr tr tr b b
tr tr b b tr
b b tr tr b

Ngũ-ngôn tám câu luật trắc

tr tr tr b b
b b tr tr b
b b b tr tr đối
tr tr tr b b
tr tr b b tr đối
b b tr tr b
b b b tr tr
tr tr tr b b

Ngoài lối tám câu, thơ ngũ-ngôn còn có thể làm dài hơn nữa, là lối bài luật, đặt từ mười-hai đến hai-mươi câu, nhưng lối mười sáu câu thường thông dụng hơn, nhất là ở triều Nguyễn, lối thơ này hay dùng trong chương-trình thi Hội.

Ngũ-ngôn mười sáu câu, luật bằng

b b b tr tr đối
tr tr tr b b
tr tr b b tr đối
b b tr tr b
b b b tr tr đối
tr tr tr b b
tr tr b b tr đối
b b tr tr b
b b b tr tr đối
tr tr tr b b
tr tr b b tr đối
b b tr tr b
b b b tr tr đối
tr tr tr b b
tr tr b b tr
b b tr tr b

Ngũ-ngôn mười sáu câu, luật trắc

tr tr b b b đối
b b tr tr b
b b b tr tr đối
tr tr tr b b
tr tr b b tr đối
b b tr tr b
b b b tr tr đối
tr tr tr b b
tr tr b b tr đối
b b tr tr b
b b b tr tr đối
tr tr tr b b
tr tr b b tr đối
b b tr tr b
b b b tr tr
tr tr tr b b

Thất-ngôn tám câu, luật bằng

b b tr tr tr b b
tr tr b b tr tr b
tr tr b b b tr tr đối
b b tr tr tr b b
b b tr tr b b tr đối
tr tr b b tr tr b
tr tr b b b tr tr
b b tr tr tr b b

Thất-ngôn tám câu, luật trắc

tr tr b b tr tr b
b b tr tr tr b b
b b tr tr b b tr đối
tr tr b b tr tr b
tr tr b b b tr tr đối
b b tr tr tr b b
b b tr tr b b tr
tr tr b b tr tr b
Bất-luận.— Nếu theo đúng luật như trên, thì khó quá, cho nên người ta lập ra lệ bất-luận. Bất-luận nghĩa là không kể luật; những chữ thứ nhất, thứ ba và thứ năm trong câu thơ, có thể dùng tiếng bằng thay tiếng trắc hay là tiếng trắc thay tiếng bằng.

Thơ ngũ-ngôn, thì có nhất, tam, bất-luận.

Luật Bất-luận
b b tr tr b tr b b tr b
tr tr tr b b b tr b b b
tr tr b b tr b tr tr b tr
b b tr tr b tr b b tr b

Thơ thất-ngôn, thì có nhất, tam, ngũ, bất-luận.

Luật Bất-luận
b b tr tr tr b b tr b b tr b tr b
tr tr b b tr tr b b tr tr b b tr b
tr tr b b b tr tr b tr tr b tr tr tr
b b tr tr tr b b tr b b tr b b b

Khổ-độc.— Khổ-độc là khó đọc, câu thơ đọc lên trúc-trắc không được êm tai. Theo lệ bất-luận, thì chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm không phải theo luật, song tiếng trắc đổi làm tiếng bằng, thì bao giờ nghe cũng thuận tai, còn tiếng bằng đổi sang tiếng trắc, thì có khi nghe chướng tai lắm. Thí-dụ:

Khổ-độc trong thơ ngũ-ngôn:

b b tr tr b, nếu chữ thứ nhất đổi làm tiếng trắc thì khổ-độc.
b b b tr tr, nếu chữ thứ ba đổi làm tiếng trắc thì khổ-độc.
tr tr b b tr

Khổ-độc trong thơ thất-ngôn:

tr tr b b tr tr b, nếu chữ thứ ba đổi làm tiếng trắc thì khổ-độc.
tr tr b b b tr tr, nếu chữ thứ năm đổi làm tiếng trắc thì khổ-độc.

Nói tóm lại, trừ luật thơ đã định sẵn không kể, nếu theo lệ bất-luận, mà trong câu ngũ-ngôn có ba tiếng trắc, trong câu thất-ngôn có năm tiếng trắc, thì phần nhiều là khổ-độc. Nhà làm thơ phải tự thể-nhận lấy.

Niêm.— Niêm là phép định tiếng bằng niêm với tiếng bằng, tiếng trắc niêm với tiếng trắc, như:

Nhất bát, nhị tam, tứ ngũ, lục thất.

Nghĩa là tiếng thứ hai câu thứ nhất niêm với tiếng thứ hai câu thứ tám, tiếng thứ hai câu thứ nhì niêm với tiếng thứ hai câu thứ ba, tiếng thứ hai câu thứ tư niêm với tiếng thứ hai câu thứ năm, tiếng thứ hai câu thứ sáu niêm với tiếng thứ hai câu thứ bảy.

Ý-nghĩa thơ luật

Thơ luật lấy tìnhcảnh làm tư-liệu, lấy ýtừ làm sự vận-dụng. Tình nhiều, cảnh rõ, ý cao, từ đẹp là thơ hay.

Mỗi bài thơ luật tám câu, chia ra làm hai giải. Giải trên bốn câu: hai câu đầu là khởi, hai câu thứ ba và thứ tư là thừa; giải dưới bốn câu: hai câu thứ năm và thứ sáu là chuyển, hai câu cuối là hợp. Nhà làm thơ thường gọi hai câu khởi là mạo và phân ra câu trên gọi là phá, câu thứ hai là thừa; gọi hai câu thừa là thực (tức là tình) trạng hay lĩnh; gọi hai câu chuyển là luận hay cảnh; gọi hai câu hợp là kết.

Mạo, thực, luận, kếtkhởi, thừa, chuyển, hợp đều hàm một nghĩa như nhau. Đem cái ý trong đề mà khởi lên đầu là mạo, thừa cái ý đã nói mà tả cái thực tình ra là thực, nhân cái thực-tình mà bàn đến cái cảnh là luận, hợp cái ý cả bài mà nói là kết. Bởi vậy, những câu khởi hay mạohợp hay kết đều cốt ở dùng ý, mà dùng ý thì cần nói cho rõ, cho nên những câu ấy đi lẻ không đối; những câu thừa hay thực (tình) và câu chuyển hay luận (cảnh) đều cốt dùng từ, mà dùng từ thì cần lời nói cho đẹp, cho nên những câu ấy phải đối-ngẫu. Những điều ấy rất quan-hệ trong sự làm thơ luật.

Những bài thơ luật, ngũ-ngôn và thất-ngôn, có thứ tám câu năm vần, có thứ tám câu bốn vần, lại có thứ hạn-vận, là làm theo vần định trước, có thứ phóng-vận, là làm theo vần của người làm thơ tùy ý mình chọn lấy.