"Chỗ Chết"

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm

Theo như sự xem thấy của người thường, nhất là người Trung Quốc đã quen chịu ngoại tộc và đầy tớ chó săn của chúng giày đạp, thì kẻ giết người thường là kẻ ưu thắng, còn kẻ bị giết thường là kẻ liệt bại. Mà sự thực trước mắt cũng thật quả như thế.

Cái việc Đoàn chính phủ giết hại thị dân và học sinh đi thỉnh nguyện tay không hôm 18 tháng 3, thật đã hết chỗ nói, chỉ khiến chúng ta thấy cái nơi mình ở không phải là nơi người ta ở với nhau. Nhưng, kẻ thì giới ngôn luận Bắc Kinh cũng còn có lên tiếng, mặc dầu giấy bút miệng lưỡi không thể làm cho máu nóng của thanh niên đầy trước cửa phủ Chấp chính chảy ngược vào thây xác họ, cho họ sống lại, cái sự lên tiếng ấy chỉ là kêu gào suông, nó sẽ dần dần phai nhạt đi cùng với cái sự thực giết người.

Nhưng trong các thứ bình luận, tôi thấy có một ít dáng ghê tởm hơn là gươm súng. Đó là có mấy luận giả cho rằng bọn học sinh vốn không nên tự mình giẵm chân đến chỗ chết. Thế thì a quả thật người Trung Quốc sẽ chết không có chỗ chôn, trừ phi ngoan ngoãn chịu làm nô lệ, "lụn đời không một lời oán hận[1]". Có điều tôi còn chưa biết ý kiến phần rất đông người Trung Quốc rốt lại là thế nào.

Nếu cũng là thế, thì chẳng những trước phủ Chấp chính, mà cho đến cả Trung Quốc cũng không có một chỗ nào chẳng là chỗ chết vậy.

Sự đau khổ của người ta chẳng dễ gì thông nhau. Bởi vì chẳng dễ thông nhau, nên kẻ giết người mới lấy sự giết người làm đường lối duy nhất, rất đỗi còn coi là vui sướng. Nhưng cũng bởi vì chẳng dễ thông nhau, nên "cái khủng bố chết" mà kẻ giết người làm ra, vẫn không đủ được ngăm đe về sau, khiến nhân dân biến thành trâu ngựa đời đời. Những việc thuộc về cải cách chép trong lịch sử đều là kẻ trước ngã xuống kẻ sau tiếp theo, phần lớn tự nhiên là bởi công nghĩa, nhưng người ta chưa bị cái chết khủng bố họ lần nào, thì không dễ gì "cái khủng bố chết" làm cho họ khiếp đảm, tôi cho đó cũng là một nguyên nhân rất lớn.

Nhưng tôi lại tha thiết mong rằng: cái việc "thỉnh nguyện", từ nay nên thôi hẳn đi. Nếu đã dùng bao nhiêu máu mà đổi được một cái giác ngộ và quyết tâm như thế, vả lại ghi nhớ lấy mãi mãi, thì hình như cũng kể được là không lỗ vốn quá lắm.

Sự tiến bộ của thế giới, đại để phải nhờ chảy máu mà có. Nhưng cái số lượng nó với máu không có dính dấp nhau, bởi vì trên đời chẳng hiếm gì cái gương trước, chảy máu rất nhiều mà dân tộc trở dần dần đến diệt mất. Tức như lần này, chịu tốn mất bao nhiêu sinh mạng, chỉ chác lấy lời phê "tự mình giẵm chân đến chỗ chết", thế là đã vạch ra cái sâu hiểm của một số lòng người cho chúng ta thấy, biết rằng cái chỗ chết ở Trung Quốc rất là rộng rãi.

Ở trước mặt tôi vừa ưa có cuốn Le Jeu de L'Amour et de La Mort của Romain Rolland, trong đó nói: Carnol là người chủ trương rằng loài người vì muốn cho tiến bộ, dù có chút ít ô điểm cũng không hại gì, đến cực chẳng đã quá, cũng không hại gì có tí đỉnh tội ác; thế mà bọn họ lại không muốn giết Courvoisier, bởi vì nước cộng hòa không thích ôm cái thây chết của hắng trên cánh tay vì nó nặng nề quá[2].

Trong cái dân tộc biết được thây chết là nặng nề mà không muốn ôm, thì "cái chết" của tiên liệt là vị thuốc thần duy nhất của "cái sống" người sau, nhưng nếu ở trong cái dân tộc không còn biết là nặng nề, thì lại chỉ là thứ đồ đè cho chết bẹp một loạt.

Những thanh niên có chí cải cách ở Trung Quốc là kẻ vốn biết thây chết nặng nề, cho nên cứ một mực "thỉnh nguyện". Có ngờ đâu lại có bọn người không biết thây chết nặng nề, và còn giết luôn cả cái lòng "biết thây chết nặng nề".

Chỗ chết thật quả đã ở đằng trước. Muốn được việc cho Trung Quốc, chắc những người thanh niên giác ngộ sẽ không chịu chết suông.

25-3-1926
(Dịch ở Hoa cái tập tục biên)

   




Chú thích

  1. Đây là một câu sẵn có trong sách Luận ngữ, nguyên văn là: "Một xỉ nhi vô oán ngôn".
  2. Le Jeu de L'Amour et de La Mort (Sự đùa cợt của cái tình yêu với cái chết) là một vở kịch của Romain Rolland, nhà văn Pháp, tả một việc xảy ra trong thời Đại cách mạng nước Pháp. Trong đó có chỗ nói về Jérôme de Courvoisior một nhà bác học, phản đối Robespierre, có thể bị Robespierre giết đi, nhưng Lazarre Carnot bàn riêng với Robespierre, rồi cấp hộ chiếu cho Courvoisier để đi trốn, trong khi trao hộ chiếu cho Courvoisier, Carnot có nói những câu mà Lỗ Tấn đã dịch ý ra đây.
    Cho được chú thích một đoạn nầy, tôi đã phải mượn vở kịch ấy bằng chữ Pháp của Thư viện Trung ương về để đọc. Nhưng phải đọc cả một vở kịch dài để tìm lấy một lời chú thích, là việc tôi thấy là khó khăn, nên đã nhờ ông bạn Thế Lữ làm hộ cho. Sau khi nghe Thế Lữ kể lại, viết thành lời chua nầy, tôi có mấy chữ ở đây cám ơn ông bạn.