Đinh đóng giày

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Một ít lâu trước khi đại biến năm 1789, người trai tên Lucien de Merval, con ông trấn xứ Picardie, năng đi ngồi trong sở lò rèn đinh đóng giày, lòng ưa xem thợ đập sắt nháng sáng ra. Bữa kia tên lò rèn nói với nó rằng: “Nào, cậu làm một cái đinh coi thử? Làm chơi cho vui, lại, như ông tôi nói, người càng khéo, thì càng khá.”

Người trẻ cà rỡn lấy búa, kéo một khúc sắt đỏ điều ở trong lò ra day đập cho mỏng. Nói phứt, nó làm một cái đinh thiệt rất vụng, song nó lấy làm mừng và đem cái đinh ấy đi về nhà đi.

Mấy ngày sau nó thường trở lại nhà tên thợ làm đinh, rồi cách vài tuần nó rèn được đinh khéo lắm.

Tới lúc đại biến, Lucien lưu lạc cùng cha mẹ, còn gia tài thì bị tịch phong hết.

Cách ít lâu cha mẹ mất, mình ở quê người, độc mộc[1] không có của chi.

Khi đó trong làng nó ngụ có nhiều thợ đang đóng giày gấp, vì họ lãnh đóng giày cho quân lính. Phải đi mua đinh nơi thành xa mà lại mắc lắm. Lucien, khi ấy chợt nhớ mình biết làm đinh, chịu rèn cho các thợ, miễn họ xuất tiền bạc cho nó đủ mua búa, hòn đe với vài bó sắt sợi. Các thợ đành chịu sự ấy. Lucien, dạy rèn đinh. Chẳng bao lâu nó qui được nhiều đứa học nghề sau nên thợ khéo; rồi trong ít năm nó quản một sở lò đinh lớn.

Nó năng nói: “Một nghề ròng[2] còn hơn gia tài lớn. Vì bởi gia tài mất, nghề còn.”

Hết cơn biến loạn năm 1815, mới sang trị bình, khi ấy nó trở về nước Phan-sa, chuộc cái đền của ông bà cha mẹ nó lại, và biểu gia thêm ba cái đinh nơi cái khiên báu của tiên nhơn có công trận lưu lạc.

   




Chú thích

  1. Đơn độc, côi cút.
  2. Nghề tinh thông, lành nghề.