Bước tới nội dung

Báo Tiếng dân nói sai, tôi không hề công kích thơ mới

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Báo Tiếng dân nói sai, tôi không hề công kích thơ mới  (1941) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Dân báo, Sài Gòn, số 627 (23 Juillet 1941), trang 1, 3.

Báo Tiếng dân[1] gần đây có hai bài trong hai số tiếp nhau tuyên bố lên rằng ông Phan Khôi, là tôi, đã bắt đầu công kích lối thơ mới. Tôi thấy mà rất lấy làm ngạc nhiên. Tôi không hề có khi nào phản đối lối thơ mới cả, cũng chưa từng bắt đầu nghĩ đến việc ấy, sao người ta lại hô lên như vậy?

Tôi là người đề xướng ra thơ mới, vì bài Tình già của tôi ra đầu hết; nếu lui một bước, tôi không chịu nhận lấy cái danh người đề xướng thì ít nữa tôi cũng là một người trong những người đề xướng thơ mới, há có lẽ nào mới giáp mười năm mà tôi đã quay lại nó mà phản đối hay sao?

Sợ cho anh em trong làng thơ mới không rõ đầu đuôi, tin lời báo Tiếng dân rồi chưởi tôi là thằng phản phúc, nên cực chẳng đã tôi phải viết bài nầy đính chánh, − đáng thương hại cho ngòi bút của tôi cứ luôn luôn là đính chánh.

Trong số 1594 báo Tiếng dân viết rằng: “Ông Phan Khôi trước có hùa vui viết thơ mới một đôi bài … nay thấy trong làng thơ mới của bọn trẻ có lắm bài vô nghĩa, trong Dân báo ông Thông Reo (hiệu ông Phan Khôi) có bài dưới mục “Chuyện hằng ngày” (số ra ngày 25/6/1941) cho thơ mới là một cái tai nạn của văn học, xem đó đủ thấy giá trị thơ mới ngày nay là thế nào”.

Đoạn đó ở trong “Lời nói đầu” của Việt ngâm thi thoại đăng ở số báo nói trên, dưới ký là Minh Viên.[2]

Tiếp số sau, 1595, ra ngày 12/7/1941, nơi mục “Chuyện đời”, Chuông Mai viết: “Nhà túc học và tay đàn anh trong làng báo là ông Thông Reo (tức Phan Khôi) trước kia giữa phong triều thơ mới, nhớ như ông có viết một bài về cái đề “mua sò trên xe lửa” … Nhưng[3] mới đây ông kinh hoảng mà la lớn: “Một tai nạn trong văn học” (bài nầy trong Dân báo ra ngày 25/6/1941) trong bài nầy ông chỉ vạch những câu vô nghĩa trong thơ mới rất là rành rẽ. Xem đó đủ thấy trưng triệu đổ sụp của thơ mới. Chuông Mai rất biểu đồng tình với … bạn Thông Reo mà hô lớn rằng: Xứ ta còn sản xuất thứ thơ mới là một điều vô phúc cho làng văn nước nhà”.

Xem đó, bạn đọc thấy Tiếng dân nói rõ ràng rằng tôi cho thơ mới là một tai nạn của văn học và Chuông Mai tỏ ý muốn cùng tôi đánh đổ thơ mới. Mà nói như thế, báo Tiếng dân lấy chứng cứ ở đâu? Chỉ lấy ở bài đăng dưới “Chuyện hằng ngày” trong Dân báo của Thông Reo.

Thông Reo, báo Tiếng dân nói là hiệu của tôi, điều đó rất là vô lý, tôi không nhận. Tuy vậy, cho đi rằng Thông Reo tức là Phan Khôi nữa, thì cũng nên xem lại thử bài ấy Thông Reo nói những gì.

Nguyên văn bài ấy ra ngày 25/6/1941 dưới mục “Chuyện hằng ngày” trong Dân báo là như vầy:

MỘT TAI NẠN CỦA VĂN HỌC

(đó là cái đề)

Nền văn học Việt Nam mới gầy dựng lên vài chục năm nay, đến nay bỗng dưng gặp một tai nạn lớn. (lược và đoạn không quan hệ) Cái tai nạn gì thế? Chẳng có gì lạ, chỉ là viết văn không nghĩa. (lại lược một câu)

Phàm văn, khoan cầu hay đã, trước phải cầu cho có nghĩa. Phải có nghĩa đã, rồi sau mới nói đến hay hay dở.

Nhưng hiện nay có một hạng văn sĩ, hình như họ chỉ cầu cho hay, còn có nghĩa hay không, họ không cần. Bởi vậy thường có những câu vô nghĩa trong văn họ mà có lẽ họ gọi là hay đó.

Một tập thơ xuất bản đã lâu, nhan là Tinh huyết, tác giả là Bích Khê, mà đến ngày nay tôi mới đem ra chỉ trích cũng hơi muộn. (lại lược một câu)

Một bài đề là Hoàng hoa trong có những câu như vầy:

Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời,
Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi.
Vàng phai nằm im ôm non gầy,
Chim yên eo mình nương xương cây.

“Lam nhung” là gì? “Xanh nhung” là gì? “Chim yên” là gì? “Xương cây” là gì? Chẳng có nghĩa gì cả. (lược bỏ nhiều câu ở dưới vì đều thế cả)

Không hơi đâu mà kể cho hết cái vô nghĩa của họ … Họ điên chăng? Nếu thế, chỉ có người điên mới hiểu mà thôi.

Coi như trên đó, Thông Reo có hề công kích thơ mới không? Nếu Thông Reo có công kích thơ mới thì tôi cũng xin nhận là tôi − Phan Khôi − có công kích thơ mới.

Không hề! Thật là không hề! Thông Reo chỉ công kích sự viết văn vô nghĩa mà thôi, chứ có hề công kích thơ mới đâu?

Nguyên văn, Thông Reo nói: “Cái tai nạn gì thế? Chẳng có gì lạ, chỉ là viết văn không có nghĩa”.

Thông Reo nhận cho sự viết văn không có nghĩa là một tai nạn của văn học.

Thế mà đến báo Tiếng dân, báo ấy nói rằng: “Ông Thông Reo (hiệu ông Phan Khôi) cho thơ mới là cái tai nạn của văn học”!

Thế là Tiếng dân nói sai. Tôi xin cải chánh.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Tiếng dân: nhật báo, ra ngày thứ tư và thứ bảy, số 1 ra ngày 10/8/1927, số cuối cùng ra ngày 24/4/1943; tòa soạn: phố Đông Ba, Huế; chủ nhiệm kiêm chủ bút: Huỳnh Thúc Kháng.
  2. Minh Viên là tên hiệu đồng thời là một trong số các bút danh của tác gia Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)
  3. Đoạn nầy vì tôi có bỏ bớt nguyên văn nên có thêm một vài chữ cho chạy ý, như chữ “nhưng” này (nguyên chú của Phan Khôi)