Bộ đãy

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bữa kia thượng đế phán rằng: “Cho nhơn vật mọi loài đến nơi chân bệ hạ: Nếu có điều chi bất bình trong lòng thì khai ra đừng ngại, trẫm sẽ chữa cho. Khỉ lại đây, nhà ngươi hãy nói trước đi, nói vậy thì cũng đủ biết. Thôi, coi lấy các thú vật đó, so sánh với ngươi coi ai xinh tốt hơn ai. Ngươi có bằng lòng không? — Muôn tâu bệ hạ, tôi có chi mà chẳng bằng lòng, cũng có bốn cẳng như thú vật khác. Hình dung tự thuở nhẫn nay chẳng làm cho tôi phiền hà. Mà cái anh gần tôi đó, chưa có được toàn vẹn; nếu anh gấu tin tôi, thì chẳng hề cho họ vẽ chân dung.” Đó kế đâu gấu vừa tới, ai cũng tưởng nó phàn nàn, ai dè chẳng than thở chút nào: nó lại càng khoe khoang khen ngợi hình dáng nó quá nữa, bắt tì bắt ố[1] con voi, nói phải thêm nơi đuôi, bớt nơi tai, thì mới xứng, chớ cái gì một đống vô hình vô dạng xấu xa coi đà không đặng. Tới quận voi, tuy khôn ngoan mặc dầu cũng không chịu nín, xốc ra tranh đua tốt xấu với chúng: theo ý nó đoán, thì mụ cá voi là to hình lớn vóc quá. Mụ kiến lại lấy con mạt làm nhỏ quá, vì tưởng mình đâu cũng to lớn lung lắm. Vua trời đuổi ra ráo, thú nào cũng có khen mình chê chúng hết. Mà đều con nào cũng bằng lòng. Song le loài người là khùng khịu hơn hết các loài, vì ta sống bao lâu, thì bấy lâu ấy việc người thì sáng việc mình thì quán, ta dung thứ cho ta mọi sự, còn kẻ khác thì ta chấp nhứt từ điều; mình chẳng đem con mắt xem người mà xem lấy mình. Đấng hóa công sanh ta có mang một bộ đãy, cả thảy một cách với nhau, người thuở xưa cho tới kẻ đời nay cũng vậy; sanh có một cái đãy đằng sau đựng những lỗi ta, còn một cái đằng trước chứa những lỗi của người khác.

   




Chú thích

  1. Bắt lỗi bắt phải, xét nét điều yếu kém, xấu xí của người khác.