Bước tới nội dung

Con dơi và hai con cầy

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine, do Nguyễn Văn Vĩnh dịch
La Chauve-Souris et les deux Belettes - Con dơi và hai con cầy

CON DƠI VÀ HAI CON CẦY

     Dơi bay quạng xẩy khi chúi cổ,
     Choạng ngay vào cửa tổ con cầy.
        Cầy này ghét chuột xưa nay,
Chạy ra đã định vồ ngay dơi già:
     — Giống mi đã cùng ta làm hại,
     Sao cả gan dám lại nơi đây?
        Phải chăng chính chuột là mày:
Nếu không chẳng phải đời cầy nhà tao!
     Dơi van lạy:
                   — Lượng cao soi-xét
     Tôi thực không phải kiếp chuột mà;
        Ai đâu đặt-để sai-ngoa.
Trời sinh tôi quả vốn là kiếp chim.
     Còn đôi cánh hiển-nhiên thượng-tại,
     Chúc vạn niên điểu-loại cao bay!
        Lời cung nghe lọt tai cầy,
Tức thì phóng-xá cho bay về nhà.
     Cách khi đó một và hôm nữa,
     Dơi lại choàng vào cửa hang cầy.
        Cầy này tính ghét chim bay,
Té ra Dơi lại gặp ngày nguy nan;
     Cô dài mõm đã toan ra bắt:
     — Mày là chim, tao quật chết tươi.
        Dơi sao cũng khéo mau lời;
— Xin ngài nhìn kỹ hình tôi chim nào.
     Chim có đủ vũ-mao mới phải,
     Tôi vốn là thú-loại xưa nay.
        Chúc xin Thử-quốc lâu dài!
Hoàng-thiên hại hết những loài miêu-nhi!
        Khen dơi biến trá cũng kỳ,
Nhờ mưu khôn thoát hiểm-nguy hai lần.

               Thơ rằng:

     Liệu gió khen ai khéo phất cờ,
     Đổi lời cầu thoát lúc nguy-cơ.
     Sẵn câu vạn-tuế trên đầu lưỡi,
     Chúc Hán khi xưa, chúc Ngụy giờ.


Nguồn