Bước tới nội dung

Hoàng Lê nhất thống chí/XIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XIII

Sau khi được cầm quyền-chính, Nguyễn Hữu-Chỉnh liền sửa nhà riêng ở tòa Lượng-phủ để ở.

Năm ngày Chỉnh mới vào triều một lần; lui triều, thì ta ngồi ở chính-đường làm việc. Còn những ngày khác, nếu có việc gì, bất-cứ việc quân việc dân, các quan đều phải đến tận nhà Chỉnh, xin Chỉnh quyết-định. Từ đó, quyền Chỉnh thật là ngang với nhà vua, thế Chỉnh có thể lật nghiêng cả nước.

Bấy giờ tiền-bạc trong nước, phần nhiều bị các nhà giàu giấu cất, nhân-dân rất khổ về nạn khan tiền, vật-giá đắt lên vòn-vọt. Chỉnh bèn xin với triều-đình, ra lệnh thu hết tượng đồng chuông đồng các chùa, đem về kinh-sư mở lò đúc tiền. Rồi Chỉnh thả cho thủ-hạ đi khắp tứ phía, cướp bóc chuông tượng của các làng xóm. Người nào mà dám giấu diếm, tức thì bị chúng bắt về khảo đả nghiêm-trị. Duy có pho tượng đồng đen ở quán Chấn-vũ phía bắc kinh-thành, chúng không dám lấy mà thôi. Thấy Chỉnh làm việc như vậy, dân chúng ai cũng ca thán. Một hôm, có người dân ở ngoài cửa Đại-hưng hai câu như vầy:

« Thiên-hạ thất tự chung, chung thất nhi đỉnh an tại?

« Hoàng-thượng phần vương-phú, phủ phần tức điện diệc không »

Dịch ra quốc-văn thì là:

« Thiên-hạ mất chuông chùa, chuông mất, vạc ở đâu được?

« Hoàng-thượng đốt phủ Chúa, phủ đốt điện cũng trơ thôi!

Chỉnh nghe câu đó lấy làm bực tức, tự biết những việc mình làm đều không hợp với công-luận. Bởi vậy, Chỉnh càng mượn thế, làm oai, để hòng khóa miệng thiên-hạ.

Hồi Chỉnh trốn theo quân Nam có viên võ-ban là Hoàng Đình-Sước vâng chỉ đốc lính canh giữ kinh-thành. Thấy người nhà Chỉnh đeo gươm chạy ở trên đường, Sước bắt lại hỏi. Người ấy xin nộp thanh gươm. Sước thả cho đi. Lần này Chỉnh ra, Sước đương cầm quân đóng ở Kinh bắc, liền về xin ra mắt Chỉnh trả lại thanh gươm. Lập tức Chỉnh sai bắt Sước bỏ ngục. Vì nghe nói nhà Sước rất nhiều đồ quí, Chỉnh bèn đòi lấy kỳ hết, rồi mới tha Sước.

Những việc Chỉnh làm đại-khái tàn-bạo như thế, không còn kiêng kỵ gì cả.

Muốn cả oai-thế, Chỉnh tự đặt tên đạo quân của mình là đạo Vũ-thành. Trong đạo chia ra năm dinh. Dinh quân trong, chia làm hai vệ, gọi là Thiết-kỵ, Thiết-đội, mỗi vệ năm đội, khí giới quần áo đều theo dùng như thể-lệ triều Thanh, để phân-biệt với các toán quân khác. Ở trong Lượng-phủ, nơi của Chỉnh ở, nhà cửa lâu đài, xe kiệu xiêm áo, hết thảy chế theo kiểu mới, để tiếm ngang với nhà vua. Trong thì người coi binh-cơ, ngoài thì người giữ phiên-trấn, những chỗ cơ-mật trọng-yếu, đều do vây cánh của Chỉnh chiếm giữ. Tất cả các việc Chỉnh đều làm rồi mới tâu với vua. Thậm-chí có việc bàn-định tại triều mà vua không biết. Bởi vì uy quyền của Chỉnh lớn quá, hình-tích lộ hệt, cho nên dư-luận sôi nổi, ai cũng đoán rằng: Chỉnh sẽ làm Chúa. Và rồi Chỉnh sẽ hiếp-chế nhà vua tệ hơn Chúa Trịnh ngày xưa.

Hoàng-thượng cũng hơi ngờ Chỉnh. Một hôm ngài đuổi bọn người chung quanh, rồi bảo với hai viên nội-hàn là Ngô Vi-Quí và Lê Xuân Hợp:

— Chỉnh tuy có công bảo-vệ, nhưng đã thấy hắn dần dần có vẻ lấn bức. Nếu như có thể chẹn ngay lúc đầu, khiến hắn không thể càn dông được nữa, thì mới đúng với thuật « nuôi cắt »[1]. Nhược bằng để cho oai-thế của hắn đã thành, rồi ra chắc khó trị, ấy là « nuôi cọp để lo về sau ». Các ngươi hãy nên tính kỹ cho trẫm.

Hai người cùng thưa:

— Lũ thần xem ra, Chỉnh là một kẻ ý-nghĩ hiểm-độc, bụng-dạ tàn-nhẫn, cơ-mưu sâu-sắc, giả-trá khôn-khéo, ưng biến lại rất nhanh-nhẹn, con người ấy chưa chắc đã là năng-thần của đời trị, thật là gian-hùng của đời loạn. Chồn sói không phải là vật có thể dạy-dỗ, yêu-quái không phải là giống có thể kiềm-chế, chỉ nên giết đi là xong. Nhưng giết hắn cũng phải có cách. Bệ-hạ nên coi hắn là người tâm-phúc, đãi hắn bằng cách kính-lễ, cho hắn ra vào cung-cấm, không tỏ vẻ gì nghi ngờ. Rồi thì thỉnh-thoảng mời hắn vào điện bàn việc, luôn thể đặt tiệc, ép cho hắn uống thật say. Vài lần như thế, để hắn quen đi, bấy giờ mới dùng thuốc độc mà giết. Như vậy, mới khỏi lộ hình-tích và khỏi sinh ra biến-loạn.. Theo ý nông-nổi của lũ thần, chỉ có cách ấy là hơn.

Hoàng-thượng khen phải và nói:

— Chuyện này ra ở miệng ngươi, vào trong tai trẫm, đừng để cho người nào biết. Kinh Dịch đã nói: « Làm vua không kín chuyện thì mất bề tôi, làm tôi không kín chuyện thì mất thân mình », các ngươi phải nhớ như vậy. Bao giờ cơ-hội có thể làm được, trẫm sẽ bảo với các ngươi.

Cách đó ít lâu, một hôm có viên nội-hàn tên là Vũ Chinh nhân khi thong thả lên chầu, hoàng-thượng bèn đem ý đó nói ngầm với Chinh. Chinh giật mình hỏi:

— Người nào bày cho bệ-hạ cái mưu-kế ấy? Thần trộm lấy làm lo ngại! Hiện nay ở ngoài đương có cường-địch, tại nơi biên-thùy tin cáo cấp báo đến luôn luôn, bên trong triều-đình vẫn không hòa nhau, người nọ ngờ vực người kia. Bệ hạ đã dùng Chỉnh làm nanh vuốt, thì nên đối đãi bằng cách thành thật để cho hắn được vui lòng. Hễ mà biết cách giới-ngự thì kẻ loạn-thần có thể thành kẻ năng-thần. Sao lại đón trước sự chưa xẩy ra mà vội không tin từ trước. Bây giờ hình-tích của hắn chưa lộ, bệ-hạ đã tự đem lòng nghi-kỵ, e rằng họ hàng bè đảng của Chỉnh đều cầm đại-binh, ở nơi trọng-yếu, chẳng khác quân cờ bầy khắp trong ngoài, một khi có biến, kẻ ở kinh-thành sẽ làm những việc hại cho xã-tắc, kẻ ở ngoại trấn sẽ chạy sang luôn đất giặc. Ấy là mình tự cắt vây cắt cánh của mình để giúp cho quân thù vậy.

Hoàng-thượng liền đổi sắc mặt và nói:

— Nếu ngươi không nói thì ta sẽ lầm,

Tức-thì ngài đòi Vi-Quí, Xuân-Hợp vào quở và dặn phải thôi việc đó.

Về sau chuyện ấy cũng đến tai Chỉnh. Chỉnh rất oán vua bạc-bẽo và muốn phá ngầm những người bày ra mưu đó. Có hôm Chỉnh bảo với viên bộ-tướng là Nguyễn Như-Thái:

— Ta đi khắp nước, không người nào dám trông thẳng vào mặt. Mấy thằng đồ nho lại dám cả gan như vậy! Để đó, khi nào trẩy quân, ta dùng chúng nó thử xem gươm có sắc không, để cho chúng nó xuống dưới âm-ty bày vẽ mưu mẹo với vua Thập-điện!

— Thái hỏi người nào, Chỉnh đáp:

Ngô Văn-Quí và Lê Xuân-Hợp, hai tên bề-tôi thân-cận của vua.

Từ đó Chỉnh cứ ở luôn nhà riêng không hề vào triều. Các việc quân-quốc đều sai người khác vào tâu. Hoàng-thượng có muốn tỏ ý nên chăng, thì ủy mấy viên đại-thần như Phan Lê Phiên, Trần Công-Sán, Vũ-Chinh đến tận nhà Chỉnh mà nói.

Chinh là người làng Xuân-liên huyện Lương-tài, nổi tiếng là bậc có tài nhanh nhẹn, Chỉnh vẫn có ý kính-nể Một hôm, trời rét như cắt, bọn Phiên ngồi ở triều-đường cắt Chinh một mình đi đến nhà Chỉnh phúc-từ về một việc quân. Hoàng-thượng dặn Chinh nhân tiện biện-bạch với Chỉnh về chuyện hiềm-nghi ngày nọ.

Tới nơi, Chinh phải ngồi đợi ở trên Linh-các, đã lâu vẫn không được vào. Một người hành-tẩu dưới Các lên nói với Chinh:

Thượng-công đương ở trong nhà uống rượu. Bây giờ không phải là giờ tiếp khách, quan lớn hãy về.

Chinh nói thật to mà rằng:

— Việc quân khẩn cấp không thể báo chậm! Thượng-công ngồi chơi, chỉ cách hai tấm cánh cửa, sao lại lấp tịt không thông, xa hơn nghìn dặm? Tôi vì việc công vào đây, không phải là đến chơi riêng, không thể về được!

Chỉnh ở bên trong nghe tiếng, vội vàng sai đưa Chinh vào. Sau khi nói hết công việc, Chinh cáo xin về, Chỉnh nói:

— Việc đó đã có tỳ-tướng của quận Thái chờ hầu, đưa binh-phù ra là xong! Không cầu phải quan nội-sứ tâu lại. Hãy ngồi lại đây uống chén rượu đã.

Rồi Chỉnh rót một chén lớn đưa Chinh

Chinh chối không uống. Chỉnh hỏi:

— Quan Nội-hàn nghi ta chăng?

Chinh liền đứng dậy tạ lỗi, xin uống, rồi nói:

— Tôi là một kẻ bất-tài, được thu dùng đã là quá lạm. ngày nay gây-dựng số-mệnh cho tôi đều ở nhà vua và quan tể-tướng. Cái chuyện « bôi cung sà ảnh »[2], tôi đã hiểu biết. Đâu dám có lòng nghi ngờ?

Chỉnh nín lặng không nói sao. Tan tiệc, Chinh ra bảo với Thị-sự Nguyễn Khuê:

— Gần đây lắm kẻ bịa đặt tin nhảm, trăm điều không có lấy một điều thật. Bọn gian-nhân đó thêu dệt ra những lời gièm không có căn-cứ, để gây sự nghi-hoặc cho cả người trong người ngoài. Sự đó, sực nghĩ của hạng tầm-thường cũng còn có thể khám-phá, huống-chi một người sáng suốt như ông lớn nhà ta, chắc không để những câu ấy vào tai. Song mà về phần hình-tích, có lẽ ngài cũng chưa khỏi nhận lầm. Tôi e vì thế mà kẻ đặt chuyện lại càng đặt ra nhiều chuyện: « Cọp chợ » là việc quyết không thể có, thế mà đến ba người nói, kẻ nghe cũng không dám chắc là có hay không[3]. Huống-chi những kẻ bịa chuyện, không phải chỉ có ba người mà thôi. Bởi vậy, tôi muốn nói cho rõ rệt, để lấp cái nguồn ngờ vực từ khi nó còn ly-ty, khiến cho giữa khoảng vua tôi tình ý thông-đạt, người trên người dưới cùng yên một bề với nhau, như thế há chẳng hay hơn?

Khuê đáp:

— Vâng! Ông cứ về!

Sáng mai, Khuê đem lời Chinh thuật lại với Chỉnh. Chỉnh nói:

— Lời người ta nói cố-nhiên không thể tin cả, nhưng cũng không phải hoàn-toàn là không có gì. Ta đã nhìn kỹ tướng-mạo hoàng-thượng, ngài là một người nhẫn-tâm và đa-nghi. Việc ấy chắc có. Tuy vậy, dù có, dù không, cũng chẳng người nào làm gì được ta. Trong lúc bốn bên đương có giặc giã, hãy gác lại đó.

  1. Cổ ngữ có câu « nuôi kẻ ác như nuôi chim cắt, cho ăn đói thì nó ở, cho ăn no thì nó đi ». Câu này nói theo ý đó.
  2. Cung chén bóng rắn, Tấn-thư chép rằng: Trong lúc Nhạc-Quảng thết rượu một người khách thân, trên vách có treo một chiếc cung sừng. Bóng cung in vào chén rượu, người khách tưởng là con rắn. Trong bụng rất ghét, uống rồi thành bệnh. Quảng phải viết thư, nói rõ nó là cái bóng cung, bệnh của người ấy mới khỏi.
  3. Chiến-quốc-sách chép rằng: Bàng-Thống và Thái-Thái phải làm con tin ở Hàm-đan, khi đi, bảo vua Ngụy rằng: « Một người nói chợ có cọp, vua có tin không? » Vua Ngụy đáp không. Thống hỏi: « Hai, ba người nói chợ có cọp, vua có tin không? » Vua Ngụy đáp: « Quả-nhân phải tin ». Thống-nói: « Chợ không có cọp rõ-ràng, thế mà đến ba người nói, thì thành ra chợ có cọp. Nay Hàm-đan cách Đại-lương còn xa hơn chợ. Kẻ nói về tôi, không phải chỉ có ba người, xin vua xét cho ». Câu này nói theo điển ấy, ý muôn chỉ về những lời gièm không đâu.