Luật Quyền tác giả Hợp chúng quốc Hoa Kỳ/Chương 1/Điều 109

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Quyền tác giả Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
của Chính phủ Hoa Kỳ, do Cục Bản quyền tác giả dịch
Điều 109. Hạn chế đối với các quyền độc quyền: ảnh hưởng của việc chuyển nhượng các bản sao hoặc các bản ghi

Điều 109: Hạn chế đối với các quyền độc quyền: ảnh hưởng của việc chuyển nhượng các bản sao và bản ghi cụ thể

(a). Không trái với các quy định tại Điều 106 (a), người chủ sở hữu đối với các bản sao hoặc bản ghi cụ thể hợp pháp theo quy định của Điều luật này hoặc bất kỳ một người được uỷ quyền nào khác từ người chủ sở hữu đó không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả trong việc bán hoặc định đoạt khác quyền sử dụng đối với bản sao hoặc bản ghi đó. Không trái với các quy định tại câu trên, bản sao hoặc bản ghi của các tác phẩm thuộc đối tượng quyền tác giả phục hồi theo Điều 104A mà đã được sản xuất trước ngày phục hồi quyền tác giả hoặc liên quan đến các bên uỷ thác, trước khi công bố hoặc gửi thông báo theo Điều 104A (e), có thể được bán hoặc định đoạt khác mà không có sự cho phép của chủ sở hữu của quyền tác giả phục hồi nhằm mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp thu lợi nhuận chỉ trong thời hạn 12 tháng bắt đầu vào:

(1). Ngày công bố tại Cơ quan đăng ký Liên bang thông báo về ý định này được nộp tại Cục Bản quyền tác giả theo Điều 104A (d)(2)(A), hoặc
(2). Ngày nhận được thực tế thông báo được gửi theo Điều 104A(d)(2)(B), tuỳ thuộc vào thời điểm nào xảy ra trước.

(b).

(1).
(A). Không trái với các quy định của Khoản (a), trừ phi được sự cho phép của người chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm hoặc người chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính (bao hàm bất kỳ băng đĩa hoặc các dạng vật chất khác chứa đựng chương trình), và đối với các bản ghi âm mà trong đó tác phẩm âm nhạc được thể hiện, không một ai là chủ sở hữu của bản ghi âm cụ thể đó cũng như bất kỳ một người chiếm hữu bản sao của chương trình máy tính (bao hàm bất kỳ băng, đĩa hoặc các dạng vật chất khác chứa đựng chương trình) có thể, cho mục đích lợi nhuận thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp, định đoạt hoặc cho phép định đoạt đối với quyền sử dụng của các bản ghi hoặc chương trình máy tính đó (bao hàm bất kỳ băng, đĩa hoặc các dạng vật chất khác chứa đựng chương trình) thông qua việc cho thuê, cho mướn hoặc cho mượn hoặc thông qua các hành vi hoặc hoạt động khác có bản chất thuê, mướn, mượn. Không một điểm nào trong quy định trên sẽ được áp dụng đối với việc cho thuê, cho mướn, cho mượn vào mục đích phi thương mại hoặc cho các tổ chức giáo dục thư viện phi lợi nhuận. Chuyển giao quyền sử dụng một bản sao chương trình máy tính được tạo ra hợp pháp bởi tổ chức giáo dục phi lợi nhuận cho các khoá, các giảng viên và học sinh, sinh viên không cấu thành việc cho thuê, cho mướn, cho mượn cho mục đích thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp theo quy định của Khoản này.
(B). Điều khoản này không áp dụng đối với:
(i). Chương trình máy tính được thể hiện trong một máy móc hoặc một sản phẩm và chương trình này không thể sao chép được trong khi hoạt động thông thường hoặc sử dụng máy móc hoặc sản phẩm đó;
(ii). Chương trình máy tính được thể hiện trong hoặc được sử dụng liên quan đến một chức năng xử lý vi tính hữu hạn mà được thiết kế cho mục đích chạy chương trình video trò chơi và có thể được thiết kế cho các mục đích khác.
(C). Không một quy định nào của Khoản này ảnh hưởng đến các quy định tại Chương IX của Điều luật này.
(2)
(A). Không một quy định nào của Khoản này được áp dụng đối với việc cho thuê chương trình máy tính cho mục đích phi thương mại bởi thư viện phi lợi nhuận, nếu từng bản sao của chương trình máy tính được cho thuê bởi thư viện đó đã được đóng dấu trên vỏ chương trình khuyến cáo bản quyền phù hợp với các yêu cầu mà cơ quan đăng ký bản quyền quy định trong bản quy chế.
(B). Trong vòng 3 năm kể từ ngày ban hành Luật sửa đổi về cho thuê phần mềm máy tính năm 1990, và vào các thời điểm khác sau đó mà cơ quan đăng ký xét thấy thích hợp, cơ quan đăng ký sau khi tham khảo ý kiến của các đại diện chủ sở hữu quyền tác giả và đại diện thư viện sẽ đệ trình lên Quốc hội bản báo cáo về những gì đạt được trong việc thực thi mục đích duy trì sự toàn vẹn của hệ thống quyền tác giả trong khi vẫn tạo điều kiện cho các tổ chức thư viện phi lợi nhuận khả năng hoàn thành chức năng nhiệm vụ của họ. Những bản báo cáo này sẽ tư vấn cho Quốc hội các thông tin và các khuyến nghị mà cơ quan đăng ký xét thấy cần thiết để thực hiện mục đích của Điều khoản này.
(3). Không một điều nào trong Điều khoản này ảnh hưởng tới các quy định của Luật chống độc quyền. Trong phạm vi của Điểm trên, "Luật chống độc quyền" có nghĩa như được quy định về thuật ngữ này tại Điều thứ nhất của Luật Clayton và bao hàm trong Điều 5 của Luật về Uỷ ban thương mại Liên bang tới các Điều khoản liên quan tới các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh.
(4). Bất kỳ người nào phân phối bản ghi hoặc bản sao chương trình máy tính (bao hàm bất kỳ băng, đĩa hoặc các dạng vật chất khác chứa đựng chương trình) trái với Điểm (1) là những người vi phạm quyền tác giả theo Điều 501 của Điều luật này và thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi nêu tại Điều 502, 503, 504, 505 và 509. Các vi phạm đó không phải là các tội phạm hình sự theo Điều 506 hoặc đưa người này vào đối tượng của các hình phạt hình sự nêu tại Điều 2319 của Điều luật số 18.

(c). Không trái với các quy định của Điều 106 (5), chủ sở hữu của các bản sao được tạo ra hợp pháp theo Điều luật này, hoặc bất kỳ người nào được uỷ quyền của những người đó, không cần sự cho phép của người chủ sở hữu quyền tác giả, được quyền trưng bày bản sao đó công khai, hoặc là trực tiếp hoặc là thông qua chiếu hình nhiều hơn một hình ảnh một lúc lên các màn hình đặt tại nơi mà để bản sao.

(d). Trừ phi được phép của người chủ sở hữu quyền tác giả, đặc quyền quy định tại Khoản (a) và (c) không mở rộng đối với bất kỳ người nào có được quyền sử dụng đối với bản sao hoặc bản ghi từ người chủ sở hữu đó thông qua thuê, mướn, mượn hoặc các hình thức khác mà không có quyền sở hữu đối với chúng.

(e). Không trái với các quy định của Điều 106 (4) và 106 (5), đối với các trò chơi nghe nhìn điện tử nhằm mục đích sử dụng trong các thiết bị hoạt động bằng xu, người chủ sở hữu bản sao trò chơi đó được tạo ra hợp pháp theo Điều luật này, không cần sự cho phép của người chủ sở hữu quyền tác giả đối với trò chơi đó, được quyền trình diễn hoặc trình bày công cộng trò chơi đó trong các thiết bị hoạt động bằng xu. Ngoại lệ tại Điều khoản này sẽ không áp dụng đối với bất kỳ tác phẩm của tác giả nào thể hiện trong trò chơi nghe nhìn đó nếu người chủ sở hữu quyền tác giả của trò chơi nghe nhìn điện tử đó không đồng thời là người chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm của tác giả này.