Nếu tôi là học phiệt

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nếu tôi là học phiệt  (1937) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Dương tạp chí, Hà Nội, số 31 (11 Décembre 1937), trang 19-20, 22.

Trả lời ông Phạm Mạnh Phan

Đức Thánh ngày xưa từng than rằng “Phú quý như phù vân!” Ngày nay, tự tôi thấy ra thì phú quý là vật có mà không, chưa lọt vào tay đã sẩy, nó biến huyễn vô thường còn quá phù vân nữa!

Người ta mới vừa phong cho mình cái chức học giả – đối với chúng tôi nó là một thứ phú quý – mình chưa kịp ngửa tay ra nhận thì bỗng một tràng lý luận, bắt tròn bắt méo, buộc tội, lên án, rồi thủ tiêu phăng cái chức ấy đi: học giả hóa ra học phiệt!

Té ra cái sự phong chức đó không phải do người ta thường tưởng đến mình có công lao chi mà thù đáp. Bằng sắc đưa đến nhà chẳng qua để đổ trên đầu mình một mớ trách nhiệm, cho tiện mà trách móc, hành hạ, dằn lên vật xuống, rốt cuộc chỉ có tốn công thu nó lại!

Rõ thật phiền đi thôi! Tôi xin cảm ơn các ngài! Cố nhiên từ trước tôi chưa hề nhận lãnh một cái chức tước nào; tôi còn phải tuyên bố lên đây mà từ chối nhất thiết rày về sau, một lần cho hết thảy. Học giả! Chẳng học giả nữa thì chớ!

Cái cảm tưởng trên đó bởi tôi đọc bài ông Phạm Mạnh Phan nói về tôi trong Đông Dương tạp chí số 27 mà phát ra.[1] Dù thế nào mặc lòng, tôi cũng xin cảm ơn ông, vì ông đã chỉ ra cho tôi những điều khuất lấp, người ta để ý đến mà tôi lại cứ tưởng là vô sự.

Về sự học, không dám nói khoe, tôi tự cho tôi là ngay thật, đến ngay thật đối với chính mình. Tuy vậy, tôi không dám nói tôi tự biết mình bằng một người khác biết tôi. Do lẽ ấy, tôi “có phải là một nhà học phiệt không?”, câu hỏi của ông Phạm Mạnh Phan đặt trên đầu bài, tôi không có thể trả lời dứt khoát để vừa ý ông được. Tôi chỉ xin giải ra đây cái cớ mấy lần làm thinh trong khi bị công kích ở bài ông Phạm đã nêu ra, mong bạn đọc cùng ông xét đoán.

Những cái làm thinh mà tự tôi cho là chính đáng ấy, cái cũ đến nay đã sáu bảy năm, cái mới cũng đã hai ba năm, tưởng nó đã mục đi dưới đống thời gian rồi. Không ngờ hôm nay nhờ có người bới lên mà một câu chuyện trong đó ý giả lại muốn trở nên một vấn đề mới mẻ, hợp thời, cần cho chúng ta đem ra nghị luận: ấy là câu chuyện ông Nguyễn Khắc Hiếu công kích tôi trong An Nam tạp chí.

Lúc bấy giờ tôi đã không phản công lại ông Hiếu, sự đó chẳng những là một điều đắc sách của tay nhà nghề viết báo, mà đến nay, dưới con mắt người nào biết nghĩ, còn thấy là một cuộc thắng lợi êm ái của một tư trào. Thế thì tôi tưởng trong việc đó người ta chẳng nên trách tôi làm chi.

Nói không có ý khoa trương chi, tôi chỉ cần khai thực ra rằng tôi, sau cái thời kỳ làm một viên biên tập hạng bét của tạp chí Nam phong, là một nhà viết báo hơi có ý thức, hơi có kế hoạch. Vào khoảng năm 1928 giở đi, tôi thấy sao trong nước có nhiều sự biến động phi thường mà về đường tư tưởng lại cứ để im lìm mờ tối. Nghĩ rằng một xã hội muốn đổi mới mà còn dung dưỡng những tư tưởng cũ là không thể được, toan tảo trừ nó, tôi dấn thân ra làm một tên lính tiên phong. Bắt đầu tôi chỉ trích Khổng giáo trong báo Thần chung. Rồi trên Phụ nữ tân văn, Trung lập, tôi khống cáo cái thuyết tam cang, đả phá cái chế độ đại gia đình. Riêng về phụ nữ, tôi vì họ xóa cái luật nam tôn nữ ty, giảng lại nghĩa chữ “trinh”, binh vực sự cải giá là vô tội. Còn nữa, trên tờ Đông tây của ông bạn chết rồi Hoàng Tích Chu ở Hà Nội, tôi bài xích cái học của Tống nho vì nó còn lưu độc trong xã hội; tôi tuyên bố nước ta không có quốc học để ai nấy tỉnh ngộ ra, đừng ôm lòng tự phụ nữa mà lo thu thái các món học của ngoại quốc.

Làm việc ấy, tôi tin rằng rất có lợi cho nền văn hóa tương lai của nước nhà, nhưng riêng về phần tôi, tôi đã chịu một sự thiệt hại quá lớn, không biết ngày nào vớt vát lại được! Là vì những bài báo đó mà tôi, kẻ làm con ngoài 40 tuổi còn để đến phật lòng cha! Thầy tôi, một vị đại khoa, túc nho, từ đó lấy làm bất bình về tôi lắm, đến nỗi lúc lâm chung còn tỏ lòng phẫn khái trong câu tự điệu này: Phụ tử gia đình phân học thuật ! Người làm con gặp cảnh ấy có khi phải hối hận mà đến chết đi được. Nhưng tôi còn muốn sống, tôi đã chẳng hối hận mà trở lại lấy làm điều an ủi cho mình. Tôi lau nước mắt mà nói rằng: Giữa cha con, còn có học thuật để chia rẽ nhau, chẳng hơn không có cái gì, hay là chẳng hơn chia rẽ bằng cái khác!  

Chuyện riêng trong gia đình, đáng giấu đi mà tôi đem ra mà nói, để bạn đọc biết rằng vì quyết lòng làm một việc mà dám hy sinh một cái ái tình, thì việc ấy có lẽ là chẳng phải việc tầm thường. Vì việc ấy mà ông Nguyễn Khắc Hiếu công kích tôi, cũng chẳng lấy gì làm lạ, chẳng qua ông đại biểu cho một phái người ôm tư tưởng cũ, mà trong đó có ông thân sinh ra tôi.

Một quốc dân đứng đắn, xứng với cái tên ấy, dù theo cũ hay mới cũng phải hết dạ trung thành, tỏ ra sự tin tưởng của mình là vững chãi. Bởi vậy ở các nước, trong khi một phái tư tưởng mới dấy lên, thế nào bên phái cũ cũng đứng ra phản đối. Ở nước ta, bọn nhà nho “gộc” họ đã đắc thời, họ không còn thiết chi nữa, thì kẻ phản đối tất nhiên là cậu ấm Tản Đà. Tôi phải nói để bà con đừng quên ông ấy: Không có Nguyễn Khắc Hiếu lần ấy thì hầu như không còn có chút sinh khí nào giữa quốc dân Việt Nam!

Theo như trên đó thì sự ông Hiếu công kích tôi ở An Nam tạp chí không là việc cá nhân tôi mà là một cuộc tranh nhau của tư tưởng cũ và tư tưởng mới. Ở một nước mà tư tưởng giới không trầm trệ thì gặp cơn đó, bên phe mới đã ó lên làm thành một cuộc bút chiến long trời lở đất rồi. Ở nước ta, lúc bấy giờ tôi cứ ngồi chờ xem thử có gì không. Nhưng im luôn, không có. Không có thì thôi!

Lúc bấy giờ tôi nói trắng, ông Hiếu nói đen. Nếu trả lời ông thì tôi sẽ phải nói trắng lần nữa, không thể thế được, cho nên tôi không trả lời. Tuy vậy, tôi tin quyết rằng phái tư tưởng mới thế nào rồi sau cũng thắng, chẳng cần phản công làm chi cho nhọc. Thì quả nhiên từ đó đến nay xã hội ta càng ngày càng đi tới, đến tôi mà cũng muốn hóa ra đồ cổ thì biết không còn có ai binh vực cái chủ trương của An Nam tạp chí.

Cái cớ chính làm tôi không trả lời ông Hiếu là ở đó. Còn một cớ phụ là vì ông ấy không sành nghề, không tuân cái quy củ của nghề làm báo, nói không có thể thống, nên tôi được phép làm thinh.

Ông Hiếu đã làm như quan tòa, ông xử tôi bị “án trảm” rồi bảo “có tự lấy làm oan thì cứ thân oan” thì là nghĩa gì? Thà điên cho ra điên, dại cho ra dại mà tôi không chấp… Tôi chỉ có là con vật hay đã mất tính người rồi thì mới trả lời cho một người công kích mình cách ấy!... Thế mà ông Phạm Mạnh Phan lại muốn cho tôi trả lời!...

Chỉ có lần làm thinh ấy đáng cho tôi cắt nghĩa nhiều, còn mấy lần khác xin nói sơ qua cũng đủ.

Một lần ở Hà Nội báo, tôi công kích cái danh từ “văn học tiểu thuyết” của Huyền Mặc Đạo Nhân, bảo rằng không thể thành lập được. Ông ấy không chịu, viết bài cãi lại. Vả trong khi công kích, tôi đã nói đủ lý do rồi, không biết nghe thì mặc kệ, tôi hơi sức đâu đi cãi nhau với người “hay chữ lỏng” ấy?

Một lần nữa ở báo Khuyến học có bài Tư tưởng Phan Khôi đã đến ngày phá sản, tôi không trả lời là phải lắm. Vì tác giả bài ấy đối với độc giả của mình báo cái tin “tư tưởng Phan Khôi phá sản”, không đối với tôi mà nói, thì tôi “ra miệng” làm chi?

Nói lý thì như thế, nhưng tôi phải thành thực cho ông Phạm Mạnh Phan biết rằng cái bài ở báo Khuyến học ấy viết không nên thân, chỉ là do một tay non nớt viết ra để khiêu khích, tôi dại gì đối đáp cho mắc mưu họ?

Xin ông Phạm biết cho rằng báo giới ta ở vào thời kỳ này khác lắm với thời kỳ của Nam phongHữu thanh. Lúc đó còn ít báo và trong làng báo cũng ít người, ông Ngô Đức Kế đứng phơi ra mà đối với ông Phạm Quỳnh, không có thể bảo rằng không thấy hay không biết được. Còn ngày nay, báo nhiều, người viết đông, ở trong nếu có những tay non nớt mà lại hay thò ngón khiêu khích, tôi tưởng chúng tôi sẽ có quyền làm thinh vì tự trọng, hay là nói thác rằng vì không thấy, không biết cũng được chứ; ngày nay có thể không mang tiếng “học phiệt” chỉ vì một cớ không trả lời.

Ông đã để ý đến tôi chắc ông cũng nhớ rằng trong mấy năm gần đây tôi từng trả lời cho nhiều người, có điều chẳng kể ra đây làm chi. Tôi tin rằng tôi chẳng phải kẻ chuyên chí chi luận.[2]

Nhưng mấy năm gần đây thật quả tôi hay bị công kích. Nếu tôi là học phiệt thì nhiều lần công kích ấy sẽ đánh đổ tôi đi. Mà hay là tôi đã bị đánh đổ rồi? Tôi đã nói tôi không tự biết mình bằng một người khác biết tôi biết tôi, thì điều ấy chính tôi không biết nốt.            

Trước đây có một vài anh em cảnh cáo cùng tôi, người thì bảo tôi tư tưởng dật lùi, người thì bảo tôi viết văn kém trước. Hoặc giả đó là cái triệu chứng tôi bị đánh đổ rồi chăng? Mất “cái mũ không có ngôi” thì tôi không tiếc; nhưng tôi tiếc nếu tôi không làm xong cái kế hoạch đã định.

Tôi thú nhận rằng gần nay tôi viết quả kém, và kém nhiều. Ấy cũng bởi có cớ: một trăm thứ hoàn cảnh không thích hợp, thì làm sao cho được có văn hay? Nhưng nói tôi tư tưởng dật lùi thì tôi không chịu. Người ta không thể lấy cớ tôi không theo chủ nghĩa cộng sản mà bảo tôi như thế. Cái kế hoạch của tôi còn đi tới nữa, mà tôi chưa hề làm nốt nó được trên Sông Hương là tờ báo của tôi sáng tạo ra, thì có thể nào tôi lại dật lùi?

Vì tư tưởng tôi còn đi tới, cho nên trong bài này tôi rất chú trọng ở câu chuyện ông Nguyễn Khắc Hiếu công kích tôi. Tôi đã nói là câu chuyện đáng đem ra nghị luận chưa biết chừng, tôi sẽ đem ra nghị luận.

Tư tưởng cách mạng! Tư tưởng cách mạng! Cái khẩu hiệu ấy có lẽ là còn sớm ở năm 1928, mà đã thích hợp lắm ở năm nay, trong xứ này, cái xứ phong triều cộng sản nổi ầm ầm mà dân còn coi quan như cha mẹ, và, tôi thấy, có người tự xưng là đồ đệ Mã-khắc-tư mà vẫn tin có linh hồn, có đức Chúa Trời!

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. chỗ này ý muốn nói tới bài của Phạm Mạnh Phan: Ông Phan Khôi có phải là một nhà “học phiệt” không, được tòa soạn Đông Dương tạp chí đăng như một bức thư của bạn đọc, cuối bài tòa soạn Đông Dương tạp chí ghi chú “sẽ cậy ông Phan viết bài đáp”.
  2. nguyên văn viết là “chuyên-chí chi-luận”, chưa rõ nghĩa “chuyên chí”: phải chăng ý tác giả là “chuyên chế”? Về thuật ngữ gốc Hán, không có từ “chuyên chí”, chỉ có “chuyên chế”  專 制