Việt thi/III-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Việt thi của Trần Trọng Kim
Tiểu-sử các thi-nhân

TIỂU-SỬ CÁC THI-NHÂN

Mục này nói qua tiểu-sử những thi-nhân có thơ trích-lục ra đây, trừ những người chưa biết rõ lai-lịch thì hãy để khuyết-nghi. Còn những bài không biết đích-xác là tác-phẩm của ai, thì cho là của Vô-danh thị.

ĐỜI LÊ

Nguyễn Trãi (1380 — 1442) Ông hiệu là Ức-trai tiên-sinh, người huyện Phượng-nhỡn, thuộc tỉnh Bắc-giang ngày nay, sau dời về ở làng Nhị-khê, huyện Thượng-phúc, tỉnh Hà-đông. Ông thân-sinh là Nguyễn Phi-Khanh đỗ Thái-học-sinh tức là Tiến-sĩ đời vua Anh-tông nhà Trần. Tiên-sinh đỗ Thái-học-sinh đệ-nhị giáp, tức đỗ Hoàng-giáp đời Hồ Quí-Ly. Tiên-sinh theo giúp vua Lê Thái-tổ đánh quân nhà Minh, đứng đầu công-thần nhà Lê, được phong Quan-phục hầu. Tiên-sinh là một nhà văn-học có tiếng đầu đời Lê, làm bài Bình Ngô đại cáo bằng chữ nho và có để lại sách Nữ-huấn ca và bộ Ức-trai toàn tập.

Lê Thánh-tông, niên-hiệu Quang-thuận (1460 — 1469) và Hồng-đức (1470 — 1497). Ngài là một bậc anh-quân, giỏi về đường trị nước và rất chuộng văn-học. Ngài lập ra hội Tao-đàn nhị-thập-bát tú, tức là một hội văn-học và ngài đứng đầu làm nguyên-súy, có hai người danh nho đời bấy giờ là Thân Nhân-TrungĐỗ Nhuận làm phó. Ngài hay ngâm vịnh và có làm nhiều bài thơ quốc-âm rất hay.

Bà Ngô Chi-Lan. Bà người làng Phù-lỗ, huyện Kim-anh, tỉnh Phúc-yên bây giờ. Bà thông-minh từ thủa nhỏ và sau có tiếng là hay thơ. Chồng là Phù Phúc-Hoành, người làng Phù-xá, làm quan đời vua Thánh-tông đến chức Đông-các học-sĩ. Bà được vua vời vào trong cung, giữ chức Phù-gia học-sĩ, thọ được 44 tuổi.

Lương Hữu-Khánh. Tiên-sinh là con trạng-nguyên Lương Đắc-Bằng, có tiếng hay chữ và giỏi quốc-âm.

Nguyễn Bỉnh-Khiêm (1491 — 1585). Tiên-sinh hiệu là Bạch-vân-am cư-sĩ, đỗ Trạng-nguyên năm Đại-chính (1530 — 1540) đời Mạc Đăng-Doanh, làm quan được phong tước Trình quốc-công, tục thường gọi là Trạng Trình. Ông người làng Trung-am, huyện Vĩnh-lại, tỉnh Hải-dương. Ông giỏi về Dịch-học và thuật-số, thường làm những bài sấm nói về đời sau. Ông làm rất nhiều thơ quốc-âm, nhất là lối thơ cổ-phong tám câu bảy chữ, chen những câu sáu chữ. Thơ của ông chỉ nói về cách ăn-ở theo đạo nghĩa, có vẻ chất-phác và có ý-nghĩa sâu xa. Ông có để lại bộ Bạch-vân thi-tập.

Nguyễn Lễ. Người huyện Quế-dương, tỉnh Bắc-ninh, đỗ Hoàng-giáp cuối đời Mạc, sau bỏ về đi ẩn.

Nguyễn Minh-Triết. (1567 — 1662). Ông người làng Dược-sơn, huyện Chí-linh, tỉnh Hải-dương, đỗ Thám-hoa năm 54 tuổi đời vua Lê Thần-tông, làm quan đến Binh-bộ thượng-thư, phong tước Cẩm quận-công rồi về trí-sĩ, thọ 95 tuổi. Ông là một nhà văn-học có tiếng đời bấy giờ, ai cũng kính-phục.

Lê Quí-Đôn (1726 — 1784). Ông người làng Duyên-hà, huyện Duyên-hà, tỉnh Thái-bình bây giờ. Ông đỗ Bảng-nhỡn, làm quan đời Lê Cảnh-hưng, có nhiều lần đi sứ Tàu. Ông là người rất thông-minh, lúc lên sáu tuổi đã biết làm thơ, về sau ông làm nhiều sách như: Thiên nam dư hạ tập, Vân đài loạn ngữ, Hoàng Việt văn hải, Kiến văn tiểu lục, Thượng kinh phong vật chí, v. v... Ông còn để lại những bài văn, bài phú bằng quốc-âm rất hay.

Nguyễn Quỳnh. Ông người làng An-cực, huyện Hoằng-hóa, tỉnh Thanh-hóa, đỗ cống-sinh (cử-nhân) đời Lê Cảnh-hưng. Ông là người có tài, tính hay khôi-hài. Ông hai làm văn lối hài-hước và lại rất bẻm, cho nên mới thành tên là Trạng Quỳnh, trạng đây có nghĩa là bẻm.

Nguyễn Hữu-Chỉnh. Ông người huyện Chân-lộc nay là huyện Nghi-lộc, tỉnh Nghệ-an, năm 16 tuổi đỗ cống-sinh (cử-nhân), tục thường gọi là Cống Chỉnh. Có cơ-trí và có tài biện-bác, biết nghề dùng binh tính hào-phóng, sành thanh-luật và quốc-âm, trước ông theo tướng Hoàng Ngũ-Phúc vào đánh chúa Nguyễn ở Thuận-hóa, sau theo Hoàng đình Bảo đời Lê-mạt. Phải khi có loạn kiêu binh ở kinh-đô Thăng-long, ông chạy về Nghệ-an, rồi vào theo Tây-sơn, xui Tây-sơn ra đánh họ Trịnh. Khi quân Tây-sơn rút về Nam, ông trở về Nghệ-an. Vua Chiêu-thống nhà Lê bị họ Trịnh nổi lên tranh quyền, lại triệu ông ra giúp, phong tước Bằng quận-công. Chẳng được bao lâu, tướng Tây-sơn là Vũ văn Nhậm ra bắt ông giết đi, bấy giờ là năm 1787.

Ôn-như hầu Nguyễn Gia-Thiều (1742 — 1797). Ông người làng Liễu-ngạn, huyện Siêu-loại, tỉnh Bắc-ninh, con nhà dòng-dõi được tập tước hầu, làm quan võ đời Lê Cảnh-hưng. Ông sinh vào thời loạn, vua chúa tranh nhau, thành ra ông chán việc đời, cứ uống rượu ngâm thơ cho khuây-khỏa. Ông rất sở trường về quốc-văn, có làm những bài ca như Sơn trung âm, Sở-từ điệuCung-oán ngâm khúc.

Phạm Đan-Phượng (Chiêu Lỳ) (1757 — 1793). Ông người làng An-trường, huyện Đông-ngạn, tỉnh Bắc-ninh. Tính ông hay uống rượu. Khi quân Tây-sơn ra đánh Bắc-hà ông bỏ đi tu, hiệu là Phổ-chiêu thiền-sư, thọ được 35 tuổi. Ông có để lại bộ Phổ-chiêu thiền-sư thi-văn tập.

Hồ Xuân-Hương.— Nàng sinh vào cuối đời Lê, tại phường Khán-xuân, ở quãng gần vườn Bách-thú ở Hà-nội bây giờ. Tổ-tiên người tỉnh Nghệ-an, di cư ra ở chỗ ấy. Nàng rất thôngtminh, năm 13 tuổi đã biết làm thơ. Về đường chồng-con có nhiều điều trắc-trở. Xem thơ của nàng thì biết trước nàng lấy lẻ ông phủ Vĩnh-tường, sau nàng lấy cai-tổng Cóc. Văn thơ của nàng rất tài-tình, ý-tứ dồi-dào, song có nhiều bài rất lả-lơi, kém vẻ nghiêm-trang.

Phạm đình Đổ (Chiêu Hổ) (1770 — 1840). Ông hiệu là Tùng-biên, người làng Đan-loan, huyện Bình giang, tỉnh Hải-dương. Sau khi nhà Lê mất rồi, ông ra làm quan với triều Nguyễn, làm đến chức Quốc-tử-giám Tế-tửu, rồi về trí-sĩ.

Những sách của ông có bộ Vũ-trung tùy bút, Tang-thương ngẫu lục, Kiền khôn nhất lãm. Ông lại còn để lại những thơ xướng họa với Hồ Xuân-Hương.

Ngyễn văn Giai. Người triều Lê.

Phan Mậu-Hiên — id —

Phạm Thấu. Người cuối đời Lê và đầu đời Tây-sơn.

Phạm Quí-Thích (1760 — 1825). Ông hiệu là Lập-trai, người làng Huê-đường, tỉnh Hải-dương, đỗ tiến-sĩ và làm quan đời Lê mạt. Khi vua Nguyễn Thế-tổ nhất thống cả nước, triệu ông ra làm quan, ông cáo bệnh mãi mới được. Ông là bạn thân ông Nguyễn Du tác-giả truyện Kiều. Ông ở nhà dạy học và xuất-bản truyện Kiều. Ông để lại bộ Thảo-đường thi-tập.

ĐỜI NGUYỄN

Đặng Trần-Thường. Ông người làng Lương-xá, huyện Chương-đức thuộc tỉnh Hà-đông bây giờ. Ông thi Hương đỗ sinh-đồ (tú-tài) đời Lê mạt. Sau vào theo vua Thế-tổ nhà Nguyễn, lập được nhiều công.

Nguyễn Công-Trứ (1778 — 1858). Ông người làng Uy-viễn, huyện Nghi-xuân, tỉnh Hà-tĩnh, thi đỗ giải-nguyên đời Gia-long, làm quan Hải-An tổng-đốc (Hải-An là Hải-dương và Quảng-yên) cho nên tục thường gọi là cụ Thượng Trứ. Ông có tài chính-trị và giỏi nghề dùng binh, làm quan văn mà lập được nhiều võ-công. Khi ông làm chức Doanh-điền-sứ, ông lập ra huyện Kim-sơn ở Ninh-bình và huyện Tiền-hải ở Thái-bình. Tuy ông là người làm quan giỏi nhất trong triều Nguyễn, nhưng thường bị gièm-pha, cứ phải giáng phải truất luôn. Sau cùng về làm chức Thừa-thiên phủ-doãn rồi về trí-sĩ, thường cỡi con bò đi chơi sơn-thủy. Ông làm nhiều bài ca-trù và thơ quốc-âm rất hay, thật là một nhà học rộng tài cao xưa nay ít có.

Phạm văn Nghị. Ông người xã Tam-đăng, huyện Đại-an, tỉnh Nam-định, đỗ hoàng-giáp năm Minh-mệnh thứ 19, tục thường gọi là ông Hoàng-giáp Tam-đăng.

Bà Huyện Thanh-quan. Bà là con ông nho Dương, người làng Nghi-tàm gần Hà-nội, vợ ông Lưu Nghị ở làng Nguyệt-áng, huyện Thanh-trì, đỗ cử-nhân đời Minh-mệnh,làm tri-huyện huyện Thanh-quan thuộc tỉnh Thái-bình bây giờ, bởi vậy người ta gọi là bà Huyện Thanh-quan. Đến đời Tự-đức, bà được triệu vào kinh làm chức Cung-trung giáo-tập. Bà để lại nhiều bài thơ rất hay, tình-tứ tao-nhã và lời lẽ trang-nghiêm.

Vua Dực-tông, niên hiệu Tự-đức (1848 — 1883). Ngài là ông vua rất chuộng văn-học, thường hay ngâm vịnh và dịch sách Luận-ngữ ra quốc-âm.

Phan-Thanh Giản (1796 — 1867). Ông dòng-dõi người Minh-hương ở làng Bảo-thạnh, huyện Bảo-an, tỉnh Vĩnh-long, tức là Bến-tre bây giờ. Ông đỗ tiến-sĩ năm Minh-mệnh thứ bảy. Năm Tự-đức thứ 15 (1862) ông được cử vào Gia-định ký hòa-ước với nước Pháp, năm sau ông sung chức chánh sứ sang Pháp để điều-đình sự chuộc lại ba tỉnh Nam-kỳ. Việc không xong, ông trở về sung chức kinh-lược-sứ ở ba tỉnh phía tây Nam-kỳ. Khi quân Pháp chiếm nốt ba tỉnh ấy, ông nhịn ăn rồi uống thuốc độc mà chết. Ông là một nhà văn-học có tiếng ở Nam-kỳ.

Nguyễn văn Siêu (1798 — 1872). Ông hiệu là Phương-đình, người làng Kim-lũ, huyện Thanh-trì, tỉnh Hà-đông, đỗ phó-bảng năm 1838 đời Minh-mệnh. Ông cùng đồng thời với ông Cao bá Quát, hai người nổi tiếng có tài văn thơ, tục có câu; « thần Siêu thánh Quát » nghĩa là hai ông giỏi thơ như thần như thánh.

Nguyễn Đăng Giai. Chưa rõ ông quê-quán ở đâu chỉ biết vào đời Tự-đức ông làm tổng-đốc Hà-nội. Ông sùng đạo Phật, thường gọi là ông Thượng Giai.

Nguyễn Khải-Xuyên, chưa biết rõ.

Ba Giai, người cuối đời Tự-đức, ở Hà-nội, tính du-đãng và hay thơ nôm.

Hoàng Mông-Đạt, người làng Tân-hội, huyện Tân-long, tỉnh Gia-định, đỗ cử-nhân đời Minh-mệnh. Khi Nam-kỳ thuộc về nước Pháp, ông ra làm quan đến chức tuần-phủ tỉnh Hà-tiên. Ông cùng đồng thời với Tôn Thọ-Tường đều được người Pháp tin dùng.

Tôn Thọ-Tường (1825 — 1877). Ông người tỉnh Gia-định, đỗ cử-nhân, sau lại làm quan với Chính-phủ thuộc-địa của Pháp đến chức Đốc-phủ, thường gọi là đốc-phủ Tường. Ông cùng với Hoàng Mộng-Đạt có tiếng hay thơ trong miền Nam.

Nguyễn Đình Chiểu (1822 — 1888). Ông người làng Tân-thới, huyện Bình-dương, tỉnh Gia-định, đỗ tú-tài năm Thiệu-trị thứ ba (1843). Ông là người có khí tiết, chẳng may phải khi quân Pháp sang chiếm đất Nam-kỳ, ông lại mắc bệnh mù cả hai mắt, chạy về ở Ba-tri, thuộc Bến-tre, mở trường dạy học, tục gọi là ông Đồ Chiểu. Ông từ chối hết mọi sự giúp-đỡ của người Pháp và cứ an bần lạc đạo cho đến cùng. Ông để lại quyển Ngũ-kinh gia-huấn ca, truyện Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y-thuật vấn đápDương-từ Hà mậu.

Phan Văn Trị, người Nam-kỳ, đỗ cử-nhân.

Bà Bảng-nhỡn. Bà là vợ ông Phan Quỳ, tục thường gọi là bà Bảng-nhỡn, không hiểu tại lẽ gì. Bà là người tỉnh Quảng-nam, có tiếng hay thơ quốc-âm.

Tuy-Lý Vương (1820 — 1897). Ông là con thứ 11 vua Minh-mệnh, cùng với Tùng Thiện Vương là hai người có tiếng hay thơ. Về đời Tự-đức vì có việc biến loạn ở trong cung, ông phải đày vào ở Quảng-nghĩa đến khi quân Pháp vào lấy thành Huế, lập vua Đồng-khánh lên, mới được triệu về kinh. Vua Thành-thái lên ngôi, cử ông làm Phụ-chính.

Phạm như Xương, chưa biết rõ.

Thái duy Thanh, chưa biết rõ.

Nguyễn Khuyến (1835 — 1909). Ông người làng Yên-đỗ, huyện Bình-lục, tỉnh Hà-nam bây giờ. Trước ông tên là Nguyễn văn Thắng, sau đổi là Nguyễn Khuyến, hiệu là Quế-sơn, thi Hương đỗ giải-nguyên, năm sau thi Hội, đỗ hội-nguyên rồi vào thi Đình lại đỗ đình-nguyên, cho nên tục thường gọi là ông Tam nguyên Yên-đỗ. Phải lúc trong nước có biến, ông thôi quan về ở nhà dạy học. Ông là một thi-nhân có tiếng về thời gần đây và vì cảnh-ngộ trong nước cho nên giọng văn của ông thường có vẻ chua-cay và ai-oán.

Chu Mạnh Trinh (1862 — 1905). Ông người làng Phú-thị, huyện Đông-yên, tỉnh Hưng-yên, đỗ tiến-sĩ đời Thành-thái thứ tư (1892) làm quan đến chức Án-sát-xứ, xin về nghỉ. Ông là người tài-tình, hay thơ, giỏi đàn, có để lại tập thơ vịnh Kiều.

Trần Kế Xương (1870 — 1906). Ông người làng Vị-xuyên, huyện Mỹ-lộc, tỉnh Nam-định. Trước tên là Trần Cao-Xương, sau đổi là Tế-Xương, sau lại đổi là Kế-Xương, hiệu là Vị-thành, tự Tử-thịnh. Ông thi đỗ tú-tài năm 1891, nên tục thường gọi là ông Tú Xương. Ông có tài làm thơ quốc-âm, nhưng phần nhiều là thơ khôi-hài và hay có giọng khinh-bạc, không phải lối thơ để làm kiểu-mẫu. Ông thọ có 37 tuổi.

Phan Kế-Bính. Ông người làng Thụy-khuê, gần Hà-nội. Ông học rộng và có khí-tiết, đỗ cử-nhân, không ra làm quan. Ông thường viết trong các báo-chí và chuyên về mặt khảo-cứu. Ông để lại sách Nam-hải dị nhân, truyện Trần Hưng đạo-vương Việt-Hán văn-khảo và sách Việt-nam phong-tục ký.

Trần đức Văn, ông là một người nho-học, thường viết ở các báo-chí, mất vào quãng 1920.

Hoàng gia Hội (1870 — 1938). Ông người làng Hạ-yến-quyết, tức là làng Cót, nay thuộc về ngoại thành Hà-nội. Ông đỗ cử-nhân năm Bính-ngọ (1906) và mất năm 1938.

Dương bá Trạc (1884 — 1944). Ông người làng Phú-thị, phủ Khoái-châu, tỉnh Hưng-yên, đỗ cử-nhân từ khi mới 17 tuổi, không ra làm quan. Ông chung thân lo việc nước, gặp nhiều gian-truân, khi bị đày ở đảo Côn-lôn, khi phải an trí ở Nam-kỳ, thế mà không bao giờ nản chí. Trong cuộc đại chiến-tranh (1939 — 1945), ông ra ở Tân-gia-ba rồi mắc bệnh mất ở đấy.

Từ Diễn-Đường. Ông người làng Từ-hồi, phủ Thường-tín, tỉnh Hà-Đông, có tiếng là hay thơ nôm.

Tú Quỳ. Người tỉnh Quảng-nam, không rõ họ gì và ở làng nào, có tiếng hay thơ nôm.