Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim/I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim của Ngô Tất Tố
I. Tại sao bây giờ tôi mới nói đến sách này?

I

Tại sao bây giờ tôi mới nói đến sách này?

Nho-giáo ra đời đã gần mười năm, bây giờ vô cố tôi đem nó ra phê-bình, không khỏi có người cho là một việc quá muộn nếu không ngờ là việc tư-hiềm.

Thưa không! Bây giờ phê-bình sách ấy mới vừa, để chậm một, vài năm nữa, cố-nhiên sẽ bị chậm quá, nhưng nếu nói sớm một vài năm trước. cũng là sớm quá.

Sớm quá cũng như chậm quá, đều có hại cho sự phê-bình.

Sao vậy?

Số là sau khi cuốn Nho-giáo thứ nhất xuất bản được một hai tháng chi đó, tôi liền được đọc những nhời giới thiệu của ông Phan Khôi đăng trong báo « Phụ-nữ-tân-văn »

Ngoài việc bắt bẻ lặt vặt những chữ «Lương tri», «Trực-giác» «Vô-cực», «Thái-cực» cho có chuyện, ông Khôi hết sức xưng-tụng công trình của Nho-giáo và khuyên những người An-Nam đều phải thắp hương mà đọc.

Tuy rằng sau đó vì bài giới-thiệu ấy mà giữa ông Khôi và ông Trần-trọng-Kim đã xẩy ra một cuộc bút chiến. kéo dài ba, bốn kỳ báo. nhưng nó cũng chỉ nội trong phạm-vi mấy chữ trên kia, chứ không lan ra chỗ khác

Tôi vốn tin sự phê-bình của ông Khôi cho nên tôi cũng tin luôn Nho-giáo là sách hoàn-toàn, tuy chưa đọc sách ấy.

Tình cờ một hôm xem cuốn Việt-Nam sử lược, trong bài dụ của triều Minh-Mệnh nói về tội trạng ông Lê-văn-Duyệt, thấy có một đoạn, soạn giả vì không hiểu cách đặt câu của Hán-văn, đã dịch sai ý nguyên văn tự-nhiên tôi sinh hoài-nghi cái sức Hán-học của tác giả Nho-giáo

Công việc biên-tập một bộ Nho-giáo bằng quốc-văn phải là người Hán-học uyên bác thì mới làm nổi trước kia tôi vẫn nghĩ vậy. Nhưng, sự tin-tưởng ấy đã bị đánh đổ trước câu hỏi này:

Một người có thể dịch sai đạo dụ của triều Minh-Mệnh, chắc đâu đã dịch được đúng tất cả ý nghĩa của tử, sử đời xưa!

Rồi tôi cố kiếm cho được toàn-bộ Nho-giáo mà đọc. Nhưng chỉ thắp đèn chứ không thắp hương như lời ông Khôi đã dặn.

Đọc đi đọc lại đến hai, ba lượt, càng đọc càng bị thất vọng. Té ra trong bộ “Nho-giáo” còn có nhiều chỗ khuyết điểm, không phải tốt-đẹp trọn-vẹn như lời giới-thiệu của Phan-quân.

«Vì lẽ gì nhà luân-lý-học lại nói không đúng luận-lý như thế?»

Tôi đã hỏi ông Phan-Khôi câu ấy. Và tôi rất phục cái chỗ sai luân-lý học của ông nhà Nho vẫn hay khắt khe trong sự phê bình đó khi thấy ông ấy trả lời thế này.

«Cố nhiên “Nho-giáo” không phải là sách hoàn toàn như ý chúng ta đã muốn. Nhưng, nền văn-học nước mình hiện nay trống-trơn, chưa có chi hết, thế thì đối với những cuốn có công như cuốn “Nho-giáo”, chúng ta cần phải chín bỏ làm mười, để khuyến khích người khác. Nếu cứ cầu đoán trách bị, thấy chỗ dở là công-kích bừa đi, e rằng sau này không ai dám nghĩ đến việc trứ-thuật nữa!»

Phải lắm! Trước cảnh tượng hiu quạnh của nền văn-học nước nhà, ngọn bút phê-bình không nên nghiêm-khắc với nhà trứ thuật, dù sự nghiêm-khắc ấy chỉ là ngang bằng, sổ ngay.

Bởi tôi tán đồng cái ý kiến ấy của ông Khôi, cho nên lúc đó tôi phải gác lại Nho-giáo một bên, không nghĩ đến việc phê-bình

Từ đó đến nay, thấm-thoát đã bẩy, tám năm, trong văn-giới cũng như trong báo-giới, không ai nói tới sách ấy. Chắc là các bạn đồng-nghiệp cũng nghĩ như chúng tôi vậy.

Tuy vậy, cái cảnh nghèo-nàn của nền văn-học nước nhà nó chỉ có quyền bắt-buộc chúng ta hoãn việc phê-bình Nho-giáo, chứ không có phép ngăn-cản chúng ta không được động đến sách ấy.

Là vì, với một cuốn sách có quan-hệ đến tư-tưởng, học-thuật của một dân-tộc, không ai được phép, vì nể tác-giả mà nể luôn cả sự sai-lầm trong sách để di-ngộ cho người đời sau.

Vậy thì dù có cảm tình với tác-giả Nho-giáo chúng ta cũng chỉ có thể chờ đến dịp nào lời phê-bình không làm hại cho sự tiêu-thụ của sách ấy, thì hãy đem mà phê-bình. Thế mà thôi.

Dịp ấy chính là dịp này Nho-giáo in ra trong bấy nhiêu năm, nó đã được bán một hồi khá dài, trên xe lửa và dưới bến ô-tô, một đôi khi đã thấy trẻ con đem nó mà rao một giá rất hạ, chắc là trong kho của nhà xuất-bản cũng không còn lại mấy nỗi

Vả lại, Nho-giáo in lần thứ nhất ít ra cũng vài nghìn cuốn. Khi mà nó đã bán hết, ấy là trong nước Annam đã có vài nghìn bộ óc hiểu lầm đạo giáo của phái Nho.

Người đã công-nhiên đem sự hiểu lầm của mình truyền thêm cho kẻ khác là ông Hoàng-Đạo.

Với ba số báo Ngày nay ra hồi tháng bảy năm nay,[1] ông này đã đáp lại những chỗ sai-lầm trong cuốn Nho-giáo, rồi thêm-thắt vào ít nhiều tài-liệu không chắc chắn, mà nói oan cho cụ Khổng nhiều điều.

Trong các độc-giả của Nho-giáo, số người hiểu lầm như ông Hoàng-Đạo không phải là ít.

Rồi đây Hán-học sẽ đến tiêu-diệt, muốn khảo cứu Nho-giáo, người ta cũng làm như ông Hoàng Đạo, chỉ tìm ở bộ Nho-giáo mà thôi. Nếu như những chỗ sai lầm của sách ấy không bị đính-chính, thì với những người đẻ sau vài chục năm nữa, Nho-giáo sẽ là «Trần trọng-Kim giáo», không phải đạo giáo của Khổng-tử và tiên-nho nữa,

Hơn nữa các cuộc phê-bình văn chương cũng giống như cuộc đá bóng, mình đá đi, lại phải có người đá lại và phải có người chứng kiến, thì mới là sự công bằng. Hiện nay ông Kim tuy già nhưng vẫn còn mạnh, Hán-học tuy tàn, nhưng hãy còn ít ông nhà nho hiểu thấu chân-tướng của Nho-giáo. Lúc này đem bộ “Nho giáo” phê bình, tức là một cuộc đá bóng còn có bên địch và còn có người đứng làm trọng-tài Hoãn lại một vài năm nữa, hoặc giả ông Kim sức già yếu, không viết được bài cãi lại, hay là các ông nhà Nho dần dần điêu-linh, không còn ai làm chứng cho sự phải quấy của đôi bên, thì cuộc phê-bình ấy không có giá trị gì nữa.

Trên kia tôi nói bây giờ phê bình mới vừa là ý như thế.

Tuy vậy “Nho-giáo” tuy có nhiều chỗ sai lầm, nhưng mà những chỗ sai lầm ấy phần nhiều ở cuốn thứ nhất. Từ cuốn thứ hai trở đi, hầu hết dịch theo sách Tầu không bị sai lầm mấy nỗi. Nếu đem công mà trừ với tội, thì nó vẫn là có công với nền văn học nước nhà. Có lẽ thứ sách ghi lại học thuật tư-tưởng đời cổ của mình ngoài này cũng khó mà mong có bộ thứ hai.

Thật thế, ngày nay các ông Tây học phần nhiều chán ghét Nho-giáo, không chịu để ý đến nó. Còn phái Hán-học, ngoài ông Phan-Khôi, thì có ông Huỳnh-thúc-Kháng may đủ tư-cách làm được sách ấy. Nhưng vì cớ gì chưa rõ, cả hai ông này hình như đều định để cho cái học của mình theo mình xuống cõi trăm năm, đến nay vẫn chưa ai đả-động đến việc làm sách làm vở. Như thế, còn ai là người soạn lại sách Nho-giáo nữa?

Vì thế chúng ta cần phải coi trong bộ Nho-giáo hiện đương có này, không nên vì những chỗ sai-lầm mà duồng bỏ tất cả toàn thể của nó.

Một điều cần nói thêm là: Trong việc phê-bình, đáng lẽ phải nói tất cả chỗ hay chỗ dở Nhưng, ở cuốn Nho giáo cái hay chỉ là những chỗ nhằm-đúng, không có gì lạ. Với một cuốn sách chuyên về khảo-cứu sự nhằm đúng tức là phận-sự của tác-giả, không phải là việc cần nên ca-tụng.

Vậy trong tập phê bình này, xin miễn nói đến chỗ hay của Nho giáo và những chỗ sai-lầm mà ngày trước ông Phan-Khôi đã chỉ ra rồi. Từ đoạn sau trở xuống, tôi chỉ nên ra ít điều khuyết-điểm của nó mà thôi.

  1. Năm 1938.